dimanche 6 mai 2012

Thứ Ba tuần IV đến Chúa nhật V Phục sinh B


01/05/12 thứ ba tuần 4 ps
Th. Giuse thợ
Mt 13,54-58

giuse, ngôn sứ thầm lặng
“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” (Mt 13,57)
Suy niệm: Chúa Giêsu ví mình như “vị ngôn sứ bị rẻ rúng ngay ở quê hương mình” trước những lời dè bỉu của những người đồng hương: “Ông ta không phải là con bác thợ hay sao?” Thì ra thánh cả Giuse, khi nhận lời thiên sứ truyền tin làm cha nuôi của Đấng Cứu Thế,  đã phải chịu sự rẻ rúng đó từ hàng chục năm trước đó rồi. Làm “bác thợ ở làng Nadarét” không phải là sắm vai trò ông thợ mộc, cha của Giêsu như một vỏ bọc che mắt thiên hạ; trái lại thánh cả Giuse chính là vị ngôn sứ thầm lặng, dùng cả cuộc sống khiêm hạ của mình để báo trước việc Con Thiên Chúa hạ mình “mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế” ở giữa trần thế để cứu chuộc nhân loại (x. Pl 2,6-7).
Mời Bạn: Việc lao động tự nó đã có giá trị làm thăng tiến phẩm giá con người. Hơn nữa gương thánh cả Giuse còn minh chứng những việc làm lương thiện hằng ngày để mưu sinh còn là một phương thế để cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu, Đấng được sai đến để “loan Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18). Noi gương thánh cả, mời bạn và cộng đoàn của bạn xoá bỏ não trạng phân biệt giàu nghèo bằng cách cư xử với mọi người trong tinh thần tôn trọng và giúp thăng tiến phẩm giá của họ. Việc bác ái không chỉ dừng lại ở chỗ chia cơm sẻ áo cho những người túng nghèo mà còn phải chia sẻ với họ những cơ hội để thăng tiến nữa.
Chia sẻ: Cộng đoàn, giáo xứ của bạn có phương thế nào để xoá bỏ khoảng cách giàu nghèo trong cộng đoàn bạn không?
Sống Lời Chúa: Giúp một người đang thất nghiệp tìm được công ăn việc làm.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

02/05/12 thứ Tư đầu tháng tuần 4 ps
Th. Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội thánh                   
Ga 12,44-50

lời tối hậu của tình yêu
“Tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian.” (Ga 12,47)
Suy niệm: Di ngôn của người sắp lìa trần bao giờ cũng hết sức quan trọng, bởi vì đó là những lời tâm huyết nhất mà người sắp ra đi muốn để lại cho con cháu, cho đời, mà đây là cơ hội cuối cùng để nói lên. Chính vì thế những lời ấy dù có thốt ra trong tiếng thều thào, cũng được những người thân chăm chú lắng nghe. Có thể coi những lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay chính là những di ngôn của Ngài vì đây là lần cuối cùng Ngài nói cho dân chúng trước khi chịu khổ hình. Lần này Chúa không nói thầm nhưng “kêu lớn tiếng” điều tâm huyết mà Ngài gửi đến cho mọi người “Tôi đến không phải để xét xử thế gian mà để cứu thế gian,” đó cũng là điều Ngài đã nói riêng cho ông Nicôđêmô từ những ngày đầu: Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17).
Mời Bạn: Con Thiên Chúa được sai đến trần gian chỉ có một mục đích là cứu chúng ta. Bạn coi những lời Chúa nói đây là nghiêm túc chứ? Bệnh nhân phải nghe lời khuyên của bác sĩ để biết bệnh tình của mình thế nào và phải chữa trị làm sao, bạn cũng cần lắng nghe Lời Chúa để biết mình cần được cứu độ; quả thật Ngài yêu thương bạn đến nỗi hiến thân chịu chết để cứu bạn; nếu không, Chúa đã chẳng nói lên những lời thống thiết như thế. Bạn sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa và tin vào Ngài chứ?
Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm câu Lời Chúa trên đây (Ga 12,47) để xác tín mình được Chúa yêu thương và cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin đặt trọn niềm tin vào Chúa để được Chúa thương và ban ơn cứu dộ.

03/05/12 thứ năm đầu tháng tuần 4 ps
Th. Philípphê và Giacôbê, tông đồ                                  
Ga 14,6-14

đức tin bằng hành động
Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Chúa Cha và như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giêsu trả lời: “…Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?” (Ga 14,8-9)
Suy niệm: Con người khao khát và đi tìm Thiên Chúa, nhưng thực ra Người đã đi bước trước tìm đến và gặp gỡ con người, cách đặc biệt qua Chúa Giêsu Kitô. Philípphê tỏ ra khao khát được thấy Chúa Cha nhưng hoá ra Ngài đã tỏ ra cho ông thấy từ trước rồi vì Chúa Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình; tưởng là xa cách ngàn trùng lại trở thành gần gũi ở ngay giữa chúng ta.
Mời Bạn: Tín hữu Việt Nam được tiếng là siêng năng tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Tuy nhiên, đời sống đức tin ấy nhiều khi chỉ là những thói quen do ảnh hưởng của gia đình, xứ đạo hơn là một chọn lựa và dấn thân cá nhân. Một lối sống đức tin như thế sẽ khó lòng đứng vững trong khung cảnh đô thị hóa và xã hội hóa đang và sẽ diễn ra mỗi ngày một nhanh hơn. Vì thế, cần xây dựng một đức tin mang tính cá vị, hiểu như một chọn lựa tự do và ý thức của chính bản thân đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa.
Chia sẻ: Thánh Âutinh nói: “Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa.” Về phía con người, tôi và bạn đã làm gì để có đức tin và củng cố cũng như thể hiện đức tin mỗi ngày?
Sống Lời Chúa: Sống niềm vui Phục Sinh bằng một việc làm bác ái cụ thể.
Cầu nguyện: Đọc kinh Tin Kính cách chậm rãi và tâm tình.

04/05/12 thứ sáu đầu tháng tuần 4 ps                   
Ga 14,1-6

mối liên hệ thầy trò
“Anh em đừng xao xuyến!... Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,1-3)
Suy niệm: Hải cảng Alexandria có tiếng khó cập bến. Mỗi khi có tàu lớn vào cảng, phải có một tàu hoa tiêu chạy trước dẫn đường, giúp tàu lớn cập bến an toàn. Thánh Gioan đã dùng từ “tàu dẫn đường” đó để diễn tả việc Đức Giê-su “đi dọn chỗ” cho chúng ta. Quả thật, Đức Giê-su luôn luôn là người Thầy đi trước để kêu gọi chúng ta “hãy theo Ngài”. Ngài là con tàu mở ra con đường thập giá theo Ngài chúng ta có thể cập bến thiên đàng bình an. Và mục tiêu mà Ngài muốn đạt tới chính là “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy.” Với người ki-tô hữu, ở đâu có Đức Ki-tô, ở đó là thiên đàng rồi.
Mời Bạn: Thiên đàng quả thực đã ở nơi chúng ta mỗi khi chúng ta có Đức Ki-tô trong linh hồn mình. Chúa muốn Ngài ở đâu chúng ta cũng ở đó với Ngài. Mà Ngài vẫn hiện diện với chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Kết hiệp với Ngài trong bí tích thì Chúa ở đâu chúng ta cũng sẽ ở đó với Ngài. Vậy bạn hãy đến với Ngài trong bí tích Thánh Thể đi.
Chia sẻ: Có phải đã có lúc bạn cảm không hứng thú gì nữa với việc rước lễ? Vì sao? Làm thế nào để tái lập cuộc sống thân mật với Chúa Giê-su Thánh Thể?
Sống Lời Chúa: Siêng năng rước lễ mỗi ngày cách sốt sắng. Nếu vì lý do nào đó bị trở ngại, xin bạn đừng quên rước lễ thiêng liêng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến. Chúa muốn ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Xin cho con yêu Chúa thật nhiều và xin Chúa ở lại trong tâm hồn con luôn mãi. Amen.

05/05/12 thứ bảy đầu tháng tuần 4 ps
Ga 14,7-14

muốn thấy và biết chúa cha
Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giê-su trả lời: “…Ai thấy Thầy, là thấy Chúa Cha.” (Ga 14,8-9)
Suy niệm: Cũng trong khung cảnh bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ: Ngài là mặc khải của Chúa Cha. Ông Philípphê liền cầu xin: “Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, và như thế là đủ.” Chúa Giê-su đáp: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Câu hỏi của Phi-líp-phê có táo bạo không nhỉ? Ông muốn được biết thấy Thiên Chúa! Phải chăng cũng là câu hỏi của mỗi người, những người thực tâm muốn đi tìm Thiên Chúa?
Mời Bạn: Bạn có nghĩ rằng đó là một ước mong chính đáng: được biết và được thấy Thiên Chúa. Đấng thiêng liêng làm sao ta thấy đươc ? Câu trả lời của Chúa Giê-su thật đơn giản : Ai thấy Thầy là thấy được Chúa Cha! Nơi Chúa Giê-su, Đấng vô hình trở nên hữu hình, để đáp ứng nguyện vọng cần thiết của con người: muốn được “thấy và biết Thiên Chúa” hầu nhận ra và đáp trả Tình Yêu vô biên của Ngài.
Chia sẻ: Làm thế nào chỉ cần “thấy Thầy” là có thể “thấy Chúa Cha” được? Phần bạn, xin bạn chia sẻ kinh nghiệm “thấy Chúa” của bạn.
Sống Lời Chúa: Cư xử tôn trọng với mọi người chung quanh để có thể thấy Chúa hiện diện nơi họ.
Cầu nguyện: Giêsu, Chúa ơi! xin cho Lời của Chúa đụng chạm đến con, khi con đọc thì Lời đó cũng đụng chạm đến trí khôn và tim con, để con khám phá ra Chúa Cha nhân ái như Giêsu, hiền hậu gần gũi như Giêsu, khiêm hạ như Giêsu, yêu thương vô điều kiện như Giêsu, con chí ái của Ngài. Lạy Cha, con yêu mến Cha! Amen.

06/05/12 chúa nhật tuần 5 ps – b 
Ga 15,1-8

Ở lại trong nhau
“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.” (Ga 15,4)
Suy niệm: Những người yêu nhau thường trao cho nhau những kỷ vật. Những dấu chỉ vật chất nơi những kỷ vật đó dẫu nhỏ bé nhưng có một sức mạnh lạ kỳ khiến họ, nhờ những kỷ vật, luôn có thể hiện diện với nhau một cách sống động và sâu xa.
Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly, đã trao ban chính Thân mình Ngài làm kỷ vật. Ngài không muốn chỉ hiện diện bên cạnh, bên ngoài chúng ta như một món đồ trang sức chúng ta mang trên thân mình; mà Ngài muốn hiện diện với chúng ta thật sâu xa, trong cõi lòng của chúng ta, để chúng ta cũng được ở sâu trong cõi lòng của Ngài. Và Ngài không có hình ảnh nào minh hoạ cách hùng hồn hơn nữa cho việc “ở trong nhau” trừ hình ảnh “Thầy là cây nho, các con là cành.” Hình ảnh đó được hiện thực hoá trong Bí tích Thánh Thể mà Ngài thiết lập cũng trong bữa Tiệc Ly.
Mời Bạn: Hiệu quả của việc “ở trong Chúa” là bạn sinh nhiều hoa trái thiêng liêng. Phương thế để “ở lại trong Chúa” là suy gẫm và sống Lời Chúa đồng thời lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Điều kiện để hoa trái thiêng liêng có thể trổ sinh là bạn phải được cắt tỉa bằng những hy sinh từ bỏ. Cành nho là bạn sẽ làm cho Thiên Chúa được tôn vinh và bạn sẽ là môn đệ đích thực của Chúa Kitô nếu bạn sinh nhiều hoa trái cho Nước Trời
Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa và lãnh nhận bí tích Thánh Thể là hai việc thiết yếu không thể thiếu trong đời sống của người kitô hữu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết ở lại trong Chúa như cành liền cây, và xin dạy con biết chấp nhận những hy sinh khổ chế cần thiết để lớn lên và trổ sinh hoa trái dồi dào. Amen.

Aucun commentaire: