13/01/13 CHÚA NHẬT TUẦN 1 TN – C
Chúa
Giêsu chịu phép rửa Lc
3,15-16.21-22
CẤP ĐỘ THANH TẨY
“Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và
lửa.” (Lc 3,16)
Suy niệm: Muốn sống khoẻ, con
người cần phải sạch sẽ vệ sinh. Con người luôn có nhu cầu thanh tẩy mình khỏi
những dơ bẩn do môi trường bên ngoài cũng như do sự đào thải tế bào của cơ thể ben trong. Về mặt luân lý, con
người cũng cần phải thanh tẩy mình khỏi những vết bẩn tinh thần. Gioan Tẩy Giả
đã đến đánh thức nhu cầu thanh tẩy lương tâm nơi nhiều người bằng cách ăn năn
hối cải những việc làm xấu xa tội lỗi của mình và dốc quyết là điều thiện.
Nhưng việc thanh tẩy của Gioan chưa phải là triệt để vì tội lỗi vẫn chưa được
xoá bỏ. Gioan làm chứng rằng con người cần phải được thanh tẩy ở một cấp độ sâu
xa hơn, do Đấng được Thánh Thần ngự xuống, Đấng ấy “sẽ rửa anh em trong
Thánh Thần và lửa.”
Mời Bạn: Bạn có cảm thấy nhu cần
cần phải thanh tẩy chính tâm hồn của bạn bằng cách không ngừng hoán cải để kết
hiệp với Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng Chịu đóng đinh thập giá và đã sống lại? Mời
bạn dìm mình, dìm những tư tưởng sâu kín trong lòng bạn, dìm chính linh hồn của
bạn vào dòng nước và dòng máu chảy ra từ cạnh sườn của Đấng Cứu Thể để được tái
sinh vào sự sống mới.
Sống Lời Chúa: Mỗi lần lãnh nhận bí
tích hoà giải, tôi quyết tâm chừa bỏ hẳn một tội mà tôi thường phạm nhất, một
nết xấu mà tôi thường quyến luyến nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con thấy
mình vẫn đang sống đời sống của một con người cũ, con người của xác thịt với
những đam mê nghịch với thần khí, xin Chúa thanh tẩy chúng con bằng lửa tình
yêu và Thánh Thần của Ngài.
14/01/13 THỨ HAI TUẦN 1 TN
Mc
1,14-20
NỘI DUNG CHÍNH CỦA TIN MỪNG
“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15)
Suy niệm: Năm 47 trước CN, sau khi chinh phục được thành Pontô
vùng Tiểu Á, Giuliô Xêda, hoàng đế Rôma sau này, đã mô tả cuộc chiến thắng thần
tốc của mình trong vỏn vẹn có mấy từ: “Veni, vidi, vici” (nghĩa là: ‘Tôi đã
đến, tôi đã thấy, tôi đã thắng’). Những nhà hùng biện tài ba đều biết tóm tắt
sứ điệp của mình bằng những lời ngắn gọn, rõ ràng, nhưng thật hàm súc, dứt
khoát. Chúa Giê-su cũng tóm tắt nội dung của sứ điệp Ngài rao giảng bằng những
lời thật đanh thép và súc tích: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Như
vậy điều cốt yếu để vào Nước Trời không phải là lời giảng thuyết hùng hồn hay
những phép lạ vĩ đại mà là sám hối và tin vào lời rao giảng của
Đức Giê-su.
Mời Bạn: Có những thứ “râu ria” nào thường làm bạn quên mất
nội dung chính của Lời Chúa? Phải chăng là việc quá bận tâm đến những nghi thức
bên ngoài: sau những kỳ đại lễ bạn cảm thấy thoả mãn vì đã tổ chức lễ hoành
tráng những nghi thức trang trọng? Hay bạn yên tâm vì mình vẫn đi lễ, rước lễ
thường xuyên, vẫn làm phúc bố thí, đóng góp vào việc chung? Tất cả những điều
đó đều cần nhưng chưa đủ, còn phải có lòng sám hối và lòng tin nữa!
Chia sẻ: Khi loan báo Tin Mừng cho anh em, bạn có nhớ “chốt”
vào nội dung chính này không?
Sống Lời Chúa: Trước khi làm các việc đạo
đức bạn hãy dọn mình bằng cách sám hối tội lỗi của mình và giục lòng tin vào
Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn con
đến với Chúa với cả tấm lòng hơn là của lễ. Xin giúp con biết sám hối thật lòng
và tăng thêm lòng tin cho con.
15/01/13 THỨ BA TUẦN 1 TN
Mc
1,21-28
LỜI NÓI ĐI ĐÔI VỚI CUỘC SỐNG
Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Capharnaum. Ngay
ngày Sabat, Nguòi vào Hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy
của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các
kinh sư. (Mc 1,21-22)
Suy niệm: Ngày Sabat Chúa Giêsu vào hội đường giảng dạy...
đuổi trừ ma quỷ… chữa lành bệnh nhân. Ngài đã làm tất cả các công việc ấy trước
mặt và cùng với 4 môn đệ tiên khởi Ngài mới chọn gọi, không cần chờ đợi cho đến
khi chọn đủ số 12! Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng
dạy như một Đấng có quyền chứ không như các kinh sư: Các ông này có giảng dạy
thì cũng chỉ nhắc lại các công thức đã học thuộc lòng, nhưng Đức Giêsu, khi giảng
dạy là Người nói những điều từ nội tâm Người đã sống, cho nên có một uy thế hấp
dẫn khác và nhất là có hiệu lực đối với các thính giả của Người.
Bạn nghĩ sao? Chúa Giêsu vào hội
đường ngày Sabat, chẳng khác chi chúng ta đi lễ Chúa Nhật, Chúa cũng theo
Lề Luật như mọi người. Có khi nào bạn cảm thấy giữ Lề Luật Giáo Hội như đi lễ,
đi xưng tội… là nặng nề không nhỉ ?… Vậy mà chính Chúa Giêsu đã không nề
hà việc sống theo Lề Luật!
Rồi Chúa Giêsu giảng dạy, gây ngạc nhiên cho người
nghe, còn chúng ta, khi phải nhắc nhở con cái, em út, bạn bè về Chúa hay về Đức
Kitô, chúng ta dạy dỗ nhắc nhở cách nào nhỉ? Bạn giống ai? Giống các kinh sư:
lo dạy như kẻ làm thầy, kẻ cả, nhắc các công thức học thuộc lòng rỗng tuếch?
Hay bạn giống Chúa Giêsu, như một “đầy tớ–chứng nhân” của Lời
Chúa? Khác lắm bạn ạ!
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho
lời nói của con luôn đi đôi với cuộc sống của con, để con có thể nên chứng nhân
đích thực của Chúa!
16/01/13 THỨ TƯ TUẦN 1 TN
Mc
1,29-39
VÒ RỖNG BÊN GIẾNG NƯỚC
Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ
đau ốm và những ai bị quỷ ám đến cho Chúa Giêsu. Cả thành xúm lại trước cửa.
(Mc 1,32-33)
Suy niệm: Cũng như thời Chúa Giêsu, ngày nay vẫn có đông đảo
con người “hy vọng được thỏa mãn ước muốn sâu xa nhất trong tâm hồn, chỉ có ước
muốn ấy mới có thể đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống.” Thượng Hội Đồng
Giám Mục Thế Giới vừa qua khẳng định như thế và ví con người thời đại hôm nay
như đang ngồi cạnh giếng nước với một chiếc vò rỗng, tựa người phụ nữ xứ Samari
xưa. Giáo Hội ý thức bổn phận phải ngồi cạnh những con người nam nữ thời nay,
người già-người trẻ, người giàu-người nghèo… để làm cho Chúa hiện diện trong
cuộc sống của họ và để họ được gặp Chúa, vì chỉ mình Chúa là nước ban sự sống
đích thực và là Đấng duy nhất nói cho con người về sự thật trong tâm hồn mỗi
người và chữa lành mọi người. Nhu cầu hồi sinh đức tin trong thế giới càng lớn,
thì trách nhiệm Kitô hữu càng nặng nề, đòi hỏi khẩn thiết mọi Kitô hữu tiếp tục
vị trí của Chúa Giêsu bên cạnh những người đang trong cơn bệnh và cơn khát được
sống, tiếp tục công việc của Ngài rót vào tâm hồn họ sự sống của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Các Tông Đồ, các vị tử đạo, các thừa sai đã cảm thấy
bất hạnh nếu không loan báo Chúa Giêsu cho mọi người. Bạn thì sao?
Chia sẻ: Bạn làm gì để có thể giúp hồi sinh đức tin cho người
bên cạnh?
Sống Lời Chúa: Mạnh dạn giới thiệu Chúa
Giêsu cho một người gần bên bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin khơi lại
cho chúng con những điều phải tin, những việc phải làm, để đức tin chúng con
mỗi ngày thêm sâu sắc và trưởng thành hơn. Amen.
17/01/13 THỨ NĂM TUẦN 1 TN
Th. Antôn, viện phụ Mc
1,40-45
THƯƠNG XÓT NHƯ THẦY MÌNH
Đức Giêsu chạnh lòng thương, giơ tay đụng đến anh và
bảo: “Ta muốn, anh sạch đi.” (Mc 1,41)
Suy niệm: “Tôi luôn nhận ra rằng lòng nhân từ sinh hoa trái
phong phú hơn là sự công bằng tuyệt đối” (Tổng thống Mỹ A. Lincoln). Lẽ ra
người phong cùi này phải đứng cách Đức Giêsu hai mét như luật định. Lẽ ra Ngài
không được phép đụng vào anh như lề luật
chỉ rõ. Thế nhưng, đối với Đức Giêsu, trong cuộc sống chỉ có luật duy nhất là
luật yêu thương, cần và phải bày tỏ lòng thương xót với người thân cận. Bàn tay
thanh sạch của Ngài đụng đến anh, một kẻ không được đụng đến. Điều kỳ diệu đã
xảy ra: chứng phong biến mất, anh được thanh sạch. Nét độc đáo của Kitô giáo là
đụng đến người không ai muốn đụng đến, yêu người không ai muốn yêu, và tha thứ
cho kẻ không ai muốn tha thứ, vì Chúa của mình đã làm như vậy.
Mời Bạn: “Không ai hư mất trong mắt Thiên Chúa, ngay cả khi
xã hội đã kết án người ấy” (Hồng y J. Lustiger). Bạn hãy nhìn ngắm lòng
thương xót của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, rồi thực hiện lòng thương xót ấy với
những người đau khổ chung quanh bạn: đau khổ thể xác, đau khổ tinh thần. Bạn
cũng không loại trừ ai ra khỏi thế giới bạn, vì không ai bị hư mất trong cái nhìn
của Chúa.
Sống Lời Chúa: Lâu nay tôi thường đối xử
khắc nghiệt, không khoan dung với ai? Hôm nay tôi sẽ thay đổi cách ứng xử, bày
tỏ lòng trắc ẩn, nhân từ với những người anh em ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng
con nhìn ngắm mẫu gương yêu thương của Chúa qua việc bày tỏ lòng thương xót với
những người bất hạnh. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, luôn cư xử với
nhau trong lòng nhân ái. Amen.
18/01/13 THỨ SÁU TUẦN 1 TN
Bắt đầu tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất kitô hữu Mc 2,1-12
CON ĐÃ ĐƯỢC THA TỘI RỒI!
Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại
liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,5)
Suy niệm: Người bại liệt không đi
được, phải khiêng. Người khiêng không chen vào được, phải trổ mái nhà để có thể
đặt bệnh nhân xuống trước mặt Đức Giêsu. Thật là vất vả. Niềm hy vọng được Đức
Giêsu chữa bệnh thật lớn biết bao! Nhưng sự đáp ứng của Người thoạt xem ra
dường như ‘trật khớp’: thay vì chữa bệnh, Người lại...tha tội! Có lẽ không chỉ
những kinh sư mà cả người bại liệt lẫn đám đông có mặt ở đấy đều bị bất ngờ. Và
đây là một sứ điệp lớn:
1- Lành bệnh là điều quan
trọng, nhưng được giải phóng khỏi tội lỗi là điều quan trọng hơn nhiều. (Chính
tội lỗi là căn nguyên của đau khổ, bệnh tật, và sự chết).
2- Đức Giêsu là Đấng tha
tội, bởi Người chính là Thiên Chúa.
Mời Bạn tự vấn về cảm thức tội
lỗi nơi mình. Bạn có nhận thấy mình là tội nhân không? Bạn cảm thấy khổ tâm đến
mức nào vì tình trạng tội lỗi của mình (chẳng hạn, so sánh với những nỗi khổ
của bạn do nghèo túng, bệnh tật, cô đơn...)? Giữa bao nhiêu vấn đề cần giải
quyết hiện nay trong đời sống của bạn, vấn đề khẩn cấp nhất là tội lỗi. Bạn hãy
đến với Chúa Giêsu. Chỉ có Ngài mới có thể giải phóng bạn khỏi sự ràng buộc do
tình trạng tội nơi bạn.
Chia sẻ: Có người bảo con người
thời nay bị lu mờ cảm thức về tội lỗi nên khó sám hối. Mời bạn cho một ví dụ.
Sống Lời Chúa: Thành tâm sám hối về tội
lỗi mình và quyết tâm đổi mới cuộc sống ngày từ bây giờ. Bạn sẵn sàng để lãnh
bí tích Hòa Giải sớm hết sức có thể.
Cầu nguyện: Đọc chậm rãi Kinh Ăn
Năn Tội.
19/01/13 THỨ BẢY TUẦN 1 TN
Mc
2,13-17
VỊ THẦY CỨU CHỮA NHÂN LOẠI
“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm
mới cần.” (Mc 2,17)
Suy niệm: Dù đã đạt nhiều tiến bộ
đáng kể, nhưng y khoa vẫn phải bó tay trước một số căn bệnh như ung thư,
AIDS... Con người luôn mong có những vị thầy thuốc có thể chữa bá bệnh cho nhân
loại, căn bệnh thể lý cũng như tâm hồn. Đọc các sách Tin Mừng, ta nhận ra trong
ba năm thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã cứu chữa tận căn mọi bệnh tật, cả thể xác
lẫn tâm hồn. Lêvi đã may mắn gặp được vị thầy thuốc trong mơ ấy. Nghề thu thuế
khiến đôi tay Lêvi bị bẩn, tâm trí đen tối, trái tim chai đá. Vì nghề thu thuế,
ông không được tham dự nghi thức tôn giáo, bị mọi người thù ghét. Tất cả chỉ vì
tiền! Chúa thấy Lêvi, thấy cả con người nội tâm đang dằng co của ông.
Chúa gọi Lêvi, ông đáp lại, đứng dậy đi theo Người. Lêvi đã mời Chúa vào
nhà cuộc đời ông, để Chúa cứu chữa tâm hồn mình.
Mời Bạn: Nhân loại đang bế tắc vì
bệnh tật, nghèo đói, bất công. Bạn thao thức gì để cứu đời cứu người? Tuy
nhiên, bạn cũng ý thức rằng dù nỗ lực đến đâu, nhưng “lực bất tòng tâm,” mình
bạn và nhóm của bạn không làm gì được! Bạn cần xác tín vào quyền năng Chúa, còn
mình chỉ là dụng cụ, là “cây bút chì” trong tay họa sĩ là Thiên Chúa như kiểu
nói của Mẹ Têrêxa Calcutta. Trước tiên để Ngài cứu chữa tâm hồn bạn, rồi cùng
với Ngài, bạn góp một tay làm dịu bớt đi những đau khổ của người anh em.
Sống Lời Chúa: Lặp lại lời nguyện tắt: “Lạy
Chúa Giêsu, con mời Chúa vào nhà con.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến
để cứu chữa những gì đã hư mất. Chúa biết rằng con cần Chúa, vì chỉ có Chúa mới
là vị Cứu Tinh thật sự đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho con. Amen.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire