mercredi 30 mai 2012

Thứ Sáu Tuần VIII TN


Th. Giúttinô, tử đạo
SINH HOA TRÁI CHO NƯỚC TRỜI

Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Chúa Giêsu đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!” (Mc 11,12-14)
Suy niệm: Có người bảo Chúa Giêsu thật là “chướng,” không phải mùa vả mà đòi cây vả phải có trái! Đã thế còn nguyền rủa cho nó phải héo khô! Hẳn là Chúa cũng biết cây vả không thể đi ngược với qui luật tự nhiên Chúa đã thiết định mà muôn loài muôn vật đều tuân thủ. Thế nhưng, Chúa làm một việc có vẻ bất thường, nghịch lý để nhấn mạnh đến điều Ngài muốn dạy bảo. Nếu như các loài thảo mộc sinh trái đúng mùa theo luật tự nhiên, thì trái lại, việc sinh sản hoa trái thiêng liêng không chỉ diễn ra theo thời vụ mà phải là tình trạng thường xuyên của “người ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong người ấy” như dòng nước phát xuất từ đền thờ, chảy tới đâu thì sự sống sinh sôi nảy nở ở đó, cây mọc hai bên bờ, lá cây không tàn, kết trái quanh năm (x. Ed 47,9-12).
Mời Bạn: Lắm khi chúng ta sống đạo theo “mùa”: vào mùa Chay thì rồng rắn xếp hàng “xưng tội”, đến khi “ra chay” thì lại trở lại nếp sống cũ, chỉ cố “giữ đạo” ở mức tối thiểu theo luật buộc chứ không triển nở và trổ sinh hoa trái cho Nước Chúa bằng việc đem chất Tin Mừng thấm vào từng công việc, từng con người mà mình tiếp xúc hằng ngày.
Sống Lời Chúa: Để sinh hoa trái cho Nước Chúa, mời bạn vun đắp mối thân tình với Chúa Kitô bằng việc cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ở lại trong con và con ở trong Chúa để con sinh nhiều hoa trái cho Nước Chúa.

Lễ Đức Mẹ đi thăm viếng


Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave
cả hai đều có phúc
Bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Gia-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét… Bà Maria ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà. (Lc 1,39-40.56)
Suy niệm: Cả bà Êlisabét và Đức Maria đều được Thiên Chúa chúc phúc, được mời tham gia vào chương trình cứu độ của Ngài:
-          Êlisabét cưu mang và sinh ra Gioan, là vị Tiền hô của Đấng Cứu Thế.
-          Maria, cưu mang sinh hạ Đấng Cứu Thế cứu chuộc loài người.
Với lời “Xin Vâng”, Maria không quản ngại đường sá xa xôi, đến với người chị họ để giúp đỡ, chăm sóc trong thời gian sắp sinh nở. Sự hiện diện của Mẹ và Đấng Mẹ cưu mang là Giêsu đã làm cho Êlisabét và thai nhi trong lòng đầy sự vui mừng.
Mời Bạn: Bạn có thể đóng vai trò của Êlisabét bằng đời sống chứng tá để loan báo về hồng ân Thiên Chúa ban cho bạn, cho chính những người mà bạn đang tiếp xúc.
Và bạn cũng có thể đóng vai trò của Mẹ Maria, sẵn sàng vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh: bác ái bằng việc phục vụ cụ thể cho chính những người thân.
Chia sẻ: Bạn có thể đem tinh thần của cuộc thăm viếng này vào các mối quan hệ giao tiếp của bạn không?
Sống Lời Chúa: Bạn làm một việc bác ái để đem niềm vui của Chúa cho một người nào đó mà trong công việc hằng ngày bạn vẫn thường xuyên gặp gỡ.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, nhờ sức mạnh của tình yêu Giêsu, Mẹ không quản ngại đường xá xa xôi, đến giúp đỡ người chị họ. Xin Mẹ dạy con biết quan tâm đến người khác và sẵn sàng đem Chúa đến cho mọi người, dầu có đòi hỏi con phải hy sinh nhiều.

mardi 29 mai 2012

Thứ Tư Tuần VIII TN


trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
- “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư….
- “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” (Mc 10,33.37)
Suy niệm: Chúa Giêsu đã không ngừng dạy các môn đệ rằng người làm đầu lý tưởng là người phục vụ trong khiêm tốn. Chính Ngài đến ở giữa chúng ta như một người tôi tớ. Vì với Đức Kitô, quyền bính là để phục vụ. Cuộc sống của Chúa Giêsu là phục vụ. Chúa lại minh hoạ bài học phục vụ bằng việc rửa chân cho các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Đỉnh cao của phục vụ là cái chết hy sinh trên Thánh giá, như một tên nô lệ, như một người tôi tớ. Thế mà chẳng khác nào trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, Chúa đã chấp nhan sống và chết như thế đó! Còn các môn đệ thì cứ mải tìm kiếm, tranh giành một “chỗ đứng,” một “chiếc ghế” của vinh quang, của quyền lực!!!
Mời Bạn: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta;” “ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ.” Đó là tiêu chí của người môn đệ đích thực, không có con đường nào khác! Phải quyết định lựa chọn dứt khoát: “CÓ” hoặc “KHÔNG”, không được phép “hồi – hồi: hồi có – hồi không” hoặc thỏa hiệp bắt cá hai tay.
Sống Lời Chúa: Lựa chọn nói “không” với một sở thích, một thói quen hay một ý riêng nào đó của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết khám phá rằng: cuộc sống không phải để hưởng thụ, nhưng là để phục vụ, và “phục vụ là niềm vui,…. Phần thưởng duy nhất là con đã làm theo thánh ý Chúa.” Amen.

lundi 28 mai 2012

Thứ Ba tuần VIII TN


ĐƯỢC GÌ KHI THEO THẦY?
“Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?” (Mc 10,28)
Suy niệm: Người thanh niên giàu có không đủ can đảm dấn thân theo Chúa, vì anh không thể từ bỏ số của cai quá lớn của mình; ngay lập tức Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Thật khó biết bao! Các môn đệ không giấu nỗi tuyệt vọng: vậy thì ai có thể được cứu? Ơn cứu độ quả là điều bất khả đối với con người, nhưng Chúa Giêsu cho biết với Thiên Chúa không có gì là không có thể. Nhưng lòng các ngài vẫn chưa yên. Vì thế, đại diện cho nhóm, thánh Phêrô hỏi tiếp: sự dấn thân và hy sinh của các ngài có được ơn ích gì không, hay là không có giá trị gì? Trả lời cho câu hỏi của Phêrô, Chúa Giêsu hứa ban gấp trăm ngay ở đời này, và ban sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
Mời Bạn: Bạn hiểu thế nào về “gấp trăm ở đời này”? Chúa không phỉnh phờ. Quả thực các môn đệ Chúa đã nhận được rất nhiều ngay ở đời này. Nhưng Chúa nói rõ ràng, khó khăn bách hại đang chờ đợi họ ở phía trước. Bước theo Ngài là chấp nhận phiêu lưu với Ngài trên con đường sống đức tin với những đau khổ, thử thách không thể tránh được. Những khó khăn, bất lợi trên đường theo Chúa, bạn có đủ can đảm và sẵn sàng không?
Chia sẻ: Ơn cứu độ là ơn ban nhưng không của Thiên Chúa, nhưng vẫn cần sự cộng tác của chúng ta. Cụ thể, bạn cộng tác với ơn Chúa như thế nào?
Sống Lời Chúa: Hy sinh một quyền lợi đáng được hưởng, một thú vui giải trí và thay vào đó làm một việc phục vụ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho chúng con thêm ơn can đảm để theo Chúa đến cùng.

Thứ Hai Tuần VIII TN


gia nghiệp là sự sống đời đời
“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17)
Suy niệm: Warren Buffett, nhà tỷ phú giàu thứ nhì thế giới theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes nhưng lại có cuộc sống hết sức giản dị, đã tặng 99% giá trị tài sản của mình cho công cuộc từ thiện. Thái độ của ông đối với của cải cho thấy rằng lời Chúa dạy “để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” không phải là điều gì quá khó đến nỗi không thể thực hiện. “Hãy đi bán tất cả những gì anh có mà cho người nghèo,” điều này nhà tỷ phú đã làm được… 99%. Chỉ còn một bước, đó là “đến và theo Chúa.”
Mời Bạn: Có những lúc chúng ta quay quắt đến chóng mặt với mối lo cơm áo gạo tiền... Có những thứ chúng ta đang sở hữu tưởng là rất vững chắc nhưng kỳ thực lại rất mong manh: một chút của cải, một chút danh vọng... Thế là chúng ta thấy mình bị mất phương hướng, bị bế tắc. Những lúc đó chúng ta hãy đến với Chúa và hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì đây?” Giải pháp Chúa chỉ cho chúng ta là tìm kiếm gia nghiệp đời đời bằng cách sống siêu thoát đối với của cải, nghĩa là thay vì hưởng thụ chúng một cách ích kỷ, chúng ta hãy biết chia sẻ “những gì chúng ta có” cho những anh chị em túng nghèo.
Chia sẻ: Phải giúp người nghèo thế nào để vẫn tôn trọng phẩm giá của họ và còn giúp họ thăng tiến?
Sống Lời Chúa: Trích lại một khoản trong số thu nhập của mình để dành lại cho người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trước bao mối bận tâm lo cho cuộc sống, con cảm thấy mình bị chao đảo mất hướng. Xin tăng thêm sức mạnh cho con, để con chỉ chăm chú lo cho sự nghiệp là đạt được sự sống đời đời từ nơi Chúa mà thôi.


samedi 26 mai 2012

CN 8b TN, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, TV.103

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống


sống trong thánh thần
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,22-23)
Suy niệm: Các môn đệ đóng kín cửa vì sợ người Do-thái. Chúa Giêsu không muốn để các môn đệ sống trong nỗi lo âu sợ hãi. Người ban Thánh Thần để các ông có thêm sức mạnh làm chứng cho Chúa. Như Người nói: “Thầy đi thì có lợi cho anh em”, “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Thật vậy, Thánh Thần đã hiện diện trong Hội Thánh và nâng đỡ Hội Thánh vượt qua những khó khăn thử thách. Thánh Thần còn soi sáng để Giáo Hội nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế: “Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26), “Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,14), “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật vẹn toàn” (Ga 16,13).
Mời Bạn: Mỗi lần bạn hít vào, bạn nhớ đến Chúa Thánh Thần - Đấng đã ghi dấu ấn trên bạn, để bạn cảm nhận được sự bình an sâu thẳm của Ngài trong tâm hồn bạn. Mỗi lần bạn thở ra, bạn toả lan tình yêu tha thứ quảng đại bằng chính tình yêu quảng đại mà bạn đã tiếp nhận từ Thánh Thần.
Chia sẻ:Hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6). Bạn có cảm nghiệm được điều đó không?
Sống Lời Chúa: Sống theo “hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, hiền hòa, trung tín, tiết độ” (Gl 5,22).
Cầu nguyện: Xin Chúa Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho con bằng những tiếng rên siết khôn tả của Ngài, để con luôn làm chứng cho Chúa trong tư tưởng, lời nói và việc làm của con.

vendredi 25 mai 2012

Thứ Bẩy Tuần VII PS


cả thế giới không chứa nổi “lời”
“Còn nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” (Ga 21,25)
Suy niệm: Câu cuối cùng trong Tin Mừng Gioan trên đây phải chăng là một lối thậm xưng quá đáng? Cuộc đời 33 năm của Chúa Giêsu ở trần gian có gì là dài so với các bậc vĩ nhân khác? Ấy là chưa kể suốt 30 năm đầu của đời Ngài, người ta chẳng biết gì ngoài một vài sự kiện nho nhỏ! Thế nhưng bạn có biết không, bộ Thánh Kinh, bộ sách nói về Ngài, và cách riêng bốn cuốn Phúc Âm, là bộ sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và có nhiều ấn bản nhất trên thế giới. Bạn sẽ còn kinh ngạc hơn khi bước vào đại thư viện của các trường đại học, các học viện tôn giáo. Ở đó bạn sẽ thấy không biết cơ man nào là sách viết về Ngài; không biết bao nhiêu tác giả suy tư, quảng bá giáo huấn của Ngài. Nói “cả thế giới không chứa nổi” các sách viết về Ngài, thiết tưởng không có gì là quá đáng; trái lại, Tin Mừng đã nói tiên tri về điều mà ngày nay vẫn đang tiếp tục được thể hiện.
Mời Bạn: Đức Giêsu Kitô chính là Lời hằng sống, có từ nguyên thuỷ nơi Chúa Cha (x. Ga 1,1) và vẫn nói trong thế gian này cho đến tận thế nơi những người tin Ngài, những chứng nhân của Ngài. Bạn hãy là một trong những người làm cho “LỜI” được tiếp tục vang lên trong thế giới này.
Sống Lời Chúa: Mời bạn lắng nghe và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để bồi dưỡng kiến thức đức tin và làm chứng cho LỜI bằng chính cuộc sống của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết say mê Lời Chúa để LỜI đó biến đổi cuộc sống của con và biến đổi cả nhân loại. Amen.

jeudi 24 mai 2012

Thứ Sáu TUần VII PS


Thầy biết con mến thầy
“Ông Phêrô đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,15)
Suy niệm: Mấy tuần trước bên một bếp lửa, Phêrô đã sợ hãi chối Chúa ba lần; hôm nay cũng bên một bếp lửa hồng trên bờ biển, ông lại ba lần xác tín mạnh mẽ tình yêu dành cho Thầy. Cũng cạnh lò lửa, vậy mà lần đó Phêrô mềm như sợi bún, còn lần này lại vững như bàn thạch. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy vì trước đó là một Phêrô cậy sức mình và bây giờ là một Phêrô tựa nương vào Chúa. Lần trước Phêrô mạnh miệng nói rằng: “Dù cho tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã,” lần này ông không dám bạo miệng trả lời mến Thầy hơn các anh em khác. Lòng khiêm tốn cùng với tâm tình yêu mến của ông là nền tảng để Đấng Phục Sinh giao phó cho ông nhiệm vụ phục vụ cộng đoàn.
Mời Bạn: Hôm nay Đấng Phục Sinh cũng kiên nhẫn chờ bạn trả lời câu hỏi quan trọng nhất trong đời bạn: “X, Y… con có yêu mến Thầy không?” Hãy thay tên Phêrô bằng chính tên của bạn. Mời bạn thành thật trả lời với Ngài. Bạn có tin rằng vận mệnh đời bạn an vui hay bất hạnh, hạnh phúc hay buồn khổ tùy thuộc nơi câu trả lời sinh tử này không?
Sống Lời Chúa: Tôi trả lời Chúa: “Lạy Thầy, Thầy biết con mến Thầy.” Tôi cũng sẽ diễn tả tình yêu mến ấy bằng một việc làm cụ thể (cầu nguyện, một hy sinh hãm mình, một việc bác ái, tham gia một hội đoàn…).
Cầu nguyện: Lạy Thầy Giêsu, Thầy biết chúng con yêu mến Thầy. Thầy cũng biết lòng yêu mến của chúng con còn yếu kém lắm, vì nhiều lúc chúng con yêu mình nhiều hơn. Xin Thầy nâng đỡ lòng yêu mến của chúng con, để chúng con thật sự yêu mến Thầy với trọn con tim của mình. Amen.

mercredi 23 mai 2012

Thứ Năm Tuần VII PS


để tất cả nên một
“…để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17,21)
Suy niệm: Lời cầu nguyện cuối cùng trọng thể nhất và tha thiết nhất của Đức Giêsu với Chúa Cha và cũng là Di chúc của Người để lại cho các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn chính là lời cầu nguyện cho hiệp nhất, một sự hiệp nhất thật sâu xa và trọn vẹn đến mức đôi bên “ở trong nhau”: “để chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha và họ ở trong chúng ta.”
Mời Bạn: Thực trạng hiệp nhất của giáo xứ, của cộng đoàn bạn hiện nay như thế nào? Có luôn hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn trong Chúa Ba Ngôi như khuôn mẫu và nguồn mạch cho sự hiệp nhất trong cộng đoàn không? Bạn nhớ rằng chính tình yêu thương hiệp nhất trong cộng đoàn tín hữu là lời loan báo Tin Mừng đích thức nhất. Như các cộng đoàn tín hữu tiên khởi đã minh chứng đời sống yêu thương hiệp nhất của các ngài đã khiến lời loan báo của họ trở nên hấp dẫn, cuốn hút hơn, và nhất là, đáng tin cậy hơn.
Chia sẻ: Cùng với cộng đoàn nhìn lại: cá tính nào, lối sống nào của tôi cần phải sửa đổi để xây dựng cộng đoàn mỗi ngày một hiệp nhất yêu thương hơn?
Sống Lời Chúa: Đọc lại nhiều lần Lời Chúa hôm nay, để cảm nghiệm thật sâu xa tình yêu hiệp nhất với anh chị em trong Chúa Ba Ngôi.
Cầu nguyện: Lạy Cha, ơn Hiệp nhất mà chúng con đang tha thiết cùng với Đức Giêsu cầu xin để trở nên cụ thể và sinh động thật sự… chỉ có thể được Cha ban cho Giáo Hội nhờ Thánh Thần của Cha. Xin Cha thương và ban cho Giáo Hội chúng con ơn Hiệp nhất ấy trong Cha. Amen.

mardi 22 mai 2012

Thứ Tư tuần VII PS


không thuộc về thế gian
Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.” (Ga 17,14)
Suy niệm: “Danh-lợi-thú” là những điều thuộc về thế gian này, vì thế mà thế gian yêu thích chúng. Có những người, nói gì hay làm gì cũng chỉ nhắm đến những mục tiêu trần thế mà thôi bởi vì họ là những người thuộc về thế gian này. Trong khi đó, những ai thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Đức Giêsu thì lại suy nghĩ và hành động ngược lại. Họ sống theo sự thật, chống lại những sai trái và biến thái của thế gian; họ nói cho thế gian biết về đời sống vĩnh cửu. Do đó, “thế gian đã ghét họ vì họ không thuộc về thế gian.
Mời Bạn: Chúa Giêsu biết trước số phận của những ai thuộc về Ngài sẽ bị thế gian ghét bỏ, hãm hại. Vì thế, Ngài đã cầu nguyện với Chúa Cha, xin Cha gìn giữ họ: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15). Do đó, nếu có bị thế gian chống đối vì đã sống theo đòi hỏi của sự thật chúng ta đừng thất vọng. Trái lại, càng tin tưởng vào ơn trợ lực của Cha hơn vì chính Chúa Giêsu đã trao phó chúng ta cho Cha rồi.
Chia sẻ: Đứng trước tệ nạn gian dối trong xã hội, bạn có suy nghĩ gì? Bạn sống theo sự thật thế nào?
Sống Lời Chúa: Tin tưởng vào ơn trợ lực của Chúa để sống thật, làm chứng cho sự thật mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, tinh thần thế tục làm con người xa Chúa. Xin giúp con làm mới lại lối nghĩ để mỗi ngày con biết sống thật, làm chứng cho sự thật với lòng tin tưởng, phó thác vào ơn trợ lực của Chúa. Amen.

lundi 21 mai 2012

Thứ Ba Tuần VII PS


Th. Rita Cátxia, nữ tu 
nên một trong Chúa
“Mọi sự của con đều là của Cha, và mọi sự của Cha đều là của con.” (Ga 17,10)
Suy niệm: Lời nguyện của Chúa Giêsu trong đêm Tiệc Ly cho thấy Ngài và Chúa Cha nên một trong mọi sự, hòa hợp trọn vẹn và hoàn hảo. Thật vậy, mọi lời nói, việc làm, tâm tư, tình cảm nơi Chúa Giêsu cũng một trật là của Chúa Cha. Ngài từng nói: “Cha tôi và tôi là một” (Ga 10,30); “Con không tự mình làm điều gì, nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Cha làm, vì điều gì Người làm, thì Con cũng làm như thế” (Ga 5,19). Chúa mong sự hòa hợp đó cũng được thể hiện giữa Chúa và Giáo Hội, vì Chúa là Đầu, Giáo Hội là Thân Mình, tín hữu là chi thể. Lý tưởng là mỗi người sống và nói được như Chúa: “Mọi sự của con đều là của Chúa, và mọi sự của Chúa đều là của con.
Mời Bạn: Được nên một với Chúa ở đời sau và ngay đời này là hạnh phúc lớn nhất của kitô hữu. Bí tích Thánh Tẩy mở cho bạn quyền này, để bạn hiệp thông với Chúa, trong Giáo Hội và với nhau. Bạn đừng để bất cứ ai hay điều gì phá tan sự liên kết giữa bạn với Chúa.
Chia sẻ: Những phương thế và cũng là  những dấu hiệu để biết bạn đang nên một với Chúa là: nhận lãnh Thánh Thể (Ga 6,56); lòng mến (Ga 17,26); thực hành Lời Chúa (Ga 14,23). Bạn đã hội đủ những yếu tố đó chưa?
Sống Lời Chúa: Suy niệm dụ ngôn Cây nho và cành nho (Ga 15,1-8), và xin ơn được “ở trong” Chúa.
Cầu nguyện: Lạy chân phước giáo hoàng Gioan-Phaolô II, cha đã sống hiệp thông trọn vẹn với Chúa trong mọi sự, nên giờ đây mọi sự của Chúa cũng là của cha (“Totus tuus meus” khẩu hiệu giáo hoàng của ngài). Xin cầu thay nguyện giúp chúng con noi gương sống kết hiệp với Chúa như cha. Amen.

dimanche 20 mai 2012

Thứ Hai tuần VII PS B


Th. Christôphôrô Magalanê, lm và các bạn tử đạo 
xác nhận niềm tin
“Chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến”… Đức Giêsu đáp: “Bây giờ anh em tin à?…Can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,30-31.33)
Suy niệm: “Bây giờ anh em tin à?” Có quá trễ để các môn đệ xác nhận niềm tin rằng Chúa Giêsu từ Thiên Chúa mà đến hay không? Đối với các môn đệ thì trễ, vì gần ba năm trời ở với Chúa, các ông vẫn còn do dự, còn chút gì đó chưa rõ ràng; nhưng đối với Chúa Giêsu thì vẫn còn sớm, vì các ông cần phải kiểm định niềm tin ấy khi Chúa đi chịu chết và ngay cả khi Ngài sống lại hiện ra nhiều lần cho các ông. Dù sao lần xác nhận này là cơ sở cho những gì mà các ông cần tham chiếu vào đó mà chất vấn chính lương tâm và thiện chí của mình trong tương lai. Tin là một chuyện, còn thể hiện niềm tin là chuyện khác. Vì thế Chúa Giêsu khích lệ các ông để xác tín hôm nay sẽ trở thành hành động cho những ngày sắp tới. Trong những ngày đó từng người phải “can đảm” mới có thể vượt qua những thử thách mà mình phải chịu đựng.
Mời Bạn: Trước những nghịch cảnh, đức tin chúng ta dễ bị lung lay. Lời ta cầu xin Chúa thêm đức tin cho mình vẫn chưa đủ sức giúp ta vượt qua. Ta còn cần sự can đảm, can đảm chấp nhận nghịch cảnh. Ta cần xin Chúa điều này nữa.
Sống Lời Chúa: Chỉ khi ta “ở với Chúa,” và “trong Chúa” ta mới được bình an. Rời xa Ngài, ta sẽ bị chao đảo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, khi chúng con đọc và suy gẫm Lời Chúa, xin Chúa tiếp thêm sự can đảm cho chúng con. Khi chúng con tham dự thánh lễ và rước Mình Máu Chúa, xin Chúa ban cho chúng con sức mạnh để lướt thắng cám dỗ nghi ngờ và bỏ cuộc trên con đường theo Chúa. Amen.

CN 7b mùa Phục Sinh, TV.102

mercredi 16 mai 2012

Thứ Năm Tuần VI đến Chúa nhật VII PS


17/05/12 thứ năm tuần 6 ps
Ga 16,16-20

niềm vui sự sống
“Thật Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)
Suy niệm: Niềm vui của những người theo Đức Giê-su không phải là một niềm vui tinh quái: vui trên những đau khổ của người khác; càng không phải là thứ niềm vui bệnh hoạn: tự hành khổ của mình. Như người mẹ phải ưu phiền đau đớn để sinh con, và niềm vui vì đã sinh cho đời một con người vượt quá cơn đau đớn. Cơn đau của các thánh tử đạo trở thành niềm vui vì hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên quốc mà các ngài được hưởng. Các ki-tô hữu tìm thấy niềm vui ngay giữa những đau khổ lớn lao, vì những đau khổ ấy dẫn tới niềm vui đích thực không thể mất đi và cũng không bao giờ tàn lụi: đó chính là niềm vui vì được sống, được sống đời đời.
Mời Bạn: Cái nhìn ki-tô giáo về thế giới bể khổ này vừa thực tế –đó là chấp nhận sự thật khổ não của nó– lại vừa lạc quan –vì có thể trở thành phương thế đem lại điều tốt đẹp cho người khác. Bạn có dám chấp nhận một cái nhìn lạc quan như thế không? Điều gì đang làm bạn đau khổ? Mời bạn thử nhìn lại nó với cái nhìn lạc quan của Tin Mừng.
Chia sẻ: Tôi và bạn làm gì để cùng với Chúa Giê-su biến thập giá, điều khổ nhục nhất, trở thành niềm vui lớn lao nhất là sự sống lại và sự sống đời đời?
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh tự nguyện với ý hướng đem niềm vui cho những người lân cận mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi cầu nguyện con thấy Chúa là niềm vui; trong đời thường, Chúa dạy con phải phục vụ. Xin cho con biết bắt chước Chúa biết tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi dấn thân phục vụ anh em.

18/05/12 THỨ SÁU TUẦN 6 PS
Thánh Gio-an I, Giáo hoàng, tử đạo
Ga 16,20-23a

NIỀM VUI KHÔNG BỊ LẤY MẤT
“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)
Suy niệm: Dùng hình ảnh người phụ nữ trươc và sau khi sinh con, Đức Giêsu cho các môn đệ thấy trước viễn tượng của cuộc Khổ Nạn và Phục sinh của Ngài. Sẽ có một sự thay đổi lớn giữa “nỗi buồn” và “niềm vui.” Người phụ nữ đau đớn khi “mang nặng đẻ đau,” nhưng sau đó ngập tràn hạnh phúc vì một người con đã chào đời. Cũng vậy, các môn đệ sẽ thất vọng, buồn chán trước cái chết đau thương của Thầy mình, nhưng rốt cuộc lòng các ông sẽ “chan chứa niềm vui” khi được Đấng Phục Sinh hiện ra và trao chúc bình an. Dưới ánh sang của mầu nhiệm Phục Sinh và ân sủng của Thánh Thần, các Tông Đồ đã mạnh dạn làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh bằng cả mạng sống mình.
Mời Bạn: “Ngày nay cũng vậy, Chúa Phục Sinh bước vào nhà và trái tim chúng ta... Ngài đến đem niềm vui và an bình, sự sống và hy vọng, là những quà tặng chúng ta cần cho sự tái sinh nhân bản và thiêng liêng… Chỉ có Ngài mới có thể đem lại ý nghĩa cho đời sống của những ai đang mệt mỏi, buồn rầu và tuyệt vọng… Hai địa điểm “ưu tiên” chúng ta có thể gặp gỡ Đấng Phục Sinh để biến đổi đời sống mình: Lời Chúa và Thánh Thể(Đức Bênêđitô XVI).
Sống Lời Chúa: Nuôi dưỡng niềm vui và sự bình an bằng cách hằng ngày tái khám phá sự hiện diện của Đấng Phục Sinh trong Lời Chúa và Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, hằng ngày có biết bao điều con phải vất vả, lo toan, luẩn quẩn trong những bận rộn của phận người. Xin cho con biết dành vài phút giây quý báu để thân thưa cùng Chúa, là Đấng vẫn hằng đồng hành, hướng dẫn đời sống con. Amen.

19/05/12 thứ bảy tuần 6 ps
Vọng lễ Chúa Thăng Thiên
Ga 16,23-28

để trọn vẹn một niềm vui
“Thật, Thầy bảo thật anh em, anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy…. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.” (Ga 16,23-24)
Suy niệm: Chúa không chỉ biến ưu phiền của chúng ta thành niềm vui, Ngài còn muốn làm cho niềm vui đó nên trọn vẹn. Điều đó có thể thấy được nơi Maria Magđala, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần hôm ấy, hay nơi những người đã thấy Đức Ki-tô sống lại. Còn chúng ta, khi vẫn còn bước đi trong đức tin chứ không phải được hưởng kiến, và mới chỉ lĩnh hội được một chút gì của mầu nhiệm Thiên Chúa chứ không phải là “toàn vẹn sự thật” của Ngài, thì niềm vui có thể gọi là trọn vẹn được không? Có đấy! Hãy nghiệm lại những lời Chúa nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”“Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.” Để sống trong niềm vui trọn vẹn với Thiên Chúa chúng ta hãy sống như những người con cái của Ngài, mối quan hệ mới được thiết lập nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Chính nhờ Ngài, mà niềm vui của chúng ta nên trọn vẹn và không ai có thể cướp mất được. Nhân danh Ngài, chúng ta cầu xin và nhờ Ngài lời cầu xin chắc chắn được đón nhận.
Mời Bạn: Kiểm điểm những điều mình còn thiếu sót trong “đạo làm con” đối với Thiên Chúa.
Chia sẻ: Chúa nói: “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.” Thế khi xin mà không được thì sao?
Sống Lời Chúa: Trong lời cầu nguyện mỗi ngày, bạn hãy cầu xin Chúa điều mà bạn thấy là đẹp lòng Chúa nhất.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho ý Cha thể hiện, dưới đất cũng như trên trời.

20/05/12 chúa nhật tuần 7 ps – b
Chúa Thăng Thiên                                                             
Mc 16,15-20

bảo chứng niềm hy vọng
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu đo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Lễ Thăng Thiên là bảo chứng cho niềm hy vọng của người Kitô hữu. Quả thế, Chúa Giêsu về trời không phải sự chia ly vĩnh biệt, nhưng “Ngài đã đi trước mở đường dẫn chúng ta vào Nước Trời, khiến chúng ta là những chi thể của Ngài nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Ngài hưởng phúc vinh quang” (Lời nguyện Lễ Thăng Thiên). Chúa lên trời, tuy vắng mặt hữu hình, nhưng Người tiếp tục hiện diện và hoạt động với các Tông đồ xưa và cả chúng ta nay qua Thánh Thần của Người hầu nhân loại được cứu độ và sống đời đời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ.”
Mời Bạn: Cùng đích của đời người không phải là cõi đời này. Cuộc sống kiếp nhân sinh này với tất cả “hỉ nộ ái ố cụ ai dục” không phải là hạnh phúc bền vững đích thực. Mỗi ngày bạn tập không hám danh, cũng chẳng quá mê mải chạy theo lợi lộc, tiện nghi hưởng thụ để rồi đánh mất Chúa là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu. Bạn cũng luôn ý thức được sự hiện diện của Chúa trong đời thường qua việc sống hết mình cho Chúa và tha nhân qua con đường yêu thương và phục vụ. Nhờ vậy, chính bạn và tha nhân đạt đến quê hương đích thật của chúng ta ở trên trời.
Sống Lời Chúa: Tôi nỗ lực sống theo Lời Chúa dạy: Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin canh tân đời sống đạo của chúng con, để chúng con có thể trở thành những chứng nhân Tin Mừng của Chúa. Amen.

Thứ Ba đến thứ Tư Tuần VI PS


15/05/12 thứ ba tuần 6 ps
Ga 16,5-11

thánh thần sẽ đến
“Thầy nói thật với anh em, Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng bảo trợ sẽ không đến với anh em, nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Ga 16,7)
Suy niệm: Trước sự chia ly sắp đến, để lại đoàn môn đệ bơ vơ giữa đời, Chúa Giê-su bày tỏ cho chúng ta thấy rõ tấm lòng của Ngài với các môn đệ. Lời Chúa như một nâng đỡ ủi an: “Thầy đi thì có lợi cho anh em.” Thầy không để anh em lạc lõng giữa trần gian, nhưng Đấng Bảo Trợ sẽ đến với anh em. Chúa Giêsu thấy trước trách nhiệm nặng nề mà các môn đệ phải lãnh nhận. Thế gian với những chống đối, thù nghịch mà các môn đệ phải đương đầu, và thời gian này phải là thời gian để Thánh Thần của Ngài hoạt động, làm chứng về Ngài.
Mời Bạn: Bạn có cảm thấy Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ bạn trong cuộc sống hằng ngày không? Thánh Thần không đâu xa: Ngài có mặt khi ta rung động trước một đoạn Lời Chúa, khi ta muốn sống Lời Chúa trong đời thường. Ngài hiện diện nơi các bậc lãnh đạo trong Giáo Hội, trong Giáo xứ, trong Gia đình, trong tâm hồn bạn, cũng như nơi những người chung quanh.
Chia sẻ về một lần bạn cảm nhận được sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn bạn.
Sống Lời Chúa: Bạn làm một việc bác ái, giúp đỡ một người nghèo để làm chứng Thánh Thần đang sống trong bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin làm cho lòng con mềm mại để Ngài dẫn dắt, cho quả tim con hết cứng cỏi để Ngài canh tân; xin cho con không bao giờ dập tắt tiếng nói của Ngài để con được biến đổi không ngừng và làm chứng nhân cho ở giữa trần gian.

16/05/12 thứ tư tuần 6 ps
Ga 16,12-15

thiên chúa vẫn phán dạy
“Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn… Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16,13.15)
Suy niệm: Cuốn sách cuối cùng của bộ Thánh Kinh là Sách Khải Huyền được viết vào khoảng năm 100, nhưng không phải là kể từ ngày ấy Thiên Chúa đã lặng im không còn nói, không còn dạy con người điều chi nữa. “Trong thời sau hết, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con…” (Dt 1,2). Những điều Thiên Chúa muốn nói qua Người Con đã được ghi lại trong bộ Thánh Kinh, còn Chúa Thánh Thần dần dần vén màn cho chúng ta thấu hiểu được sự thật toàn vẹn. Chính vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy các tông đồ phải đợi đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống mới hiểu được những lời Chúa Giê-su đã nói. Và cũng không lạ khi những lời đã được viết ra cả hằng ngàn năm nay, mỗi khi được tuyên đọc, vẫn khơi dậy trong chúng ta những tâm tình những hiểu biết và những sứ vụ luôn luôn mới.
Mời Bạn: Thiên Chúa vẫn luôn phán dạy bạn: Mỗi khi bạn đọc hoặc nghe Lời Chúa, chính Chúa Giê-su trực tiếp nói với bạn vì Ngài là Đấng Phục Sinh, “Đấng đã chết mà nay vẫn đang sống”, và Chúa Thánh Thần giúp bạn hiểu Lời Chúa Ki-tô vì “Người lấy của Thầy mà loan báo cho anh em”.
Chia sẻ: Nhìn lại chính việc chia sẻ Lời Chúa: bạn đang chia sẻ điều Chúa Thánh Thần nói với bạn hay bạn chỉ nói ý kiến riêng của mình?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi đọc Lời Chúa, bạn xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn dạy dỗ bạn.
Cầu nguyện: Đọc kinh Đức Chúa Thánh Thần.

dimanche 13 mai 2012

Thứ Hai Tuần VI PS


Th. Mátthia, tông đồ
Ga 15,9-17

Ở lại trong tình yêu thương
“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy… như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.”  (Ga 15,9.10)
Suy niệm: - Tương quan kết nối giữa loài người với Thiên Chúa là tương quan tình yêu. Chỉ có một dòng tình yêu duy nhất nối kết Ba Ngôi Thiên Chúa và nối kết chúng ta với Chúa và với nhau: Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu anh em; cũng thế, anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em.
- Như Chúa Giê-su “giữ các điều răn của Cha” để “ở lại trong tình yêu của Cha”, Ngài cũng dạy cho chúng ta biết cách ở lại trong Ngài đó là “giữ các giới răn của Thầy” mà điều răn quan trọng nhất là “yêu thương nhau.” Như thế chúng ta đạt được điều kỳ diệu : khi “ở lại trong Thầy”, chúng ta cũng “ở lại trong nhau”.
Mời Bạn: - Cảm nghiệm được hạnh phúc vì được Chúa yêu thương.
- Hãy bảo vệ hạnh phúc được ở lại trong tình yêu Chúa, bằng cách luôn trung thành sống trong ơn nghĩa Chúa qua Bí tích Thánh thể. Việc đọc, cầu nguyện và sống Lời Chúa mỗi ngày là điều thiết yếu để kín múc nơi Đức Giêsu nguồn suối yêu thương.
Chia sẻ: Lời Chúa đã trở thành phương thế để duy trì hiệp nhất yêu thương trong gia đình, cộng đoàn của bạn chưa?
Sống Lời Chúa: Bạn có mối bất hòa với ai đó, hãy lo đi làm hòa để được hưởng niềm vui Phục sinh trọn vẹn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là mặt trời tỏa sáng tình yêu Chúa Cha, xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ; xin tình yêu Chúa trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.

samedi 12 mai 2012

CN 6b mùa Phục Sinh, TV.97

Chúa nhật VI PS B


tình yêu mạnh hơn sự chết
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)
Suy niệm: Theo lẽ tự nhiên, đã làm người ai cũng muốn sống, sống sung túc, sống lâu, sống đẹp; khi sự sống bị đe doạ, người ta làm tất cả những gì có thể để giành giật lại sự sống. Ngay cả những người chán ngán muốn từ bỏ cuộc sống này, tự thâm tâm, họ cũng muốn tìm kiếm một cuộc sống khác tốt đẹp hơn. Nhưng vấn đề ở chỗ sự sống họ tìm kiếm là sự sống nào, và cách tìm kiếm của họ có đưa đến sự sống đích thực hay không. Với Chúa Giêsu sống tức là yêu thương, và con đường dẫn đến sự sống chính là băng qua sự chết. Ngài yêu nhân loại nên Ngài bằng lòng chịu chết để con người được sống và sống dồi dào. Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa trao ban mỗi ngày: Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em. Chỉ có “tình yêu mạnh hơn sự chết” của Chúa đến mức đó mới làm cho con người được sống và sống hạnh phúc.
Mời Bạn: Cuộc sống của bạn còn nhiều khổ đau và bế tắc vì thiếu yêu thương. Mời bạn xét lại tình yêu của mình trong tương quan với Chúa và đối với tha nhân: vợ chồng, con cái, bạn bè lối xóm, người nghèo khổ bất hạnh chung quanh…. Bạn có dám hy sinh vì yêu thương họ như Chúa yêu ta không?
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh nho nhỏ để phục vụ những người mà bạn thường tiếp xúc hằng ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu con bằng cách chết trên thánh giá để ban cho con sự sống đời đời. Xin cho con cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu Chúa, một “tình yêu mạnh hơn sự chết”, để con biết yêu thương những người mà con vẫn gặp gỡ hằng ngày như Chúa yêu thương con. Amen.

vendredi 11 mai 2012

Thứ Bẩy Tuần V PS


để thuộc về chúa kitô
“Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó.” (Ga 15,19)
Suy niệm: “Yêu nhau yêu cả đường đi; ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.” Chuyện thế thái nhân tình vốn là thế! Nếu Chúa Kitô đã bị “thế gian” ghét, thì việc các môn đệ của Ngài có bị “thế gian” ghét lây cũng chẳng lạ gì, bởi vì họ thuộc về Chúa Kitô chứ không thuộc về “thế gian.” Người môn đệ phải dám chung chia số phận, đồng cam cộng khổ với thầy mình. Thế nhưng trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, các môn đệ đều bỏ Thầy mà trốn hết. May thay, Chúa Phục sinh đã nhóm lên trong họ niềm hy vọng mới. Từ nay, các môn đệ của Ngài không cho việc mình bị thù ghét vì thuộc về Chúa Kitô là điều xui xẻo, bất hạnh, mà trái lại đó là niềm hạnh phúc và hãnh diện: “Các tông đồ hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41).
Mời Bạn: Nếu bạn bị người đời ghét bỏ vì bạn sống ích kỷ, kiêu căng, gian dối,… thì có gì đáng hãnh diện? Bạn còn đáng ghét nữa là khác! Hay ngược lại, nếu như vì “cầu hai chữ bình an” mà bạn không dám sống cách triệt để những giá trị của Tin Mừng, thì bạn cũng không phải là môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Ở giữa hai thái cực đó, người môn đệ đích thực của Chúa Kitô, không sống vì sự yêu ghét của người đời nhưng chọn Ngài làm lẽ sống và tìm thấy hạnh phúc khi được thuộc trọn về Ngài.
Chia sẻ: Trong cung cách sống của bạn, có điều gì, vô tình hay hữu ý, gây phản cảm, hiểu lầm về Tin Mừng Chúa Kitô?
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái, một cử chỉ thân ái cho một người bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chọn con làm khí cụ bình an của Chúa. (Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi)