vendredi 30 septembre 2011

Thứ Bẩy Tuần XXVITN

Th. Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
sỐng tuỔi thơ vỚi chúa
Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3)
Suy niệm: Nhiều người khi tuổi đời đã chồng chất, nhìn các cháu thiếu nhi chơi đùa mới tiếc nuối nhớ lại chính mình cũng đã có một thời tuổi thơ hồn nhiên, trong trắng, không sân hận, không mưu mô thủ đoạn, nhưng chân thành, đơn sơ, vô tư lự bên cha mẹ. Chúa Giêsu dùng hình ảnh trẻ thơ để nhắc nhở mọi người chúng ta là con cái Thiên Chúa tinh thần phải có trên đường lữ hành tiến về nhà Cha trên trời. Chúa Giêsu quả quyết, những ai biết sống hoàn toàn tin tưởng, phó thác vào sự yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa như kiểu sống của một trẻ thơ thì có thể nói được rằng không những người đó đã nắm phần chắc được vào nước trời, mà còn là kẻ lớn nhất trong nước trời nữa. Đời sống của chị thánh Têresa Hài đồng Giêsu là tấm gương cho chúng ta về tinh thần trẻ thơ này.
Mời Bạn: Sinh ra không có gì trong tay, và khi mắt lìa đời chúng ta cũng chỉ có 2 bàn tay trắng. Bạn có gì để vênh vang, có gì để tự đắc? Sống đúng thân phận con người đối với Thiên Chúa chính là sống tinh thần trẻ thơ hoàn toàn tín thác trọn vẹn vào tình thương yêu quan phòng của Ngài. Đó chính là lúc bạn tìm thấy sự bình an đích thực trong cuộc sống.
Sống Lời Chúa: Không đề cao cái tôi của mình nhưng biết nhìn nhận, khích lệ những ưu điểm của người khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một tâm hồn trẻ thơ để chúng con luôn biết phó thác cậy trông vào Chúa để đáng được Chúa thương yêu năng đỡ và chúc lành. Amen.

jeudi 29 septembre 2011

Thứ Sáu Tuần XXVI TN

Th. Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
nghe lời chúa qua giáo hội
“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.” (Lc 10,16)
Suy niệm: Bạn và tôi đừng hiểu nhầm rằng những lời trên đây của Chúa Giê-su nói về chuyện vâng phục trong đời sống hằng ngày, thật ra Người muốn nói đến việc lắng nghe Lời Chúa. Chúa Giêsu nói: “Ai nghe anh em là nghe Thầy”. “Thầy” ở đây chính “Ngôi Lời nhập thể.” “Anh em” ở đây là những sứ giả loan báo Tin Mừng. Những sứ giả này là những người chuyển tải sứ điệp của Tin Mừng. Chính vì thế, từ chối họ không phải là từ chối học thuyết hay quan niệm riêng của họ về cuộc sống, mà là từ chối sứ điệp Tin Mừng, từ chối chính “Ngôi Lời.” Thế mà từ chối Người cũng là từ chối tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho mình.
Mời Bạn cùng tôi xác tín vai trò ‘danh chính ngôn thuận’ của Giáo Hội trong việc loan báo Tin Mừng và gìn giữ kho tàng Đức Tin, để cảnh giác trước những trào lưu cho rằng: “Tôi tin Thiên Chúa mà không cần Giáo Hội.” Một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền do Đức Giê-su thiết lập sẽ mãi là Mẹ, là Thầy của chúng ta cho đến ngày tận thế.
Chia sẻ: Bạn đã để tâm học hỏi những giáo huấn của Giáo Hội và áp dụng vào những vấn đề cụ thể trong cuộc sống chưa hay đang làm theo ý mình?
Sống Lời Chúa: Luôn tin tưởng và vâng phục quyền giáo huấn của Giáo Hội trong những vấn đề luân lý và xã hội của thời đại hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết vâng nghe những những sứ giả loan báo Tin Mừng được Giáo Hội sai đến với chúng con như đang vâng nghe chính Chúa. Amen.

mercredi 28 septembre 2011

Thứ Năm Tuần XXVI TN


Tổng lãnh thiên thần Micaen, Gáprien, Raphaen
có còn “nathanaen”?
“Đây đích thực là một người Israen, lòng dạ không có gì gian dối.” (Ga 1,47)
Suy niệm: Chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy Nathanaen mới gặp Chúa lần đầu, chỉ nghe Chúa nói một câu, mà đã nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Đó là ơn trên ban, nhưng chính Nathanaen cũng phải chuẩn bị tâm hồn của mình: lòng dạ không có gì gian dối. Đây không phải là lời ca tụng của người đời dành cho ông, nhưng phát xuất từ chính Đức Giêsu. Lòng dạ không có gì gian dối là chìa khoá để Nathanaen nhanh chóng nhận ra Đức Giêsu. Với chìa khoá này, Đức Giêsu còn hứa ban cho Nathanaen thấy những điều lớn lao hơn nữa: “Các anh sẽ thấy trời rộng mở và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên con người.”
Mời Bạn: Bạn và tôi hãy yêu mến sự chân thật, để giống như Nathanaen, Chúa Giêsu cũng sẽ khen tặng chúng ta: lòng dạ không gì gian dối, cũng như cho ta thấy những điều cao trọng nơi Ngài.
Chia sẻ: Nhiều người vẫn chưa nhận ra Chúa Giêsu chính là Sự Thật. Phải chăng vì tôi chưa sống thật, lòng tôi còn gian dối, nên người ta chưa thấy Tin Mừng là Tin thực sự đáng mừng? Thế giới đang cần những “Nathanaen mới” để loan báo Tin Mừng.
Sống Lời Chúa: Hôm nay, khi phát biểu, diễn tả bất cứ điều gì, tôi cố gắng nói thật hết sức có thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mặc dù là con cái Chúa, nhưng long dạ con còn gian dối, lòng con vẫn còn xa Chúa. Con gian dối nên con không được thấy hơn nữa vẻ đẹp của vũ trụ, của con người, của tình yêu Chúa dành cho con. Lạy Chúa, Chúa chính là Sự Thật, Đấng giải thoát chúng con đích thực. Xin cho lòng con là những “Nathanaen mới”. Amen.

mardi 27 septembre 2011

Thứ Tư Tuần XXVI TN


Th. Lôrenxô Ruy và các bạn tử đạo   
chọn câu trả lời tốt nhất
“Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” (Lc 9,60)
Suy niệm: Được Đức Giêsu mời gọi, các tông đồ đã có những câu trả lời đẹp lòng Ngài: từ bỏ mọi sự -lưới, thuyền, bàn thu thuế- ngay lập tức và đi theo Thầy. Tin Mừng hôm nay lại trình bày cho ta ba câu trả lời nửa vời, chưa đẹp ý Chúa. Người thứ nhất trả lời nhưng chưa lường trước được cái giá phải trả để làm môn đệ: Thầy mình chưa có chỗ dừng chân bao lâu Nước Trời chưa thành toàn. Người thứ hai và ba không trả lời ngay khi được gọi vì coi công việc riêng của mình quan trọng và cần thiết hơn công cuộc loan báo Nước Trời. Đang khi ấy, Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải quyết liệt từ bỏ mọi tiện nghi đời sống hay tình cảm để tâm hồn được tự do như Thầy: suy nghĩ, chọn lựa, vạch kế hoạch sống, hành động hoàn toàn cho và vì Nước Trời.
Mời Bạn: Để loan báo và giúp con người tham dự vào hạnh phúc Nước Trời, Đức Giêsu đã đi rong ruổi khắp nơi, hoàn toàn “không có chỗ tựa đầu,” các tông đồ sau này ra đi với hai bàn tay trắng, và gần đây Mẹ Têrêxa Calcutta cũng khởi đầu với con số không. Mời bạn hãy chọn câu trả lời nào đẹp lòng Chúa hơn cả, để bạn trở thành môn đệ yêu quý của Chúa: ra đi khỏi cái tôi an toàn ích kỷ, sẵn sàng chia sẻ với mọi người chung quanh về một Thiên Chúa Tình Yêu đã biến đổi và giúp đời bạn trở nên sung mãn.
Chia sẻ: Phương thế hữu hiệu nhất để loan báo Tin Mừng Nước Trời hôm nay là thầy dạy hay nhân chứng?
Sống Lời Chúa: Nhịn nhục tha thứ một cách khiêm tốn và tận tâm giúp đỡ người bên cạnh một cách kín đáo.
Cầu nguyện: Hát kinh Hòa Bình.

Thứ Ba Tuần XXVI TN

Th. Vinhsơn Phaolô  
phẫn nộ thánh
“Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng không?” (Lc 9,54)
Suy niệm: Hai môn đệ Gioan và Giacôbê tức giận đến điên lên vì dân một làng vùng Samaria không đón tiếp Chúa. Các ông muốn lấy lửa từ trời xuống thiêu họ để trả thù. Nhưng Chúa Giêsu khiển trách các ông, vì đó không phải là tinh thần của Ngài. Tinh thần của Chúa là hiền từ, bao dung, tha thứ, không chấp nhất sự dữ, “không lấy ác báo ác, không lấy lời nguyền rủa đáp lời nguyền rủa” (1P 3,10). Điều đó không luôn luôn dễ dàng, nhưng người ta không thể phục vụ Tin Mừng bằng cách đi ngược lại Tin Mừng. Bản chất Tin Mừng là yêu thương, và không ai có thể dùng bạo lực mà yêu thương. Có thể có những trường hợp họa hiếm được phẫn nộ một cách thánh thiện (ira sancta), nhưng cả khi ấy, sự phẫn nộ phải trong sáng, không vụ lợi và tự chế đúng mức (như khi Chúa trả lời kẻ đã vả mặt Chúa).
Mời Bạn: Con người thời nay không dễ gì nhường nhịn nhau, mà phải “ăn thua đủ” với nhau. Chúng ta vui mừng khi thấy người Công Giáo cam chịu thiệt thòi, bất công mà không oán hận.
Chia sẻ: Bạn phản ứng thế nào trước những bất công, khổ đau người khác làm cho mình? Bạn có dễ phẫn nộ, ta thán, không tha thứ, hay bạn noi gương Chúa Giêsu: “như con chiên bị đem đi xén lông mà không chống lại”?
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi sẽ lưu ý để phản ứng như Chúa Giêsu trước một bất công, một lời nói xấu... Tôi sẽ mỉm cười đón nhận, và cầu nguyện cho người đã làm điều không tốt cho mình.
Cầu nguyện: Hát kinh Hòa Bình với tâm tình của các thánh tử đạo Việt Nam để xin ơn can đảm và sức mạnh.

dimanche 18 septembre 2011

Thứ Hai Tuần XXV đến thứ Hai tuần XXVI TN


Th. Gianuariô, giám mục, tử đạo                    Lc 8,16-18

nghe thế nào sẽ sống thế ấy
“Vậy anh em hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.” (Lc 8,18)
Suy niệm: Vâng, trước khi muốn soi sáng cho người khác thì chính bản thân bạn phải là ánh sáng! Đây không phải là thứ ánh sáng thông thường, nhưng là ánh sáng thần linh từ Thiên Chúa, và chỉ có thể đón nhận từ Ngài. Chất lượng của ánh sáng ấy tùy thuộc vào cách ta nghe Lời Chúa. Kinh nghiệm cho thấy cùng nghe thuyết trình, nhưng có nhiều mức độ chú ý khác nhau: có người ngủ gật, có kẻ chia trí, không nghe cũng chẳng ghi nhớ được gì! Trái lại, cũng có người khao khát, mắt chăm chú nhìn người thuyết trình như muốn nuốt lấy mọi lời, trí khôn chăm chú, thức tỉnh, tay cầm bút ghi chép, sẵn sàng trả lời khi được đặt vấn đề.
Mời Bạn suy nghĩ và chia sẻ: Bạn khao khát ánh sáng Lời Chúa đến mức độ nào? Bạn đã có những cố gắng gì cụ thể để hiểu Lời Chúa hơn? Bạn dành bao nhiêu thời giờ để lắng nghe và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày? Chất lượng của việc tập trung chú ý khi nghe Lời Chúa giúp bạn đạt kết quả như thế nào?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày khi cầu nguyện với cuốn 5’ cho Lời Chúa,  chú ý xem Chúa muốn bạn sống một điểm gì cụ thể, bạn sẽ cố gắng sinh hoa kết trái về điểm đó trong ngày sống, để điều bạn “đã có thì được cho thêm.” Nếu không thực hành sống Lời Chúa, ngay cái bạn tưởng là có, cũng sẽ bị mất dần. Đức tin không việc làm của bạn sẽ mai một và tắt dần!
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp con chú ý lắng nghe Lời Chúa, để con quyết tâm sống Lời ấy trong suốt ngày sống của con, như lòng Chúa ước mong! Amen.

20/09/11                                            thứ ba tuần 25 tn
Th. Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung, các bạn tử đạo
                                                                                                                         Lc 8,19-21

nghe và thực hành lời chúa
“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21)
Suy niệm: Có nhiều trường hợp ta cảm thấy gần gũi với người ngoài hơn là với người trong gia đình. Mối liên hệ sâu xa nhất trong cuộc sống không phải lúc nào cũng là mối liên hệ huyết thống, nhưng có thể là sự tương quan từ trái tim đến trái tim, từ trí óc đến trí óc. Khi cùng chung mục đích, lý tưởng, sở thích, ý hướng trong cuộc đời, con người sẽ thật sự trở nên thân thuộc với nhau. Chúng ta nhớ lại định nghĩa về Nước Trời được nói tới trong kinh Lạy Cha: Nước Trời là xã hội trên mặt đất, nơi ý Cha được thể hiện trọn vẹn như ở trên trời. Trong cuộc sống tại thế, chỉ mình Chúa Giêsu đã thành công trong việc đồng nhất ý muốn của mình với ý muốn của Chúa Cha. Những ai có chung mục đích sống là làm theo ý muốn của Thiên Chúa, những người ấy mới thật sự là họ hàng với Chúa Giêsu.
Mời Bạn: Bạn là con cái của Thiên Chúa -theo ý nghĩa sâu xa nhất- khi bạn đặt ý muốn của mình vào trong ý muốn của Thiên Chúa. Bạn đã thực sự bắt đầu mối liên hệ này chưa?
Chia sẻ: Cuộc sống càng được đan dệt bằng những nghĩa cử của yêu thương, hòa bình, tha thứ, hy sinh, khiêm nhường... thì quan hệ giữa chúng ta và Chúa Giêsu càng trở nên mật thiết hơn.
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín rằng càng hiểu biết Lời Chúa và thực hành Lời Chúa, tôi sẽ sống kết hiệp mật thiết với Chúa và đời sống tôi sẽ tốt đẹp hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dùng sức mạnh Chúa củng cố, an ủi, khích lệ chúng con, để chúng con xứng đáng là con cái Chúa, những người con hiếu thảo qua việc cố gắng thực thi thánh ý Chúa cách trọn hảo nhất. Amen.

21/09/11                                            thứ tư tuần 25 tn
Th. Mátthêu, tông đồ, tác giả sách Tin Mừng
                                                                               Mt 9,9-13

những điều mát-thêu không từ bỏ
Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi đó. Người bảo ông: “Hãy theo tôi.” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mt 9,9)
Suy niệm: Mát-thêu bỏ bàn thu thuế, để theo Chúa, nhưng ít nhất có hai điều ông đã không từ bỏ. Thứ nhất: ông đã không bỏ những bạn đồng nghiệp với ông. Ông mở tiệc lớn với họ để ăn mừng việc ông theo Chúa (x. Mt 9,11). Các Phúc Âm Mác-cô và Lu-ca nói rõ chi tiết này (x. Mc 2,15; Lc 5,29). Chúa Giê-su cũng có mặt trong bữa tiệc đó. Ai dám bảo rằng sau bữa tiệc đó, lại không có thêm những người cũng đứng dậy, cùng với Mát-thêu để đi theo Ngài? Thứ hai: Mát-thêu bỏ bàn thu thuế nhưng không quên đem theo cây bút. “Cây bút”, dụng cụ để tính sổ thu thuế giờ đây trở thành công cụ để ông ghi chép Tin Mừng. Ai có thể nói được bao nhiêu người đã trở thành môn đệ Đức Ki-tô nhờ đọc cuốn Tin Mừng mà người cựu thu thuế này đã viết ?
Mời Bạn: Không ai nên thánh một mình. Mát-thêu đã làm như thế. Bạn cũng như tôi đều có nghĩa vụ làm như thế. Bạn sẽ nên thánh chứ? Và những ai sẽ cùng nên thánh với bạn và nhờ bạn? Có phải là những người cùng gia đình, cùng nghề nghiệp, cùng lớp, cùng trường với bạn không?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn nhớ dành một phút cầu nguyện cho những người đang cùng sống, cùng làm việc, cùng học, cùng chơi với bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngay cả khi chúng con tội lỗi, Chúa đã cho chúng con cơ hội thống hối để nhờ đó chúng con làm chứng về lòng nhân lành của Chúa. Xin ban ơn giúp chúng con biết thật lòng trở về với Chúa và đem nhiều anh em cùng trở về với Chúa. Amen.

22/09/11                                         thứ năm tuần 25 tn
                                                                                 Lc 9,7-9

theo tiếng lương tâm
Tiểu vương Hêrôđê nghe biết những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. (Lc 9,7)
Suy niệm: “Lương tâm cảnh cáo ta như một người bạn trước khi trừng phạt ta như một thẩm phán” (Vua Ba Lan Stanislas). Tiểu vương Hêrôđê lúc này đang bị “thẩm phán” lương tâm trừng phạt vì tội giết chết một ngôn sứ can đảm như Gioan Tẩy Giả. Nhà vua bị tội ác này ám ảnh đến nỗi khi nghe nói về danh tiếng của Đức Giêsu, ông liền cho rằng Gioan đã sống lại. Vâng theo tiếng lương tâm thúc dục, Gioan đã can trường khiển trách một ông vua loạn luân. Chiều theo lời xúi giục của phụ nữ, Hêrôđê đã giết chết một người vô tội. Ông tưởng rằng khi giết chết người tố giác tội mình, lòng ông sẽ yên hàn thảnh thơi. Thế nhưng, dù lời khiển trách bên ngoài của vị ngôn sứ  đã bị dập tắt, tiếng lương tâm trong tâm hồn tiếp tục trừng phạt ông đêm ngày.
Mời Bạn: Huấn luyện lương tâm ngay lành bằng cách vâng nghe theo tiếng lương tâm nhắc nhở, cảnh báo, thậm chí cả khi trừng phạt bạn. Khi bạn phớt lờ tiếng nhắc nhở, lời cảnh báo của lương tâm và cứ phạm tội, lương tâm của bạn sẽ ra chai lì, không còn đủ lực để nhắc bảo, hướng dẫn bạn nữa.
Chia sẻ: Dư luận người khác phê phán và tiếng nhắc nhở của lương tâm, bạn quan tâm đến điều nào hơn?
Sống Lời Chúa: Xét xem hiện nay tôi có điều gì sai trái và đang được lương tâm tiếp tục cảnh báo hay trừng phạt, tìm cách sửa đổi theo lời nhắc nhở này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con thành thật xin lỗi Chúa, vì khi phạm tội, chúng con nhắm mắt bịt tai chạy theo bản năng, không quan tâm gì đến tiếng lương tâm nhắc nhở dạy bảo. Xin cho chúng con luôn vâng theo tiếng lương tâm như Lời dạy bảo của Chúa.

23/09/11                                          thứ sáu tuần 25 tn
Th. Piô Piêtrenxina, linh mục                           Lc 9,18-22

chúa đợi một câu trả lời
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” (Lc 9,20)
Suy niệm: Chúa Giêsu thừa biết dư luận nghĩ gì về mình, cũng như các môn đệ quan niệm thế nào về Ngài, vì các ông đã đi theo, nghe giảng dạy và chứng kiến các phép lạ Ngài làm. Dù vậy, Ngài vẫn muốn các ông công khai xác nhận về nhân thân của mình. Điều này rất quan trọng, vì một khi nhận định sai lầm - nhất là đối với các môn đệ, những người đã từ bỏ tất cả để đi theo Ngài- thì hỏng chuyện! Sau câu trả lời của Thánh Phêrô, Chúa “nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai” vì sợ dân chúng hiểu sai về Đấng Kitô. Ngài an lòng khi các môn đệ hiểu đúng về mình, vì các ông sẽ là nhân chứng cho sứ vụ Kitô của Ngài.
Mời Bạn: Còn chúng ta, sau nhiều năm hay sau một đời tin theo Chúa, Chúa cũng chờ đợi ở mỗi người một câu trả lời dứt khoát: Chúa Giêsu là ai? Ngài có phải là giải pháp, là nguyên lý tối hậu cho sự sinh tồn của mỗi chúng ta hay không?
Chia sẻ: Hiện nay Chúa là ai đối với bạn? Nếu chấp nhận câu trả lời của Phêrô, bạn sẽ sống thế nào cho Ngài?
Sống Lời Chúa: Hằng ngày có nhiều biến cố xảy ra khiến bạn và tôi phải trở về với giải pháp Giêsu: Ngài là ai đối với đức tin của ta trong trường hợp này, trường hợp nọ… Hãy chọn Ngài để Ngài giúp ta giải quyết những khó khăn mà ta phải đương đầu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tin Ngài là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Ngài đến để chia sẻ những gánh nặng của đời con, để “gánh tội trần gian.” Xin cho con yêu Chúa nhiều hơn nữa! Amen.

24/09/11                                          thứ bảy tuần 25 tn
                                                                           Lc 9,43b-45

số phận thầy giêsu
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” (Lc 9,44)
Suy niệm: Tình trạng trò phản bội thầy, vô ơn đối với thầy không chỉ là chuyện thời sự của ngày hôm nay, nhưng cũng là chuyện đã xảy ra từ xa xưa, lại diễn ra ngay nơi chính một trong những người được Chúa chọn làm tông đồ. Chúa biết trước điều đó, nên đã báo cho các tông đồ: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Thầy hy sinh và yêu mến môn đệ để rồi bị trả oán. Bị trò phản bội dường như là số phận của nhiều người làm thầy! Có điều là Chúa Giêsu vẫn sẵn lòng đón nhận, để ý Cha được thực thi và những mục đích cao cả hơn được hoàn thành, giống như hạt lúa mì gieo vào lòng đất phải chết đi, mới sinh được nhiều hạt khác. Số phận hạt giống gieo và của người làm thầy là thế! Do đó, có bị phản bội cũng là điều bình thường.
Mời Bạn: “Công ơn của thầy cô” là một trong những bài học đầu tiên con người cần được giáo dục. Ngày nay chuyện biết ơn thầy cô, kính yêu thầy cô dường như bị bỏ quên. Ở trường, học sinh được trao dồi nhiều kiến thức mà ít được học cách làm người! Là những người làm cha làm mẹ, giáo lý viên, huynh trưởng… chúng ta đang bị thách thức trước tình cảnh đạo đức của con em mình. Hãy tìm mọi cách lấp vào lỗ hổng đó, giáo dục mọi mặt để con em mình trở nên con người toàn diện, không trở thành kẻ phản bội.
Sống Lời Chúa: Tôi nhẫn nại và khoan dung với người xúc phạm đến mình, để nên giống Chúa Giêsu là Đấng bị phản bội bởi tội lỗi của chính tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con lòng nhiệt tâm và khả năng giáo dục những người trẻ Chúa gởi đến cho con. Xin cho con trở nên giống Chúa hơn, nhất là khi bị phản bội. Amen.

25/09/11                              chúa nhật tuần 26 tn – a
                                                                           Mt 21,28-32

tự do để thi hành ý cha
“Người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ Nó đáp: ‘Con không muốn đâu !’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi’.” (Mt 21,28-29)
Suy niệm: Con người có thể trả lời không với Thiên Chúa. May thay con người còn có khả năng thay đổi ý kiến. Nhờ đó, con người luôn luôn có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm. Nhưng đó cũng là một khả năng thật đáng ngại. Bởi vì người ta có thể thưa: “Vâng, con sẽ đi làm vườn nho cho Cha” nhưng rồi lại không đi. Không phải chỉ một lần đồng ý với Chúa trong bí tích Rửa tội là đã nắm chắc chìa khoá vào Nước Trời. Phải có thái độ sẵn sàng hoán cải – thưa “có” thay vì nói “không” với Chúa. Điểm thứ hai còn quan trọng hơn: Nói “có” mà thôi chưa đủ, còn phải lên đường thi hành ý muốn của Cha với thái độ tự do vâng phục của người con thảo. Vì không phải những ai nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời, mà chỉ những người thi hành ý Chúa mới được vào thôi.
Mời Bạn: Thiên Chúa muốn coi bạn như người con, và là người con trưởng thành, biết ý thức bổn phận của mình đối với Cha và mau mắn đảm nhận trách nhiệm ấy với tâm tình con thảo: vui vẻ tự nguyện chu toàn các việc bổn phận hằng ngày của mình. Và nếu như có “lỡ” từ chối Ngài, Chúa vẫn cho bạn cơ hội để bạn bắt đầu lại : Bạn hãy mau mắn rút lại lời nói “không” tai hại ấy và làm hoà với Chúa bằng cách “đi làm vườn nho” cho Ngài.
Chia sẻ: Để có thể làm hoà với Thiên Chúa trước tiên phải biết làm hoà với anh em.
Sống Lời Chúa: Trước khi đi ngủ, bạn đừng quên giục lòng ăn năn tội để làm hoà với Chúa.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

26/09/11                                           thứ hai tuần 26 tn
Th. Cótma và Đamianô tử đạo                        Lc 9,46-50

tất cả cho nước trời
“Ai là người nhỏ nhất trong anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” (Lc 9,50)
Suy niệm: Nữ thủ tướng Đức Markel vừa được tạp chí Forbes bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất trong năm 2011 này (25/08/2011). Người đời luôn quan tâm đến những người nam nữ quyền lực nhất, ảnh hưởng nhất, giầu có nhất… Các tông đồ cũng không tránh khỏi não trạng này khi suy nghĩ và thậm chí có lúc tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất. Đã là môn đệ Đức Giêsu -Đấng khai mở Nước Trời- và là công dân của Nước Trời ấy, nhưng xem ra các ông chưa hiểu gì về Nước Trời. Trong Nước Trời tình thương, công lý và an bình, làm gì có chuyện lớn nhất với nhỏ nhất, quyền lực nhất với hèn mọn nhất, vì ai ai cũng là con cái Thiên Chúa, là anh em với nhau, là em của Anh Cả Giêsu.
Mời Bạn: Là công dân của Nước Trời đồng nghĩa với việc bạn phải từ bỏ bản ngã, hạ thấp cái tôi bành trướng. Người công dân Nước Trời sử dụng cái tôi để phục vụ thay vì tranh đua quyền hành. Mời bạn ý thức tư cách công dân Nước Trời để thanh luyện mình khỏi mọi ý đồ trở nên lớn nhất, quyền lực nhất, đi ngược với tư cách môn đệ của Đấng đã sống, và chết vì Nước Trời.
Chia sẻ: Nguyên nhân chính của tình trạng tranh giành quyền lực và chức vị trong các cộng đoàn của Nước Trời?
Sống Lời Chúa: Tôi tập vui tươi và âm thầm thực hiện các công tác đoàn thể, mục vụ, tông đồ... nhằm xây dựng Nước Trời, chứ không vì cái tôi của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Nước Trời là ước mơ đêm ngày của Chúa, là mục đích của Chúa khi đến trần gian. Xin cho chúng con biết đưa ước mơ riêng của mình vào trong ước mơ của Chúa, để sống hoàn toàn cho Nước Trời.