mercredi 12 décembre 2012

Tuần II Mùa Vọng C



09/12/12                              CHÚA NHẬT TUẦN 2 MV – C
                                                                                 Lc 3,1-6
ĐỂ THẤY ƠN CỨU ĐỘ
“Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Lc 3,5-6)
Suy niệm: Người nhà nông, khi làm vườn, thường phát quang, nghĩa là chặt bớt những tán cây lớn nhằm cho mảnh đất trồng trọt có thể tiếp xúc đầy đủ với ánh nắng mặt trời. Mặc dù mặt trời luôn chiếu sáng, nhưng để tiếp nhận ánh quang, cần phải dẹp đi những gì gây cản trở. Cũng vậy, ơn cứu độ, Thiên Chúa đã sắm sẵn cho nhân loại, nhưng để “nhìn thấy”, người ta cần phải “phát quang” – nói theo Phúc Âm, đó là lấp những hố sâu, bạt những núi cao, uốn cho ngay những khúc quanh co… Việc “phát quang” cũng chẳng đơn giản, vì nó đòi người ta cắt tỉa chính mình. Như Dakêu, sau khi ông đứng lên tuyên bố mình sẽ người nghèo phân nửa tài sản, và đền bù gấp bốn cho những người bị ông làm thiệt hại, sau hành động hào phóng ấy, Chúa Giêsu bảo: “Hôm nay nhà này có ơn cứu độ” (x. Lc 19,1-10).
Mời Bạn: Những gì đang cản trở khiến bạn không “nhìn thấy ơn cứu độ? Kiêu căng? Tham lam? Đam mê lạc thú? Bạn xin ơn Chúa giúp nhận diện những cản trở rồi can đảm để “phát quang” chúng.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian duyệt xét toàn bộ đời sống của bạn để nhận diện những nết xấu của mình và quyết tâm sửa bỏ ít là một tật xấu chủ yếu trong Mùa Vọng này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đem ơn cứu độ đến cho người thế, cụ Simêôn đã mãn nguyện khi nhìn thấy ơn cứu độ; xin cho con biết say mê điều Chúa mang đến, để tích cực tìm kiếm và can đảm dẹp đi những cản trở, hầu nhìn thấy ơn cứu độ Chúa ban.

10/12/12                                           THỨ HAI TUẦN 2 MV
                                                                             Lc 5,17-26
MONG CHỜ BẰNG LÒNG TIN
Vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giêsu. (Lc 5,19)
Suy niệm: Người ta thường nói: “Hữu sự vái tứ phương.” Các người thân của người bại liệt này không vái tứ phương mà họ tin, tin vào Đức Giêsu có quyền năng chữa lành mọi bệnh tật. Ngay cả khi mọi ngõ ngách vào nhà đã bị bịt kín, họ vẫn tìm ra một lối đi “không giống ai”, đó là dỡ mái nhà, đưa người bại liệt xuống “trước mặt Chúa Giêsu” để được Ngài chữa lành. Lòng khao khát được chữa lành được đức tin thúc đẩy khiến họ đã nghĩ ra những phương thức mà bình thường chẳng ai nghĩ ra, dám có những hành động mà sự thường chẳng ai dám làm. Họ đã mở một “lối đi” riêng mà chỉ những người có lòng tin mới “sáng kiến” ra. Trước lòng tin này, Đức Giêsu đã ban cho họ điều họ mong chờ, là chữa lành người bại liệt.
Mời Bạn: Mùa Vọng là mùa mong chờ: mong chờ Chúa lại đến trong vinh quang khi tưởng niệm Chúa giáng sinh trong xác phàm. Mong chờ không phải là ngồi há miệng chờ sung, mà là vạch một con đường hành động đưa mình đến với tha nhân và đưa tha nhân cùng với mình đến với Chúa. Lòng mong chờ trong niềm tin được hiện thực hoá bằng việc làm của đức tin, vì: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày suy niệm Lời Chúa, bạn hãy quyết tâm làm một việc cụ thể, dù nhỏ, để thực thi Lời Chúa đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, để chữa bệnh cho một người có khi Chúa dùng đức tin của những người khác. Xin cho chúng con có một đức tin mạnh mẽ để chúng con đưa tha nhân đến với Chúa.

11/12/12                                             THỨ BA TUẦN 2 MV
Th. Đamasô I, giáo hoàng                                 Mt 18,12-14
CON CHIÊN MAY MẮN
“Thiên Chúa không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,14)
Suy niệm: Không biết người chủ chiên may mắn tìm lại được con chiên lạc hay con chiên lạc may mắn được chủ tìm ra? Có điều chắc chắn là người chủ chiên đã gặp rủi ro đối với con chiên “xé rào” đi lạc này. Vì một mình nó mà ông dám liều mạng với lũ sói, bỏ lại 99 con kia để tìm!!! Ông không muốn một con nào trong đàn bị mất. Sự rủi ro được đền bù bởi lòng kiên quyết của ông, và đây chính là điều may mắn cho con chiên đi lạc. Con chiên lạc hẳn cũng mong muốn về lại với chủ và đàn, nhưng chung quanh nó nào gai góc, bụi rậm, nào sói rừng… Thật may mắn cho chú chiên lạc vì nó có một ông chủ yêu nó hơn cả bản thân ông, hơn cả 99 con chiên không lạc! Nó quả là con chiên may mắn.
Mời Bạn: Bạn ơi, con chiên đó là chính bạn. Bạn may mắn vì có Chúa là người chủ chiên nhân lành yêu bạn hơn chính bản thân Ngài: Ngài đã chẳng sai Con Một Ngài xuống thế làm người để đi tìm bạn, chịu chết để chuộc bạn về khỏi kiếp nô lệ tội lỗi đấy sao? Nhưng bạn khác con chiên ở chỗ chính bạn phải sám hối thì Chúa mới có thể đưa bạn trở về được. Mùa Vọng là một thời gian thuận tiện, bạn hãy nắm lấy vận may này mà quay về với Chúa.
Sống Lời Chúa: Những cản trở nào đang ngăn lối bạn trở về? Nhờ tình yêu Chúa nâng đỡ, bạn gỡ bỏ những rào cản chặn đường về bằng cách: bỏ một thói quen xấu và tập một thói quen tốt.
Cầu nguyện: Lạy Cha, con tạ ơn Cha vì mỗi giây phút đều là một cơ may để Cha dẫn dắt con trở về với Cha. Xin cho con cảm nhận rằng Cha luôn yêu thương và không bao giờ muốn con xa lìa tình yêu của Cha. Amen.

12/12/12                                             THỨ TƯ TUẦN 2 MV
Đức Mẹ Guađalupê                                           Mt 11,28-30
HỌC KHIÊM-HIỀN VỚI THẦY GIÊSU
Chúa nói: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29)
Suy niệm: Các vị sáng lập tôn giáo, các bậc triết nhân truyền đạt tư tưởng của mình đều xoay quanh một điểm nhấn riêng: Đức Khổng dạy học trò của ngài thuyết trung dung để làm người quân tử; các đệ tử của Đức Phật học đường lối diệt dục để được giác ngộ. Chúa Giêsu cũng thế, nhưng khác một điều, “bài ruột” của Ngài không phải là bí quyết giảng thuyết hấp dẫn, hay quyền năng chữa bệnh, trừ quỷ…. Trên thực tế, về phương diện này, các môn đệ còn làm được những chuyện lớn lao hơn Thầy của họ nhiều (x. Ga 14,12; Cv 2,41). Bí quyết mà Chúa dạy các môn đệ phải học nơi Ngài chính là Hiền Lành và Khiêm Nhường. Muốn học bài học này, cách tốt nhất là chiêm ngắm chính Thầy mình “thị phạm” sống khiêm-hiền như thế nào. Trong cuộc thương khó, và nhất là trên thập giá, Chúa Giêsu đã thể hiện khiêm-hiền cách cao cả nhất.
Mời Bạn: Có người bảo rằng mạnh không phải ở chỗ nhấc lên mà là hạ xuống, không phải là bùng nổ sự giận dữ bằng việc hùng hổ quát tháo mà là kiềm chế nó bằng sự ôn hoà nhẫn nại. Đức khiêm-hiền nơi Chúa Giêsu mạnh đến độ nhờ đó Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết để cứu độ toàn thể nhân loại. Mời bạn cùng học với Thầy Giêsu sống khiêm-hiền như Ngài.
Chia sẻ: Suy gẫm và bắt chước mẫu gương khiêm-hiền của Chúa Giêsu trong Phúc Âm, đặc biệt trong bữa tiệc ly và cuộc thương khó.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm mỗi khi gặp điều trái ý, tôi kiềm chế nóng giận, thay vào đó là cư xử ôn hoà nhẫn nại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết học sống khiêm-hiền như Chúa.

13/12/12                                         THỨ NĂM TUẦN 2 MV
Th. Luxia, trinh nữ, tử đạo                               Mt 11,11-15
VẾT THƯƠNG
“Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.” (Mt 11,12)
Suy niệm: Charles Péguy có kể câu chuyện một thanh niên lên thiên đàng được một thiên thần hỏi: “Vết thương của anh ở đâu?” Anh trả lời: “Vết thương à, tôi chẳng có vết thương nào cả.” Thiên thần buồn rầu hỏi lại: “Bộ ở trần gian không có gì để anh chiến đấu sao?” Cuộc đời Ki-tô hữu ở trần gian là một chiến đấu không ngừng. Các môn đệ nhận diện ra Giêsu phục sinh nhờ các dấu đinh! Vì thế, không có chiến thắng cho những người sợ thương tích; không có vinh quang cho những kẻ nhát đảm ngại “lãnh sẹo” và phải là người mạnh sức, sẵn sàng chiến đấu mới chiếm được Nước Trời. Sức mạnh ở đây không phải là sức mạnh của cơ bắp, súng đạn, nhưng là sức mạnh của Thiên Chúa. Người Kitô hữu họa lại hình ảnh của một Đức Kitô phục sinh đầy thương tích, nhưng những vết thương là dấu chỉ để Chúa nhận diện chúng ta.
Mời Bạn: Gia đình, xã hội dạy ta yêu thương nhưng cũng có thể gây cho ta ít nhiều thương tích. Bạn có sử dụng sức mạnh Chúa ban để chữa lành và xem đó là cơ hội để chiến đấu không?
Chia sẻ kinh nghiệm của bạn về cách đón nhận những vết sẹo của quá khứ, những ký ức về sự thất bại trong đời.
Sống Lời Chúa: Hy sinh đón nhận cách vui tươi những khó nhọc, trái ý trong cuộc sống mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, các tông đồ chỉ nhận ra Chúa phục sinh nhờ những dấu đinh, những vết thương của Chúa. Xin cho ban con sức mạnh của Chúa để sẵn sàng “chiến đấu mà không sợ thương tích” trong cuộc chiến đấu thiêng liêng này. Amen.

14/12/12                                           THỨ SÁU TUẦN 2 MV
Th. Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ HT       Mt 11,16-19
CÓ QUẢ TIM THÔNG CẢM
Đức Giêsu nói: “Ông Gioan đến, không ăn, không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’.” (Mt 11,18-19)
Suy niệm: Ngày nay, có ba căn bệnh đáng sợ cướp đi sinh mạng biết bao người, đó là AIDS, ung thư và tim mạch. Về phương diện tinh thần, có một căn bệnh đáng sợ không kém là bệnh “đeo kính đen” khi nhìn người khác. Đó là chứng bệnh nhìn người khác với một màu đen, lúc nào cũng nhìn thấy người khác sai lỗi, còn mình lúc nào cũng đúng. Triệu chứng của căn bệnh nan y này là hễ ai làm gì khác với ý kiến, quan điểm, sở thích của tôi thì chắc chắn họ sai lầm. Đức Giêsu chẩn bệnh giới lãnh đạo Do Thái và cho họ biết họ đang mắc chứng bệnh ấy. Chỉ vì thành kiến mà họ hết nói Gioan Tẩy Giả bị quỷ ám lại lên án Chúa Giêsu là “tay ăn nhậu, bạn bè với người tội lỗi.”
Mời Bạn có một cái nhìn bao dung hơn với người lân cận, chấp nhận những khác biệt trong quan điểm, sở thích, phương cách hành động… Bạn đừng phê phán, chỉ trích anh em, chỉ vì họ khác với bạn.
Chia sẻ: Tôi có thường chỉ trích người khác vì họ có những khác biệt với tôi không? Tôi sẽ làm gì để sửa đổi?
Sống Lời Chúa: Trong mùa Vọng này, tôi sẽ tập sự sẵn sàng, vui với người vui, chia sẻ nỗi buồn với người đau khổ. Tập có một trái tim thông cảm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, có những ngày chúng con không thể nào kính trọng kẻ khác được, vì ý kiến, sở thích, vì cái nhìn của người ấy. Lúc ấy, xin cho chúng con nhớ Lời Chúa: “Điều gì chúng con làm cho một kẻ bé nhỏ nhất là làm cho chính Ta”  (Prier).

15/12/12                                          THỨ BẢY TUẦN 2 MV
                                                                           Mt 17,10-13
SỨ MẠNG NỐI TIẾP SỨ MẠNG
Chúa Giêsu nói: “Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” Bấy giờ, môn đệ hiểu Người muốn nói về Gio-an Tẩy Giả. (Mt 17,12-13)
Suy niệm: Trong lịch sử nước Mỹ, có hai vị tổng thống, Lincoln và Kennedy, giống nhau một cách kỳ lạ từ cuộc sống, sự nghiệp cho đến cái chết. Người ta liệt kê được hàng chục điểm tương đồng giữa hai bậc danh nhân đó. Trong lịch sử cứu độ cũng có hai nhân vật như thế: Nói đến Gioan Tẩy Giả lại nhớ tới ngôn sứ Êlia. Êlia bị truy nã săn đuổi bởi bà hoàng độc ác Ideven (1V 19,1tt). Gioan cùng chung số phận: bị chém đầu do sự xúi xiểm của Hêrôđia, người phụ nữ lăng loàn (Mt 14,3tt). Gioan không chỉ nối tiếp sứ mạng của “Êlia, người phải đến”. Cuộc sống và cả cái chết của ông còn là một chứng từ cho Đấng phải đến sau ông: Con Người, tức là Đức Ki-tô, sẽ phải chịu đau khổ giống như thế.
Mời Bạn: Liệt kê những điểm giống nhau không phải để mua vui, mà để nhận ra điều Đức Kitô muốn gửi gắm cho bạn: sứ mạng của bạn là tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô, là trở thành chứng nhân trung thành cho Ngài trong cuộc sống của bạn, sao cho mọi người nhìn vào công việc bạn làm mà nhận ra sự hiện diện của Ngài.
Chia sẻ: Tính cách nào của Chúa Giêsu đánh động bạn nhất và bạn muốn thể hiện trong cuộc sống của bạn nhất?
Sống Lời Chúa: Trước khi làm một công việc gì, bạn tự hỏi nếu là Giê-su, Ngài sẽ làm công việc này như thế nào?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, được phụng sự Chúa là vinh dự, được thuộc về Chúa là hạnh phúc đời con. Xin biến đổi con trở nên hiện thân trung thực và sống động của Chúa. Amen.

Aucun commentaire: