30/12/12 CHÚA
NHẬT TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS – C
Lễ Thánh Gia Lc
2,41-52
TRẨY HỘI LÊN ĐỀN
Khi Đức Giêsu được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên
đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. (Lc 2,41-42)
Suy niệm: Hằng năm Chúa Giêsu lên đền Giêrusalem, hằng tuần
Người vào hội đường ngày Sabát, hằng ngày Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha.
Một nhịp sống đạo đức trung thành, một chương trình phụng vụ chuyên cần. Tất cả
không chỉ nhằm chu toàn một luật buộc tôn giáo, nhưng trên tất cả, là để không
ngừng tìm kiếm Thánh Ý, kín múc sức mạnh từ Thiên Chúa Cha và để từ đó, thực
hiện một cách đúng đắn ơn gọi: “Này con xin đến để thực thi Ý Chúa.” Với
việc nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu, thời gian của nhân loại đã trở thành
“thời gian thánh”, vì chính Ngài – là Thiên Chúa, là Đấng Thánh – đã đón nhận,
đã sống và đã thánh hóa, để “tất cả những gì thuộc về con người, không còn
xa lạ với Thiên Chúa và Hội Thánh của Người.”
Mời Bạn: Hằng năm, hằng tuần và hằng ngày, bạn đã đi hành
hương, đi lễ và cầu nguyện …, bạn tìm kiếm gì trong những dịp đó: Bạn theo
phong trào? Vì sợ tội? Vì thói quen truyền thống gia đình? Vì muốn cầu xin ơn
lành như ý?.... Ngoài giờ đi lễ và đọc kinh cầu nguyện, trong sinh hoạt và làm
ăn mỗi ngày, bạn có nhớ đến Chúa không?
Sống Lời Chúa: Thánh Gia là mẫu gương cho
mọi gia đình tín hữu: - mọi người nỗ lực thực hiện Thánh Ý Chúa Cha: “Cha mẹ
không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (c. 49). Trong năm
Đức Tin, ngày Chúa Nhật là ngày cả gia đình “trẩy hội lên đền” thờ phượng Chúa,
tham dự thánh lễ “một cách ý thức, trọn vẹn và tích cực” và chuyên cần
đọc kinh tối trong gia đình.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Gia đình sốt
sắng và chậm rãi (miệng đọc lòng suy).
31/12/12 THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Xinvéttê, giáo hoàng Ga 1,1-18
TÌM CÁCH GIỚI THIỆU CHÚA
“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và
chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, thế gian nhờ Người mà có, nhưng lại
không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng đón nhận.”
(Ga 1,9-11)
Suy niệm: Thánh sử Gioan hẳn phải ưu tư suy nghĩ nhiều năm khi
viết quyển Tin Mừng cuối cùng này. Ưu tư của ông là làm thế nào trình bày Đức
Giêsu cho người Hy Lạp thời ấy. Đối với người Hy Lạp, những hình ảnh quen thuộc
về Đức Giêsu như Con Vua Đavít, hoặc Đấng Mêsia (Đấng Cứu Thế)
là những hình ảnh xa lạ và khó được chấp nhận. Gioan đã khéo léo dùng một hình
ảnh vừa quen thuộc đối với người Hy Lạp, vừa có trong Kinh Thánh, đó là “Logos”,
nghĩa là “Lời” hoặc “lý trí”. Qua đoạn mở đầu này, Gioan như nói
với người Hy Lạp : “Cả cuộc đời các bạn say mê lý trí cao cả của Thiên Chúa,
thì này đây lý trí của Chúa ấy đã đến trần gian nơi con người Giêsu. Hãy nhìn
Ngài và bạn sẽ nhận ra lý trí và tư
tưởng của Chúa là như thế đấy.”
Mời Bạn: Hãy nhìn anh em lương dân quanh mình và tự hỏi xem
phải trình bày Đức Giêsu như thế nào để những anh em ấy dễ chấp nhận, nói theo
ngôn ngữ thời đại, phải đưa Tin Mừng hội nhập văn hoá dân tộc như thế
nào.
Chia sẻ: Tôi có bao giờ ưu tư tìm một phương thế trình bày Đức
Giêsu cho người chung quanh mình chưa?
Sống Lời Chúa: Tôi tìm một phương cách
thích hợp và dễ được chấp nhận để trình bày Đức Giêsu cho những người thân, bạn
hữu… chưa biết Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng
con nguyện sẽ cố gắng tìm những phương cách để giới thiệu Chúa cho những người
thân, bạn hữu chúng con, ước mong họ sẽ vui vẻ đón nhận Chúa.
01/01/13 THỨ BA CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GS
Đức
Maria, Mẹ Thiên Chúa Lc
2,16-21
HỒN NHIÊN LOAN BÁO TIN MỪNG
Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi
đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài
Nhi này. (Lc 2,16-17)
Suy niệm: Thật bất ngờ thú vị khi ‘các mục đồng đến thăm máng
cỏ’ lại là người kể chuyện về Hài Nhi cho chính cha mẹ của Hài Nhi! Maria và
Giuse tuyệt nhiên chẳng nói lời gì trong cảnh này; chỉ có những người chăn
chiên hồn nhiên đang kể về “tin mừng” mà họ nhận được, và “cũng là
tin mừng cho toàn dân.” Cơ hồ ta có thể nói rằng ở đây khách đang giới
thiệu chủ nhà cho… chính chủ nhà! Họ đang giới thiệu em bé trong máng cỏ ấy cho
cha mẹ của em: đó là “Đấng Cứu Độ”, là “Đấng Kitô Đức Chúa” (x.
Lc 2,10-11). Họ đang kể về kinh nghiệm tuyệt vời, đầy ắp niềm vui, mà họ mới
nhận được (từ thần sứ của Chúa) và vẫn đang tiếp tục nhận được ở đây (trong
cuộc gặp gỡ em bé này). Và đó là loan báo Tin Mừng, theo cách nói
của chúng ta ngày nay.
Mời Bạn: Theo ngôn ngữ thời nay có thể ví von rằng mấy anh
chăn bò đang nói về Chúa Giêsu cho một giám mục hay linh mục đang trân trọng
lắng nghe, “ghi nhớ” và “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Ta nhận ra ai cũng có thể
loan báo Tin Mừng và ai cũng cần phải biết lắng nghe Tin Mừng, kể cả từ những
phía bất ngờ nhất.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm sống theo xác
tín kép này: (1) sẵn sàng loan báo Tin Mừng cho anh em bằng cách phù hợp; và
(2) sẵn sàng lắng nghe Tin Mừng được loan báo cho mình.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã sinh
hạ và trao ban Chúa Giêsu cho nhân loại, xin dạy con biết rằng dù con hèn mọn
đến mấy, con cũng được mời gọi đón nhận Chúa và giới thiệu Chúa cho mọi người,
trong niềm vui.
02/01/13 thứ tư đầu tháng trước lễ hiển linh
Th. Baxiliô Cả và
Ghêgôriô Nadien, giám mục, tiến sĩ HT
Ga
1,19-28
“ông nói gì về chính ông?”
Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn
trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói:
“Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: ‘Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa
đi’. ” (Ga 1,22-23)
Suy niệm: “Một số môn đồ của Gioan rao giảng về Thầy mình như
là Đấng Mê-si-a” (Sách Clementine Recognitions 250 A.D.). Một số khác coi ông
là Ê-li-a, vị đại tiên tri đến trong thời đại sau hết. Hay cứ theo thói thường,
người ta coi ông là tư tế vì sinh ra trong dòng tộc tư tế hay ông đáng gọi là
một tiên tri vì là một nhà giảng thuyết đông đảo dân chúng đến nghe. Nhưng
Gio-an đã lần lượt phủ nhận tất cả.
Gio-an chỉ nhận mình là : “tiếng người hô trong hoang địa” một vai trò độc đáo,
mới mẻ, không giống ai. Gio-an đã nhận biết, sống và chết cho sứ mệnh của mình.
Mời Bạn trả
lời cho câu hỏi “Ông nói gì về chính ông ?” Đây là vấn đề “tự biết mình” và xác
lập căn tính của mỗi nguời, để khám phá chỗ đứng độc đáo, một ơn gọi riêng
không thay thế được trong chương trình cứu độ của Chúa. Phúc cho ai khám phá
ra, và trong ơn thánh Chúa, ngày ngày thể hiện mình, trở nên chính mình, sống
với một cái tôi chân thật, không vay mượn, không ngụy tạo.
Chia sẻ: Trong hoạt động tông đồ, điều gì khiến bạn trở thành
vật cản không cho người ta đến với Chúa Kitô?
Sống Lời Chúa: làm một việc nào đó trong
trách nhiệm của mình mà mình hay quên hay lẩn tránh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng tác tạo
con, Chúa thấu hiểu con hơn con hiểu con, xin cho con biết Chúa để con yêu Chúa
và xin cho con biết con để con sẽ sống như Chúa muốn cho con sống.
03/01/13 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Danh Chúa Giêsu Ga
1,29-34
TÔI ĐÃ KHÔNG BIẾT NGƯỜI
Ông Gioan làm chứng: “Tôi đã không biết Người. Nhưng
chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí
xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh
Thần.’ Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển
chọn.” (Ga 1,32-34)
Suy niệm: Ngôi Lời hằng hữu, Đấng soi sáng mọi người, đến cư
ngụ giữa người phàm và làm cho biết những điều sâu thẳm của Thiên Chúa (x. Ga
1,1-18). Ngôi Lời nhập thể được cử đến như “phàm nhân đến với những phàm nhân”,
công bố những Lời của Thiên Chúa (Ga 3,34), “hoàn thành công trình cứu chuộc mà
Chúa Cha đã ủy thác cho Người thi hành” (MK 4). Bởi thế nơi Đức Giê-su, người
“con bác thợ mộc Na-gia-rét”, ẩn giấu một mầu nhiệm cao cả. Đứng trước mầu
nhiệm đó, Gioan nhìn nhận giới hạn sự hiểu biết của mình; trong bài Tin Mừng
hai lần Gio-an nói: Tôi đã không biết Người. Thật sự có những điều về Chúa
Giê-su, Gioan đã biết, nhưng vẫn còn vực thẳm của những điều vượt quá trí hiểu
của Gio-an nói riêng và của con người nói chung.
Mời Bạn tiếp cận với mầu nhiệm Đức Kitô với tâm hồn khiêm
tốn chân thành; vừa vận dụng lý trí tìm hiểu vừa “lấy sự vâng phục đức tin để
đáp lại Thiên Chúa là Đấng mạc khải “ (MK số 5).
Sống Lời Chúa: Bạn đọc và suy niệm Lời
Chúa cách kỹ lưỡng hơn, nhất là khi gặp đoạn đã quen bạn có khuynh hướng đọc
lướt qua vì cho rằng mình đã quá hiểu.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin
cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân con, yêu mến Chúa
và làm mọi sự vì Chúa. Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ
đến Chúa” (Thánh Âutinh).
04/01/13 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Ga
1,35-42
ĐỨC TIN MỜI GỌI GẶP CHÚA
Đức Giê-su thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các
anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi, Thầy ở đâu? Người bảo họ: “Đến mà xem.” (Ga
1,38-39)
Suy niệm: Trong thời buổi ngập lụt thông tin hôm nay, nhiều
người đang chới với không biết đâu là sự thật để tin và để chọn lựa. Hệ quả này
còn lan đến lãnh vực tôn giáo, tạo nên một cuộc khủng hoảng niềm tin nơi các
tín đồ. Đức Bênêđitô nêu rõ, “cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa đang ảnh hưởng
đến nhiều người” (Cửa Đức Tin, 2). Vì thế, Năm Đức Tin được khai mở nhằm
giúp cho mọi tín hữu tìm lại “nguồn mạch và cùng đích của đức tin” là chính Đức
Giê-su Ki-tô, để các tín hữu “đứng về phía Chúa, sống với Chúa” và truyền thông
đức tin cho những ai chưa biết Chúa. Hành trình tìm kiếm này diễn ra trong cuộc
đối thoại liên tục và thân tình giữa Chúa Giê-su và những ai muốn theo Ngài: “Thưa
Thầy, Thầy ở đâu?” – “Hãy đến mà xem.” Cuộc đối thoại cần thiết này diễn tả
niềm khao khát gặp Chúa và đào sâu đức tin, nhờ đó các tín hữu gặp gỡ chính
Chúa Giê-su, Đấng đang sống trong Hội Thánh.
Mời Bạn: Tham dự cử hành phụng vụ, học hỏi giáo lý và các giáo
huấn là những chỉ dẫn cụ thể của Giáo Hội giúp các tín hữu sống Năm Đức Tin.
Bạn và gia đình đang thúc giục nhau biết Chúa và sống với Chúa không?
Chia sẻ: Thời giờ mỗi tuần bạn dành cho việc học hỏi giáo lý
hay giáo huấn của Hội Thánh là bao nhiêu?
Sống Lời Chúa: Lặp lại nhiều lần lời đối
thoại: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” – “Hãy đến mà xem” và học 2 câu giáo lý.
Cầu nguyện: Xin cho con tìm gặp được
Chúa qua từng bài giáo lý, qua mỗi giáo huấn chúng con được nghe để con yêu
Chúa hơn và vui sống với Chúa.
05/01/13 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Ga
1,43-51
MAU MẮN GIỚI THIỆU CHÚA CHO ANH EM MÌNH
“Đấng mà sách luật Môisê và các ngôn sứ nói tới, chúng
tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse người Nadarét.” (Ga 1,45)
Suy niệm: Theo lẽ thường khi người ta mòn mỏi mong chờ một điều
may lành nào đó lâu ngày nhưng vẫn không có, nay bỗng nhiên lại đạt được cách
tràn trề quá mức mong đợi, như trúng số giải đặc biệt chẳng hạn, ắt hẳn người
ta khó lòng kìm nén niềm vui bộc phát mà không chia sẻ cho người khác cùng
hưởng niềm hạnh phúc ấy với mình. Đó cũng là động lực đã thúc đẩy Philipphê, sau
khi gặp Đức Giêsu, Đấng Mêsia, đi gặp ông Nathanaen để “khoe”: “Đấng mà sách
Luật Môise và sách các ngôn sứ nói đến, thì tôi đã gặp rồi.” Tin Mừng Chúa
Kitô quả thực là niềm vui tràn trề cho Philípphê và các bạn. Các ngài không thể
không loan báo niềm vui đó cho những người các ngài gặp gỡ.
Mời Bạn:
Bạn có cảm nhận được niềm vui
vì được gặp, được biết Chúa Kitô, được là Kitô hữu và đặt trọn niềm tin vào
Ngài không? Niềm vui đức tin đó có thúc đẩy bạn đem “khoe” hay giới thiệu Đức
Kitô là Đấng cứu độ nhân loại, cho anh em mình để dẫn đưa họ đến với Ngài
không?
Chia sẻ: Bổn phận và trách nhiệm của mỗi Kitô hữu là giới
thiệu Đức Kitô cho người khác. Bạn có kinh nghiệm gì, phương cách gì để giới
thiệu Chúa cho anh chị em mình?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày cầu nguyện cho một
người bạn lương dân và tìm dịp nói về Chúa Kitô cho người đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng
con nhiệt tâm thực hành điều chúng con đọc: “xin cho Danh Chúa cả sáng Nước
Chúa trị đến, ý Chúa thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire