dimanche 13 janvier 2013

Chúa nhật I TN C - Thánh vịnh 28

Tuần I TN C



13/01/13                                CHÚA NHẬT TUẦN 1 TN – C
Chúa Giêsu chịu phép rửa                    Lc 3,15-16.21-22
CẤP ĐỘ THANH TẨY
“Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3,16)
Suy niệm: Muốn sống khoẻ, con người cần phải sạch sẽ vệ sinh. Con người luôn có nhu cầu thanh tẩy mình khỏi những dơ bẩn do môi trường bên ngoài cũng như do sự đào thải tế bào của cơ thể ben trong. Về mặt luân lý, con người cũng cần phải thanh tẩy mình khỏi những vết bẩn tinh thần. Gioan Tẩy Giả đã đến đánh thức nhu cầu thanh tẩy lương tâm nơi nhiều người bằng cách ăn năn hối cải những việc làm xấu xa tội lỗi của mình và dốc quyết là điều thiện. Nhưng việc thanh tẩy của Gioan chưa phải là triệt để vì tội lỗi vẫn chưa được xoá bỏ. Gioan làm chứng rằng con người cần phải được thanh tẩy ở một cấp độ sâu xa hơn, do Đấng được Thánh Thần ngự xuống, Đấng ấy “sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa.”
Mời Bạn: Bạn có cảm thấy nhu cần cần phải thanh tẩy chính tâm hồn của bạn bằng cách không ngừng hoán cải để kết hiệp với Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng Chịu đóng đinh thập giá và đã sống lại? Mời bạn dìm mình, dìm những tư tưởng sâu kín trong lòng bạn, dìm chính linh hồn của bạn vào dòng nước và dòng máu chảy ra từ cạnh sườn của Đấng Cứu Thể để được tái sinh vào sự sống mới.
Sống Lời Chúa: Mỗi lần lãnh nhận bí tích hoà giải, tôi quyết tâm chừa bỏ hẳn một tội mà tôi thường phạm nhất, một nết xấu mà tôi thường quyến luyến nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con thấy mình vẫn đang sống đời sống của một con người cũ, con người của xác thịt với những đam mê nghịch với thần khí, xin Chúa thanh tẩy chúng con bằng lửa tình yêu và Thánh Thần của Ngài.

14/01/13                                             THỨ HAI TUẦN 1 TN
                                                                            Mc 1,14-20
NỘI DUNG CHÍNH CỦA TIN MỪNG
“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15)
Suy niệm: Năm 47 trước CN, sau khi chinh phục được thành Pontô vùng Tiểu Á, Giuliô Xêda, hoàng đế Rôma sau này, đã mô tả cuộc chiến thắng thần tốc của mình trong vỏn vẹn có mấy từ: “Veni, vidi, vici” (nghĩa là: ‘Tôi đã đến, tôi đã thấy, tôi đã thắng’). Những nhà hùng biện tài ba đều biết tóm tắt sứ điệp của mình bằng những lời ngắn gọn, rõ ràng, nhưng thật hàm súc, dứt khoát. Chúa Giê-su cũng tóm tắt nội dung của sứ điệp Ngài rao giảng bằng những lời thật đanh thép và súc tích: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Như vậy điều cốt yếu để vào Nước Trời không phải là lời giảng thuyết hùng hồn hay những phép lạ vĩ đại mà là sám hốitin vào lời rao giảng của Đức Giê-su.
Mời Bạn: Có những thứ “râu ria” nào thường làm bạn quên mất nội dung chính của Lời Chúa? Phải chăng là việc quá bận tâm đến những nghi thức bên ngoài: sau những kỳ đại lễ bạn cảm thấy thoả mãn vì đã tổ chức lễ hoành tráng những nghi thức trang trọng? Hay bạn yên tâm vì mình vẫn đi lễ, rước lễ thường xuyên, vẫn làm phúc bố thí, đóng góp vào việc chung? Tất cả những điều đó đều cần nhưng chưa đủ, còn phải có lòng sám hối và lòng tin nữa!
Chia sẻ: Khi loan báo Tin Mừng cho anh em, bạn có nhớ “chốt” vào nội dung chính này không?
Sống Lời Chúa: Trước khi làm các việc đạo đức bạn hãy dọn mình bằng cách sám hối tội lỗi của mình và giục lòng tin vào Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn con đến với Chúa với cả tấm lòng hơn là của lễ. Xin giúp con biết sám hối thật lòng và tăng thêm lòng tin cho con.

15/01/13                                              THỨ BA TUẦN 1 TN
                                                                            Mc 1,21-28
LỜI NÓI ĐI ĐÔI VỚI CUỘC SỐNG
Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Capharnaum. Ngay ngày Sabat, Nguòi vào Hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. (Mc 1,21-22)
Suy niệm: Ngày Sabat Chúa Giêsu vào hội đường giảng dạy... đuổi trừ ma quỷ… chữa lành bệnh nhân. Ngài đã làm tất cả các công việc ấy trước mặt và cùng với 4 môn đệ tiên khởi Ngài mới chọn gọi, không cần chờ đợi cho đến khi chọn đủ số 12! Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có quyền chứ không như các kinh sư: Các ông này có giảng dạy thì cũng chỉ nhắc lại các công thức đã học thuộc lòng, nhưng Đức Giêsu, khi giảng dạy là Người nói những điều từ nội tâm Người đã sống, cho nên có một uy thế hấp dẫn khác và nhất là có hiệu lực đối với các thính giả của Người.
Bạn nghĩ sao? Chúa Giêsu vào hội đường ngày Sabat, chẳng khác chi chúng ta đi lễ Chúa Nhật, Chúa cũng theo Lề Luật như mọi người. Có khi nào bạn cảm thấy giữ Lề Luật Giáo Hội như đi lễ, đi xưng tội… là nặng nề không nhỉ ?… Vậy mà chính Chúa Giêsu đã không nề hà việc sống theo Lề Luật!
Rồi Chúa Giêsu giảng dạy, gây ngạc nhiên cho người nghe, còn chúng ta, khi phải nhắc nhở con cái, em út, bạn bè về Chúa hay về Đức Kitô, chúng ta dạy dỗ nhắc nhở cách nào nhỉ? Bạn giống ai? Giống các kinh sư: lo dạy như kẻ làm thầy, kẻ cả, nhắc các công thức học thuộc lòng rỗng tuếch? Hay bạn giống Chúa Giêsu, như một “đầy tớ–chứng nhân” của Lời Chúa? Khác lắm bạn ạ!
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho lời nói của con luôn đi đôi với cuộc sống của con, để con có thể nên chứng nhân đích thực của Chúa!

16/01/13                                              THỨ TƯ TUẦN 1 TN
                                                                            Mc 1,29-39
VÒ RỖNG BÊN GIẾNG NƯỚC
Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ đau ốm và những ai bị quỷ ám đến cho Chúa Giêsu. Cả thành xúm lại trước cửa. (Mc 1,32-33)
Suy niệm: Cũng như thời Chúa Giêsu, ngày nay vẫn có đông đảo con người “hy vọng được thỏa mãn ước muốn sâu xa nhất trong tâm hồn, chỉ có ước muốn ấy mới có thể đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống.” Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới vừa qua khẳng định như thế và ví con người thời đại hôm nay như đang ngồi cạnh giếng nước với một chiếc vò rỗng, tựa người phụ nữ xứ Samari xưa. Giáo Hội ý thức bổn phận phải ngồi cạnh những con người nam nữ thời nay, người già-người trẻ, người giàu-người nghèo… để làm cho Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ và để họ được gặp Chúa, vì chỉ mình Chúa là nước ban sự sống đích thực và là Đấng duy nhất nói cho con người về sự thật trong tâm hồn mỗi người và chữa lành mọi người. Nhu cầu hồi sinh đức tin trong thế giới càng lớn, thì trách nhiệm Kitô hữu càng nặng nề, đòi hỏi khẩn thiết mọi Kitô hữu tiếp tục vị trí của Chúa Giêsu bên cạnh những người đang trong cơn bệnh và cơn khát được sống, tiếp tục công việc của Ngài rót vào tâm hồn họ sự sống của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Các Tông Đồ, các vị tử đạo, các thừa sai đã cảm thấy bất hạnh nếu không loan báo Chúa Giêsu cho mọi người. Bạn thì sao?
Chia sẻ: Bạn làm gì để có thể giúp hồi sinh đức tin cho người bên cạnh?
Sống Lời Chúa: Mạnh dạn giới thiệu Chúa Giêsu cho một người gần bên bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin khơi lại cho chúng con những điều phải tin, những việc phải làm, để đức tin chúng con mỗi ngày thêm sâu sắc và trưởng thành hơn. Amen.

17/01/13                                           THỨ NĂM TUẦN 1 TN
Th. Antôn, viện phụ                                         Mc 1,40-45
THƯƠNG XÓT NHƯ THẦY MÌNH
Đức Giêsu chạnh lòng thương, giơ tay đụng đến anh và bảo: “Ta muốn, anh sạch đi.” (Mc 1,41)
Suy niệm: “Tôi luôn nhận ra rằng lòng nhân từ sinh hoa trái phong phú hơn là sự công bằng tuyệt đối” (Tổng thống Mỹ A. Lincoln). Lẽ ra người phong cùi này phải đứng cách Đức Giêsu hai mét như luật định. Lẽ ra Ngài không được phép  đụng vào anh như lề luật chỉ rõ. Thế nhưng, đối với Đức Giêsu, trong cuộc sống chỉ có luật duy nhất là luật yêu thương, cần và phải bày tỏ lòng thương xót với người thân cận. Bàn tay thanh sạch của Ngài đụng đến anh, một kẻ không được đụng đến. Điều kỳ diệu đã xảy ra: chứng phong biến mất, anh được thanh sạch. Nét độc đáo của Kitô giáo là đụng đến người không ai muốn đụng đến, yêu người không ai muốn yêu, và tha thứ cho kẻ không ai muốn tha thứ, vì Chúa của mình đã làm như vậy.
Mời Bạn: “Không ai hư mất trong mắt Thiên Chúa, ngay cả khi xã hội đã kết án người ấy” (Hồng y J. Lustiger). Bạn hãy nhìn ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, rồi thực hiện lòng thương xót ấy với những người đau khổ chung quanh bạn: đau khổ thể xác, đau khổ tinh thần. Bạn cũng không loại trừ ai ra khỏi thế giới bạn, vì không ai bị hư mất trong cái nhìn của Chúa.
Sống Lời Chúa: Lâu nay tôi thường đối xử khắc nghiệt, không khoan dung với ai? Hôm nay tôi sẽ thay đổi cách ứng xử, bày tỏ lòng trắc ẩn, nhân từ với những người anh em ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con nhìn ngắm mẫu gương yêu thương của Chúa qua việc bày tỏ lòng thương xót với những người bất hạnh. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, luôn cư xử với nhau trong lòng nhân ái. Amen.

18/01/13                                            THỨ SÁU TUẦN 1 TN
Bắt đầu tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất kitô hữu Mc 2,1-12
CON ĐÃ ĐƯỢC THA TỘI RỒI!
Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,5)
Suy niệm: Người bại liệt không đi được, phải khiêng. Người khiêng không chen vào được, phải trổ mái nhà để có thể đặt bệnh nhân xuống trước mặt Đức Giêsu. Thật là vất vả. Niềm hy vọng được Đức Giêsu chữa bệnh thật lớn biết bao! Nhưng sự đáp ứng của Người thoạt xem ra dường như ‘trật khớp’: thay vì chữa bệnh, Người lại...tha tội! Có lẽ không chỉ những kinh sư mà cả người bại liệt lẫn đám đông có mặt ở đấy đều bị bất ngờ. Và đây là một sứ điệp lớn:
1- Lành bệnh là điều quan trọng, nhưng được giải phóng khỏi tội lỗi là điều quan trọng hơn nhiều. (Chính tội lỗi là căn nguyên của đau khổ, bệnh tật, và sự chết).
2- Đức Giêsu là Đấng tha tội, bởi Người chính là Thiên Chúa.
Mời Bạn tự vấn về cảm thức tội lỗi nơi mình. Bạn có nhận thấy mình là tội nhân không? Bạn cảm thấy khổ tâm đến mức nào vì tình trạng tội lỗi của mình (chẳng hạn, so sánh với những nỗi khổ của bạn do nghèo túng, bệnh tật, cô đơn...)? Giữa bao nhiêu vấn đề cần giải quyết hiện nay trong đời sống của bạn, vấn đề khẩn cấp nhất là tội lỗi. Bạn hãy đến với Chúa Giêsu. Chỉ có Ngài mới có thể giải phóng bạn khỏi sự ràng buộc do tình trạng tội nơi bạn.
Chia sẻ: Có người bảo con người thời nay bị lu mờ cảm thức về tội lỗi nên khó sám hối. Mời bạn cho một ví dụ.
Sống Lời Chúa: Thành tâm sám hối về tội lỗi mình và quyết tâm đổi mới cuộc sống ngày từ bây giờ. Bạn sẵn sàng để lãnh bí tích Hòa Giải sớm hết sức có thể.
Cầu nguyện: Đọc chậm rãi Kinh Ăn Năn Tội.

19/01/13                                            THỨ BẢY TUẦN 1 TN
                                                                            Mc 2,13-17
VỊ THẦY CỨU CHỮA NHÂN LOẠI
“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” (Mc 2,17)
Suy niệm: Dù đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng y khoa vẫn phải bó tay trước một số căn bệnh như ung thư, AIDS... Con người luôn mong có những vị thầy thuốc có thể chữa bá bệnh cho nhân loại, căn bệnh thể lý cũng như tâm hồn. Đọc các sách Tin Mừng, ta nhận ra trong ba năm thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã cứu chữa tận căn mọi bệnh tật, cả thể xác lẫn tâm hồn. Lêvi đã may mắn gặp được vị thầy thuốc trong mơ ấy. Nghề thu thuế khiến đôi tay Lêvi bị bẩn, tâm trí đen tối, trái tim chai đá. Vì nghề thu thuế, ông không được tham dự nghi thức tôn giáo, bị mọi người thù ghét. Tất cả chỉ vì tiền! Chúa thấy Lêvi, thấy cả con người nội tâm đang dằng co của ông. Chúa gọi Lêvi, ông đáp lại, đứng dậy đi theo Người. Lêvi đã mời Chúa vào nhà cuộc đời ông, để Chúa cứu chữa tâm hồn mình.
Mời Bạn: Nhân loại đang bế tắc vì bệnh tật, nghèo đói, bất công. Bạn thao thức gì để cứu đời cứu người? Tuy nhiên, bạn cũng ý thức rằng dù nỗ lực đến đâu, nhưng “lực bất tòng tâm,” mình bạn và nhóm của bạn không làm gì được! Bạn cần xác tín vào quyền năng Chúa, còn mình chỉ là dụng cụ, là “cây bút chì” trong tay họa sĩ là Thiên Chúa như kiểu nói của Mẹ Têrêxa Calcutta. Trước tiên để Ngài cứu chữa tâm hồn bạn, rồi cùng với Ngài, bạn góp một tay làm dịu bớt đi những đau khổ của người anh em.
Sống Lời Chúa: Lặp lại lời nguyện tắt: “Lạy Chúa Giêsu, con mời Chúa vào nhà con.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến để cứu chữa những gì đã hư mất. Chúa biết rằng con cần Chúa, vì chỉ có Chúa mới là vị Cứu Tinh thật sự đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho con. Amen.

jeudi 10 janvier 2013

Chúa nhật lễ Hiển Linh-Thánh vịnh 71

Tuần lễ Chúa Hiển Linh năm C



06/01/13                            chúa nhật lễ hiển linh – c
                                                                               Mt 2,1-12
VẤN NẠN CHO NGƯỜI KITÔ HỮU
Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: “Đức vua Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. (Mt 2,1-3)
Suy niệm: Thật là một điều nghịch lý: Dân Do Thái từ lâu đã trông đợi Đấng Cứu Tinh, họ đã được các ngôn sứ tiên báo, thế mà khi Ngài đến, họ đã không dành nổi cho Ngài một chỗ ở giữa họ, lại còn bối rối xôn xao vì sự xuất hiện của Ngài. Đau đớn thay, họ nắm giữ kho tàng mạc khải mà lại không nhận ra Ngài! Trong lúc ấy, các nhà chiêm tinh đại diện cho thế giới của lương dân chỉ biết lần theo dấu chỉ tự nhiên lên đường tìm kiếm: “Đức vua Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu?” Họ muốn biết để đến thờ lạy Ngài. Hài Nhi mới sinh đó có tầm quan trọng quyết định với cuộc đời họ. Vì thế, họ không ngần ngại chấp nhận một cuộc phiêu lưu đường dài với niềm khao khát gặp gỡ. Cuộc dấn thân của họ càng làm cho câu hỏi họ đặt ra thêm nặng ký.
Mời Bạn: Bạn có cảm thấy thán phục thiện chí và nỗ lực của những người thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và gia nhập Hội Thánh? Phần chúng ta, bối rối, xôn xao như Hêrôđê hay thao thức với sứ mệnh truyền giáo cho lương dân?
Chia sẻ: Chia sẻ kinh nghiệm nhận biết Chúa qua những dấu chỉ tự nhiên.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy cầu nguyện cho một gia đình lương dân, và giúp họ nhận biết Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con luôn thao thức với việc tìm kiếm Chúa và loan báo Tin Mừng cho lương dân.

07/01/13                                THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH
Th. Râymunđô Pênhapho, linh mục    Mt 4,12-17.23-25
TIẾP NỐI SỨ VỤ CHÚA GIÊSU
Đức Giêsu đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. (Mt 4,23)
Suy niệm: Galilê nằm ở miền bắc Palestine, từ bắc chí nam dài 80 cây số, thời Chúa Giêsu có 294 làng, mỗi làng độ 15 ngàn dân. Khi mới vào đất hứa, miền này dành cho chi tộc Ase, Naptali và Dơvulun nhưng luôn có người Canaan cư ngụ nên đây là vùng cư dân tạp chủng. Sứ vụ của Chúa Giêsu diễn ra hầu hết tại lãnh thổ đông dân và nhiều dân ngoại này. Chính tại đây Chúa đã chia sẻ cuộc sống và làm cho người ta nhận biết và đón nhận tình yêu Thiên Chúa qua việc rao giảng Tin Mừng, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Ngài đã mang ánh sáng cứu độ đến cho những người còn ngồi trong bóng tối tội lỗi và tử thần.
Mời Bạn: Thế giới ngày nay tràn ngập thông tin, kiến thức nhiều nhưng điều minh triết thực lại hiếm hoi. Chúng ta được kêu mời để tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Đây không phải thông truyền hiểu biết loài người nhưng là rao giảng sự khôn ngoan, chân lý vĩnh cửu của Thiên Chúa trong niềm tin vào quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi đem Tin Mừng cho người khác, tôi đem cho họ điều cốt yếu nhất cho sự sống của họ.
Chia sẻ: Trong Năm Đức Tin, chúng tôi có việc gì cụ thể để loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa?
Sống Lời Chúa: Sống bác ái là cách tích cực để loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện: “Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin, hạnh phúc, và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.” (Thắp Sáng Niềm Tin, 71)

08/01/13                                 THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH
                                                                            Mc 6,34-44
TẤM LÒNG MỤC TỬ
Chúa Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. (Mc 6,34a)
Suy niệm: “Chạnh lòng thương,” đó là xúc cảm cao độ xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha nhân hậu, thể hiện qua hình ảnh Vị Mục tử nhân lành, hiện thân rõ nét nơi con người Chúa Giêsu. Khi chứng kiến đám đông dân chúng theo mình, Chúa Giêsu đã xúc động “chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.” Chúa Giêsu thường tránh xưng mình là Mêsia, là vua, và cấm người khác gọi Ngài như thế; thế nhưng, nhiều lần Ngài nói: “Ta là mục tử nhân lành” (x. Ga 10tt). Đây không chỉ là lời nói suông nhưng là một xác tín được chứng minh bằng chính cuộc sống của Chúa. Nhìn thấy họ bơ vơ, “lầm than vất vưởng” (Mt 9,36), Chúa đã “giảng dạy họ nhiều điều.” Chẳng những thế, Ngài còn quan tâm lo cho họ được đầy đủ thức ăn khi bị đói vì theo Chúa; và nhất là Ngài sẵn lòng hiến thân chịu chết vì muôn người, để muôn người được cứu độ.
Mời Bạn: Yêu thương, quan tâm đến người khác là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Mang danh là kitô hữu, chúng ta có bổn phận trở nên những “mục tử” thực thụ, biết quan tâm chăm sóc đến những nhu cầu tinh thần và vật chất của anh chị em mình bằng những hành vi bác ái, bắt đầu từ những việc nhỏ bé, kín đáo nhất. Đó là điều không thể thiếu và là điều Chúa cần đến.
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái cụ thể cho người đang sống gần mình.
Cầu nguyện: Xin cho con có được một tình yêu vô bờ bến và một trái tim nhạy cảm như Chúa. Xin biến con trở thành tấm bảnh bẻ ra, để thoa dịu phần nào sự đói khát của anh chị em đồng loại.

09/01/13                                 THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH
                                                                            Mc 6,45-52
NIỀM TIN XUA TAN SỢ HÃI
Các môn đệ cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu phép lạ hóa bánh ra nhiều: lòng các ông còn chai đá. (Mc 6,51-52)
Suy niệm: Các môn đệ có nhiều nỗi sợ: sợ sóng gió (Mc 4,41), sợ ma (Mc 6,49-50), chứng kiến những dấu lạ–như việc Chúa hiển dung—các ông cũng “kinh hoàng”; đã thế, không hiểu lời Chúa, các ông cũng “sợ không dám hỏi lại Ngài” (Mc 9,32). Sợ vì không hiểu thì cũng… dễ hiểu, bởi vì ai có thể hiểu thấu những mầu nhiệm của Thiên Chúa! Đến như Đức Maria cũng không hiểu, cũng sợ nên thiên sứ Gabrien cũng phải trấn an: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30). Thế nhưng sợ mà không hết sợ, là do “lòng các ông còn chai đá”: vì chai đá, nên dù có được chứng kiến những dấu lạ cũng không hết sợ. Đức Maria nhờ tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì mà không thể làm được” và chấp nhận “xin vâng” thì nỗi sợ nơi Mẹ tan biến. Với lòng tin Mẹ đã đứng vững dưới chân thập giá. Thế nên không lạ gì, nhiều lần Chúa Giêsu đã khẳng định: “Chỉ cần tin thôi” (Mc 5,36; Lc 8,50…).
Mời Bạn: “Việc đó sẽ xảy ra cách nào?” đó là câu hỏi thường ám ảnh tâm trí những ai rơi vào tình trạng hoang mang sợ hãi. Nhưng với những kẻ tin thì luôn xác tín rằng: “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được”, để rồi nhận ra và thực thi thánh ý Chúa. Việc suy gẫm những biến cố xảy ra trong đời Mẹ Maria luôn là phương thế hữu hiệu giúp ta vượt qua những lo âu sợ hãi.
Sống Lời Chúa: Siêng năng đến với Mẹ Maria để cùng Mẹ xin ơn đức tin.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, Mẹ được chúc phúc vì đã tin. Xin giúp chúng con luôn tin những lời Chúa dạy và Hội Thánh truyền. (Kinh Năm Đức Tin)

10/01/13                              THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH
                                                                             Lc 4,14-22
CÁCH CHÚA TỎ MÌNH
“Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi... để tôi loan Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.” (Lc 4,18-19)
Suy niệm: Chúa Nhật vừa rồi Giáo Hội mừng lễ Chúa Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình cho muôn dân. Trong Tin Mừng hôm nay, ngày trong tuần Hiển Linh, Chúa tỏ mình qua sứ vụ của Ngài là Đấng Thiên Sai. Đoạn sách ngôn sứ Isaia mà Ngài đọc trong hội đường ngày hôm ấy, được viết trước đó mười thế kỷ, được ứng nghiệm cho Ngài. Ngài là Vị Thiên Sai đảm nhận sứ vụ, nên Ngài clà Đấng đem lại niềm vui. Người nghèo được nghe Tin Mừng, sao lại không vui? Tù nhân được trả tự do, chắc chắn là mừng lắm! Người mù được sáng mắt, còn niềm vui nào sánh bằng? Sứ vụ của Chúa Giêsu nói lên rằng Ngài là Đấng tha tội, Đấng chữa lành thiêng liêng.
Mời Bạn: Phần đông chúng ta không bị tù đày và mắt chúng ta không bị mù. Chúng ta cũng không bị áp bức phải làm nô lệ cho ai. Nhưng trên phương diện thiêng liêng, rất có thể chúng ta đang bị tù đày, bì kìm kẹp bởi tội lỗi. Con mắt đức tin của chúng ta có thể bị mù. Nay Đấng Thiên Sai đến, Ngài mời gọi chúng ta đến với Ngài qua Lời của Ngài và bí tích hoà giải, hầu cho chúng ta trở thành những con người tự do.
Sống Lời Chúa: Sắp xếp thời gian để gia đình đọc kinh mỗi ngày, trong đó cùng đọc và suy niệm Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con Lời Chúa và bí tích hoà giải như phương thế giải phóng và tha tội cho chúng con. Xin cho chúng con luôn yêu mến Lời Chúa và năng lãnh nhận bí tích hoà giải.

11/01/13                              THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH
                                                                             Lc 5,12-16
CẢ HAI ĐỀU MUỐN
“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”… “Tôi muốn, anh sạch đi.” (Lc 5,12-13)
Suy niệm: Có bệnh nhân nào lại không ước ao được khỏi bệnh? Cũng thế, có bác sĩ nào lại không muốn cho bệnh nhân của mình được khỏi bệnh? Người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay thể hiện ước muốn tột cùng được khỏi bệnh của mình bằng cách đến sấp mình trước mặt Chúa để van xin Ngài, bất chấp luật cấm anh xuất hiện trước nơi công cộng. Anh ước muốn khỏi bệnh nhưng chỉ có Chúa mới có thể chữa lành cho anh “nếu Ngài muốn”. Còn Chúa Giêsu, Chúa cũng muốn người phong này được lành sạch lắm chứ; hơn nữa Ngài có thể làm điều đó. Và cũng bất chấp luật cấm đụng chạm tiếp xúc với người phong cùi, Chúa đã đưa bàn tay chạm đến anh để chữa lành cho anh. Cả hai đều muốn. Ước muốn của Đấng quyền năng làm cho điều ước muốn của người phong cùi từ chỗ không có thể trở thành có thể.
Mời Bạn: Bạn cũng có thể là người phong cùi, không phải nơi thân thể mà là trong tâm hồn: nơi trái tim, khi bạn không yêu thương; nơi đôi tay, khi bạn không sẵn sàng phục vụ; nơi môi miệng, khi bạn thốt ra những lời lỗi bác ái… Chúa Giêsu đã muốn lấy hết tất cả tật phong của bạn mà đưa vào thân thể Người mà đưa lên cây thập giá. Còn bạn thì sao? Bạn có ước muốn được khỏi bệnh phong cùi tâm hồn ấy không? Chúa cần ước muốn của bạn để chữa lành bạn.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy siêng năng đến với Chúa nơi Bí Tích Hòa Giải để được Chúa chữa lành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin kéo con lên khỏi sự ù lì trong tội và làm cho con luôn ước muốn vươn lên sự toàn thiện mỗi ngày. Amen.

12/01/13                              THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
                                                                            Ga 3,22-30
QUI HƯỚNG VỀ CHÚA KITÔ
Ông Gio-an trả lời (cho các môn đệ): “Chính anh em đã làm chứng cho thầy là thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đức Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người… Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,28.30)
Suy niệm: Người sứ giả không nói về mình mà là nói lời của người sai mình. Gioan đã thể hiện xuất sắc vai trò sứ giả đó cho đến giây phút cuối cùng. Trước nguy cơ tranh dành ảnh hưởng giữa các môn đệ mình và môn đệ Đức Giêsu–mà sau này điều đó đã thực sự xảy ra–Gioan, từ trong ngục, nhắc nhở cho các môn đệ của mình nhớ lại vai trò ngôn sứ-chứng nhân của họ: giới thiệu Đức Ki-tô, chứ không phải giới thiệu mình; hướng dẫn người khác đến với Đức Ki-tô, chứ không phải giữ chặt họ ở lại với mình. Không cần lý luận cao siêu, Gioan đã làm điều mà các nhà thần học ngày nay gọi là một nền thần học kitô hướng tâm: lấy Chúa Kitô là trung tâm (christocentric).
Mời Bạn: Từ thời của Gioan đến giờ, việc loan báo Tin Mừng đã bao lần phải đình trệ vì các môn đệ Đức Kitô lại trở nên đối thủ tranh dành ảnh hưởng lẫn nhau mà vẫn ảo tưởng rằng mình đang phục vụ Ngài. Xét cho cùng, mọi hình thức bè phái đều là do cái tôi ích kỷ, muốn lấy mình làm trung tâm thay vì quy hướng mọi sự về Đức Kitô.
Chia sẻ: Giữa các đồng nghiệp, giữa các đoàn thể trong giáo xứ bạn đang có những mâu thuẫn nào? Bạn thử tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp.
Sống Lời Chúa: Bắt chước tinh thần khiêm tốn quên mình của Gio-an trong mọi hoạt động, đặc biệt khi làm việc tông đồ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hy sinh quên mình, để con loan báo về Chúa mà không làm Chúa bị lu mờ đi vì cái tôi ích kỷ của con.

mardi 1 janvier 2013

Tuần II Mùa Giáng sinh



30/12/12 CHÚA NHẬT TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS – C
Lễ Thánh Gia                                                       Lc 2,41-52
TRẨY HỘI LÊN ĐỀN
Khi Đức Giêsu được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. (Lc 2,41-42)
Suy niệm: Hằng năm Chúa Giêsu lên đền Giêrusalem, hằng tuần Người vào hội đường ngày Sabát, hằng ngày Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Một nhịp sống đạo đức trung thành, một chương trình phụng vụ chuyên cần. Tất cả không chỉ nhằm chu toàn một luật buộc tôn giáo, nhưng trên tất cả, là để không ngừng tìm kiếm Thánh Ý, kín múc sức mạnh từ Thiên Chúa Cha và để từ đó, thực hiện một cách đúng đắn ơn gọi: “Này con xin đến để thực thi Ý Chúa.” Với việc nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu, thời gian của nhân loại đã trở thành “thời gian thánh”, vì chính Ngài – là Thiên Chúa, là Đấng Thánh – đã đón nhận, đã sống và đã thánh hóa, để “tất cả những gì thuộc về con người, không còn xa lạ với Thiên Chúa và Hội Thánh của Người.”
Mời Bạn: Hằng năm, hằng tuần và hằng ngày, bạn đã đi hành hương, đi lễ và cầu nguyện …, bạn tìm kiếm gì trong những dịp đó: Bạn theo phong trào? Vì sợ tội? Vì thói quen truyền thống gia đình? Vì muốn cầu xin ơn lành như ý?.... Ngoài giờ đi lễ và đọc kinh cầu nguyện, trong sinh hoạt và làm ăn mỗi ngày, bạn có nhớ đến Chúa không?
Sống Lời Chúa: Thánh Gia là mẫu gương cho mọi gia đình tín hữu: - mọi người nỗ lực thực hiện Thánh Ý Chúa Cha: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (c. 49). Trong năm Đức Tin, ngày Chúa Nhật là ngày cả gia đình “trẩy hội lên đền” thờ phượng Chúa, tham dự thánh lễ “một cách ý thức, trọn vẹn và tích cực” và chuyên cần đọc kinh tối trong gia đình.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Gia đình sốt sắng và chậm rãi (miệng đọc lòng suy).

31/12/12            THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Xinvéttê, giáo hoàng                                      Ga 1,1-18
TÌM CÁCH GIỚI THIỆU CHÚA
“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, thế gian nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng đón nhận.” (Ga 1,9-11)
Suy niệm: Thánh sử Gioan hẳn phải ưu tư suy nghĩ nhiều năm khi viết quyển Tin Mừng cuối cùng này. Ưu tư của ông là làm thế nào trình bày Đức Giêsu cho người Hy Lạp thời ấy. Đối với người Hy Lạp, những hình ảnh quen thuộc về Đức Giêsu như Con Vua Đavít, hoặc Đấng Mêsia (Đấng Cứu Thế) là những hình ảnh xa lạ và khó được chấp nhận. Gioan đã khéo léo dùng một hình ảnh vừa quen thuộc đối với người Hy Lạp, vừa có trong Kinh Thánh, đó là “Logos”, nghĩa là “Lời” hoặc “lý trí”. Qua đoạn mở đầu này, Gioan như nói với người Hy Lạp : “Cả cuộc đời các bạn say mê lý trí cao cả của Thiên Chúa, thì này đây lý trí của Chúa ấy đã đến trần gian nơi con người Giêsu. Hãy nhìn Ngài và bạn sẽ nhận ra  lý trí và tư tưởng của Chúa là như thế đấy.”
Mời Bạn: Hãy nhìn anh em lương dân quanh mình và tự hỏi xem phải trình bày Đức Giêsu như thế nào để những anh em ấy dễ chấp nhận, nói theo ngôn ngữ thời đại, phải đưa Tin Mừng hội nhập văn hoá dân tộc như thế nào.
Chia sẻ: Tôi có bao giờ ưu tư tìm một phương thế trình bày Đức Giêsu cho người chung quanh mình chưa?
Sống Lời Chúa: Tôi tìm một phương cách thích hợp và dễ được chấp nhận để trình bày Đức Giêsu cho những người thân, bạn hữu… chưa biết Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con nguyện sẽ cố gắng tìm những phương cách để giới thiệu Chúa cho những người thân, bạn hữu chúng con, ước mong họ sẽ vui vẻ đón nhận Chúa.  

01/01/13                  THỨ BA CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GS
Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa                               Lc 2,16-21
HỒN NHIÊN LOAN BÁO TIN MỪNG
Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (Lc 2,16-17)
Suy niệm: Thật bất ngờ thú vị khi ‘các mục đồng đến thăm máng cỏ’ lại là người kể chuyện về Hài Nhi cho chính cha mẹ của Hài Nhi! Maria và Giuse tuyệt nhiên chẳng nói lời gì trong cảnh này; chỉ có những người chăn chiên hồn nhiên đang kể về “tin mừng” mà họ nhận được, và “cũng là tin mừng cho toàn dân.” Cơ hồ ta có thể nói rằng ở đây khách đang giới thiệu chủ nhà cho… chính chủ nhà! Họ đang giới thiệu em bé trong máng cỏ ấy cho cha mẹ của em: đó là “Đấng Cứu Độ”, là “Đấng Kitô Đức Chúa” (x. Lc 2,10-11). Họ đang kể về kinh nghiệm tuyệt vời, đầy ắp niềm vui, mà họ mới nhận được (từ thần sứ của Chúa) và vẫn đang tiếp tục nhận được ở đây (trong cuộc gặp gỡ em bé này). Và đó là loan báo Tin Mừng, theo cách nói của chúng ta ngày nay.
Mời Bạn: Theo ngôn ngữ thời nay có thể ví von rằng mấy anh chăn bò đang nói về Chúa Giêsu cho một giám mục hay linh mục đang trân trọng lắng nghe, “ghi nhớ” và “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Ta nhận ra ai cũng có thể loan báo Tin Mừng và ai cũng cần phải biết lắng nghe Tin Mừng, kể cả từ những phía bất ngờ nhất.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm sống theo xác tín kép này: (1) sẵn sàng loan báo Tin Mừng cho anh em bằng cách phù hợp; và (2) sẵn sàng lắng nghe Tin Mừng được loan báo cho mình.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã sinh hạ và trao ban Chúa Giêsu cho nhân loại, xin dạy con biết rằng dù con hèn mọn đến mấy, con cũng được mời gọi đón nhận Chúa và giới thiệu Chúa cho mọi người, trong niềm vui.

02/01/13     thứ tư đầu tháng trước lễ hiển linh
Th. Baxiliô Cả và Ghêgôriô Nadien, giám mục, tiến sĩ HT
                                                                            Ga 1,19-28
“ông nói gì về chính ông?”
Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: ‘Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi’. ” (Ga 1,22-23)
Suy niệm: “Một số môn đồ của Gioan rao giảng về Thầy mình như là Đấng Mê-si-a” (Sách Clementine Recognitions 250 A.D.). Một số khác coi ông là Ê-li-a, vị đại tiên tri đến trong thời đại sau hết. Hay cứ theo thói thường, người ta coi ông là tư tế vì sinh ra trong dòng tộc tư tế hay ông đáng gọi là một tiên tri vì là một nhà giảng thuyết đông đảo dân chúng đến nghe. Nhưng Gio-an  đã lần lượt phủ nhận tất cả. Gio-an chỉ nhận mình là : “tiếng người hô trong hoang địa” một vai trò độc đáo, mới mẻ, không giống ai. Gio-an đã nhận biết, sống và chết cho sứ mệnh của mình.
Mời Bạn trả lời cho câu hỏi “Ông nói gì về chính ông ?” Đây là vấn đề “tự biết mình” và xác lập căn tính của mỗi nguời, để khám phá chỗ đứng độc đáo, một ơn gọi riêng không thay thế được trong chương trình cứu độ của Chúa. Phúc cho ai khám phá ra, và trong ơn thánh Chúa, ngày ngày thể hiện mình, trở nên chính mình, sống với một cái tôi chân thật, không vay mượn, không ngụy tạo.
Chia sẻ: Trong hoạt động tông đồ, điều gì khiến bạn trở thành vật cản không cho người ta đến với Chúa Kitô?
Sống Lời Chúa: làm một việc nào đó trong trách nhiệm của mình mà mình hay quên hay lẩn tránh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng tác tạo con, Chúa thấu hiểu con hơn con hiểu con, xin cho con biết Chúa để con yêu Chúa và xin cho con biết con để con sẽ sống như Chúa muốn cho con sống.

03/01/13 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Danh Chúa Giêsu                                             Ga 1,29-34
TÔI ĐÃ KHÔNG BIẾT NGƯỜI
Ông Gioan làm chứng: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.’ Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Ga 1,32-34)
Suy niệm: Ngôi Lời hằng hữu, Đấng soi sáng mọi người, đến cư ngụ giữa người phàm và làm cho biết những điều sâu thẳm của Thiên Chúa (x. Ga 1,1-18). Ngôi Lời nhập thể được cử đến như “phàm nhân đến với những phàm nhân”, công bố những Lời của Thiên Chúa (Ga 3,34), “hoàn thành công trình cứu chuộc mà Chúa Cha đã ủy thác cho Người thi hành” (MK 4). Bởi thế nơi Đức Giê-su, người “con bác thợ mộc Na-gia-rét”, ẩn giấu một mầu nhiệm cao cả. Đứng trước mầu nhiệm đó, Gioan nhìn nhận giới hạn sự hiểu biết của mình; trong bài Tin Mừng hai lần Gio-an nói: Tôi đã không biết Người. Thật sự có những điều về Chúa Giê-su, Gioan đã biết, nhưng vẫn còn vực thẳm của những điều vượt quá trí hiểu của Gio-an nói riêng và của con người nói chung.
Mời Bạn tiếp cận với mầu nhiệm Đức Kitô với tâm hồn khiêm tốn chân thành; vừa vận dụng lý trí tìm hiểu vừa “lấy sự vâng phục đức tin để đáp lại Thiên Chúa là Đấng mạc khải “ (MK số 5).
Sống Lời Chúa: Bạn đọc và suy niệm Lời Chúa cách kỹ lưỡng hơn, nhất là khi gặp đoạn đã quen bạn có khuynh hướng đọc lướt qua vì cho rằng mình đã quá hiểu.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân con, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa. Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa” (Thánh Âutinh).

04/01/13 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
                                                                            Ga 1,35-42
ĐỨC TIN MỜI GỌI GẶP CHÚA
Đức Giê-su thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi, Thầy ở đâu? Người bảo họ: “Đến mà xem.” (Ga 1,38-39)
Suy niệm: Trong thời buổi ngập lụt thông tin hôm nay, nhiều người đang chới với không biết đâu là sự thật để tin và để chọn lựa. Hệ quả này còn lan đến lãnh vực tôn giáo, tạo nên một cuộc khủng hoảng niềm tin nơi các tín đồ. Đức Bênêđitô nêu rõ, “cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa đang ảnh hưởng đến nhiều người” (Cửa Đức Tin, 2). Vì thế, Năm Đức Tin được khai mở nhằm giúp cho mọi tín hữu tìm lại “nguồn mạch và cùng đích của đức tin” là chính Đức Giê-su Ki-tô, để các tín hữu “đứng về phía Chúa, sống với Chúa” và truyền thông đức tin cho những ai chưa biết Chúa. Hành trình tìm kiếm này diễn ra trong cuộc đối thoại liên tục và thân tình giữa Chúa Giê-su và những ai muốn theo Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” – “Hãy đến mà xem.” Cuộc đối thoại cần thiết này diễn tả niềm khao khát gặp Chúa và đào sâu đức tin, nhờ đó các tín hữu gặp gỡ chính Chúa Giê-su, Đấng đang sống trong Hội Thánh.
Mời Bạn: Tham dự cử hành phụng vụ, học hỏi giáo lý và các giáo huấn là những chỉ dẫn cụ thể của Giáo Hội giúp các tín hữu sống Năm Đức Tin. Bạn và gia đình đang thúc giục nhau biết Chúa và sống với Chúa không?
Chia sẻ: Thời giờ mỗi tuần bạn dành cho việc học hỏi giáo lý hay giáo huấn của Hội Thánh là bao nhiêu?
Sống Lời Chúa: Lặp lại nhiều lần lời đối thoại: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” – “Hãy đến mà xem” và học 2 câu giáo lý.
Cầu nguyện: Xin cho con tìm gặp được Chúa qua từng bài giáo lý, qua mỗi giáo huấn chúng con được nghe để con yêu Chúa hơn và vui sống với Chúa.

05/01/13 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
                                                                            Ga 1,43-51
MAU MẮN GIỚI THIỆU CHÚA CHO ANH EM MÌNH
“Đấng mà sách luật Môisê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse người Nadarét.” (Ga 1,45)
Suy niệm: Theo lẽ thường khi người ta mòn mỏi mong chờ một điều may lành nào đó lâu ngày nhưng vẫn không có, nay bỗng nhiên lại đạt được cách tràn trề quá mức mong đợi, như trúng số giải đặc biệt chẳng hạn, ắt hẳn người ta khó lòng kìm nén niềm vui bộc phát mà không chia sẻ cho người khác cùng hưởng niềm hạnh phúc ấy với mình. Đó cũng là động lực đã thúc đẩy Philipphê, sau khi gặp Đức Giêsu, Đấng Mêsia, đi gặp ông Nathanaen để “khoe”: “Đấng mà sách Luật Môise và sách các ngôn sứ nói đến, thì tôi đã gặp rồi.” Tin Mừng Chúa Kitô quả thực là niềm vui tràn trề cho Philípphê và các bạn. Các ngài không thể không loan báo niềm vui đó cho những người các ngài gặp gỡ.
Mời Bạn: Bạn có cảm nhận được niềm vui vì được gặp, được biết Chúa Kitô, được là Kitô hữu và đặt trọn niềm tin vào Ngài không? Niềm vui đức tin đó có thúc đẩy bạn đem “khoe” hay giới thiệu Đức Kitô là Đấng cứu độ nhân loại, cho anh em mình để dẫn đưa họ đến với Ngài không?
Chia sẻ: Bổn phận và trách nhiệm của mỗi Kitô hữu là giới thiệu Đức Kitô cho người khác. Bạn có kinh nghiệm gì, phương cách gì để giới thiệu Chúa cho anh chị em mình?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày cầu nguyện cho một người bạn lương dân và tìm dịp nói về Chúa Kitô cho người đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con nhiệt tâm thực hành điều chúng con đọc: “xin cho Danh Chúa cả sáng Nước Chúa trị đến, ý Chúa thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”