vendredi 2 septembre 2011

Thứ Năm đến thứ Bảy tuần XXII TN


01/09/11                  thỨ năm đẦu tháng tuẦn 22 tn
                                                                               Lc 5,1-11

vâng lỜi thẦy, con thẢ lưỚi
“Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” (Lc 5,5)
Suy niệm: Qua sự  kiện mẻ cá lạ lùng, Đức Giêsu dẫn chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Người ngư phủ lão luyện là Phêrô lại vâng lời một bác thợ mộc để thả lưới dù suốt đêm hôm trước vất vả chẳng bắt được gì. Lạ hơn nữa là việc Phêrô vâng lời Thầy thả lưới đã đem lại kết quả nằm mơ cũng không thấy: cá nhiều đến nỗi lưới hầu như rách, hai chiếc thuyền đầy khẳm muốn chìm. Không chỉ dừng lại ở sự kiện lạ lùng đó, Ngài muốn đưa Phêrô và các môn đệ đi xa hơn nữa, đó là Ngài muốn các ông đi “thả lưới bắt các linh hồn”. Lời đầy quyền năng của Đức Kitô không chỉ làm các môn sinh “tâm phục khẩu phục” mà vâng lời Thầy một cách hoàn toàn tin tưởng phó thác, mà còn đi xa hơn, vượt lên trên những giới hạn của trần thế này để đáp lại những đòi hỏi của Nước Trời.
Mời Bạn: Được mời gọi tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội, về phía chúng ta không ỷ lại nhưng đem hết khả năng, thiện chí của chúng ta để hoàn thành sứ mạng. Nhưng bạn đừng quên rằng chỉ khi cậy dựa vào quyền năng của Chúa và vâng phục thánh ý Ngài, công việc tông đồ mới đem lại những thành quả thiêng liêng đích thực.
Chia sẻ: Trong việc tông đồ khi bạn cảm thấy ý định của Chúa đi ngoài dự phóng của mình bạn phản ứng thế nào?
Sống Lời Chúa: Thường xuyên nhắc mình sống vâng theo ý Chúa: “Vâng lời Thầy con xin thả lưới.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho chúng con khi làm việc tông đồ biết sử dụng những khả năng Chúa ban đồng thời cũng luôn biết trông cậy vào sự trợ giúp của Ngài. Amen.

02/09/11                  THỨ SÁU đẦu tháng tuẦn 22 TN
                                                                             Lc 5,33-39

ĂN CHAY vì chàng rỂ
“Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Lc 5,34)
Suy niệm: Những năm gần đây, các quán cơm chay mọc lên ngày càng nhiều; nhưng không phải tất cả các thực khách của chúng đều là những người sùng Phật mộ đạo, mà bên cạnh đó là những người theo đuổi một chế độ ăn kiêng vì nỗi lo mắc những chứng bệnh do ăn uống quá độ. Người ta ăn chay để tránh đi những thứ bệnh hoạn, và đó cũng là một trong những cách thay đổi đời sống. Chúa Giêsu kêu gọi ăn chay vì lý do tôn giáo: Ăn chay là để diễn tả mối tương quan của con người với Thiên Chúa, để nói lên nỗi day dứt khi phải thiếu vắng Chúa, và niềm khao khát muốn được kết hợp sâu xa với Ngài: “Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay” (Lc 5,35).
Mời Bạn: Sống trong xã hội theo trào lưu tục hoá, ngay cả những việc vốn là đạo đức như ăn chay cũng mất đi ý nghĩa thiêng liêng. Chúa Giêsu kêu gọi các kitô hữu làm cho tinh thần siêu nhiên thấm nhập vào mọi công việc đời thường. Vì thế ăn chay thì phải ăn chay với tấm lòng thanh thoát trước những bon chen của cuộc sống hằng ngày; ăn chay thì đồng thời phải thay đổi cách sống cho phù hợp với huấn lệnh của Chúa: “Rượu mới phải đổ trong bầu da mới;” ăn chay phải đem lại kết quả là giúp bạn yêu mến, say mê Chúa hơn và cũng quan tâm phục vụ tha nhân hơn; đó chính là cách “ăn chay vì chàng rể” mà Chúa mong muốn.
Sống Lời Chúa: Tiết giảm một khoản chi phí trong việc ăn uống để dành vào việc bác ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp con nhìn thấy Chúa trong mọi sự và nhìn mọi sự trong Chúa.

03/09/11                  thỨ bẢy đẦu tháng tuẦn 22 tn
Th. Grêgôriô, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh
                                                                                 Lc 6,1-5

tẠi sao không?
“Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sa-bát?” (Lc 6,2)
Suy niệm: Nguyên nhân ban đầu của ngày Sa-bát hoàn toàn mang tính nhân đạo, nó cho phép con người nghỉ ngơi để dưỡng sức (Xh 23,12). Vì thế ngày Sa-bát được tạo ra vì con người; nhưng dần dà những nhà thông luật Ít-ra-en đã ‘tán’ luật nghỉ ngày Sa-bát thành nhiều điều cấm và thay vì nghỉ ngơi, cho ngày Sa-bát trở nên gánh nặng, khiến con người trở thành nô lệ cho ngày hưu lễ. Chúa Giê-su đòi chúng ta phải thay đổi não trạng này: trong khi những người Pha-ri-sêu quan tâm tới những điều không được phép làm, thì Chúa Giê-su chú ý đến việc cần làm trong ngày Sa-bát. Chúa Giê-su đến để kiện toàn lề luật: Ngài không bảo chúng ta dừng lại ở chỗ “đừng làm” điều này điều kia; trái lại Ngài kêu gọi “hãy làm” để chúng ta đi xa hơn, cao hơn và đạt đến sự trọn hảo của tình yêu: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31).
Mời Bạn: Ngày hưu lễ của Ki-tô giáo là ngày Chúa Nhật thay vì thứ Bảy (Sa-bát) của người Do thái. Theo tinh thần mới của luật yêu thương, hưu lễ là ngày nghỉ, nhưng nghỉ không phải là không làm gì mà là “hãy làm”. Vậy bạn sẽ làm gì để chu toàn luật Ngày hưu lễ?
Sống Lời Chúa: Chúa Giê-su mời gọi chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Hãy dành nhiều thời gian bên Chúa để được nghỉ ngơi và bồi dưỡng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy chúng con là “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”. Xin cho chúng con biết dùng thời gian của Ngày hưu lễ cho nên, nhất là biết làm sáng danh Chúa mà mưu ích cho các linh hồn.

Aucun commentaire: