jeudi 31 décembre 2009

Thứ Năm tuần Bát nhật GS

THÁN PHỤC VÀ PHẪN NỘ
Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4,22)
Suy niệm: Những người đồng hương với Đức Giêsu vừa thán phục Người vì những lời hay ý đẹp Người đã nói, rồi ngay sau đó họ lại phẫn nộ và tìm cách hại Người. Họ phản ứng như thế vì não trạng cục bộ và ích kỷ của họ. Họ muốn rằng Đức Giêsu là người Nagiarét thì trước tiên hãy làm cho dân Nagiarét được nở mày nở mặt. Ngài đã làm biết bao phép lạ ở Caphácnaum, thậm chí ở các vùng dân ngoại, thế mà “làm phúc nơi nao, cầu ao chẳng bắc,” dân đồng hương lại chẳng được hưởng nhờ tí nào. Chúa Giêsu không chiều theo những đòi hỏi sai trái của dân làng Nagiarét; Ngài nhẫn nhục đón nhận sự phẫn nộ, tẩy chay của họ để trung thành với sứ mạng rao giảng Tin Mừng.
Mời Bạn: Trong lúc thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng, người môn đệ Đức Giêsu cũng đồng số phận với Ngài: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Có lúc chúng ta được mến phục, lắng nghe, nhưng cũng lắm lúc chúng ta phải đối mặt với những phê bình, thậm chí chống đối. Sứ mạng rao giảng không cho phép chúng ta nao núng khi gặp khó khăn, chùn bước khi bị phê bình hay chống đối. Trái lại chúng ta cần biết nhẫn nại loan báo và làm chứng cách trung thành.
Sống Lời Chúa: Tâm niệm: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khi rao giảng Lời Chúa, dù được thán phục hay bị chống đối, cũng luôn xác tín rằng việc rao giảng Tin Mừng là lẽ sống của chúng con.

mardi 29 décembre 2009

Thu Tu tuan Bat nhat GS


NHÀ TRUYỀN GIÁO ĐÍCH THỰC
“…Bà liền chúc tụng Chúa và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.” (Lc 2,38)
Suy niệm: “Hãy nói về Chúa cho những người quanh bạn nghe; và hãy nói về những người quanh bạn cho Chúa nghe”. Đó là khuôn vàng thước ngọc của việc truyền giáo của Giáo Hội. Bà Anna trong đoạn Phúc Âm hôm nay là người đã thực hiện vai trò truyền giáo của mình một cách thiết thực bằng chính cuộc sống của mình: bà đã can đảm chấp nhận một cuộc sống nghèo nàn, đơn sơ trong chay tịnh và cầu nguyện để trông chờ Đấng Cứu Thế. Chắc chắn trong suốt thời gian sống ẩn dật, bà đã “nói với Chúa” rất nhiều về con người trong thời đại đó và về nỗi khát khao ơn cứu độ của họ. Được Chúa thương cho diện kiến Vị Cứu Tinh và được đụng chạm đến Người, bà đã không giữ lại cho riêng mình nhưng ngay lập tức “nói về Chúa”, công bố tình thương Chúa cho mọi người. Qua đó, sứ mạng của nhà truyền giáo được thực hiện một cách trọn vẹn, đầy đủ, đầy lòng tin và sự nhiệt thành. Bà Anna là mẫu mực cho mọi kitô hữu trong cuộc sống và hành động trong việc loan truyền Lời Chúa.
Mời Bạn: Gặp Chúa qua việc cầu nguyện và rao giảng Chúa cho người khác là hai hành động không thể thiếu của người tín hữu. Bạn đã cầu nguyện bằng thái độ nào và rao giảng Lời Chúa bằng cách thức nào?
Sống Lời Chúa: Đọc và suy gẫm câu nói của thánh Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Lời Chúa.”
Cầu nguyện: Xin cho con biết nói với Chúa về mọi người và được ơn thúc bách nói cho mọi người biết về Chúa, trong mọi hoàn cảnh, và bằng những cách thức thuyết phục nhất để Danh Chúa được loan truyền. Amen.

Thu Ba tuan Bat nhat GS

MỘT LẦN ĐƯỢC ẴM CHÚA HÀI NHI
Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay và chúc tụng Thiên Chúa. (Lc 2,27-28)
Suy niệm: Để được một lần ẵm lấy Chúa Giêsu Hài Nhi, nhà tiên tri già Simêon đã phải chờ đợi suốt cả một đời người đằng đẵng, mà là một cuộc đời công chính và đạo đức. Chắc hẳn đền thờ Giêrusalem phải là nơi ông thường xuyên lui tới, bởi vì Con Thiên Chúa sẽ xuất hiện ở nơi nao nếu không phải là nơi chính nhà của Cha Ngài? Rồi còn nữa, một lần gặp Đức Kitô, lập tức ông đã nói tiên tri, làm chứng cho Ngài. Và bạn có thấy không, được bồng ẵm Chúa Hài Nhi ông tràn trề mãn nguyện và không thể không thốt lên lời chúc tụng tạ ơn: “Giờ đây xin để tôi tớ Chúa ra đi bình an, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ…”?
Mời Bạn: Chúng mình phải học mẫu gương của cụ Simêon thật nhiều trong cách chúng mình rước Chúa Thánh Thể: – Cụ chuẩn bị cả đời để được ẵm Chúa một lần; còn mình dọn lòng thế nào mỗi khi rước Chúa ? – Được ẵm Chúa, cụ sung sướng như đạt được hạnh phúc nhất đời và tạ ơn Chúa bằng những tâm tình sốt sắng; mình đã cám ơn sau khi rước Chúa thế nào? – Vừa gặp Đức Kitô, ngay lập tức cụ đã loan báo về Người; còn chúng mình đã bắt đầu loan báo Tin Mừng Đức Kitô chưa nhỉ?
Chia sẻ: Điều gì đánh động tâm hồn bạn nhất trong cách cụ Simêon trông đợi và đón tiếp Chúa Hài Nhi?
Sống Lời Chúa: Trong tuần bát nhật giáng sinh, bạn đi lễ ngày thường và rước lễ sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đến viếng thăm hồn con, và làm cho cõi lòng khô khan nguội lạnh của con được ấm lên bằng tình yêu mến Chúa nồng nàn.

Thu Hai tuan Bat nhat GS

Các Thánh Anh Hài
CÓ NGHE TIẾNG KHÓC THAI NHI?
“Tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình.” (Mt 2,18)
Suy niệm: Trong bộ truyện “Hán Sở Tranh Hùng” có thuật chuyện binh lính của Hạng Vương nghe khúc tiêu nỉ non ai oán của Trương Lương thì tiêu tan hết nhuệ khí chiến đấu, tan hàng bỏ trốn. Hạng Vương cô thế, lui tàn binh tới sông Ô Giang, cùng đường liền dùng gươm tự sát. Tiếng tiêu Trương Lương làm cho những chiến binh đang say men chém giết cũng phải mềm lòng. Còn tiếng thét kinh hoàng của các thơ nhi bị giết và tiếng khóc xé lòng của các bà mẹ đáng thương ở Bêlem lại không mảy may đánh động con tim Hêrôđê đã ra chai đá vì lòng ham mê quyền lực. Hài Nhi Giêsu ngay từ lúc chào đời đã bước vào giờ của Ngài, giờ của bóng đêm, của ác thần; giờ đó chỉ hoàn tất khi Ngài chiến thắng sự dữ bằng cái chết và phục sinh. Quả thật, “Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào vinh quang của Người sao?”
Mời Bạn: Dù người ta có dùng những “hệ thống hãm thanh” để biến tiếng khóc Ra-khen và tiếng thét của các thai nhi thời nay thành những tiếng rên uất nghẹn, thì vẫn không giấu được những hình ảnh và con số kinh hoàng của nạn phá thai. Dù có biện minh bằng những mục tiêu to lớn nào, có sử dụng những ngôn từ hoa mỹ nào đi nữa, phá thai vẫn là một tội ác đáng ghê tởm. Việt Nam đứng thứ ba về nạn phá thai trên thế giới. Bạn nghĩ gì và làm gì để tham gia vào sứ mạng “Bảo Vệ Sự Sống”?
Sống Lời Chúa: Khuyên bảo và cầu nguyện cho một người muốn phá thai biết từ bỏ ý định đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ghét tội lỗi nhưng thương người có tội. Xin tha thứ và hoán cải những ai đã cướp quyền làm chủ sự sống của Chúa. Amen.

samedi 26 décembre 2009

Chủ nhật Lễ Thánh Gia Thất

GIA ĐÌNH NGÔI TRƯỜNG ĐẦU TIÊN
“Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”(Lc 2,49)
Suy niệm: Sau mười hai năm dưỡng dục, Đức Maria và Thánh Cả Giuse dẫn người con Giêsu nay đã lớn khôn lên Giêrusalem “trình làng.” Bổn phận làm cha làm mẹ khiến hai đấng chạy đôn chạy đáo tìm kiếm khi thất lạc cậu con. Nỗi lo lắng ấy được bù đắp bằng niềm vui và hãnh diện khi tìm thấy con mình ngồi giữa các thầy thông thái, vừa đáp vừa hỏi thật khôn ngoan. Dù đã chu toàn trách nhiệm, hai đấng vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước câu trả lời khó hiểu của con mình: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Thì ra bổn phận làm cha mẹ không chỉ là chăm sóc dạy dỗ con về mọi phương diện tự nhiên mà còn phải hướng dẫn cho con cái nhận biết, đáp lại ơn gọi và sứ mạng Chúa dành cho chúng nữa; cha mẹ không chỉ dưỡng dục con thành người mà còn phải làm cho con mình lớn lên thành con cái Chúa.
Mời Bạn: Ngày nay nhiều bậc phụ huynh miệt mài làm ăn, lo cho con cái đầy đủ mọi mặt về vật chất. Thế nhưng lắm khi có tiền dư bạc thừa, cuộc sống thoải mái thì con cái đã ra hư hỏng. Một nền giáo dục gia đình thiếu sót khập khiễng tất yếu sẽ đưa đến hậu quả bi đát đó, bởi vì cây nghiêng bên nào sẽ đổ về bên ấy! Chia sẻ: Có thể cứu vãn sự ‘xuống cấp’ về mặt đạo đức nơi thanh thiếu niên bằng việc chấn chỉnh nền giáo dục tại gia đình không?
Sống Lời Chúa: Sắp xếp thời gian cầu nguyện chung gia đình vì gia đình nào ở lại với Lời Chúa thì sẽ ở lại với nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin gìn giữ gia đình chúng con, để nó trở thành một môi trường tốt nhằm sản sinh những con người tốt như Chúa muốn. Amen.

vendredi 25 décembre 2009

Thứ Bảy tuần Bát nhật Giáng sinh

Th. Têphanô, phó tế, tử đạo
ĐƠN SƠ MÀ MÃNH LIỆT

“Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại.” (Mt 10,18)
Suy niệm: Trong cái máy di động bé xíu không chỉ là điện thoại mà còn có nào là máy ảnh, quay phim, ghi âm, máy hát, máy tính, nào là trò chơi, tivi, nối mạng... Khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ đã giúp con người sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao, tuy nhỏ bé nhưng đa năng và hữu hiệu. Nơi những con người nhỏ bé yếu đuối mỏng dòn, ơn thánh đã và đang biến đổi và làm nên những việc phi thường. Phó tế Têphanô bị bắt, điệu ra trước công nghị Do Thái và bị kết án ném đá cho đến chết. Như Chúa Giêsu, ‘con chiên hiền lành bị đem đi đến lò sát sinh,’ con người cô thân cô thế đó đã là một chứng nhân anh dũng bất khuất với những lời lẽ hùng hồn làm chứng cho Chúa Kitô. Nơi Têphanô đã tích chứa cả cái yếu đuối và điên rồ nhưng là sức mạnh và khôn ngoan của Thập giá.
Mời Bạn: Nhìn vào những giới hạn về khả năng và nhân sự của Giáo Hội Việt Nam, phải chăng chúng ta thất vọng bi quan hay chúng ta an tâm vận dụng những gì Chúa ban và vững tin hoạt động của Chúa Thánh Thần? Đề cương Năm Thánh 2010 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nêu cao đức tin mãnh liệt của các vị thánh tử đạo “sẵn sàng hiệp thông với mầu nhiệm Thập giá” đến độ hiến dâng mạng sống để “trở nên hạt giống làm nẩy sinh mùa lúa phong phú trên quê hương thân yêu này.” Chứng từ của các ngài giúp chúng ta can đảm hi sinh làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người.
Sống Lời Chúa: Đón chào Năm Thánh 2010, tích cực tham dự các sinh hoạt của Năm Thánh tại giáo xứ giáo phận.
Cầu nguyện: Đọc kinh Năm Thánh.
Cầu nguyện: Đọc kinh Năm Thánh.

jeudi 24 décembre 2009

Đại lễ Giáng Sinh

LOAN BÁO TIN MỪNG GIÁNG SINH
“Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại... Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.” (Lc 2,10b-11)
Suy niệm: Thi sĩ Tagore trong tác phẩm “Tâm Tình Dâng Hiến” đã ghi lại đoản khúc: “Hạt sương rơi bên vệ đường than khóc vì số phận mong manh của mình, nhưng mặt trời lên liền cúi xuống và hỏi: Tại sao em khóc?” Phải chăng thi sĩ muốn diễn tả sự gần gũi, thân thiện giữa trời và đất, giữa Đấng Tạo thành và vật được tạo thành? Quả thật Thiên Chúa đã muốn gần gũi con người đến mức cho Con yêu quý của mình sinh ra làm một người trong gia đình nhân loại để cứu độ nhân loại: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng cùng Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6).
Mời Bạn: Thế giới hôm nay đang đề cao những gì có màu sắc “Phong cách mới” thuộc “Đẳng cấp trổi vượt”... Tin Mừng Giáng sinh kêu gọi chúng ta tiếp tục loan báo cho mọi người trong gia đình, trong lối xóm, trong xã hội chúng ta nhận ra Chúa đang nhập thể với dáng vẻ của những bé sơ sinh bị bỏ rơi trên đường phố, trong thùng rác; của những người ốm đau tật nguyền bị lãng quên; của những người đang là nạn nhân của bất công bóc lột... và ngay cả trong những vấn đề eo sèo của cuộc sống mà chúng ta đang đeo mang đây.
Sống Lời Chúa: Chia sẻ niềm vui Giáng Sinh cho một người mà bấy lâu nay bạn không quan tâm đến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin cho con nhận diện ra Chúa trong đời thường của con.

mercredi 23 décembre 2009

Thứ Năm tuần 4 MV

CHÚA KHÔNG THẤT HỨA
“Từ dòng dõi trung thần Đavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa.” (Lc 1,69-70)
Suy niệm: Khi gõ chữ ‘thất hứa’ vào thanh Google, ta được kết quả khoảng 2.260.000 cho ‘thất hứa’. Ca sĩ thất hứa, diễn viên thất hứa, cầu thủ thất hứa, huấn luyện viên thất hứa, các bộ trưởng cũng thất hứa, siêu cường quốc Mỹ cũng thất hứa... Ở đời, người ta hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều, nhưng phần Chúa, Chúa vẫn luôn trung tín với lời hứa. Chúa tuyển chọn Ábraham, Môsê, Đavít, Mẹ Maria, Gioan Tẩy giả... Tất cả là những chặng đường Chúa thực hiện lời hứa cứu độ. Hài nhi bé bỏng trong hang đá Bêlem là một thể hiện rõ nét nhất uy quyền lời hứa cứu độ của Chúa trải qua bao thế hệ.
Mời Bạn: Khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, bạn hứa từ bỏ ma quỷ và sống như con cái Chúa. Khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức bạn củng cố lời hứa ấy và cam kết sống như những chứng nhân. Trong cuộc đời, có thể bạn còn hứa những lời hứa khác: trong bí tích Truyền Chức hoặc trong bí tích Hôn Nhân. Và từ đầu Mùa Vọng hẳn bạn đã hứa thực hành một số việc như là quà tặng dâng cho Thiên Chúa trong đêm Giáng Sinh, nay bạn đã thực hiện chưa? Hay bạn đã thất hứa rồi?
Chia sẻ: Việc giữ lời hứa với người khác giúp gì cho bạn trong việc thực hiện điều đã hứa với Thiên Chúa?
Sống Lời Chúa: Đến bên Chúa Hài Đồng, kiểm điểm lại bản thân, nhớ lại lời đã hứa và quyết tâm thực hiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Đấng tín trung, không bao giờ lỗi hứa hay trễ hẹn với con. Xin giúp con đáp lại bằng sự trung thành phụng sự Chúa. Amen.

mardi 22 décembre 2009

Thứ Tư tuần 4 MV

NIỀM VUI SỰ SỐNG
Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đến chia vui với bà. (Lc 1,57-58)
Suy niệm: Bài phóng sự về “chợ nạo hút thai” trên báo “Tiếp Thị Gia Đình” hồi tháng trước mô tả trên quãng đường chỉ khoảng 200 mét đối diện bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội có tới trên 20 phòng khám sản khoa đường hoàng treo bảng “Hút Thai” mà phòng nào cũng “đông đúc như phiên chợ chiều.” Chưa hết! Khu vực cạnh bệnh viện Quân Y 103 còn “sầm uất” hơn. Một “bác sĩ” hành nghề ở khu vực này “khoe” mỗi ngày phá bỏ ít là 5-7 ca, có ngày gần 30 ca!!! Khách hàng của những “chợ” này đa số là người còn rất trẻ.
Trong bối cảnh xã hội ngày nay đang tồn tại một xu hướng khử trừ mầm sống từ trong trứng nước như vậy, Lời Chúa mời gọi chúng ta làm chứng cho việc tôn trọng sự sống: Gioan chào đời, láng giềng, thân thích nhận ra đó là dấu chỉ của lòng Chúa yêu thương và đến chia sẻ niềm vui với ông bà Dacaria.
Mời Bạn: Sự sống là một hồng ân, một quà tặng quí giá Thiên Chúa ban cho nhân loại, và phải là kết quả của một tình yêu đích thực. Để trân trọng hồng ân lớn lao đó, chúng ta phải từ bỏ tận gốc rễ lòng ham muốn hưởng thụ cách ích kỷ và vô độ; và ngược lại biết tôn trọng tha nhân và sẵn sàng hy sinh bản thân vì hạnh phúc của anh chị em mình.
Chia sẻ: Đâu là phương thế thích hợp để bảo vệ sự sống trong giáo xứ của bạn?
Sống Lời Chúa: Cương quyết chống lại mọi hình thức huỷ diệt sự sống và sẵn sàng cộng tác vào việc bảo vệ sự sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con hiểu rằng tôn trọng sự sống là tôn trọng Chúa là Đấng tặng ban sự sống cho chúng con.

Video nhạc Giáng sinh


Do you have room ?
A Christmas SongWords and Music by Shawna Edwards

They journeyed far, a weary pair, they sought for shelter from the cold night air. Some place where she could lay her head,where she could give her Babe a quiet bed.Was there no room ? No corner there ? In all the town a spot someone could spare ? Was there no soul come to their aid ? A stable bare was where the family stayed. Do you have room for the Savior, and do you seek Him anew ? Have you a place for the One who lived and died for you ? Are you as humble as a shepherd boy, or as wise as men of old ? Would you have come that night ? Would you have sought the light ? Do you have room ? A star arose,a wondrous light,a sign from God this was the Holy night.And yet so few would go to seethe Babe who came to rescue you and me. This Child Divine is now a King. The gift of life to all the world He brings,And all mankind He saves from doom. But on that night for Him there was no room. Do you have room for the Savior, and do you seek Him anew ? Have you a place for the One who lived and died for you ? Are you as humble as a shepherd boy, or as wise as men of old ? Would you have come that night ? Would you have sought the light ? Do you have room ?Will you come tonight ? Will you seek the light ? Do you have room ?

lundi 21 décembre 2009

Thứ Ba tuần 4 MV

LINH HỒN TÔI NGỢI KHEN CHÚA
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi.” (Lc 1,46-47)
Suy niệm: Bài ca ngợi của Mẹ Maria cũng là bài ca ngợi của Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa qua bài Thánh ca Tin Mừng trong giờ kinh chiều hàng ngày. Những gì Chúa để cho xảy đến với Mẹ, dù Mẹ không hiểu, dù gây cho Mẹ nhiều khổ đau, nhưng Mẹ vẫn không than trách, không bi luỵ, không tuyệt vọng. Trái lại Mẹ dâng lời tạ ơn Chúa, và nhận ra đó là việc Chúa làm. Mẹ đã đón nhận tất cả như quà tặng ân ban của Chúa từ khi đón nhận lời Thiên sứ truyền tin cho đến khi Mẹ đứng dưới chân thập giá.
Mời Bạn: Cuộc sống bon chen với nhiều lo toan ngày nay làm cho bạn khó nhận ra tất cả những gì xảy đến là quà tặng yêu thương của Chúa. Dừng lại ít phút mỗi ngày để nhận ra những ơn ban của Chúa, để thấy mình thật diễm phúc vì được Chúa đoái thương nhìn tới, và nhất là để bạn dâng lời tạ ơn Chúa.
Chia sẻ: Có bao giờ bạn rơi vào tình trạng đau khổ cùng cực tưởng chừng như không thể chịu nổi không? Bạn nhớ đến hình ảnh Mẹ đau khổ đứng dưới chân thập giá và hiệp cùng với Mẹ trong tâm tình vâng phục ý Chúa.
Sống Lời Chúa: Đón nhận thánh ý Chúa với tâm tình tri ân cảm tạ như Mẹ Maria.
Cầu nguyện: Chúa ơi, có những lúc con chứng kiến biết bao cảnh bất công, đau khổ, con đã phản kháng: “Sao Chúa lại để những chuyện như thế xảy ra? Chúa có thể biến đổi chúng trở nên tốt hơn cơ mà?” Nhưng con tin Chúa không bao giờ bỏ rơi những ai cậy trông tin tưởng vào Chúa. Xin cho con nhận ra Chúa luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho con và không ngừng dâng lời tri ân cảm tạ.

Thứ Hai tuần 4 MV

Th. Phêrô Canisiô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
NGƯỜI CÓ PHÚC VÌ ĐÃ TIN
“Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1,45)
Suy niệm: Trong tiểu sử thánh nữ Têrêxa Hài Đồng có ghi một câu chuyện cảm động. Cô bé Têrêxa đã tha thiết cầu nguyện kèm theo những hy sinh với ý chỉ cầu cho một người tử tù, anh Pranzini, được ăn năn trở lại chỉ vì cô tin chắc rằng Chúa sẽ thực hiện điều Ngài đã hứa. Têrêxa đã được toại nguyện: trước khi chết, Pranzini đã cầm thánh giá hôn ba lần. Cô cảm thấy hạnh phúc đến rơi lệ vì Chúa đã nhận lời cầu xin của cô. Giống như Đức Maria, Têrêxa được kể vào số những người “có phúc vì đã tin” rằng lời Chúa hứa sẽ được thực hiện.
Mời Bạn: Đức Mẹ đã tin vào lời Chúa phán cùng Mẹ, Tê-rê-xa đã tin vào ơn cứu độ Chúa Giê-su mang đến, nên cả hai đã cộng tác tích cực vào công trình cứu độ của Chúa Giê-su, mang ơn cứu độ đến cho người khác. Các ngài là những người thật có phúc. Phần bạn, phải chăng não trạng thực dụng đã tác động sâu vào đời sống đức tin của bạn khiến bạn lắm khi hoài nghi về hiệu năng của lời cầu nguyện.
Mời bạn kiểm điểm xem có bao giờ bạn dâng việc lành nào đó để cầu nguyện cho người khác không. Đó cũng là cách để xoá tan mối hoài nghi để bạn tin vào lời hứa cứu độ của Chúa và nhờ đó bạn được kể vào số những người được Chúa chúc phúc.
Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ Maria và thánh nữ Têrêxa dâng một việc lành để cầu nguyện cho một người tội lỗi được ơn trở lại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tin vào Lời Chúa và ơn cứu độ của Ngài là phần phúc của con. Xin cho con luôn vững tin điều đó để mọi việc con làm là để cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa nơi con và nơi tất cả mọi người. Amen.

samedi 19 décembre 2009

Chủ nhật 4 Mùa Vọng C

PHỤC VỤ TRONG YÊU THƯƠNG
Đức Maria lên đường vội vã… vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. (Lc 1,39-40)
Suy niệm: Cuộc thăm viếng của Đức Maria thoạt trông có vẻ là một công việc bình thường của tình người, tình chị em. Thế nhưng nhìn sâu xa thì không phải thế. Giả như chúng ta ở trong hoàn cảnh của Đức Mẹ, chắc hẳn điều trước tiên chúng ta nghĩ đến là phải chuẩn bị thế nào cho người con mình cưu mang đây được sinh ra cách xứng đáng với địa vị là người thừa kế “ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người.” Nhưng Mẹ lại làm khác: Có Chúa trong lòng, Mẹ chỉ nghĩ đến người khác và vội vã lên đường phục vụ. Và Mẹ làm gì? Chắc hẳn Mẹ đã giặt giũ, rửa chén bát... – những việc vô danh chẳng ai hay biết – để giúp bà chị họ trong những ngày mang nặng đẻ đau.
Mời Bạn: Mùa Giáng Sinh chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta để Chúa đến thật sự trong đời chúng ta để Ngài đánh động lòng chúng ta hướng đến người khác, sống vì người khác. Chúng ta đến với Chúa không chỉ với những trăn trở, khổ đau của mình, mà còn bằng những hy sinh để phục vụ người khác. Đức Kitô mà bạn tiếp rước trong bí tích Thánh Thể đã biến đổi bạn trở nên một với Thịt Máu Chúa để bạn trở thành món quà tặng trao ban cho tha nhân chưa?
Chia sẻ: Bạn có nhớ Kinh “Thương Người có Mười Bốn Mối” không? Kinh ấy cho biết bạn còn thiếu sót điều gì về bổn phận sống bác ái với tha nhân?
Sống Lời Chúa: Rủ bạn bè đi thăm viếng những người neo đơn, bệnh tật trong giáo xứ bạn và ở lại đó để an ủi, giúp đỡ họ.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, xin dạy cho con biết thưa “Xin Vâng” như Mẹ để luôn dấn thân phục vụ mọi người.

vendredi 18 décembre 2009

Thứ Bảy tuần 3 MV

ĐÓN NHẬN DẤU CHỈ TÌNH YÊU
Ông Dacaria thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?” (Lc 1,18)
Suy niệm: Dacaria là người công chính, gương mẫu: “không ai chê trách được điều gì.” Ông còn vinh dự được tuyển chọn để lo việc tế tự trong đền thờ Giêrusalem. Thế nhưng vợ chồng ông vẫn ôm một nỗi đau buồn tủi hổ vì đã cao niên mà không có con cái nối dòng. Nhưng Thiên Chúa lại dùng chính sự tủi hổ này để bày tỏ quyền năng và thực hiện chương trình cứu độ của Người. Thế mà ngạc nhiên thay! Ông bà đang mong muốn có một mụn con như thế mà khi sứ thần đến báo tin cho ông biết vợ ông sẽ sinh cho ông một người con trai thì ông lại không thể tin ngay lời sứ thần. Việc ông bị câm lặng không nói được không chỉ là một dấu chỉ để thuyết phục lòng tin của ông mà còn là một cơ hội để ông chiêm nghiệm sâu xa việc kỳ diệu Chúa làm, nhờ đó một khi được Chúa cho mở miệng nói, ông đã cất cao tiếng “Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa It-ra-en” vì Ngài đã thực hiện lời hứa “viếng thăm và cứu chuộc dân Người.”Mời Bạn: Thiên Chúa luôn thực hiện những dấu lạ qua các biến cố, sự kiện trong lịch sử của nhân loại, của Hội Thánh, cũng như trong cuộc sống đời thường của mỗi người chúng ta. Chúng ta được mời gọi nhận ra những dấu lạ đó, để chiêm nghiệm và để dùng lời nói hành động mà ca tụng Chúa vì những điều kỳ diệu Chúa đã làm.
Chia sẻ về một sự việc mà bạn nhận ra là dấu chỉ tình yêu Chúa dành cho bạn.
Sống Lời Chúa: Dành ít phút thinh lặng để suy ngắm về những ơn lành bạn đã nhận được và tạ ơn chúc tụng Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin thánh hoá tâm hồn chúng con, để chúng con xứng đáng đón nhận Tình Yêu Chúa trao ban qua Con Một Chúa giáng trần.

jeudi 17 décembre 2009

Thứ Sáu tuần 3 MV

ƯU TIÊN CHỌN Ý CHÚA
Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. (Mt 1,24)
Suy niệm: Một phụ nữ trong cơn ghen đã dùng kim vá lốp đâm xuyên thủng đầu một bé sơ sinh con của tình địch mình. May thay, bé đã thoát chết trong gang tấc. Một phụ nữ khác nổi giận với thói trăng hoa của chồng đã ném chính con mình xuống giếng. Chuyện ghen tuông không phải là mới, thế nhưng đánh ghen mà hại đến cả người con thì quả thật đã làm dư luận phẫn nộ. Cả hai sự kiện đều liên quan đến những ông bố như là nguyên nhân. Nhà dột từ nóc! Trong hoàn cảnh tuột dốc đạo đức như thế, thánh Giuse càng trở nên gương mẫu cho các người cha gia đình. Ngài thao thức tìm ý Chúa và khi phải chọn lựa, ngài luôn ưu tiên chọn ý Chúa. Định tâm lìa bỏ Mẹ Maria, nhưng khi ý Chúa thúc giục đón nhận Mẹ, thánh Giuse vâng theo ngay. Nghe thiên sứ thúc giục di tản gia đình sang Ai-cập, ngài thực thi mệnh lệnh, không chần chừ. Thánh kinh cho biết rằng, thánh nhân luôn thi hành theo luật định. Không phải ngài không có những cám dỗ chiều theo ý riêng mình; chẳng phải ngài không dám tự quyết định, nhưng vì là người công chính, thánh thiện, ngài đã lấy ý Chúa làm ý của mình. Ngài là một người cha mẫu mực cho mọi người làm cha.
Mời Bạn: Quyền gia trưởng dễ làm người ta quên mất ý Chúa cũng như quên mất giới hạn và yếu hèn của mình. Gương thánh Giuse giúp cho những ai muốn xây dựng hạnh phúc gia định.
Chia sẻ: Ý Chúa có làm mất quyền gia trưởng của thánh Giuse không?
Sống Lời Chúa: Cầu cho những người cha gia đình theo gương thánh Giuse.
Cầu nguyện: Hát bài: “Giuse, trong xóm nhỏ lao động thuở xưa …

mercredi 16 décembre 2009

Làm gì để đón Chúa Giáng Sinh ?

Thứ Năm tuần 3 MV

PHẢI CHĂNG LÀ TÌNH CỜ?
Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô. (Mt 1,16)
Suy niệm: Lịch sử Dân Chúa, dân Ít-ra-en, là những tháng ngày dài mong đợi Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban Đấng Cứu Độ. Là Đấng trung thành, Thiên Chúa vẫn luôn âm thầm từng bước thực hiện lời hứa ấy. Ngài thực hiện qua từng giai đoạn, qua những con người mà gia phả của Chúa Giêsu đã ghi lại như là tổ tiên. Những con người đó tốt có, xấu có; thánh thiện có, tội lỗi có. Sự góp mặt của những con người ấy xem ra rất đỗi bình thường, không có gì đáng lưu ý. Song, phải chăng đó là một sự tình cờ? Một sự ngẫu nhiên? Không! Mỗi một con người sinh ra đều là một mắt xích quan trọng trong chương trình của Chúa, đều có một chỗ đứng trong lịch sử cứu độ.
Mời Bạn: Chúa Giêsu đã đến trần gian, nhưng lịch sử cứu độ vẫn diễn tiến xuyên qua cuộc đời chúng ta. Chúng ta được Chúa gọi vào đời để góp phần làm nên lịch sử cứu độ đó. Trong chương trình của Chúa có tên chúng ta. Chúng ta có mặt trên đời chẳng phải là điều ngẫu nhiên, tình cờ hay bất đắc dĩ, nhưng là điều Chúa muốn.
Chia sẻ: Đã bao giờ bạn ý thức mình có mặt trên đời là để tiếp tục góp phần làm nên lịch sử cứu độ hay chưa? Nếu có, bạn nghĩ mình nên làm gì?
Sống Lời Chúa: Làm công việc bổn phận hằng ngày của mình với tất cả lòng mến, để qua đó người khác thấy Chúa nơi ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa đã cho con vào đời để tiếp tục chương trình của Chúa, dù con tội lỗi yếu hèn, dù con tầm thường nhỏ bé. Con xin hứa sẽ chu toàn sứ mạng trong vị trí mà Chúa đã đặt để cho con. Amen.

mardi 15 décembre 2009

Thứ Tư tuần 3 MV

CHÚA VẪN ĐANG CỨU ĐỘ
“Các anh hãy về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy, người nghèo được nghe tin mừng.” (Lc 7,22)
Suy niệm: Cách đây hai tháng, báo chí trên cả thế giới xôn xao xung quanh sự kiện giải Nobel Hòa Bình được trao cho tổng thống Mỹ Barack Obama. Điều mọi người thắc mắc là: Ông ấy mới làm tổng thống có 9 tháng, và đã làm được gì đáng kể cho hòa bình thế giới đâu mà lại trao cho ông giải thưởng cao quí này? Ông ấy chỉ mới có những lời hứa thôi mà! Vâng, điều mà người ta đòi hỏi ở đây là Obama phải thực sự làm được gì đó cho hòa bình thì mới xứng đáng nhận giải Hòa Bình. Câu chuyện giữa Thiên Chúa và dân riêng Ngài cũng có lời hứa cứu độ được lặp lại không ngừng trong lịch sử. Và Đức Giêsu đã đến. Liệu Ngài có phải là Đấng Cứu Độ mà mọi người mong đợi không? Gioan Tẩy Giả thắc mắc và quyết định hỏi cho ra lẽ. Khác với chuyện ông Obama, Đức Giêsu có những việc làm hẳn hoi chứng tỏ Ngài là Đấng Cứu Độ, Đấng của Lời Hứa.
Mời Bạn: Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ một cách thật cụ thể qua việc Ngài đến bằng xương bằng thịt trong thế gian này để thi ân giáng phúc cho những người nghèo khổ và bất hạnh. Hẳn là Ngài cũng làm thế trong thế giới hôm nay.
Chia sẻ: Bằng cách nào chúng ta, các môn đệ Chúa, thể hiện được Chúa Giêsu đang cứu độ thế giới chúng ta hôm nay?
Sống Lời Chúa: Dấn thân phục vụ người nghèo khổ cách cụ thể: giúp người hoạn nạn, thăm viếng chăm sóc người già yếu bệnh tật, v.v…
Cầu nguyện:Lạy Chúa Giêsu, xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để Chúa tiếp tục cứu độ hôm nay.

lundi 14 décembre 2009

Thứ Ba tuần 3 MV

SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ
“Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho…con không muốn đâu, nhưng sau đó hối hận nên lại đi.” (Mt 21,29-30)
Suy niệm: Theo lẽ thường, những người cho dù có giàu thiện chí nhưng chỉ nói mà không làm, “trăm voi không được bát nước sáo” thì không phải là người đáng tin cậy. Có người còn nói “nặng” hơn: “Con đường dẫn xuống địa ngục được lát bằng những thiện chí.” Qua dụ ngôn hai người con, Tin Mừng theo thánh Mátthêu cho thấy, muốn vào Nước Trời không phải chỉ có nói mà còn phải thực hành thánh ý của Chúa. Và ngay cả khi đã lỡ nói “không” với Chúa nhưng biết sám hối, từ bỏ những việc làm bất chính mà vâng theo tiếng Chúa thì cho dù họ là “những người thu thuế và những cô gái điếm,” họ cũng sẽ nằm trong số những người đầu tiên được vào Nước Trời.
Mời Bạn: Sám hối là một tâm tình không thể thiếu trong mùa vọng. Đó là thái độ của người con thứ nhất đã nói “không” với lời mời gọi của cha mình nhưng sau đó hối hận và thi hành ý muốn của Cha. Mời bạn dành một phút hồi tâm sâu lắng để nhận ra mình đã nói “không” với Chúa thế nào và quyết tâm trở về thưa “có” với Chúa và đi thi hành ý muốn của Ngài.
Chia sẻ: Đâu là những việc mà gia đình bạn, giáo xứ bạn đã “nói có làm không” với Chúa?
Sống Lời Chúa: Trong Mùa Vọng này quyết sống tâm tình sám hối qua việc lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải và từ bỏ một tật xấu mà bạn hay vấp phạm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin lấy lòng nhân hậu xót thương con. Mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy… Xin ban cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ. (x. Tv 50)

dimanche 13 décembre 2009

Thứ Hai tuần 3 MV

Th. Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
ĐỪNG LÀ VÔ TRÁCH NHIỆM!
Chúa Giêsu nói: “Nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm những điều ấy.” (Mt 21,24)
Suy niệm: Một ông thủ trưởng bị chất vấn về hành vi sai trái của thuộc cấp của mình đã trả lời rằng: “Tôi không biết! Tôi không được báo cáo về chuyện đó, v.v…” Lối trả lời thoái thác “không biết” như thế – William Barclay gọi là sự “vô tri có ý đồ” – đã được các thượng tế và các kỳ mục vin vào để né tránh câu chất vấn ngược của Chúa Giêsu. Không phải các ông thiếu khả năng nhận biết hành vi ngôn sứ của Gioan Tẩy Giả là “do Trời hay do người ta”; các ông có biết và trong cương vị của mình, các ông phải biết điều đó, nhưng các ông đã chịu muối mặt trả lời “không biết” để tránh né hệ quả là phải hành động theo sự thật, bởi vì nếu nhìn nhận “ông Gioan là một ngôn sứ” thì “tại sao lại không tin lời ông ấy” để tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến?
Mời Bạn: Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp lời chất vấn của các thượng tế và kỳ mục; Ngài cũng né tránh trách nhiệm một cách “có ý đồ” chăng? Không phải thế! Trước toà Cai-pha, Ngài sẽ trả lời mình là Con Thiên Chúa “ngự bên hữu Chúa Cha và sẽ ngự giá mây trời mà đến”; trước mặt Philatô, Ngài sẽ tuyên bố mình là Vua, nhưng “nước Ngài không ở thế gian này;” Ngài sẽ cho biết mình “lấy quyền gì để làm điều đó” nhưng là trên thập giá khi Ngài hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó. Phần bạn, bạn có dám chấp nhận trả giá bằng thập giá khi sống đức tin của mình một cách có trách nhiệm không?
Sống Lời Chúa: Xin ơn biết noi gương các thánh tử đạo sống chứng nhân đức tin một cách có trách nhiệm.
Cầu nguyện: Đọc kinh Tin.

Lời Chúa CN III MV C

samedi 12 décembre 2009

Chủ nhật 3 Mùa Vọng C

“ĐỔI ĐỜI”

Dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan làm phép rửa, họ hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy.” (Lc 3,10-11)
Suy niệm: Gioan Tẩy Giả khi loan báo cho dân Ít-ra-en Đấng Cứu Thế sẽ đến thì đồng thời cũng kêu gọi họ sám hối. Gioan không rao giảng một thứ sám hối chung chung nhưng hô hào mọi người biết nhìn nhận, hối hận tội đã phạm, và quyết tâm canh tân cuộc sống bằng hành động cụ thể. Đó là một cuộc “đổi đời” tận căn: thay vì tham lam, vơ vét của cải, dùng quyền lực để cưỡng đoạt, áp bức người khác, thì đối lại thực thi bác ái và công bình, liên đới và chia sẻ.
Mời Bạn: Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị mừng kính biến cố Con Thiên Chúa làm người đồng thời ngưỡng vọng về ngày Chúa lại đến; đồng thời Mùa Vọng cũng là thời gian hoán cải và canh tân đời sống để chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón Chúa đến. Đáp lại lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả, chúng ta đến với Bí tích Hòa giải để lãnh nhận ơn tha thứ và bình an của Chúa đồng thời thực thi đức ái Kitô giáo trong cuộc sống hằng ngày.
Chia sẻ: Gia đình hoặc nhóm của bạn cần loại bỏ khuyết điểm nào trước tiên để có thể canh tân đời sống trong Năm Thánh 2010?
Mời bạn đề ra phương thế và việc làm cụ thể.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm chừa bỏ một nết xấu mà mình hay phạm nhất để tỏ lòng sám hối tích cực.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con biết khiêm tốn nhìn ra tội lỗi mình đồng thời cảm nhận được tình yêu và lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa để sẵn sàng sám hối ăn năn trở về với Thiên Chúa và với anh em qua việc cầu nguyện và hy sinh. Amen.

vendredi 11 décembre 2009

Thứ Bảy tuần 2 MV

SỰ CỨNG LÒNG CỦA CON NGƯỜI
“Ông Êlia đến rồi và họ không nhận ra nhưng đã xử với ông theo ý của họ. Con Người cũng sẽ khổ vì họ như thế.” (Mt 17,12)
Suy niệm: Người Do thái không chỉ coi Đấng Cứu Thế như một vị vua thống lĩnh muôn dân bằng những cuộc chinh phạt; họ còn dựa vào các lời tiên tri (x. Ml 4,5-6) để vẽ ra hình ảnh của vị tiền hô – mà theo họ là đích thân Êlia – cũng sẽ đến chuẩn bị cho Đấng Mêsia bằng con đường quyền lực. Như thế thì làm sao họ nhận ra Gioan Tẩy Giả đến như hiện thân của Êlia với sứ điệp sám hối? Quan niệm sai thì hành động cũng sai: Chả trách gì họ đã “xử tệ” với ông “theo ý của họ.” Chúa Giêsu cho biết Gioan Tẩy Giả không chỉ giới thiệu bằng lời nói suông Ngài là “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian;” ông còn lấy chính cuộc khổ nạn của mình để loan báo cuộc khổ nạn của Chúa Kitô: “Con Người cũng sẽ khổ vì họ như thế.” Người dám làm chứng cho Chúa Kitô bằng lời nói, bằng cuộc sống và bằng cả cái chết của mình mới đúng là vị ngôn sứ đích thực của Ngài.
Mời Bạn: Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn còn hiện diện, vẫn đồng hành với con người nơi Đức Kitô qua Lời Chúa và qua Thánh Thể… Thế nhưng phải chăng chúng ta tiếp tục “làm khổ” Ngài cũng giống như người Do Thái xưa? Chúng ta phải luyện tập con mắt của mình để có thể “nhìn thấy” Thiên Chúa qua các dấu chỉ trong cuộc sống nhất là dấu chỉ thập giá để luôn biết sống theo ý Chúa.
Sống Lời Chúa: Dùng việc kiểm điểm mỗi ngày để tập nhận định nhìn ra ý Chúa trong các biến cố của cuộc sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở cho chúng con cặp mắt đức tin để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống thường ngày.

jeudi 10 décembre 2009

Thứ Sáu tuần 2 MV

Th. Đamasô I, giáo hoàng
NHIỆT LIỆT HƯỞNG ỨNG


“Tụi tôi thổi sáo mà các anh không múa nhảy...” (Mt 11,17)
Suy niệm: Qua hình ảnh mấy đứa trẻ ương ngạnh không hưởng ứng trò chơi, Chúa Giêsu khéo léo ám chỉ dân Do thái là dân “cứng đầu cứng cổ”, luôn khước từ ý Chúa nhưng lại bắt Chúa phải theo ý mình. Họ phê phán sự khắc khổ của Gioan Tẩy Giả, họ lại chỉ trích lòng nhân hậu của Chúa Giêsu. Cách nào họ cũng không hài lòng, thật đúng như câu ca dao: “Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê”! Chúa dạy chúng ta không nản lòng trước những lời phê phán bất nhất, nhưng hãy làm chứng đức tin bằng những hành động thiết thực.
Mời Bạn: Người ta thường chủ trương một thái độ dửng dưng, một chủ nghĩa “mackeno” (mặc kệ nó) tránh tối đa mọi liên luỵ để chỉ “xin hai chữ bình an.” Vì thế mà việc chung cứ bị thoái thác, đùn đẩy. Hơn nữa đã không làm thì chớ, lại còn bất mãn triền miên, phê phán chỉ trích người làm…
Mời bạn ý thức trách nhiệm người kitô hữu trưởng thành, biết làm thăng tiến cộng đoàn bằng những ý kiến tích cực và những việc làm xây dựng cộng đoàn cách thiết thực.
Chia sẻ: Khi làm việc chung, bạn có biết tìm kiếm ý Chúa, nhắm đến mục đích chung, và nhận ra những sáng kiến hay của người khác thay vì khăng khăng với ý kiến riêng của mình chưa?
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm để nhận ra khuyết điểm của mình và quan sát, lắng nghe để nhận ra và tán thưởng ưu điểm, sáng kiến của người khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết mau mắn cộng tác với công cuộc cứu độ của Chúa. Này lòng trí con đây, đôi tay đôi chân con đây, xin Chúa sử dụng, để con đem ơn cứu độ của Chúa đến với muôn người. Amen.

mercredi 9 décembre 2009

Thứ Năm tuần 2 MV

HẠNH PHÚC NƯỚC TRỜI
“Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.” (Mt 11,11)
Suy niệm: Gioan, con người của tương phản: vừa là cao trọng nhất trong số các phàm nhân, vừa là người nhỏ bé nhất trong Nước Trời. Gioan vừa có vinh dự dọn đường và trực tiếp giới thiệu Đấng Thiên Sai, nhưng ông đã sớm hoàn thành sứ mạng trước khi thấy vinh quang Đức Kitô tỏ hiện khi Ngài từ cõi chết trỗi dậy. Giống như Môsê chỉ nhìn thấy Đất Hứa từ trên núi, Gioan Tẩy Giả là tấm bản lề chuyển tiếp, là cột mốc ở ngay ngưỡng cửa bước từ chế độ Cựu Ước sang chế độ Tân Ước.
Mời Bạn: Giống như trong cuộc chạy đua tiếp sức, lịch sử cứu độ được chuyển tiếp sang trang từ Gioan Tẩy Giả đến Giáo Hội Tân Ước, và từ các tông đồ đến với bạn hôm nay. Bạn đã là người tiếp nhận đức tin, sứ mạng của bạn là trở thành một mắt xích tiếp tục đem ơn cứu độ đến cho người khác nữa. Bạn có thấy mình hạnh phúc khi được làm con cái của Chúa và của giáo hội không? Bạn đã làm gì để thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng theo lệnh truyền của Chúa?
Chia sẻ:Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12).
Lời Chúa đó có ý nghĩa gì đối với bạn?
Sống Lời Chúa: Biến mọi việc làm của bạn thành hành động loan báo Đức Kitô và luôn sẵn sàng giới thiệu về Ngài cho người mỗi khi có thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa hứa ban hạnh phúc Nước Trời cho những ai tin vào Chúa và đón nhận Nước Trời. Xin Chúa cho con luôn cảm nếm được hạnh phúc ấy khi được diễm phúc làm con Chúa và Giáo Hội. Amen.

mardi 8 décembre 2009

Một ngày có Chúa

Thứ Tư tuần 2 MV

KHIÊM NHƯỜNG VÀ HIỀN LÀNH
“Anh em hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11,29)
Suy niệm: Lời Chúa nghe quen quen. Na ná những mẩu quảng cáo gia sư trên các tờ bướm người ta phát vội tại các cổng trường hay các ngã tư đèn đỏ. Cũng một thông điệp là: tôi là thầy đây, tôi muốn dạy học đây, bạn đến học với tôi đi! Ồ, nhưng thật ra khác lắm. Các gia sư giới thiệu mình ‘đáng tín nhiệm’ bằng cách kê ra những chứng chỉ, những bằng cấp, cả những chức danh dài ngoằng mà mình đã hay đang giữ. Còn Thầy Giêsu thì chỉ có cái này để ‘khoe’: “hiền lành và khiêm nhường”! Và một điều khác biệt nữa, thật căn bản: Thầy Giêsu không dạy các môn luyện thi như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại Ngữ... cho học sinh. Thầy dạy môn SỐNG, môn LÀM NGƯỜI cho hết mọi người, nhất là cho những ai “đang vất vả mang gánh nặng nề.”
Mời Bạn: Dù bạn là ai, nếu bạn nhìn lại và tự thấy đời mình chưa thật sự bình an và hạnh phúc, nếu bạn nhìn nhận mình còn cần học sống, học làm người, thì Thầy Giêsu sẵn sàng giúp bạn đó. Miễn phí. Và bí quyết của Thầy là “hiền lành và khiêm nhường.”
Chia sẻ: Đọc Phúc Âm, bạn cảm kích nhất về sự hiền lành và khiêm nhường của Thầy Giêsu trong trường hợp nào?
Sống Lời Chúa: Thỉnh thoảng có một cung cách hay thái độ hiền lành và khiêm nhường thì khá dễ. Điều quan trọng là hiền lành và khiêm nhường thật sự sâu xa trong lòng, mọi nơi mọi lúc. Để được vậy thì ta phải cho phép Chúa Giêsu sống trong mình mọi nơi mọi lúc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu khiêm nhường và hiền lành, xin dạy con ngày hôm nay biết sống hiền lành và khiêm nhường hơn. Amen.

lundi 7 décembre 2009

Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
SỐNG TRONG SẠCH NHƯ MẸ
“Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1,37)
Suy niệm: Khi sứ thần truyền tin cho Dacaria biết ông sẽ sinh con trong lúc tuổi già, ông đã yêu cầu một dấu chỉ để có thể tin được điều mà ông cho là bất khả. Còn Đức Maria trước lời truyền tin mình sẽ sinh con dù “không biết đến người nam,” Mẹ không hoài nghi mà chỉ hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” Câu trả lời của sứ thần lại đưa Mẹ đi sâu hơn vào cõi mầu nhiệm: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà… vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Quả thật Chúa đã làm và vẫn làm nơi Mẹ những điều không thể làm được. Để chuẩn bị cho Mẹ đảm nhận thiên chức Mẹ Thiên Chúa, Chúa đã ban cho Mẹ điều mà không ai trong con cái loài người có được: ơn không mắc tội tổ tông truyền ngay từ lúc đầu thai. Mẹ đã đón nhận những ơn trọng đại ấy bằng lời “thưa vâng” và đã làm cho những ơn ấy sinh hoa trái trong việc cộng tác vào công trình cứu độ.Mời Bạn: “Nhân vô thập toàn,” sinh ra trong kiếp phàm nhân, chẳng ai trong chúng ta dám tự xưng mình vô tội. Thêm vào đó, trong thế giới tục hoá ngày nay, chủ nghĩa hưởng thụ lên ngôi, tội lỗi đang ngày càng xâm chiếm trong mọi lãnh vực. Trong bối cảnh đó việc sống trong sạch khỏi mọi vết nhơ tội lỗi tưởng chừng như là điều bất khả. Mẹ Maria Vô Nhiễm xác quyết với ta rằng với hồng ân cứu chuộc trong Chúa Kitô việc chiến thắng tội lỗi là việc hoàn toàn có thể được.
Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ cương quyết nói “không” với mọi cám dỗ tội lỗi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong Năm Thánh 2010 này, xin ban ơn biến đổi đời sống chúng con, để chúng con sống trong sạch như Mẹ.

dimanche 6 décembre 2009

CN 2 MV C - Video Thánh vịnh Đáp ca

Thứ Hai tuần 2 MV

HIỆP THÔNG TRONG ĐỨC TIN

Người bại liệt trỗi dậy… vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa. (Lc 5,25)
Suy niệm: Bỏ đạo từ lâu và khi biết mình sắp chết, người anh của giám mục H. Camara (Braxin) hỏi ngài: “Lâu nay tôi để ý thấy không có sự cách biệt nào giữa lời giảng và việc làm của chú. Vậy tôi có thể dựa vào lòng tin của chú mà rước Chúa không?” – Em tin Chúa lòng lành thương anh. Thế nhưng, sau khi xưng tội và rước Chúa, anh thều thào: “Bây giờ tôi tin không phải dựa vào lòng tin của chú mà thực sự tôi xác tín Chúa thương tôi.” Người bại liệt trong bài Tin Mừng được cứu nhờ niềm tin của bạn bè. Tự bản thân không đến được với Đức Giêsu, anh đã nhờ sự giúp đỡ của bốn người khiêng. Những người này không đến được với Ngài bằng cửa chính, họ phải nghĩ đến con đường gay go hơn: bằng mái nhà. Niềm tin đích thực sẽ chắp đôi cánh đưa ta vượt qua mọi trở ngại trên đường đến với Chúa.
Mời Bạn: Sử gia T. Carlyle nói rằng tiếng mẹ ông như luôn vang vọng bên tai: “Con hãy tin cậy Chúa và làm điều lành.” Bao người con đã trở thành người tốt nhờ đức tin của cha mẹ; cũng như bao con người trở nên tốt đẹp hơn nhờ đức tin của những bạn thân. Hôm nay Chúa cũng mời gọi bạn tích cực hơn để đem niềm tin đến cho người khác.
Chia sẻ: Cách sống hiện nay cho thấy bạn đang giữ đạo hay truyền đạo?
Sống Lời Chúa: Hoạch định một kế hoạch sống nhằm tạo điều kiện giúp một người biết và tin theo Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con những bậc cha mẹ và các linh mục tu sĩ, giúp chúng con thăng tiến trong đức tin vào Chúa. Xin cho chúng con, đến lượt mình, cũng trở thành những mẫu gương sống đức tin cho người khác. Amen.

Chủ nhật 2 Mùa Vọng C

LỜI MỜI GỌI HOÁN CẢI

Có Lời Chúa phán cùng ông Gioan trong hoang địa. Ông liền đi… (Lc 3,2-3)
Suy niệm: Bức tranh Gác Đêm của Rembrandt nổi tiếng nhờ độ tương phản giữa màu sáng và màu tối của tuyệt tác này. Để bảo vệ tranh, mỗi thế hệ lại đắp thêm nhiều lớp sơn dầu, khiến màu sáng trở thành mờ tối. Nhờ kỹ thuật xử lý bằng hóa chất, người ta đã phục hồi được nguyên bản. Thế nhưng, lắm người thất vọng thốt lên: “Đây không còn là Rembrant của tôi nữa.” Quá quen nhìn những lớp sơn dầu thêm vào, họ nhận thấy tranh gốc xa lạ và nhạt nhẽo. Cũng vậy, có thể do đọc Lời Chúa qua những lớp “sơn dầu” quen thuộc, ta cảm thấy Lời ấy xa lạ, mất sức mạnh, đôi khi còn gây sốc cho mình. Trong khung cảnh của hoang địa thanh vắng, ông Gioan có cơ hội thuận tiện để tiếp cận với Lời Chúa. Lời Chúa ông nghe và sống đã thúc đẩy ông trở thành ngôn sứ, nghĩa là thành người mời gọi người khác nghe và sống theo Lời Ngài.
Mời Bạn: Sứ mạng của các ngôn sứ qua mọi thời đại là “nuôi dưỡng và khơi gợi một ý thức và cảm nhận khác với ý thức và cảm nhận của nền văn hóa trổi vượt chung quanh ta” (Brueggemann). Bạn đang sống trong nền văn hóa tiêu thụ, ý thức và cảm nhận của con người thời đại là đề cao chủ nghĩa cá nhân, mua sắm và hưởng thụ.
Lời Chúa hôm nay (qua ngôn sứ Gioan và Isaia) có tạo cho bạn một ý thức và cảm nhận khác với nền văn hóa tiêu thụ không?
Sống Lời Chúa: Hoạch định một chương trình sống mùa Vọng, với ý thức và cảm nhận về những giá trị theo tinh thần Tin Mừng: khó nghèo, chia sẻ, xây dựng hòa bình, hiền lành…
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha, đọc chậm rãi và đặc biệt suy niệm về những “chước cám dỗ” mà bạn dễ vấp phải.

vendredi 4 décembre 2009

Lời Chúa CN II MV C

Thứ Bảy tuần 1 MV

THỂ LÝ VÀ THIÊNG LIÊNG
“…Vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn.” (Mt 9,35)

Suy niệm: Ngày này năm xưa, tình cảnh đói nghèo, bệnh hoạn tật nguyền của đám đông làm cho Chúa Giê-su động lòng thương; Ngài còn nhìn ra một sự thiếu thốn khác: "họ tất tưởi bơ vơ như chiên không người chăn". Những thiếu thốn trăm bề về phương diện vật chất, ai cũng dễ dàng thấy, nhưng chỉ có tình yêu của Con Thiên Chúa Nhập Thể mới giúp ta nhìn thấy sự bơ vơ thiếu thốn về tinh thần. Chính trong bối cảnh đó và cũng vì động lòng thương trước tình cảnh đó mà Chúa Giêsu đã chọn gọi 12 tông đồ để rao giảng Tin Mừng cho dân chúng trong khi vẫn không quên việc cho họ ăn, chữa lành người đau yếu, phục sinh kẻ chết.

Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta sống quá “thiêng liêng” đến mức vô cảm với những đau khổ của anh em; khi khác, chúng ta lại chỉ nhìn Giáo Hội như một tổ chức từ thiện xã hội. Nhưng Con Thiên Chúa không đến để chỉ chữa lành hay miễn trừ mọi bệnh tật, càng không đến để lập một tổ chức cứu trợ. Ngài đến để quy tụ nhân loại tản mát vào một mối, một gia đình có Thiên Chúa là Cha. Đừng để những công việc bác ái chúng ta làm trở thành vật cản tầm nhìn của mình hướng về một sứ mạng cao trọng hơn.

Chia sẻ: Bạn nghĩ thế nào khi có người nói: điều cần thiết nhất là cho kẻ nghèo đói được no cơm ấm áo, còn những nhu cầu thiêng liêng khác thì không cần bận tâm vì không mấy ai cần?

Sống Lời Chúa: Đọc một lời nguyện ngắn trước khi làm một việc bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, là Đấng tạo dựng chúng con đủ cả xác hồn, xin cho chúng con đừng vì hồn mà coi nhẹ xác, và nhất là đừng chiều theo phần xác mà bỏ quên phần hồn.

jeudi 3 décembre 2009

Thứ Sáu tuần 1 MV

Th. Gioan Đamátxênô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
NHỜ TIN MÀ ĐƯỢC THẤY
Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” Mắt họ liền mở ra. (Mt 9,29-30)
Suy niệm: Cũng nhìn một khu rừng nhưng nhà nghệ sĩ rung cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, còn những tay lâm tặc chỉ thấy những súc gỗ mà họ có thể xẻ thịt và hái ra tiền. Đúng là mắt ta vẫn sáng, nhưng không phải là đôi mắt ấy có thể nhìn thấy tất cả. Thêm vào đó, có những người thiếu cặp mắt sáng nhưng họ lại thấy được nhiều điều sâu xa hơn. So những điều ta thấy với những điều ta không thấy, ta chỉ là những “kẻ mù loà.” Trong lĩnh vực thiêng liêng điều này lại càng đúng hơn. Ta muốn nhìn thấy Chúa đang hiện diện và hoạt động trong cuộc sống của ta, của anh chị em và khắp nơi trên thế giới, nhưng những điều đó, ta chỉ có thể nhìn thấy bằng con mắt đức tin: mức độ thấy được tuỳ thuộc vào mức độ của lòng tin. Thế nhưng, than ôi, về điều này ta vẫn phải luôn xin Chúa ban thêm cho chúng ta bởi vì lắm khi một đức tin bằng hạt cải ta vẫn chưa có đủ!
Mời Bạn: Như Phêrô xin Chúa ban thêm đức tin cho mình, ta cũng phải đưa “ý chỉ” này vào trong lời cầu nguyện hằng ngày, để nhờ đức tin, ta có thể “làm trọn mọi việc chỉ vì mến Chúa, và hằng nhìn thấy cùng hầu hạ Chúa trong mình anh em” (Kinh Legio).
Sống Lời Chúa: Thinh lặng giây lát trước khi làm công việc thường ngày để hướng lòng về Chúa và xin ơn làm việc đó với tinh thần đức tin.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin mở cho con đôi mắt đức tin, để nhờ ánh sáng của Chúa, con có thể nhìn thấy Chúa đã sống lại và đang đồng hành với con trên mọi nẻo đường, đặc biệt đang hiện diện nơi Bàn tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể mỗi ngày.

mercredi 2 décembre 2009

Thứ Năm tuần 1 MV

ĐI TRONG ĐAU THƯƠNG VỀ GIỮA VUI MỪNG
Các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông. (Mc 16,20)
Suy niệm: Giáo Hội Việt nam vừa khai mạc Năm Thánh đánh dấu những cột mốc liên quan đến việc việc rao giảng Tin Mừng của các thừa sai và người bản địa trên chính quê hương chúng ta. Sự lan rộng và lớn mạnh của hạt giống đức tin càng khẳng định điều mà Chúa Giêsu đã truyền, đã hứa ấy đã và đang được các thế hệ tiếp nối nhau thực hiện một cách đầy tin tưởng và nhiệt tình. Vui mừng vì những thành quả truyền giáo đã đạt được chúng ta cũng không quên những đau thương mà biết bao người đã gánh chịu chỉ vì muốn tin và sống đời chứng nhân cho Chúa Giêsu.
Mời Bạn: Gương của các vị tiền nhân đang mời gọi bạn và tôi hôm nay phải nhớ rằng: thừa hưởng gia sản đức tin quí báu ấy, chúng ta đang sống thế nào và phải sống ra sao để không trở thành người vô ơn và vô tình trước những ân ban của Chúa! Có thể chúng ta đang tìm cách thoái thác công việc làm chứng cho Tin Mừng bằng nhiều lý luận như: thời thế khó khăn, công ăn việc làm chiếm hết thời giờ, giờ chưa phải là lúc tôi ra tay, v.v và v.v… Bạn hãy nhớ rằng “đi rao giảng” bao giờ cũng đi trong đau thương; nhưng lúc trở về sẽ đi giữa vui mừng. Điều này được chứng thực bởi cuộc đời của Thánh Phanxicô Xaviê mà chúng ta mừng kính hôm nay.
Sống Lời Chúa: Trong tháng này tìm dịp để nói về Chúa Kitô cho một người lương dân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con thấu hiểu lời Thánh Phaolô: khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng, để mỗi ngày con cố gắng thực hiện một việc nhỏ nào đó góp phần làm cho đạo Chúa được nhiều người biết đến.

mardi 1 décembre 2009

Ý nghĩa Mùa Vọng

Trình bày : Lm. Tiến Lộc, DCCT

Thứ Tư tuần 1 MV

MỤC TỬ NHƯ THẦY CHÍ THÁNH
“Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.” (Mt 15,32-33)
Suy niệm: Ngày 11/10 vừa qua Giáo Hội đã tuyên phong hiển thánh cho cha Đamiano, “cha của những người phong cùi” tại đảo Molokai. Hằng ngày cha băng bó vết thương, chôn cất người qua đời, xây dựng nhà ở, nhà thờ, bệnh viện, lo cho những người cùi từng chén cơm manh áo. Cha còn băng bó cho họ cả những vết thương tinh thần. Cha đã biến “địa ngục Molokai” thành một cộng đoàn bác ái yêu thương. Cuối cùng cha đã qua đời vì bệnh phong cùi sau 16 năm xả thân phục vụ. Cha đã làm dịu đi “cơn đói” cả về thể xác lẫn tinh thần cho đoàn chiên cha chăm sóc, cha quả là một “mục tử như lòng Chúa mong ước”.
Mời Bạn: Cầu nguyện, nâng đỡ và cộng tác với các linh mục trong sứ vụ mục tử; góp phần vun trồng ơn gọi trong gia đình và trong giáo xứ. Ý thức ơn gọi và sứ mạng tông đồ của mọi kitô hữu, mời bạn sẵn sàng tham gia vào sứ vụ mục tử của Chúa Giêsu trong đời sống gia đình, cộng đoàn cũng như xã hội.
Chia sẻ: Bạn đã từng cảm thấy được an ủi và khích lệ bởi những mẫu gương mục tử biết xả thân vì đàn chiên chưa? Và bạn đã và sẽ làm gì để Giáo Hội luôn có được những mục tử như vậy?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày thứ sáu hằng tuần trong năm thánh linh mục dành một chút thời gian để cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và cho các linh mục sống dấn thân như Thầy Chí Thánh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho Giáo Hội những mục tử biết cảm thông và sẵn sàng xả thân cho đoàn chiên của Chúa vì Chúa biết rằng thế giới đang cần những mục tử như vậy. Amen.