jeudi 8 septembre 2011

Từ Chúa nhật XXIII đến Chúa nhật XIV TN A


04/09/11                              chúa nhẬt tuẦn 23 tn – a
                                                                           Mt 18,15-20

mỌi ngưỜi đỀu có chỖ trong bàn tiỆc cỦa chúa
Ở đâu có hai, ba người tụ họp nhau lại cầu nguyện nhân danh Ta, thì có Ta ở giữa họ.” (Mt 18,19)
Suy niệm: Người ta ca ngợi sức mạnh của sự đoàn kết, hô hào cổ võ đoàn kết để củng cố sức mạnh của “phe mình;” nhưng khi sự đoàn kết đó là của những “thế lực thù địch” đe doạ đến sự an toàn và tồn tại của mình thì họ lại lo lắng tìm cách ngăn chặn và phá vỡ. Đó chính là cái “lý sự” của mọi thứ chiến tranh, khủng bố, bạo động… Chúa Giêsu không kêu gọi kết đoàn những người này để kình chống những người khác. Ngài cho thấy sức mạnh vô song của sự liên đới hiệp thông trong lời cầu nguyện: “Ở đâu có hai, ba người tụ họp nhau lại cầu nguyện nhân danh Ta, thì Ta ở giữa họ.” (Mt 18,19). Với sự hiện diện của Chúa ở trung tâm cộng đoàn cầu nguyện, mọi người được nối kết với nhau, mọi người nên một với nhau, để không ai không có chỗ trong bàn tiệc của Ngài.
Mời Bạn: Chúng ta không sợ phải đơn độc. Vào những lúc đen tối nhất của cuộc đời, chúng ta vẫn không tắt hy vọng vì có Chúa ở với chúng ta. Hơn nữa, với Chúa hiện diện giữa cộng đoàn, chúng ta được mời gọi vượt qua mọi bức tường ngăn cách của định kiến, của não trạng cục bộ, bè phái để trở nên một với nhau.
Sống Lời Chúa: Đọc một kinh Lạy Cha với ý chỉ cầu nguyện cho mot người tôi không ưa thích.
Cầu nguyện: Xin Thần Khí Chúa thay đổi tâm trí chúng con, để những kẻ đang thù nghịch tìm đến đối thoại với nhau, những người đang chia rẽ nắm tay nhau và các quốc gia thấy được con đường hòa bình. Xin Thần Khí Chúa hoạt động, để ngọn lửa hận thù bị dập tắt bằng tâm tình cảm thông và tha thứ.

05/09/11                                           thỨ hai tuẦn 23 tn
                                                                               Lc 6,6-11

vì mỘt nỀn văn hoá sỰ sỐng
Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” (Lc 6,9)
Suy niệm: Theo cuộc tổng điều tra dân số năm 2009 nước ta đang bước vào thời kỳ tỷ lệ dân số vàng, nghĩa là cứ 2 người lao động mới phải nuôi 1 người. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có những con số biết nói khác đó là liên tiếp trong nhiều năm gần đây, Việt Nam luôn luôn nằm trong “top ten” những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Theo thống kê của Uỷ ban Kế hoạch hoá gia đình, mỗi năm có khoảng 1,2-1,6 triệu ca phá thai, nghĩa là cứ một phút có 3 thai nhi bị sát hại. Hoá ra muốn xây dựng một cuộc sống phồn vinh thì người ta đã áp dụng biện pháp “giết chết thay vì cứu sống.” Chúa Giêsu thúc bách chúng ta trả lời vấn nạn đầy thách đố này: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Không thể trả lời thoả đáng nếu chỉ dừng lại ở giải pháp xã hội chính trị, trái lại, phải dựa vào thế giá của Thiên Chúa: Nếu ngày sa-bát, ngày của Chúa, phải làm điều lành thay vì điều dữ, phải cứu sống thay vì giết chết, thì điều đó nói lên rằng đó là một mệnh lệnh tuyệt đối, phải tuân thủ cách vô điều kiện, vì nó đụng chạm đến chính Thiên Chúa.
Mời Bạn: Bạn được mời gọi làm chứng nhân cho nền văn hoá sự sống, dù rằng quanh bạn nền văn hoá sự chết xem chừng đang lấn lướt. Bạn nhớ lời thánh Phaolô khuyên nhủ: “Hãy làm việc lành, đừng sờn lòng nản chí” (Gl 6,9).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc lành đặc biệt trong lãnh vực bảo vệ sự sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin tiếp sức  cho con luôn dấn thân làm việc lành không sờn lòng nản chí.

06/09/11                                            thỨ ba tuẦn 23 tn
                                                                             Lc 6,12-19

chúa Giêsu cẦu nguyỆn
Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. (Lc 6,12)
Suy niệm: Lời Chúa hôm nay cho thấy đối với Chúa Giêsu việc cầu nguyện thật quan trọng vì nó gắn liền với căn tính là Con Thiên Chúa của Ngài. Chúa Giêsu “đi ra núi cầu nguyện,” ở đó Ngài gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của Ngài trong sự thân mật riêng tư. Ngài “thức suốt đêm cầu nguyện”: khi Chúa Giêsu tâm sự với Cha của mình, thời gian như trở thành hư vô, Ngài như bước vào cõi vĩnh cửu để kết hiệp với Cha. Đêm hôm ấy Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm bởi vì Ngài sắp làm một việc vô cùng hệ trọng: ngày hôm sau Ngài sẽ chọn gọi Nhóm Mười Hai để giao phó cho họ sứ mạng qui tụ và coi sóc Hội Thánh cho đến ngày Ngài quang lâm; Ngài cầu nguyện để lĩnh ý Chúa Cha, để rồi Ngài sẽ thực hiện những gì Chúa Cha muốn, theo cách Chúa Cha định. Chả trách gì các môn đệ bị cuốn hút theo Ngài: “Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1).
Mời Bạn: Mọi ki-tô hữu đều được mời gọi kết hợp với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện. Và chắc bạn cũng đã nhiều lần cầu nguyện rồi. Thế bạn cảm nghiệm được sự kết hiệp thân tình trong những giây phút ở bên Chúa chưa, hay xác thân ngồi đó mà lòng trí lại ‘đi du lịch vòng quanh thế giới’? Thầy Giê-su xem việc cầu nguyện là việc thiết yếu như “lương thực nuôi sống” (x. Ga 4,34). Phần bạn, bạn đã thấy cầu nguyện là việc cần thiết cho cuộc sống mình chưa?
Sống Lời Chúa: Dù bận rộn đến đâu cũng dành thời gian cầu nguyện riêng với Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn biết dành thời gian cho Chúa mỗi ngày, để con cũng thấy và thi hành ý muốn của Chúa. Amen.

07/09/11                     thỨ tư đẦu tháng tuẦn 23 tn
                                                                             Lc 6,20-26

sỰ sỐng đỜi đỜi là trên hẾt
“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.” (Lc 6,22)
Suy niệm: Ngày 4 tháng 8 năm 2005, một chiếc tàu ngầm Nga gặp nạn ở độ sâu 190 mét dưới lòng biển. Sau nhiều lần cân nhắc, chính phủ Nga đã lên tiếng xin các nước có khả năng giúp cứu sống 7 thuỷ thủ của họ đang mắc nạn trong tàu. Sinh mạng của các thuỷ thủ được đặt trên các lo ngại khác. Ba ngày sau, họ được cứu sống. Sự sống ở đời này còn quý vậy huống hồ sự sống đời đời. Các tín hữu thời thánh Lu-ca khốn khổ vì bị xã hội kỳ thị, tước mất quyền lợi, hành khổ chỉ vì họ là người thuộc về Giê-su Ki-tô. Càng xôn xao hơn khi có người trong cộng đoàn vì lợi lộc hay mạng sống đã phản bội và từ bỏ niềm tin vào Chúa Giê-su. Trong hoàn cảnh này, các tín hữu đã nhớ lại lời của Chúa, nhắc lời Chúa cho nhau: Có thập giá trên con đường họ đi tới là dấu chỉ chắc chắn họ đang đi đúng đường. Đành rằng phải chịu mất mát, đớn đau, nhưng sự sống đời đời với Chúa Giê-su vẫn quý hơn, được đặt trên những thiệt thòi người đời gây nên.
Mời Bạn: Những lúc bối rối hoang mang bạn có nhớ tới lời của Chúa không? Sự sống đời đời được bạn coi trọng hơn hết không?
Chia sẻ: Tìm hiểu cuộc đời của một thánh tử đạo Việt Nam (chẳng hạn An-rê Kim Thông) để noi gương dấn thân theo Chúa đến cùng.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dâng một hy sinh để tỏ lòng yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con rất vướng víu vì những giằng kéo hằng ngày làm con không sống trọn cho Chúa. Xin cho con dám chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi giữa cuộc đời để con luôn vui bước trọn con đường theo Chúa.

08/09/11                                         thỨ năm tuẦn 23 tn
Sinh nhật Đức Mẹ                                              Mt 1,18-23

đỂ lỜi chúa đưỢc Ứng nghiỆm
“Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa.”  (Mt 1,21-22)
Suy niệm: Phúc Âm theo thánh Mát-thêu sau các bài trình thuật, thường đúc kết bằng câu: “sự việc ấy xảy ra là để ứng nghiệm lời ngôn sứ” (x. Mt 1,22). Chương trình cứu độ của Thiên Chúa dù có bị cản trở, phá hỏng do tội lỗi con người, nhưng khi đến thời đến buổi, cũng vẫn hoàn thành như đã định từ trước muôn đời trong ý định của Ngài và được tiên báo qua lời các ngôn sứ. Nói như vậy không có nghĩa con người chỉ là những con rối trong công trình cứu độ ấy. Trái lại con người được mời gọi tham gia như cộng sự viên không thể thiếu để hoàn thành chương trình theo ý Chúa. Được mời gọi góp phần làm cho chương trình của Ngài ứng nghiệm quả là một hồng ân, vinh dự và diễm phúc. Đức Trinh Nữ Maria đứng đầu trong số những người như thế.
Mời Bạn: Bạn đang làm gì để thánh ý Chúa được thể hiện trong gia đình bạn? Hay những mối bận tâm cơm áo gạo tiền làm bạn mê mải và lối sống hưởng thụ khiến bạn bị “cuốn theo chiều gió, trôi theo dòng đời,” khiến bạn quên đi sứ mạng của mình là làm cho thánh ý Ngài được ứng nghiệm? Bạn nhớ rằng ơn gọi của mọi kitô hữu hệ tại việc sống thân mật với Chúa và đón nhận thánh ý nhờ đó được đón nhận vào chương trình cứu độ của Ngài.
Sống Lời Chúa: Luôn dành thời gian suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để nhận ra thánh ý Ngài và đem ra thực hành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết luôn tìm và làm theo Ý Chúa, noi gương Mẹ Maria và Thánh Giuse, để con được trọn niềm vui trong Chúa.

09/09/11                                          thỨ sáu tuẦn 23 tn
Th. Phêrô Clave, linh mục                                Lc 6,39-42

xét lẠi chính mình
“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6,41)
Suy niệm: Trong cả bốn sách Phúc Âm, có đôi chỗ nói Chúa Giêsu khóc (x. Lc 19,41; Ga 11,35), đôi chỗ nói Chúa vui mừng (Lc 10,21; Ga 15,11) nhưng tuyệt nhiên không có chỗ nào nói Chúa cười. Nhưng đừng vì thế mà vội cho rằng Chúa Giêsu không có óc hài hước châm biếm. Với phong cách một hoạ sĩ biếm, Chúa Giêsu đã mô tả chân dung xấu xí đến độ lố bịch của người đạo đức giả: mang cái xà to đùng chặn kín đôi mắt mà còn làm ra vẻ tinh tường săm soi cọng rác bé xíu trong mắt người anh em!
Nhận ra mình tội lỗi đã là khó, nhận ra mình giả dối còn khó gấp bội, bởi vì người đạo đức giả lại cho mình đạo đức hơn ai hết, người giả dối lại nghĩ mình trung thực không ai bằng. Chúa Giêsu khiển trách những người giả hình, giả đạo đức bằng những lời có sức đánh động như thế, may ra họ thức tỉnh và nhận ra chân tướng của mình chăng!
Mời Bạn: Có khi nào bạn thấy mình thật buồn cười lố bịch khi soi mói bắt bẻ người khác về những chuyện nhỏ nhặt trong khi chính mình lại sa lầy trong những tội lỗi có khi rất nặng nề mà mình vẫn nhắm mắt làm ngơ? Các nhà hiền triết đều dạy rằng biết mình là khởi điểm của sự khôn ngoan. Các kitô hữu soi mình trong tấm gương Lời Chúa để xét mình và sửa mình.
Chia sẻ: Biết tự trào về cái tôi xấu xí của mình là phương thế hữu hiệu để sửa chữa khuyết điểm của chính mình. Bạn có nhận thấy như vậy không?
Sống Lời Chúa: Luôn dành ít phút hồi tâm cuối mỗi ngày để xét mình dưới ánh sáng của Lời Chúa.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

10/09/11                                          thứ bảy tuần 23 tn
                                                                             Lc 6,43-49

nghe lời chúa và thực hành
“Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng.” (Lc 6,49)
Suy niệm: Những thiên tai như bão lụt cũng có thể dạy ta bài học này: ngôi nhà nào càng nhiều tầng mà nền móng lại không vững chắc thì chỉ cần một cơn gió xoáy đã sụp đổ tan tành. Những cái nổi lên bên trên hay tô vẽ bên ngoài chưa hẳn là cái làm cho ngôi nhà đứng vững, nhưng chính cái nền móng vùi sâu dưới lòng đất mới là cái bảo đảm cho sự bền vững của ngôi nhà. Giữa ngôi nhà xây trên cát “không nền móng” và ngôi nhà xây trên nền đá, bề ngoài chẳng khác nhau bao nhiêu. Nhưng khi bão táp mưa sa ùa đến lúc đó mới thấy rõ. Trong đời sống thiêng liêng, người không xây dựng đời mình trên nền tảng của việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì được ví như người xây nhà trên cát dù bề ngoài hào nhoáng đến đâu nhưng chỉ một đợt vần vũ của trời đất sẽ sụp đổ tan tành.
Mời Bạn: Có nhiều phương thế để bạn củng cố nền móng toà nhà thiêng liêng của đời mình. Mỗi lần suy niệm Lời Chúa, bạn đề ra một quyết tâm cụ thể để thực hiện trong ngày sống. Mỗi lần tham dự thánh lễ, bạn kéo dài thánh lễ ra suốt cả ngày sống của mình, bằng cách thực hành Lời Chúa dạy, bằng kết hiệp với Chúa Thánh Thể và đem Ngài đến với tha nhân bằng cuộc sống yêu thương phục vụ của mình.
Chia sẻ: Bạn có phương thế nào để ghi nhớ Lời Chúa và đem ra thực hành không? Mời bạn chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi suy niệm Lời Chúa, nhớ đề ra một quyết tâm cụ thể để thực hành trong ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con sống theo tinh thần của Chúa, là đừng làm gì theo ý riêng con nhưng luôn xin cho ý Chúa được thể hiện.

11/09/11                              CHÚA NHẬT TUẦN 24 TN – A
                                                                           Mt 18,21-35

THA THỨ THỜI KỸ THUẬT SỐ
Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Chúa Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” (Mt 18,21)
Suy niệm: Con số 7 trong Kinh Thánh vốn mang ý nghĩa tượng trưng diễn tả sự hoàn thành trọn vẹn (như Thiên Chúa sáng tạo trong bảy ngày…). Thế mà, để đánh giá sự tha thứ, Phê-rô đã giới hạn con số bảy hoàn hảo đó vào một dãy số chỉ có bảy đơn vị và coi đó như giá trị tối đa của lòng bao dung. Chúa Giê-su lưu ý rằng chính vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta vô điều kiện và vô giới hạn - như trong dụ ngôn Chúa kể - chúng ta cũng không được hạn chế lòng bao dung thương xót vào cách tính toán hẹp hòi theo kiểu con người, mà phải hiểu “tha thứ đến bảy lần” có nghĩa là “bảy mươi lần bảy” nghĩa là cũng vô hạn và vô điều kiện như cung cách của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, người ta ngày càng muốn “số hoá” mọi sự, và với óc thực dụng, đòi “cân đong đo đếm” cả đến những thực tại tâm linh. Hậu quả là người ta muốn hạn chế ở mức tối thiểu những đòi hỏi của việc nên thánh, và ngược lại, cư xử hẹp hòi nghiệt ngã với tha nhân. Là con cái của Thiên Chúa, mời bạn cư xử cách bao dung quảng đại theo cung cách của Ngài trước tiên bằng việc tha thứ cho nhau đến vô hạn.
Chia sẻ về bí quyết sống sau đây: “Để có thể tha thứ đến vô hạn trong những việc cụ thể, phải thường xuyên sống tinh thần bao dung.”
Sống Lời Chúa: Luôn cười xoà mỗi khi có ai lỡ làm phiền bạn; vui vẻ chấp nhận những đau khổ người khác gây ra cho bạn mà không để lòng thù oán.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.

Aucun commentaire: