lundi 30 novembre 2009

Thứ Ba tuần 1 MV

XIN CHO CON KHIÊM TỐN
“Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy.” (Lc 10,24)
Suy niệm: Louis Pasteur là nhà khoa học nổi tiếng không riêng chi ở Pháp, nhưng là khắp thế giới. Ông thường lần hạt khi ngồi trên xe lửa. Nhà khoa học danh giá A. Ampère đã cầu nguyện khi người vợ yêu quý qua đời: “Lạy Thiên Chúa Nhân Hậu, xin kết hiệp con với những người Chúa cho con yêu mến trên trần thế nay đang ở trên trời.” Vào cuối đời, ông đọc Kinh Thánh và các giáo phụ mỗi ngày. Là giới trí thức, nhưng hai ông -cũng như nhiều nhà khoa học khác- là những người có lòng khiêm tốn và đơn sơ. Không phải người trí thức thông thái chối từ Tin Mừng Nước Trời, nhưng là kẻ kiêu căng. Cũng vậy, chẳng phải sự ngu dốt đón nhận đức tin vào Đức Giêsu, nhưng là lòng khiêm tốn, tâm hồn đơn sơ.
Mời Bạn: Trong Nước Trời của Đức Giêsu, chỉ có ai có lòng đơn sơ khiêm tốn mới có thể lãnh hội được chân lý hoặc sự khôn ngoan đích thực của Nước Trời. Bạn biết Chúa không phải chỉ bằng trí óc, nhưng bằng cả con tim. Bạn không chỉ biết về Chúa, nhưng là biết chính Chúa. Hồng ân từ trời này chỉ dành cho những ai khiêm tốn mở lòng đón nhận trong tâm tình tri ân.
Chia sẻ kinh nghiệm của bạn khi khiêm tốn đón nhận một mạc khải soi sáng của Chúa trong đời thường.
Sống Lời Chúa: Xem xét những triệu chứng của núi đồi kiêu căng tự phụ trong đời sống của bạn, và tìm cách “san bằng” trong mùa Vọng này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chỉ những người bé mọn mới được mạc khải về Chúa, về Nước Trời. Xin cho chúng con biết khai trừ mọi thái độ tự cao tự đại công khai, hoặc lòng kiêu ngạo kín đáo khỏi cuộc đời chúng con. Amen.

3 phút cầu nguyện bằng thánh vịnh

dimanche 29 novembre 2009

Thứ Hai tuần 1 MV

Th. Anrê, tông đồ
LINH ĐẠO THÁNH GIÁ
Chúa Giêsu bảo các ông: Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức họ bỏ mọi sự mà đi theo Người. (Mt 4,20)
Suy niệm: Qua lời giới thiệu qua Gioan Tẩy Giả, Anrê đã “đến mà xem” nơi Chúa Giêsu ở và trở thành một trong hai môn đệ đầu tiên của Chúa. Đang là cột trụ kiếm sống của gia đình, Anrê đã không ngần ngại bỏ lại đàng sau tất cả mọi sự: gia đình, nghề nghiệp… để theo Chúa. Anrê đã sẵn sàng “vác thập giá mình mà theo Chúa” dù mãi sau này ông mới hiểu thập giá đó là gì: đó là làm chứng cho Chúa Kitô bằng cái chết trên thập tự giá giống như Thầy Chí Thánh, một cây thập tự hình chữ X, như truyền thống cho biết. Sự từ bỏ như vậy vẫn còn là lời mời gọi và là thách thức cho thời đại chúng ta, một sự từ bỏ mà Đức Thánh Cha Beneđictô XVI gọi là “linh đạo thánh giá”, linh đạo chính yếu của Kitô Giáo – cho đi cả mạng sống để được Đức Kitô làm sản nghiệp cho đời mình. Nhờ linh đạo thập giá như thế, các nỗi đau thương của chúng ta đạt được ý nghĩa đích thực và mang lấy một giá trị cao quý.
Mời Bạn: Như hạt lúa miến gieo vào lòng đất bị thối đi sẽ trổ sinh nhiều bông hạt. Bạn học được gì nơi thánh Anrê qua mẫu gương của ngài: mau mắn theo Chúa, nhiệt thành rao giảng Lời Chúa, và chấp nhận chết trên thập giá để làm chứng cho Tin Mừng?
Sống Lời Chúa: Vác thập giá mỗi ngày bằng cách từ bỏ một thói quen xấu để cầu nguyện cho việc rao giảng Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho con biết noi gương thánh Anrê tông đồ: theo Chúa Giêsu một cách mau mắn, nói một cách nhiệt tình về Chúa với tất cả những ai con gặp gỡ, và sẵn sàng hiến dâng mạng sống con vì Danh Chúa.

samedi 28 novembre 2009

Chủ nhật 1 Mùa Vọng C

ĐỂ KHỞI ĐẦU THỜI ĐẠI MỚI
“Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21,36)
Suy niệm: Ngay ngày đầu tiên của năm phụng vụ, Lời Chúa nhắc nhở chúng ta hướng về ngày cánh chung, lúc cánh cửa thế giới này đóng lại để mở ra cánh cửa dẫn vào thế giới vĩnh cửu. Thời điểm “giao thừa” ấy thật nhiều thách đố. Nó chứa đầy đe doạ – những thiên tai, loạn lạc – làm người ta thất đảm, lung lay niềm tin. Đồng thời, nó cũng đầy những cám dỗ hưởng thụ khiến người ta mê đắm, không còn sẵn sàng cho cuộc vượt qua nữa. Chúa Giê-su dạy chúng ta bí quyết để “đứng vững” trong những ngày ấy, đó là “tỉnh thức và cầu nguyện”.
Mời Bạn: Lời Chúa cho biết có hai điều làm bạn không thể sẵn sàng cho ngày của Chúa: 1. lối sống hưởng thụ, tìm cách thoả mãn các đam mê lạc thú cách vô độ và ích kỷ khiến cho “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa;” 2. tính thực dụng do mải mê “lo lắng sự đời,” quên mất điều duy nhất cần thiết là đạt tới ơn cứu độ. Đối lại, xin bạn nhớ rằng “tỉnh thức và cầu nguyện” không phải là giải pháp chỉ dùng khi đã “hết thuốc chữa” mà là việc bạn phải làm trước tiên và luôn luôn trong suốt cuộc đời.
Chia sẻ: Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam vừa bắt đầu, bạn làm gì để thăng tiến việc cầu nguyện và sống Lời Chúa trong gia đình/cộng đoàn của bạn?
Sống Lời Chúa: Ghi câu sau đây tại nơi dễ thấy nhất trong nhà của bạn: “Tôi đã cầu nguyện hôm nay chưa?”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết say mê cầu nguyện như Chúa. Xin giúp con cảm nghiệm được cầu nguyện cần thiết cho con như hơi thở cho cuộc sống, như tình yêu cho con được lớn lên trong Chúa.

jeudi 26 novembre 2009

Thứ Sáu tuần 34 TN

NƯỚC THIÊN CHÚA ĐỐI LẠI SỰ DỮ
“Khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 21,30)
Suy niệm: Nước Thiên Chúa là một thực tại rất khó diễn tả: nó vừa vô hình vừa hữu hình; vừa của Thiên Chúa vừa dành cho con người tham dự; nó đã khởi sự và đang trong quá trình hoàn tất... Chính Chúa Giê-su cũng cảm thấy khó mô tả nên mới nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây?” (Mc 4,30). Và vì thế Ngài đã dùng nhiều hình ảnh khác nhau để minh họa (như nắm men, hạt cải, tiệc cưới...). Mặc dù phải dùng nhiều hình thức khác nhau để mạc khải Nước Thiên Chúa, nhưng xuyên suốt sứ điệp, Chúa Giê-su đều trình bày Nước ấy như một thực tại chỉ xuất hiện khi sự dữ bị tiêu diệt. Thiên Chúa không tạo ra sự dữ nhưng ai muốn chiếm hữu Nước Thiên Chúa thì phải đương đầu với sự dữ và chiến thắng nó. Nói cách khác, Nước Thiên Chúa chỉ hiển trị khi sự dữ bị chiến bại. Vậy khi đối mặt với chiến tranh, loạn lạc, khủng bố, thiên tai... thì hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Mời Bạn: Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã chấp nhận cái chết để ban nghị lực cho chúng ta dám chết; và Ngài đã sống lại để giải thoát những ai sợ chết mà làm nô lệ sự dữ. Hãy suy niệm mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh để hoán cải đời mình cho xứng là môn đệ Chúa Ki-tô, là công dân Nước Trời.
Chia sẻ: Sự dữ nào tôi đang tiếp tay? Và sự dữ nào tôi đang đương đầu?
Sống Lời Chúa: Tích cực chống sự dữ (chẳng hạn sự gian dối, nạn phá thai,…) bằng lời cầu nguyện và bằng hành động.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho Nước Cha trị đến... xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.

mercredi 25 novembre 2009

Thứ Năm tuần 34 TN

ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU
“Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28)
Suy niệm: Biết bao nguy cơ đang đe doạ tương lai con người: chiến tranh, khủng bố, đói khát, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,... Con người không ngừng đặt ra một câu hỏi đầy ưu tư: nhân loại rồi sẽ đi về đâu? Phải chăng như Lời Chúa cho chúng ta biết những biến chuyển trong thiên nhiên, những hoang mang lo lắng trong lòng người là dấu hiệu ngày tận thế đang gần kề? Tuy nhiên đó cũng là lúc Chúa ngự đến trong uy quyền vinh quang để phán xét toàn thể nhân loại: kẻ dữ bị đoán phạt, người lành được ân thưởng và Nước Hòa Bình được thiết lập cho Thiên Chúa Cha. Như thế ngày Chúa đến không còn là ngày run khiếp sợ hãi nhưng là ngày mà những ai tin Chúa tràn đầy vui mừng và hy vọng: họ “đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì giờ cứu thoát đã gần.”
Mời Bạn: Sở dĩ tương lai và sự sống con người bị đe dọa là do họ gò lưng cúi đầu làm nô lệ cho tội lỗi. Họ sống ích kỷ, hưởng thụ lợi lộc trước mắt. Những giá trị tinh thần như tình yêu thương liên đới, khiêm tốn, hiền hòa bị loại trừ và trở thành đồ xa xỉ. Tương lai ở trong tay ta khi ta đưa tay ra cho Chúa dẫn dắt ta đi trên nẻo đường của Chúa.
Chia sẻ: Trong môi trường chúng ta đang sống, đang xảy ra tệ nạn nào? Chúng ta cần phải làm gì để giúp nhau thức tỉnh và xa lánh?
Sống Lời Chúa: Để tôi có thể “đứng thẳng và ngẩng đầu” trong ngày Chúa đến, ngay từ bây giờ tôi can đảm nói “không” với tất cả những gì là tội lỗi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Đấng nắm giữ vận mệnh chúng con. Có Chúa dẫn đưa, con tiến bước trong hi vọng và an tâm tin tưởng vào chiến thắng của Nước Chúa trong ngày Chúa vinh quang ngự đến.

mardi 24 novembre 2009

Thứ Tư tuần 34 TN

Th. Catarina Alêxanđria, trinh nữ, tử đạo
VÌ DANH ĐỨC KITÔ
“Vì Danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét, nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu!” (Lc 21,17-18)
Suy niệm: Nhiều người nghĩ rằng các kitô hữu ngày nay không còn chịu cảnh bách hại như vài ba thế kỷ trước đây. Nhưng thực tế trái lại: ngày nay chúng ta đang sống trong “một thời đại có rất nhiều chứng nhân, cách này hay cách khác đã biết sống Tin Mừng trong những hoàn cảnh bị đố kỵ và bách hại, nhiều khi đến độ phải lấy máu đào làm chứng tột cùng cho Chúa” (Gioan Phaolô II, “Novo millennio ineunte,” 41). Quả thật vẫn có nhiều thừa sai bị giết hại “vì danh Đức Kitô;” và mặt khác hình thức bách hại cũng đa dạng hơn “từ tình trạng bị kỳ thị về mặt xã hội cho đến ngục tù, tra tấn và sát hại” (Sứ Điệp Ngày Truyền Giáo 2009). Mang danh là Kitô hữu thì cũng tiếp tục sứ mệnh và cùng chung một số phận với Thầy của mình, chúng ta mãi mãi vẫn có nhiều cơ hội để “làm chứng cho Thầy.”
Mời Bạn: Đồng số phận với Đức Kitô nghĩa là chịu sỉ nhục, nhạo báng, bị bắt bớ, đánh đập thậm chí bị giết “vì danh Đức Kitô.” Mang thân phận con người yếu đuối, ai mà không run sợ? Nhưng Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng sợ vì Ngài vẫn ở với chúng ta và Ngài bảo đảm “dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.”
Chia sẻ: Có khi nào bạn được diễm phúc “chịu đau khổ vì danh Chúa Kitô” chưa? Bạn có thấy trong cuộc sống thường ngày, bạn có rất nhiều dịp để chịu đau khổ làm chứng cho Chúa không?
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh phục vụ âm thầm và xin ơn can đảm làm chứng nhân cho Chúa.
Cầu nguyện: Đọc kinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

lundi 23 novembre 2009

Thứ Ba tuần 34 TN

Th. Anrê Dũng Lạc, linh mục và các bạn tử đạo
Khai mạc Năm Thánh 2010 tại Sở Kiện
CƠ HỘI ĐỂ LÀM CHỨNG
“Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.” (Lc 21,12-13)
Suy niệm: Ngày hôm nay lễ khai mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam sẽ diễn ra tại Trung Tâm Các Thánh Tử Đạo Sở Kiện. Ban tổ chức dự kiến sẽ có trên 4.000 linh mục và tu sĩ cùng khoảng 100.000 giáo dân về tham dự. Con số thực sự như thế nào, ít ngày nữa chúng ta sẽ biết, nhưng hầu chắc một điều là buổi lễ sẽ hết sức “hoành tráng” và không ít người sẽ vô cùng phấn khởi vì coi đây là dịp tốt để làm “vẻ vang đạo Chúa.” Cũng chính ngày hôm nay, Lời Chúa lại nhắc nhở chúng ta một cơ hội khác để làm chứng cho Chúa Kitô không dễ chịu tí nào: đó là bắt bớ, tù đày, là ngược đãi, giết hại… Các thánh tử đạo đã đón nhận những điều này như cơ hội tuyệt hảo để làm chứng cho Đức Kitô.
Mời Bạn: Nếu nghĩ rằng chỉ những khi có “mở lễ lớn” mới có cơ hội làm chứng thì thật hời hợt và thiếu sót biết bao. Trái lại, mọi công việc, mọi giây phút cuộc sống đều có thể trở thành cơ hội làm chứng nếu như chúng được thực hiện với tinh thần Tin Mừng, với tâm tình Chúa Kitô. Trong thời đại nào việc làm chứng cũng gặp thử thách, bách hại, nhưng đó chính là phép trắc nghiệm cho biết đâu mới là những lời chứng đích thực và bền vững.
Chia sẻ: Kể ra những cơ hội thuận tiện và những thách đố cho việc loan báo Tin Mừng hôm nay. Bạn sẽ làm gì để làm chứng trong Năm Thánh này?
Sống Lời Chúa: Làm chứng cho ít là một lương dân nhận biết và tin vào Chúa Kitô trong Năm Thánh này.
Cầu nguyện: Đọc kinh Năm Thánh.

dimanche 22 novembre 2009

Thứ Hai tuần 34 TN

Th. Côlumban, viện phụ
VỚI CẢ TẤM LÒNG
“Thầy bảo thật anh em, bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.” (Lc 11,3)
Suy niệm: Ai cũng công nhận “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng người ta lại thường “xem mặt mà bắt hình dong,” dựa vào hình thức bên ngoài để đánh giá phẩm chất bên trong: Tuyển nhân viên mấy ai chọn tiêu chuẩn “xấu người đẹp nết” thay vì “ưu tiên có ngoại hình”? Lắm khi người ta đánh giá sản phẩm chỉ dựa vào mẫu mã kiểu dáng bao bì bắt mắt. Người ta cũng dễ có xu hướng thẩm định giá trị của một người dựa vào của cải, địa vị, bằng cấp, v.v. Chúa Giêsu thì khác; Ngài thẩm định giá trị hành vi từ đáy lòng con người. Ngài cho biết: Dù chỉ bỏ hai đồng tiền vào thùng dâng cúng, bà goá nghèo đã bỏ nhiều hơn ai hết vì đó là tất cả gia tài của bà! Bà đã dâng với cả tấm lòng.
Mời Bạn xét lại cách bạn đánh giá người khác và bản thân căn cứ theo cách đánh giá của Chúa Giêsu:
* Với tha nhân: ta thường ca ngợi, hoặc “xông hương” người này, người nọ vì họ thuộc “phe ta”, họ đóng góp lớn lao tiền của để đem lại một kết quả nào đó. Ngược lại, chúng ta coi thường, rẻ khinh ai đó vì họ nghèo, kém tài hay vụng về.
* Với chính mình: Ta tự hào tự mãn vì được khen khi thành công, ta thất vọng chán ngán khi thất bại hoặc bị chê bai. Ta bị nhận chìm trong những dư luận bên ngoài hơn là sống thật với chính mình dưới cái nhìn của Chúa Đấng thấu suốt tất cả mọi sự về chính tôi.
Sống Lời Chúa: Xét mình: “Cách tôi cư xử và cách tôi nhìn tha nhân đây có phải là cách của Chúa không?”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không cần con phải dâng cho Chúa những của lễ sang trọng hay đẹp đẽ bên ngoài. Nhưng Chúa cần con dám liều lĩnh phó thác và dâng trọn tất cả những gì là của con trong sự khiêm tốn chân thành.

samedi 21 novembre 2009

Chủ nhật 34 TN B

CHÚA KITÔ, VUA TÌNH YÊU
“Tôi sinh ra và đến thế gian vì điều này là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18,37)
Suy niệm: Thời quân chủ phong kiến đã qua rồi, nhưng thế giới vẫn đầy dẫy những loại “vua” độc tài hà khắc không kém những bạo vương thuở nào. Trong bối cảnh đó, con người vẫn còn mong chờ một vị Vua Cứu Thế giải phóng họ khỏi cảnh bị áp bức lầm than. Lời Chúa tuyên bố Ngài là Vua vẫn mang tính hiện đại với đầy đủ ý nghĩa và giá trị. Chúa Giêsu Vua, không như bất cứ một vị vua nào khác ở trần gian. Ngài không dùng đến sức mạnh quân sự, chính trị hay một thể chế nào khác ngoài danh hiệu là Vua Sự Thật; mà Sự Thật Ngài rao giảng là Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Mời Bạn: Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, bạn được thông phần với Chúa Kitô trong chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế. Chúa mời gọi bạn làm vua cai trị lòng mình để không đi vào con đường bất chính lầm lạc, không nuông chiều thân xác cũng không nhân nhượng những tật xấu, để sống một cuộc đời thanh cao, tâm hồn luôn bình an trong sáng. Nhờ đó bạn “nêu gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch” (1Tm 4,12).
Sống Lời Chúa: Cư xử với nhau bằng một tình yêu bao dung độ lượng như Chúa Giêsu Kitô Vua.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Vua Tình Yêu, xin ban cho chúng con trái tim của Chúa. Xin giúp chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa bao la dường nào và để chúng con cũng biết đáp trả tình yêu Chúa một cách quảng đại và mạnh mẽ.

jeudi 19 novembre 2009

Thứ Sáu tuần 33 TN

SAY MÊ LỜI CHÚA
Hằng ngày Người giảng dạy trong Đền Thờ… toàn dân say mê nghe Người. (Lc 19,47-48)
Suy niệm: Hitler được kể tên trong số những nhà hùng biện hàng đầu của nhân loại, lời nói của ông có một uy lực huyền bí có sức thu hút quần chúng tin theo đường lối của ông; thế nhưng ông đã dùng năng lực đó để xô đẩy cả thế giới vào một cuộc chiến tranh huỷ diệt tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Thật trái ngược hẳn với Đức Giêsu: Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, nhưng Ngài không rao giảng sự thù hận giết chóc; sứ điệp của Ngài là tình thương. Lời Ngài tiễu trừ ma quỉ, tha thứ tội lỗi, khơi dậy hy vọng cho người thất vọng. Lời Ngài làm cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7,22). Lời Ngài thật đơn sơ, gần gũi với cuộc sống nhưng cũng thật sâu sắc, đánh động tâm hồn, thúc bách người ta hoán cải. Vì thế “toàn dân say mê nghe Lời Người.”
Mời Bạn: Lời Chúa có làm bạn say mê và lôi cuốn bạn đi theo và sống như Ngài không? Trong sứ điệp Truyền Giáo vừa qua, Đức Thánh Cha nói “sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội là làm cho mọi dân tộc được ‘nhiễm’ niềm hy vọng (cứu độ).” Cách sống của bạn có “truyền nhiễm” được sức hấp dẫn của Lời Chúa khiến anh em lương dân cảm nhận, say mê và tin theo Lời Ngài không?
Chia sẻ: Việc loan báo Tin Mừng của bạn có trở nên phản cảm vì lối sống “ngôn hành bất nhất” không?
Sống Lời Chúa: Trung thành suy niệm Lời Chúa hằng ngày và quyết tâm làm một việc cụ thể có hướng truyền giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết say mê Lời Chúa là lẽ sống đời con.

mercredi 18 novembre 2009

Thứ Năm tuần 33 TN

NHẬN BIẾT CHÚA ĐẾN VIẾNG THĂM
“Sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” (Lc 19,44)
Suy niệm: Nhìn từ trên núi Ô-liu, thành thánh Giêrusalem thật huy hoàng tráng lệ. Là trung tâm tôn giáo và chính trị của Ítraen, thế nên, mọi sinh hoạt của dân Do Thái đều qui hướng về đây cả. Hơn nữa, Giêrusalem còn có một chỗ đứng thật đặc biệt trong lịch sử ơn cứu độ, một chỗ thật ưu ái trong trái tim Đức Kitô: “Đã bao lần ta muốn tập họp con cái ngươi lại như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh” (Lc 13,35). Thế nhưng chính tại đây mà biết bao tiên tri bị bách hại (Lc 13,34); các thượng tế, kinh sư, luật sĩ chống đối Đức Kitô cũng đều xuất phát từ Giêrusalem (Mt 15,1). Vì thế Người khóc thương cho số phận đang đợi chờ thành đô, vì đã không nhận biết ngày giờ mình được Thiên Chúa viếng thăm. Và cũng vì thương thành đô, mà Đức Giêsu đã quả quyết lên Giêrusalem để hoàn tất chương trình cứu độ: “Một ngôn sứ mà chết ngoài thành thì không được” (Lc 13,33).
Mời Bạn: Chúng ta có mời Chúa đến viếng thăm đền thờ tâm hồn chúng ta bằng việc siêng năng rước Thánh Thể không? Chúa có phải than khóc vì chúng ta bỏ ngoài tai lời Ngài gửi đến chúng ta qua các sứ giả của Ngài không?
Chia sẻ: Trong Năm Linh Mục, bạn đã làm gì thiết thực trong việc giúp thánh hoá các linh mục, vị sứ giả đặc biệt của Chúa Kitô, nhất là vị chủ chăn của bạn?
Sống Lời Chúa: Dâng một hy sinh cầu nguyện cho vị chủ chăn của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su! Xin giúp chúng con biết hoán cải theo Lời Chúa dạy để chúng con xứng đáng được hưởng nhan thánh Chúa trên thành đô Giê-ru-sa-lem Thiên quốc là Nước Trời.

mardi 17 novembre 2009

Thứ Tư tuần 33 TN

Cung hiến Đền thờ thánh Phêrô và Phaolô
ĐẦU TƯ CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO
“Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì anh hãy cầm quyền cai trị mười thành.” (Lc 19,17)
Suy niệm: Đối với Chúa Giêsu, người đầy tớ tài giỏi là người dám đầu tư sinh lợi tất cả vốn liếng Chúa trao vào công trình của Ngài. Công trình đó được Đức Bênêđictô XVI nói rõ trong sứ điệp nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo 18/10/2009 là công trình truyền giáo cho dân ngoại. “Công trình đó phải chiếm ưu tiên trong các chương trình mục vụ của các giáo phận.” Nếu người đầy tớ giỏi trong trình thuật hôm nay đã không chôn cất vốn liếng của mình, cũng không đầu tư cách rụt rè; trái lại, anh dám mạo hiểm đầu tư trọn vẹn theo ý chủ, thì Kitô hữu hôm nay cũng phải trang bị cho mình một tinh thần mạo hiểm như thế trong phương diện truyền giáo. Mọi vốn liếng tinh thần, vật chất không phải để Giáo Hội “chưng diện,” nhưng mọi sự và cả vốn liếng cuối cùng là mạng sống cũng được mời gọi đầu tư vào sứ mạng truyền giáo này. Đức Bênêđictô gọi những đầy tớ tài giỏi đầu tư cả mạng sống là “những người đã tận hiến cuộc sống cho công cuộc rao giảng Tin Mừng.” Động cơ thúc đẩy Giáo Hội đầu tư hết vốn chính là niềm tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho vốn liếng ấy sinh hoa lợi.
Mời Bạn: Về phương diện truyền giáo cho dân ngoại, bạn, giáo xứ của bạn, giáo phận của bạn đang có chương trình gì? Chương trình đó có phù hợp ý Chúa không và được đầu tư thế nào?
Chia sẻ: Thế nào là đầy tớ giỏi trong việc truyền giáo?
Sống Lời Chúa: Đóng góp một sáng kiến truyền giáo của bạn cho gia đình, cho giáo xứ hoặc cho giáo phận.
Cầu nguyện: Hát: “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: lúa chín đầy đồng…”

lundi 16 novembre 2009

Thứ Ba tuần 33 TN

TÌNH YÊU BIẾN ĐỔI PHẬN NGƯỜI
Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông.” (Lc 9,5)
Suy niệm: Chúa Giêsu có một cái nhìn về ông Dakêu khác với cái nhìn đầy thành kiến và khinh khi của những người xung quanh ông – ấy là nói thế chứ chưa chắc họ đã thèm để mắt đến ông. Chúa nhìn ông bằng cái nhìn trìu mến của một người nhận ra người thân yêu của mình ở giữa một đám đông; cái nhìn cảm thông và thấu hiểu tấm lòng của Dakêu; cái nhìn yêu thương nhân hậu “không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”. Với cái nhìn của tình thương, Chúa gọi ông và mở lời đến thăm nhà ông, điều mà chắc hẳn ông rất ước ao nhưng chẳng dám ngỏ lời. Thật là một niềm hạnh phúc ngoài sự mong đợi của ông. Cái nhìn của Chúa như một luồng gió đầy sinh khí ùa vào nhà tâm hồn ông, quét sạch mọi dơ bẩn và biến đổi ông thành con người mới.
Mời Bạn: Chúa yêu thương quan tâm đến ta, Người luôn tìm kiếm, mời gọi và đón nhận ta trở về Ngài, dù ta có đang ở trong tình trạng xấu xa tồi tệ thế nào đi nữa, như chính Chúa Giêsu đã nói: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” Vậy bạn ơi, đừng bao giờ thất vọng về tình trạng tội lỗi của mình, cũng đừng thất vọng hay ôm thành kiến về những khuyết điểm của tha nhân. Chúa chỉ mong chúng ta sẵn sàng một con tim rộng mở để đón nhận Chúa và trở lại với Ngài.
Chia sẻ: Bạn có cảm thấy tình yêu Chúa thôi thúc bạn trở về và đổi mới cuộc đời như Dakêu không? Hành động cụ thể nào bạn cho là thể hiện điều đó?
Sống Lời Chúa: Từ bỏ một thói quen xấu, để chứng tỏ quyết tâm đổi mới cuộc đời và để đáp lại tình Chúa yêu ta.
Cầu nguyện: Hát: “Gặp gỡ Đức Kitô”.

dimanche 15 novembre 2009

Thứ Hai tuần 33 TN

Th. Magarita Scốtlen, trinh nữ
“ANH CẦN GÌ Ạ?”
“Đức Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh ta đến… Người hỏi: ‘Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Lc 18,40-41)
Suy niệm: Ai lại không cần được người khác giúp đỡ? Ai lại không thấy ấm lòng mỗi khi mình gặp khó khăn mà nghe ai đó chân thành gợi ý muốn giúp đỡ mình? Ta hiểu vì sao trong giao tiếp hằng ngày, một trong những câu nói quan trọng nhất là “Anh cần gì ạ?” – (người Anh/Mỹ thì “What can I do for you?”; người Pháp thì “En quoi puis-je vous être utile?”). Ngôn ngữ nào cũng có một câu tương ứng như vậy. Đó cũng chính là lời Đức Giêsu nói với người mù hôm nay: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Có điều, Đức Giêsu không nói kiểu máy móc như một công thức giao tế; Ngài nói với tất cả ý chí và tâm tình của Ngài. Ngài thực sự muốn gặp và muốn giúp đỡ anh mù tội nghiệp, ngay cả dù những người xung quanh Ngài có vẻ không muốn điều đó.
Mời Bạn: Thử đoán xem vây quanh Đức Giêsu lúc ấy là những ai. Chắc hẳn trước hết phải kể đó là những Phêrô, Giacôbê, Gioan, Anrê, Philipphê…, tức là các học trò ‘ruột’, các tông đồ của Chúa! Họ muốn ‘bịt miệng’ anh mù, chắc cũng vì ý tốt muốn chăm sóc Thầy, muốn cho Thầy khỏi phiền phức. Và họ đã bị ‘quê’, vì Thầy của họ hành động cách khác hẳn: Anh mù, vốn bị họ gạt ra rìa, lại chính là tâm điểm thu hút sự quan tâm của Đức Giêsu.
Chia sẻ: Có những kiếp đời nào quanh bạn đang được Chúa rất quan tâm những cũng đang bị các môn đệ Chúa hôm nay phớt lờ không?
Sống Lời Chúa: Ta đến với người nghèo bằng ý chí và tâm tình của Chúa: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”
Cầu nguyện: Xin ơn biết dấn thân phục vụ theo gương Chúa Giêsu.

samedi 14 novembre 2009

Chủ nhật 33 TN B

Kính trọng thể các thánh Tử Đạo Việt Nam
NGÀY CON NGƯỜI QUANG LÂM
“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,26)
Suy niệm: Bộ phim về ngày tận thế sẽ xảy đến vào ngày 21/12/2012 của đạo diễn Roland Emmerich khai thác những lời đồn đoán dựa trên bộ lịch của người Maya cổ đại đã thu hút được đông đảo khán giả hiếu kỳ ngay từ trước khi nó được trình chiếu vào ngày 13/11 này. Chúng ta thường hoang mang lo lắng về ngày tận thế. Chúa Giêsu khẳng định Ngài sẽ đến để xét xử thế gian nhưng tận thế sẽ xảy ra vào ngày nào giờ nào thì chính Ngài cũng không biết. Phúc Âm theo thánh Máccô dùng ngôn ngữ khải huyền để diễn tả biến cố báo hiệu ngày ấy. Trong những ngày đó trật tự thiên nhiên bị đảo lộn, thế giới hỗn loạn, vũ trụ trở lại tình trạng hỗn mang. Cũng theo ngôn ngữ Thánh Kinh, sự hỗn mang là dấu hiệu bắt đầu cuộc tạo thành mới. Trong ngày Đức Kitô quang lâm, kẻ gian ác sẽ bị luận phạt, còn những ai tin vào Con Người và luôn kiên trì trung tín với Người trong những thử thách lớn lao sẽ được vào số những người được tuyển chọn và được cứu độ.
Mời Bạn: Chiến tranh bạo lực khủng bố đang xảy ra hằng ngày trên thế giới; thêm vào đó thiên tai bão lụt, động đất…; ở nhiều nơi trên thế giới, các tín hữu bị thử thách, bách hại… Những xáo trộn ấy làm cho nhiều người hoang mang và có cảm tưởng như ngày tận thế sắp đến. Còn bạn, bạn sợ hãi bối rối hay bạn lạc quan tin tưởng vững vàng trong niềm tin vào ngày Con Người sắp đến?
Sống Lời Chúa: Noi gương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, anh dũng vác thập giá đời mình theo Chúa Kitô để trung kiên làm chứng đức tin.
Cầu nguyện: Đọc kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

vendredi 13 novembre 2009

Thứ Bảy tuần 32 TN

KIÊN TÂM NGUYỆN CẦU
“ …chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn?” (Lc 18,7)
Suy niệm: Viên quan toà trong dụ ngôn có thể là một viên chức ăn lương của Hêrôđê hoặc Philatô, vốn khét tiếng là “bất chính,” dám tự nhận mình “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì.” Ngược lại, người đàn bà kia đã goá bụa lại nghèo túng, bị người ta thưa kiện mà không có gì để tự bênh vực, bảo vệ. Thế nhưng bà có một vũ khí mà viên quan toà ấy cũng phải sợ: đó là sự kiên trì dai dẳng đến mức lì lợm khiến ông ta phải đáp ứng để khỏi bị quấy rầy. Bằng biện pháp tương phản, Chúa Giêsu đã chứng minh một cách hết sức thuyết phục về hiệu quả của việc kiên tâm cầu nguyện: Nếu người xấu xa như thế còn chịu thua lời van xin thì Thiên Chúa quyền năng và nhân hậu vô cùng còn ban cho ta dồi dào hơn điều ta cầu xin biết chừng nào?
Mời Bạn: Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kiên tâm nguyện cầu. Nguyện cầu vừa là tỏ bày nhu cầu của mình lên Thiên Chúa là Cha, vừa là hàn huyên tâm sự với Ngài. Người đàn bà góa không biết cậy dựa vào đâu ngoài tên quan toà bất chính, vậy mà bà vẫn kiên nhẫn van xin. Còn ta có Chúa là Cha rất nhân từ và quyền năng, lẽ nào ta lại thiếu kiên tâm khi đến với Ngài? Cho dù điều bạn đang mong ước cầu xin đã lâu mà vẫn chưa được hiện thực thì bạn cũng đừng nản chí sờn lòng bạn nhé.
Chia sẻ về kinh nghiệm của bạn hoặc tấm gương của một người kiên nhẫn cầu nguyện mà bạn biết.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi xin Chúa điều gì, thêm vào cuối lời cầu của bạn câu sau đây: Xin cho ý Chúa được thể hiện.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

jeudi 12 novembre 2009

Thứ Sáu tuần 32 TN

NGÀY CỦA CON NGƯỜI
“Cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy.” (Lc 17,26)
Suy niệm: Cơn bão số 9 mang tên Ketsana hồi cuối tháng Chín được dự báo sẽ theo hướng tây bắc đổ bộ vào Quảng Trị, bỗng bất ngờ chuyển hướng tây nam ập vào Quảng Ngãi khiến nhiều ghe tàu trở tay không kịp. Giống như thế, ngày cánh chung cũng được báo trước và chắc chắn sẽ đến, thế nhưng tính bất ngờ vẫn còn nguyên. Vì thế, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta luôn tỉnh thức, sẵn sàng. Cưới vợ, lấy chồng, làm ăn, trồng trọt, xây cất, v.v… không phải là điều xấu. Thế nhưng mải mê lo toan những điều đó mà quên đi mục đích tối hậu là “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” thì lời cảnh báo thời ông Nô-ê sẽ trở thành hiện thực trong thời của chúng ta thôi.
Mời Bạn: Định lại giá trị của mọi sự bạn có, mọi việc bạn làm dựa trên tiêu chí chúng có giúp bạn đạt được mục đích tối hậu của bạn là hạnh phúc vĩnh cửu hay không. Đó chính là phương thế để bạn không còn bị bất ngờ trước ngày giờ Chúa gọi bạn đến trình diện với Ngài.
Chia sẻ: Bạn có nghĩ rằng một cuộc sống sẵn sàng cho “ngày của Con Người” nhắm tới hạnh phúc vĩnh cửu đã có thể giúp bạn cảm nghiệm hạnh phúc đích thực ngay ở đời này?
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống: 1. Bạn có làm ăn sinh lợi cách bất chính? 2. Bạn có sử dụng những của cải bạn cách phù hợp để đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu (bằng một cuộc sống tiết độ, liên đới, chia sẻ…) không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn tỉnh thức và sẵn sàng để chúng con sống đúng với phẩm giá làm người và làm con Chúa, ngõ hầu được thông phần cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa.

mercredi 11 novembre 2009

Thứ Năm tuần 32 TN

Th. Giosaphát, giám mục, tử đạo
NHẬN RA NƯỚC CHÚA HIỂN TRỊ

“Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!,’ vì này, Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,20b-21)
Suy niệm: Thời gian gần đây, chúng ta vẫn thường nghe nói rằng ở chỗ kia chỗ nọ có ông thầy này chữa bệnh, có bà thầy kia nói tiên tri, nói tiếng lạ… Người người cứ đổ dồn về những nơi đó để tìm phúc, cầu may… Các tin đồn thổi, giật gân cứ thế mà nảy nở như nấm mùa mưa làm bao người phải hoang mang… Người ta cho rằng những chuyện đời thường… quá thường; và họ mong tìm kiếm sự linh thánh nơi những sự lạ thường trong mà quên rằng điều cần thiết nhất là phải tự sửa đổi chính bản thân mình. Phép lạ không ở đâu xa, đó chính là sự hoán cải nên thánh xảy ra ngay giữa tâm hồn mỗi người. Và đây cũng là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Vì này, Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”
Mời Bạn: Hãy nhận ra tiếng Chúa nơi tiếng lương tâm và sự hiện diện của Ngài ngay trong tâm hồn của mình để chúng ta sống như những người con cái Chúa.
Chia sẻ: Bạn có cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống thường ngày không, hay là bạn vẫn chờ phép lạ, vẫn đợi những sự kiện giật gân mới nhận ra được thánh ý của Ngài?
Sống Lời Chúa: Tập biết tìm kiếm và nhận ra ý Chúa bằng cách luôn tự hỏi: “Đây có phải là điều Chúa dạy tôi phải nói, phải làm không? Cách ứng xử này có phải là cách Chúa dạy tôi phải có hay không?”
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban cho con có sự khôn ngoan hiểu biết để nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi cuộc đời chúng con. Amen.

mardi 10 novembre 2009

Thứ Tư tuần 32 TN

Th. Máctinô, giám mục
BIẾT ƠN CHÚA
“Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,18)
Suy niệm: Câu chuyện mười người phung cùi được khỏi bệnh, rồi chỉ có một người Samaria trở lại tạ ơn Chúa, còn chín người Do thái bỏ đi thẳng dạy chúng ta bài học nhân bản thiết thực: lòng biết ơn. Biết ơn là một trong những phẩm chất cao quý nhất để đánh giá một con người: “Lòng biết ơn là bông hoa đẹp nhất của con người” và “Điều đáng trách nhất nơi một người đó là lòng vô ơn”. Nếu con người phải biết ơn về một ân huệ mình nhận nơi người khác, thì họ còn phải biết ơn đến chừng nào về những ân huệ chan chứa họ không ngừng nhận được từ Thiên Chúa! Mặt khác, lòng biết ơn của ta không thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại ơn cứu độ cho chúng ta, như lời Chúa nói với anh cùi xứ Samaria: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.
Mời Bạn: Chúng ta có bổn phận biết ơn những người có công sinh thành dưỡng dục ta (ông bà, cha mẹ, thầy cô); đối với những người gần gũi ta nhất (anh chị em, bạn bè)... Nhưng trước hết và trên hết là biết ơn Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và cứu chuộc ta. Cách tỏ lòng biết ơn mà Chúa ưng ý nhất, không gì bằng tham dự thánh lễ, vì thánh lễ chính là “Hiến lễ tạ ơn” qua đó Đức Kitô, Người Con Một Chí Ái của Chúa dâng lên chính Thân Mình Ngài là lễ vật hoàn hảo nhất.
Sống Lời Chúa: Tôi biết cám ơn Chúa ngay mỗi khi ý thức mình nhận được một ơn Chúa; đồng thời cũng biết nói lời cám ơn với ai đã làm một ơn cho tôi, dù ơn đó nhỏ bé, và dù người đó nhỏ bé.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Cám ơn” với tất cả tấm lòng chân thành, hoặc hát một khúc thánh ca với chủ đề Tạ Ơn Chúa.

lundi 9 novembre 2009

Thứ Ba tuần 32 TN

Th. Lêô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh
MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ: MỘT ĐẦY TỚ
“Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,10)
Suy niệm: Con người theo bản tính tự nhiên, không ít thì nhiều, ai chả có tham vọng được quyền cao chức trọng. Muốn vậy thì phải tìm trăm phương nghìn kế để đạt được địa vị ăn trên ngồi trốc, có khi thủ đoạn cũng không từ. Ngay như các môn đệ Chúa Giêsu, điển hình là hai anh em nhà Dêbêđê, cũng bon chen “chạy ghế nhất” trong vương quốc của Thầy mình (x. Mt 20,20). Đã hẳn mọi tổ chức dù là xã hội hay tôn giáo đều phải có kẻ trên người dưới; nhưng đối với Thầy Giêsu thì giá trị các cấp bậc đó được nghịch đảo: càng làm lớn thì càng phải sống như người “nô bộc.” Và khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì lại càng phải khiêm tốn nhận ra rằng mình là “đầy tớ vô dụng, chỉ làm việc bổn phận mình đấy thôi.”
Mời Bạn: Môn đệ Chúa Kitô phải sống như người tôi tớ. Điều đó không lạ vì các quan chức nhà nước vẫn xưng mình là ‘đầy tớ nhân dân’. Điều khác biệt nơi người môn đệ Chúa Kitô là trở nên ‘đầy tớ’ không theo mẫu gương một người phàm nhưng là theo mẫu gương của Đức Kitô, Đấng yêu thương tự hạ làm tôi tớ phục vụ mọi người đến mức hiến dâng cả mạng sống cho người mình yêu. Còn bạn, bạn đã trở nên “môn đệ-tôi tớ” theo mẫu gương Thầy Giêsu được bao nhiêu phần trăm?
Chia sẻ: Tôi sống tinh thần phục vụ thế nào trong cương vị hiện tại của tôi?
Sống Lời Chúa: Thăm viếng, giúp đỡ những người kém may mắn, cụ thể là những nạn nhân thiên tai vừa qua.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ là tôi tớ vô dụng. Xin dạy con biết noi gương Chúa dấn thân phục vụ cách khiêm tốn.

dimanche 8 novembre 2009

Thứ Hai tuần 32 TN

NHÀ CHA KHÔNG LÀ CHỢ!
“Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” (Ga 2,16)
Suy niệm: Thăm Nhà Thờ Đức Bà Paris, khách thoạt dễ có ấn tượng về một nơi rất thanh thoát. Chỗ thảm cây xanh phía trước nhà thờ, đàn chim sẻ và bồ câu, không đếm xuể, tung tăng vui đùa giữa muôn người qua lại. Thử mời chúng bằng một mẩu bánh trên tay, chúng sẽ ríu rít sà ngay vào tay khách. Nhưng khi xếp hàng rồng rắn và lọt vào bên trong, khách chợt hụt hẫng vì bầu khí trong thánh đường không thật tôn nghiêm như vốn tưởng. Một số người đang xưng tội ở dọc hai cánh, sát tường; nhiều người khác quì cầu nguyện nơi gian giữa; bàn thờ phía trên đang sẵn sàng cho một Thánh Lễ sắp cử hành… Thế nhưng, ai cầu nguyện thì cứ cầu nguyện, còn ai tham quan thì cứ nườm nượp ra vào, lao xao như bầy ong trên hai lối đi dẫn vào tận sau cung thánh. Có lẽ bởi vì nhu cầu tham quan quá cao, và người ta không thể dàn xếp cách nào khác được. Thật tiếc!
Mời Bạn: Sẽ càng đáng tiếc hơn biết mấy, nếu ngôi nhà thờ không bằng gỗ đá - là Giáo Hội - cũng bị xói mòn rất nhiều tính thiêng thánh của mình, do những nhu nhược nhượng bộ, và thậm chí do những tà tâm, những sự lạm dụng ngay trong lòng Giáo Hội.
Chia sẻ: Mỗi gia đình, mỗi cá nhân kitô hữu cũng là một nhà của Cha trên trời; bạn làm gì để ngôi nhà này không trở thành nơi ‘buôn bán’?
Sống Lời Chúa: Ta cũng cần biết phản ứng mạnh như Chúa Giêsu, để loại trừ mọi ‘giá trị’ phản Tin Mừng nơi chính mình, gia đình và cộng đoàn mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin thanh luyện bản thân con và gia đình con, để nên xứng đáng là Đền Thờ của Thiên Chúa hơn. Amen.

samedi 7 novembre 2009

Chủ nhật 32 TN B

TẤM LÒNG VÀNG
“Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.” (Mc 12,43)
Suy niệm: Chuyện xảy ra ở Mỹ đã lâu: Một cô bé đang đứng thổn thức bên ngoài một ngôi nhà thờ nhỏ. “Con không vào được lớp học Chúa Nhật,” cô bé nức nở nói với vị linh mục vừa đi tới. Nhìn bộ dạng tiều tụy, nhếch nhác của cô bé, vị linh mục hiểu ngay ra nguyên do, và cầm tay cô bé dẫn vào trong, tìm cho cô một chỗ trong lớp học. Khoảng 2 năm sau đó, cô bé đã chết trong một chung cư tồi tàn. Cha mẹ của cô bé gọi điện cho vị linh mục - người đã trở nên rất thân thiết với cô bé - đến chủ trì lễ tang và trao cho ngài chiếc ví rách nát của cô bé, trong đó có 57 xu và một tờ giấy nhàu nát với dòng chữ nguệch ngoạc: “Để giúp đỡ cho nhiều đứa trẻ hơn có thể đến Lớp học ngày Chúa Nhật.” Đó là kết quả 2 năm trời dành dụm hy sinh vô vị lợi của cô bé: những đồng xu chứa đựng cả tấm lòng vàng; vì thế, cũng như “đồng tiền bà goá,” cô đã “bỏ vào thùng tiền nhiều hơn ai hết.”
Mời Bạn: Người đàn bà góa đã bỏ vào đền thờ hai đồng tiền kẽm nhưng với một tấm lòng vàng để dâng tất cả cho Chúa. Các vị thánh như thánh Máctinô Porét, như Phanxicô khó khăn, á thánh Têrêsa Calcutta, cũng cho chúng ta thêm những mẫu gương sẵn sàng cho đi tất cả để phục vụ những anh chị em nhỏ bé, nghèo khó, đau khổ. “Sống trên đời cần một tấm lòng”; bạn đang có tấm lòng như thế nào với tha nhân?
Chia sẻ: Gia đình, đoàn thể, nhóm của bạn có kế hoạch gì để góp phần vào hoạt động bác ái của giáo xứ, giáo phận?
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái cho một người đang gặp cảnh khó khăn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết cho đi tất cả chỉ vì lòng yêu mến Chúa và tình bác ái đối với tha nhân.

vendredi 6 novembre 2009

Thứ Bảy tuần 31 TN

NHƯ ĐẦY TỚ TỐT
“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” (Lc 16,13)
Suy niệm: Mugabe, tổng thống nước Zimbabuê, từng là nhà cách mạng có công đem lại độc lập cho quốc gia này. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ cầm quyền, chế độ của ông tỏ ra bất lực trong việc đưa đất nước phát triển, cũng như tạo ra bất công xã hội do quốc nạn tham nhũng từ trên xuống dưới. Tiền bạc và quyền lực đã thay đổi, biến chất nhà cách mạng và những đảng viên ZANU lẫy lừng ngày nào! Tiền bạc quả thật là tiên, là phật đem lại niềm vui, hạnh phúc, và bảo đảm cho cuộc sống. Nhưng nó cũng có thể trở thành tên bạo chúa quyền lực khống chế toàn bộ đời sống những ai chọn nó làm mục đích của đời mình: sống để kiếm tiền. Trong trường hợp này, họ có thể dẫm lên xác đồng loại miễn sao đạt được mục tiêu.
Mời Bạn: Để chống lại sức hấp dẫn của tiền bạc, bạn hãy: (1) kiếm tiền cách chân chính; (2) không bao giờ thực hiện một hành vi tham lam, dù rất nhỏ; (3) dùng tiền của để giúp người nghèo vì “Kẻ giàu giúp người nghèo ở đời này, nhưng người nghèo giúp kẻ giàu ở đời sau” (ngạn ngữ Do Thái).
Chia sẻ: Người Kitô hữu có thể làm gì để giúp “giải độc” xã hội đề cao tiền bạc như giá trị số một hiện nay?
Sống Lời Chúa: Bắt đầu một cuộc sống thanh bạch, đơn giản, để có thể chia sẻ với những đồng bào nghèo khổ chung quanh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con cách quan niệm và sử dụng tiền bạc như đầy tớ tốt, chứ không như ông chủ xấu. Xin cho chúng con biết chọn Chúa và để Chúa chi phối trọn vẹn mọi dự tính kiếm tiền và sử dụng tiền của chúng con. Amen.

jeudi 5 novembre 2009

Giới thiệu lễ khai mạc năm thánh 2010

Thứ Sáu tuần 31 TN

KHÔN KHÉO CHO TƯƠNG LAI
“Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với đồng loại.” (Lc 16,8)
Suy niệm: Nữ tu M. Scullion có mặt trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới theo tạp chí Time (2008). Chị đã giúp hàng ngàn người vô gia cư ở Philadelphia (Mỹ). Hơn 95% những người tham gia chương trình của chị không còn phải trở lại đường phố nữa. Nếu Kitô hữu nào cũng nhiệt thành, khéo léo trong việc xây dựng Nước Trời như chị, bài dụ ngôn hôm nay sẽ không còn tính thời sự nữa! Thật vậy, Đức Giêsu phàn nàn vì con cái sự sáng không khôn khéo bằng con cái đời này khi xây dựng tương lai. Chúng ta chăm chút đầu tư nhiều công sức, thời giờ cho cuộc sống ở đời này, nhưng đang khi đó lại ơ hờ đầu tư cho cuộc sống tương lai trên Nước Trời vĩnh cửu.
Mời Bạn: Nước Trời, ước mơ của Thiên Chúa về thế giới, đã hiện diện trong thế giới và đang chờ ngày thành toàn. Hãy làm cho Nước Trời có mặt trong môi trường của bạn qua những nỗ lực tôn trọng phẩm giá con người, xây dựng công lý và an bình. Đó là cách tốt nhất bạn xây dựng cho tương lai vĩnh cửu.
Chia sẻ: Đầu tư cho cuộc sống vật chất của bạn có cân xứng với đầu tư cho tương lai vĩnh cửu không?
Sống Lời Chúa: Điều chỉnh lại cái nhìn của mình về cuộc sống tương lai vĩnh cửu và có những thay đổi thích hợp trong lối sống đạo hằng ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, giàu sang, danh vọng, khoái lạc là những điều hấp dẫn và trói buộc chúng con. Xin giải phóng chúng con khỏi sự mê lầm của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm được phần nào sự phong phú của kho tàng trên trời. (Rabbouni)

mercredi 4 novembre 2009

Thứ Năm tuần 31 TN

ĐIỂM YẾU CỦA TÌNH THƯƠNG
“Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn.” (Lc 15,7)
Suy niệm: Cách nói phóng đại trong dụ ngôn “con chiên lạc” và “đồng bạc bị mất” diễn tả niềm vui của Thiên Chúa lớn lao dường nào khi có một người tội lỗi ăn năn hối cải. Quả thật Thiên Chúa đã phải buồn lòng bao nhiêu khi con cái mình lạc đường, thì Ngài sẽ vui mừng hơn gấp bội khi thấy dù chỉ là một người con trở về chính lộ. Lòng thương xót của Thiên Chúa dạt dào đến mức khiến Ngài cũng trở nên “yếu đuối, mềm lòng” luôn sẵn sàng tha thứ mỗi khi tội nhân tỏ lòng sám hối ăn năn. Thiên Chúa muốn cho người tội lỗi hối cải đến mức như Ngài không cần e dè gì nữa, mà còn chấp nhận để cho lòng tốt và tình yêu của mình bị lợi dụng.
Mời Bạn: Bạn có đang lợi dụng lòng thương xót Chúa như thánh Phaolô đã nêu rõ: “Chúng ta cứ ở mãi trong tội lỗi, để ân sủng càng lan tràn ư” (Rm 6,1)? Phải chăng bạn lập luận rằng để làm cho Thiên Chúa vui vì có người hối cải thì phải có người đi lạc đường, phạm tội trước đã; ăn năn hối cải lúc nào mà chả kịp?! “Không phải thế!” Có ai mang đến niềm vui cho người khác bằng cách bắt đầu gây buồn phiền trước không? Có ai biết chắc mình sẽ kịp quay về vào phút chót không? Chúng ta quên rằng ăn năn hối cải không chỉ là việc làm của một lần, nhưng là việc của cả đời; và có thể nói chiều kích căn bản của đời sống kitô hữu là một cuộc “trở lại” thường xuyên với Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Bắt đầu giờ cầu nguyện bằng việc thống hối và xin lỗi Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giữ gìn con luôn tỉnh thức để sống trong tình thương vô biên của Chúa.

mardi 3 novembre 2009

Thứ Tư tuần 31 TN

Th. Carôlô Borômêô, giám mục
HỌC TỪ BỎ ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ
“Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,33)
Suy niệm: Trong xu thế của thời đại hưởng thụ và tích lũy này, nói đến “từ bỏ hết những gì mình có” xem ra là một thứ “cung đàn lạc điệu”. Tuy nhiên, đối với những người “con cái Chúa”, đó lại là điều kiện tất yếu và tiên quyết, vì không từ bỏ cũng đồng nghĩa là không thể trở nên môn đệ của Chúa Kitô được. Ơn gọi làm “con cái Chúa” là chấp nhận sự điên rồ của Thập giá, cớ vấp phạm cho người đời. Có “từ bỏ hết những gì mình có,” là biết “nói không” với thế gian, ma quỷ và xác thịt thì mới có thể là “sen” mọc “giữa bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, là đèn để “gần mực” mà chẳng “đen” nhưng chiếu sáng cho cả nhà. Vì thế, đòi hỏi trước tiên đối với người môn đệ của thời đại hôm nay là từ bỏ lối sống hưởng thụ tích luỹ, điều mà người thời đại hôm nay đang theo đuổi.
Mời Bạn xét mình về xu hướng hưởng thụ của bạn: 1. Cách mau sắm tiêu dùng của bạn có thực sự là vì nhu cầu thiết yếu không, hay chỉ là sự đua tranh cho “hợp thời trang,” để chứng tỏ mình “sành điệu”? 2. Bạn có nghĩ rằng việc từ bỏ một số nhu cầu quen thuộc – kể cả việc tiết giảm sử dụng điện nước – có thể góp phần vào việc nên thánh của bạn không? 3. Khi những nhu cầu đó bỗng nhiên bị mất – bị cúp điện nước vì bão chẳng hạn – bạn đã phản ứng thế nào?
Sống Lời Chúa: Từ bỏ xu hướng hưởng thụ bằng cách tự nguyện tiết giảm một số chi tiêu để sẵn sàng chia sẻ với tha nhân hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Xin cho con vững tin sẵn sàng từ bỏ để vững bước theo Chúa, vì đó chính là “mối lợi và sự khôn ngoan” lớn lao nhất.

lundi 2 novembre 2009

Thứ Ba tuần 31 TN

Th. Máctinô Porét
YÊU LÀ CHẤP NHẬN
“…Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm, cho tôi xin kiếu.” (Lc 14,18)
Suy niệm: Chúng ta tự hỏi tại sao trước lời mời đầy vinh dự của ông chủ giàu có mà khách mời lại có quá nhiều lý do để từ chối! Mà lại là từ chối khéo bằng những lý do nhỏ nhặt không xứng tầm với “bữa tiệc lớn”. Ấy là chưa nói địa vị, vai vế của người chủ tiệc hẳn cũng đáng cho họ nể trọng. Chẳng lẽ họ ghen với ông vì ông giàu có; hay tại họ mặc cảm vì mình nghèo. Kể dụ ngôn này, hiển nhiên Chúa Giêsu muốn nói tới “bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa” mà Cha Ngài chính là chủ tiệc. Quả thật đây là một nan đề cho thái độ lựa chọn của con người: mọi lý do để từ chối đều trở nên bất xứng trước một lời mời như thế của Thiên Chúa. Từ chối là dấu chẳng còn tình nghĩa gì với Ngài. Bởi vì nếu yêu thì đã chấp nhận lời mời!
Mời Bạn: Ngày nay Chúa cũng vẫn tiếp tục mời bạn và tôi đến để Ngài thông ban cho chúng ta những ơn lành của Ngài. Thế nhưng vì thiếu tình mến, chúng ta khoan giãn, hẹn rày hẹn mai không muốn đáp trả ngay. Sự chậm trễ này chắc sẽ khiến Chúa “nổi giận” đấy.
Chia sẻ: Kiểm điểm xem đâu là những lý do mà ta thường vin vào để từ chối lời mời đến bữa tiệc của Chúa: Phải chăng vì bận công ăn việc làm? Phải chăng tôi nghĩ đời còn dài, ta sẽ trở lại với Chúa sau, ngày mai tôi đáp lại lời Ngài vẫn còn kịp?…
Sống Lời Chúa: Khi nghe lời Chúa đánh động tâm hồn, bạn hãy đáp lại ngay bằng việc hoán cải cuộc sống của mình; đừng tìm lý do từ chối.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết mau mắn nghe theo lời Chúa dạy bảo để con luôn làm đẹp lòng Chúa; và như thế con sẽ được Chúa kể là “người có phúc được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”

dimanche 1 novembre 2009

Thứ Hai tuần 31 TN

Các Đẳng Linh Hồn
NIỀM TIN TƯỞNG VÀ PHÓ THÁC
“Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40)
Suy niệm: Rằm tháng 7 âm lịch, các Phật Tử rộn ràng bước vào lễ hội “Vu Lan-mùa báo hiếu”. Tâm tình hiếu thảo không chỉ dành cho hương hồn ông bà cha mẹ mà còn hướng đến vong linh những người thác oan, cô quả, vùi thân nơi đất khách quê người… Cũng với tâm tình đó, Giáo Hội dành ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn và cả tháng 11 này để cầu cho những người đã qua đời được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Thực hành này dựa trên niềm tin tưởng và phó thác vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đã thực hiện ý Chúa Cha là cho “những ai thấy và tin vào Chúa Con” thì dù có chết cũng sẽ được sống lại và sống mãi muôn đời.
Mời Bạn: Nhiều anh chị em lương dân nói: “Người Công Giáo chỉ lo thờ kính Thiên Chúa nên ít nghĩ đến ông bà cha mẹ đã khuất”. Chúng ta vẫn cầu nguyện, xin lễ cho ông bà tổ tiên, thế nhưng anh em lương dân vẫn chưa thấy được, hiểu được và cảm được niềm xác tín vào Chúa Kitô phục sinh làm cho đạo hiếu trở nên phong phú, sâu xa như thế nào. Phải chăng vì chúng ta mới chỉ dừng lại ở một số nghi thức chứ chưa để niềm tin phục sinh thấm nhuần vào toàn bộ cung cách sống đạo của mình?
Chia sẻ: Bạn sắp xếp bàn thờ gia tiên thế nào để diễn tả lòng hiếu kính tổ tiên trong niềm tin vào Thiên Chúa?
Sống Lời Chúa: Viếng nghĩa trang và cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục trong tháng đặc biệt này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thứ tha những lầm lỗi và thiếu sót của những người thân của chúng con và xin cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên tất cả những ai đã được nghỉ yên trong Chúa.