samedi 27 août 2011

Từ thứ Năm tuần XXI đến thứ Tư tuần XXII


25/08/11                                         thỨ năm tuẦn 21 tn

Th. Giuse Calasan, linh mục                          Mt 24,42-51



Ai là ngưỜi trung tín?

“Ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân?” (Mt 24,45)

Suy niệm: “Miệng kêu lỗ nhưng lãi to” là tựa đề của một cột báo lên tiếng về thái độ thiếu công bằng và trung thực hiện nay của một công ty xăng dầu tại Việt Nam. Có bao nhiêu tập thể và cá nhân như thế? Có bao nhiêu lãnh vực như thế? Chúa Giêsu đặt vấn đề cho mọi ki-tô hữu trong mọi cấp bậc và mọi lãnh vực: “Ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan?” Ngài cần những đầy tớ trung tín để sứ mạng loan báo Tin Mừng Ngài đã giao cho không bị gián đoạn. Ngài cần những đầy tớ khôn ngoan để trong mọi hoàn cảnh, Tin Mừng được loan bao cách trung thực. Đức Phaolô VI trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng quảng diễn ý của Chúa Giêsu trên đây vẫn thời sự đối với hôm nay: “Con người tân tiến mong nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy là bởi vì các thầy dạy này là những chứng nhân.”

Mời Bạn: Giữa một xã hội mà sự tin cậy đang bị thách đố trầm trọng, rất cần sự hiện diện của các Ki-tô hữu tín trung và khôn ngoan, diễn tả Tin Mừng cách sống động cho thời đại. Là Ki-tô hữu, bạn đáp ứng lời kêu gọi của Chúa Giêsu hôm nay thế nào? Thay đổi điều gì trước nơi lối sống của bạn?

Chia sẻ: Tín trung là hoa quả của Chúa Thánh Thần (Gl 5,22). Làm thế nào để luyện tập nhân đức này?

Sống Lời Chúa: Ban sáng dâng lên Chúa một lời hứa và thực hiện lời hứa ấy cách trung tín.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết sống những điều con đã cam kết với Chúa trong ngày lãnh bí tích Rửa tội. Xin cho con cảm nếm niềm vui sống lời đã hứa với Chúa.



26/08/11                                          THỨ SÁU TUẦN 21 TN

                                                                             Mt 25,1-13

HÃY CANH THỨC!

“Hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” (Mt 25,13)

Suy niệm: Những ai đã từng một lần có kinh nghiệm chờ đợi thâu đêm, thì có lẽ mới cảm nhận được hết sự cần thiết và quan trọng của việc canh thức. Thật vậy, chỉ cần một phút ngủ quên hoặc một thoáng lơ đãng là cũng đủ để ta đánh mất cơ hội tiếp đón điều mình chờ đợi bấy lâu, khi điều đó xảy đến bất ngờ. Cuộc sống chúng ta hôm nay cũng là một cuộc chờ đợi thâu đêm, chờ đợi Chúa đến với mỗi người. Cuộc chờ đợi đó được ví như những cô trinh nữ chờ đón chàng rể đến giữa lúc đêm khuya, và chỉ những ai sẵn sàng dầu đèn mới được vào dự tiệc cùng chàng rể. Như thế, chính sự canh thức sẵn sàng là chìa khóa mở cho ta cánh cửa thiên quốc để ta bước vào gặp Chúa và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cùng Ngài.

Mời Bạn: Chúa vẫn đang đến với bạn và tôi, với chúng ta trong từng giây phút của cuộc sống hôm nay. Ngài đến với chúng ta qua Lời của Ngài, qua những biến cố lớn nhỏ, buồn vui, qua những người chúng ta gặp gỡ. Tất cả đều rất bất ngờ. Thế nên, bạn và tôi được mời gọi hãy luôn canh thức sẵn sàng để có thể đón gặp Chúa, vì “anh em không biết ngày nào, giờ nào.

Chia sẻ: Bạn đã thật sự làm một việc gì cụ thể trong cuộc sống hôm nay để chứng tỏ mình đang canh thức sẵn sàng chờ đón Chúa đến hay chưa?

Sống Lời Chúa: Giữ tâm hồn trong sạch để chờ đón Chúa đến qua việc thường xuyên lãnh nhận bí tích giao hòa, mỗi tháng một lần chẳng hạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến, đang đến, và sẽ đến trong cuộc đời của mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn canh thức sẵn sàng để được đón Chúa và hạnh phúc với Ngài.



27/08/11                                          thỨ bẢy tuẦn 21 tn

Th. Mônica                                                        Mt 25,14-30



làm lỢi cho chúa

“Ai có sẽ được cho thêm, và sẽ dư thừa.” (Mt 25,29)

Suy niệm: Hai anh đầy tớ đầu nhờ biết làm lợi những nén bạc chủ giao nên được trọng thưởng, đó là điều dễ hiểu. Còn anh thứ ba xem ra bị bất công, vì tuy không làm lợi, nhưng anh cũng không làm hại cho chủ, lẽ ra anh ra về tay không là đủ. Thật ra, chính vì không làm lợi cho chủ mà anh bị phạt. Không làm lợi tức là làm thiệt cho chủ, mà không làm hại thì cũng là làm thiệt cho chủ. Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này để nhắc nhở con cái Chúa phải lo làm lợi những nén bạc đã nhận, để Chúa được lợi, còn ta được lộc. Những nén bạc ở đây là gì? Là khả năng, sở trường, vật chất… và trên hết là ân sủng thiêng liêng, là đức tin được ký thác cho ta từ lúc lãnh nhận bí tích thanh tẩy và trải dọc suốt cuộc đời ta.

Mời Bạn: Hãy duyệt lại xem bạn có làm sinh lợi những nén bạc Chúa giao không? Hay bạn chỉ biết ky cóp cho riêng mình? “Cho đi là nhận lãnh,” “Biết cho đi mà không tính toán,” “Cho thì có phúc hơn là nhận” là các châm ngôn giúp sinh lợi nén bạc Chúa ban.

Chia sẻ: Thánh nữ Mônica đã dùng lời cầu nguyện và những giọt nước mắt trong 18 năm, để làm lợi cho Chúa một vị thánh là Augustinô, con mình.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi sẵn sàng chia sẻ vật chất hay tinh thần với một người anh em của mình, với ý thức đang làm sinh lợi nén bạn Chúa ban.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con dâng cho Chúa không chỉ một hạt lúa nhỏ, nhưng sẵn sàng dâng cả túi lúa con đã ăn xin được, để đến lúc đêm về, con vui mừng thấy cả túi lúa đã biến thành vàng rực rỡ, thay vì chỉ một hạt vàng nhỏ bé lấp lánh trong đó. Amen.

(dựa theo “Người ăn xin” của R. Tagore)



28/08/11                              chúa nhẬt tuẦn 22 tn – a

                                                                           Mt 16,21-27



đưỢc mỜi gỌi đỂ tỪ bỎ

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24)

Suy niệm: Cuộc sống luôn đặt chúng ta trước những chọn lựa, mà lựa chọn thì phải từ bỏ. Có những điều xấu cần phải từ bỏ và cũng có những điều tốt phải từ bỏ để chọn điều tốt hơn. Chẳng hạn: người cha bỏ ngày nghỉ cuối tuần để đi làm thêm, kiếm tiền cho gia đình. Nếu từ bỏ vì yêu, chúng ta sẽ không cảm thấy bị mất mát hay thiệt thòi, nhưng trái lại, rất nhẹ nhàng và hạnh phúc. Chúa Giêsu hôm nay đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ mình theo Ngài, nghĩa là phải chọn Ngài, đặt Ngài lên trên mọi giá trị, kể cả giá trị cao nhất là cái tôi của mình. Ngài đòi ta vác thập giá theo Ngài, nghĩa là chọn con đường hẹp Ngài đã đi: con đường hẹp bỏ trời cao xuống đất thấp, của nghèo khó, đau khổ, hy sinh, từ bỏ ý riêng và chết nhục nhã trên thập giá để ý Cha được nên trọn.

Mời Bạn: Tâm điểm đời sống Kitô hữu là Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, mọi giá trị vật chất hay chính mạng sống mình cũng trở nên tương đối trước Ngài, Đấng Tuyệt Đối. Tất cả những thứ đó phải được từ bỏ khi cần để thanh thoát, nhẹ nhàng vác thánh giá theo Chúa trong tin yêu. Bạn vẫn yêu thương gia đình, bè bạn, tạo vật, nhưng dưới Chúa và trong Chúa, ngõ hầu Chúa thật sự là trung tâm điểm đời sống bạn.

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn khi dành một giờ đồng hồ để đến với thánh lễ.

Sống Lời Chúa: Dành năm phút mỗi ngày để suy niệm Lời Chúa hầu tâm hồn được bình an và hạnh phúc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con chọn Chúa mỗi ngày qua những chọn lựa của mình. Xin giúp con từ bỏ những thói hư tật xấu để nhờ ơn Chúa, con được siêu thoát theo Chúa suốt đời.



29/08/11                                           thỨ hai tuẦn 22 tn

Th. Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết

                                                                            Mc 6,17-29



ngôn sỨ là vẬy đó!

“Vua Hêrôđê nể sợ ông Gioan vì biết ông là người công chính thánh thiện.” (Mc 6,20)

Suy niệm: Trong thân phận một ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả kết thúc cuộc đời với bản án tức tưởi: chết do lời hứa danh dự hão của một ông vua mê đắm quyền lực và tửu sắc, do sự “thù vặt” của một phụ nữ. Thật đau thương! Tại sao người công chính lại trả giá đắt như vậy? Thưa, bởi vì ông là ngôn sứ của Thiên Chúa. Một ngôn sứ luôn phải chỉ ra những bất công, sai lầm của thời đại, kể cả của những thế lực vua chúa quan quyền. Vì thế, cái chết bất công là điều không tránh khỏi. Ông là hình ảnh báo trước Đức Giêsu, Đấng đến sai ông, Đấng cũng bị nộp, bị giết chết cách bất công. Ơn gọi làm ngôn sứ là vậy đó: chúng ta có thể bị thua thiệt trước mặt người đời, nhưng được vinh dự lớn lao là được trở giống như Đức Giêsu, Thầy của mình.

Mời Bạn: Nhiều người hôm nay chống lại luật hôn nhân một vợ một chồng, sự chung thủy trọn đời mà Giáo hội vâng lời Chúa truyền dạy. Người ta có thể tức tối Giáo hội giống như bà Hêrôđia ghét Gioan, vì Giáo Hội đang trung thành sống vai trò ngôn sứ của mình. Bạn và tôi hãy xây dựng Giáo Hội bằng cách dám sống ơn gọi làm ngôn sứ giữa đời.

Sống Lời Chúa: Ngôn sứ là người dám sống theo Lời Chúa, dù Lời này trái ngược với dòng đời. Xét mình để nhận ra tôi đang sống theo sự hướng dẫn của Lời Chúa hay theo những châm ngôn “khôn lỏi” của thế gian.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều lúc con muốn sống theo sự “khôn lỏi” của lời người đời, để được yên thân. Xin cho Lời Chúa thấm nhập vào cung cách sống của con, để dù chịu thiệt thòi, con vẫn tin rằng chỉ có Lời Chúa mới ban cho con sự sống đời đời. Amen.



30/08/11                                            thỨ ba tuẦn 22 tn

                                                                             Lc 4,31-37



là âm vang cỦa tin mỪng

Mọi người kinh ngạc nói với nhau: “Lời ấy lạ lùng thật ! Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho quỷ và quỷ phải xuất.” Và tiếng đồn về Đức Giêsu lan ra khắp nơi trong vùng. (Lc 4,36)

Suy niệm: Một linh mục kể câu chuyện thú vị như sau: “Mới hôm nào ở chợ Bến Thành Sài Gòn, có một người phong xin ăn. Anh này dữ lắm, không vừa ý ai là anh cắn. Riết rồi ai cũng sợ và không dám đến gần anh. Cuối cùng, cảnh sát báo trạm Da liễu. Được tin ấy, dì đến tận nơi và nhận ra đó là một người bệnh bỏ trại. Dì đến nắm tay anh nói: “Trời ơi, sao anh lại ở đây? Lên xe rồi về với dì!” Anh ngoan ngoãn như một chú chiên con. Mọi người thấy  vậy hỏi nhau: “Bà này là ai vậy?” Bà ấy chính là nữ tu Maria Regina Phạm Thị Ngọc Loan (V21.7.93) mà các bệnh nhân phong thân thương gọi là Dì Hai Bến Sắn. Ngày xưa người ta cũng đã kinh ngạc về Đức Giêsu: “Ông này là ai vậy?” Người đương thời ngạc nhiên về Lời nói đầy uy quyền của Đức Giêsu, về chính Ngài, Đấng là Tin Mừng, cũng như người ta ngạc nhiên về chị Maria Ngọc Loan, âm vang của Tin Mừng.

Mời Bạn: Cũng hãy có thái độ kinh ngạc về Lời nói đầy uy quyền, đầy sức mạnh của Đức Giêsu. Bạn hãy để Lời Ngài biến đổi đời bạn, khiến người lân cận cũng ngạc nhiên về lối sống của bạn, lối sống âm vang của Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Để là âm vang của Tin Mừng, tôi sẽ tập sống hiền hoà và nhiệt thành trong việc phục vụ anh em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con thích thú trước uy quyền của Lời Chúa. Xin cho chúng con không chỉ khâm phục, nhưng còn biết hành động, cư xử, suy nghĩ theo những giá trị Tin Mừng mà Chúa dạy, để rồi chúng con trở thành âm vang của Tin Mừng ấy.



31/08/11                                            thỨ tư tuẦn 22 tn

                                                                             Lc 4,38-44



trái tim rỘng mỞ

Đức Giêsu rời hội đường... họ xin Người chữa cho mẹ vợ ông Phêrô…tức khắc bà chỗi dậy phục vụ các ngài. (Lc 4,38-39)

Suy niệm: “Kitô giáo không bàn về ý tưởng, nhưng bàn về hành động được gợi hứng do tình thương” (Chân phước Ozanam). Sau khi rao giảng, Đức Giêsu rời hội đường, đi vào nhà ông Phêrô để tìm chút nghỉ ngơi, yên tịnh. Thế nhưng, khi nghe thấy tiếng kêu van nài của con người, Ngài đáp trả không chút đắn đo hay do dự. Với Ngài, nhu cầu cấp thiết của đồng loại không bao giờ là sự quấy rầy. Với Ngài, tình thương dành cho tha nhân phải được ưu tiên hàng đầu, trên cả thói quen hay sức khỏe của mình. Bà mẹ vợ của Phêrô cũng đáp trả không kém nhiệt tình: ngay sau khi được chữa lành, bà liền lo cơm nước phục vụ các ngài và gia đình. Bà hiểu rằng mình được phục hồi sức khỏe quý hơn vàng là để dùng sức khỏe ấy phục vụ những người thân cận.

Mời Bạn: “Được cứu để phục vụ” cũng phải là châm ngôn sống của bạn. Nhìn lại đời mình, bạn có thể nhận ra bao ân huệ Chúa ban: sức khỏe quý giá, khả năng quý báu, tư cách quý trọng... mời bạn tạ ơn Chúa bằng thái độ cụ thể là sử dụng chúng để phục vụ người chung quanh, noi gương mẹ vợ ông Phêrô.

Chia sẻ: Có bao giờ tôi coi việc đáp ứng nhu cầu cấp bách của người khác là sự quấy rầy phiền hà cho mình không?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thay đổi cách sử dụng những ân huệ Chúa ban: bớt chăm chút lo cho mình, để mở rộng quả tim chăm sóc những người lân cận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi theo mẫu gương nhạy bén, sẵn sàng phục vụ của Chúa. Xin cho chúng con không bao giờ cảm thấy bị quấy rầy trước những nhu cầu cấp bách của người chung quanh. Amen.

jeudi 18 août 2011

Từ thứ Bẩy Tuần XX đến Thứ Tư Tuần XXI TN

20/08/11 thỨ bẢy tuẦn 20 tn
Th. Bênađô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh
sỐng danh nghĩa kitô hỮu
“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả đều là anh em với nhau.” (Mt 23,8)
Suy niệm: Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta sống tâm tình mà Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở: “Anh em phải sống làm sao để khi thiên hạ nhìn vào những việc anh em làm mà ngợi khen Cha anh em trên trời.” “những việc anh em làm” là gì nếu không phải là làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa, bày tỏ đức ái Kitô giáo. Vì thế, cung cách sống của người Kitô  hữu trong thế giới hôm nay là chấp nhận tiêu hao mình đi, hạ mình xuống để Chúa lớn lên. Chúa Giêsu đã đi bước trước và nêu gương cho chúng ta, nhưng chúng ta đã hành động ngược lại những gì Ngài mong muốn. Việc phô trương nơi hành động và thói kiêu căng trong lòng của các Kitô hữu đã làm người khác có một cái nhìn lệch lạc về Kitô giáo.
Mời Bạn: Con người ngày nay không thích nghe lý thuyết, nhưng muốn thấy những hành động rõ ràng. Vậy chúng ta phải sống, cư xử thế nào để minh chứng cho người khác thấy rằng tình yêu của Thiên Chúa là điều có thật, thật đến nỗi họ có thể “sờ” thấy được, cũng như họ có thể nhận ra đức tin vào Thiên Chúa đang tác động và biến đổi đời ta.
Chia sẻ: Mỗi lần bạn chấp nhận thua thiệt, mất mát, đau khổ... vì sống đúng tinh thần Tin Mừng là bạn đang sống đúng với danh nghĩa Kitô hữu của mình.
Sống Lời Chúa: Anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả là anh em với nhau.” Hãy cố gắng tiếp nối trong bạn tâm tình yêu thương của Thầy Giêsu qua lòng nhân hậu, quảng đại của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tin bằng cả con người con, tuyên xưng bằng cả đời sống. Nhờ đó, con có thể bày tỏ Chúa đang ngự trong con. Amen.

21/08/11                                    chúa nhẬt tuẦn 21 tn
    còn con, Con bẢo ta là ai?
“Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16,13)
Suy niệm: “Đức Giêsu là vị Chúa khi đến với Ngài ta không được phép tự kiêu và trước Ngài ta hạ mình nhưng không thất vọng” (Văn hào B. Pascal). Đã và sẽ có nhiều nhận định về Đức Giêsu từ ngày Ngài thăm dò dư luận nghĩ gì về mình. Cho rằng Ngài là Gioan Tẩy Giả, Êlia hay Giêrêmia là dân chúng đã tôn Ngài lên hàng địa vị danh giá nhất của các ngôn sứ. Thế nhưng, vẫn chưa xứng tầm với Ngài. Câu trả lời của Phêrô đưa ta đi xa hơn nữa: Đức Giêsu vượt xa mọi danh xưng mà nhân loại có thể nghĩ đến. Từ cổ chí kim, chưa có người phàm nào có được danh xưng Con Thiên Chúa Hằng Sống như Ngài, bởi vì sẽ chẳng bao giờ có một người nào vừa là Thiên Chúa thật sự, vừa là con người 100% như Ngài.
Mời Bạn: Ngày hôm nay Đức Giêsu cũng đang đặt cho bạn câu hỏi quan trọng nhất trong đời bạn: “Còn con, con bảo Ta là ai?” Câu trả lời của bạn phải mang tính cá vị, không phải là công thức được gói sẵn. Mời bạn trả lời với Ngài dựa trên kinh nghiệm và tình thân thiết giữa bạn với Ngài.
Chia sẻ: Tại sao câu “Còn con, con bảo Ta là ai?” là câu hỏi quan trọng nhất, quyết định cuộc đời bạn?
Sống Lời Chúa: Chân thành trả lời câu hỏi trên đây với Chúa Giêsu và nỗ lực sống hết mình với câu trả lời.
Cầu nguyện: Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy. Còn Thầy hạ mình xuống, phục vụ chúng con như người tôi tớ, rửa chân cho chúng con như một nô lệ... Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
                                   (theo Rabbouni)

22/08/11                                           thỨ hai tuẦn 21 tn
Đức Maria Nữ Vương 
 phỤc vỤ như mỘt tôi tỚ
Đức Maria nói : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.” (Lc 1,38)
Suy niệm: “Một căn nhà không dựa trên mặt đất, nhưng dựa trên một người phụ nữ” (ngạn ngữ Ý). Muốn thực hiện công cuộc cứu độ trên mặt đất, Thiên Chúa cũng phải dựa trên sự ưng thuận và hợp tác của một người phụ nữ. Dù chưa lĩnh hội được tất cả chiều cao, rộng, sâu của công cuộc này, Đức Maria, người phụ nữ ấy, với lòng tin tưởng phó thác, đã sẵn lòng và tích cực đáp lại. Với tiếng xin vâng, ngài được đưa lên một tầng cao mới: Mẹ Thiên Chúa. Thế nhưng, danh là Mẹ Thiên Chúa cao cả, ngài lại sống như phận của một nữ tì khiêm tốn. Cũng như ngày nay, danh là Nữ Vương hoàn vũ cao sang, ngài lại hành xử như phận của một người mẹ nhân lành. Với ngài, chức danh là để phục vụ cho công cuộc của Thiên Chúa. Chính nghĩa cử âm thầm phục vụ mới tạo nên sự cao trọng đích thật.
Mời Bạn: Thiên Chúa không lầm khi đặt công trình cứu rỗi dựa trên một người phụ nữ như Đức Maria. Ngày hôm nay Ngài cũng không lầm khi tin tưởng giao phó sứ mạng loan báo công cuộc cứu độ cho bạn. Bạn hãy sẵn lòng đón nhận qua những công việc bạn được giao phó với tinh thần phục vụ như một người môn đệ của Chúa Kitô.
Sống Lời Chúa: Xem lại cung cách thi hành công tác, chu toàn bổn phận của mình, tôi đã làm với tinh thần khiêm tốn phục vụ chưa và tìm cách chỉnh sửa.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria Nữ Vương hoàn vũ, xin cảm tạ Mẹ đã để lại cho chúng con tấm gương phục vụ với lòng khiêm tốn và yêu thương. Xin cho chúng con, dù với chức danh nào, cũng biết quyết tâm noi theo mẫu gương của Mẹ, luôn phục vụ công cuộc cứu độ với lòng yêu mến và khiêm cung. Amen.

23/08/11                                            thỨ ba tuẦn 21 tn
Th. Rôsa Lima, trinh nữ
chúa lên án
thói vỤ hình thỨc
“Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín.” (Mt 23,23)
Suy niệm: Hình thức bên ngoài đi đôi với nội tâm cũng như xuất phát từ nội tâm vốn là việc đáng khích lệ. Còn làm việc này việc nọ chỉ để phô trương thì bị Chúa lên án. Thói phô trương để trục lợi lắm khi không còn là thói xấu nữa, mà trở nên cái “mốt” khiến nhiều người tấm tắc, trầm trồ khen ngợi. Người chủ trương việc này có thể đánh lừa thiên hạ, nhưng làm sao có thể qua mặt Thiên Chúa được, vì Ngài hằng thấu suốt tâm hồn con người. Người Pharisêu ngày xưa đã nghĩ ra những “chiêu độc,” như nộp thuế thập phân, để gọi là sống gương mẫu, biết kính thờ Thiên Chúa; người vụ hình thức ngày nay đề ra những chiêu độc khác (như to chức sự kiện, từ thiện…) để làm bình phong che đậy sự ham thích danh vọng của mình.
Mời Bạn: Chúng ta – những người đang coi sóc một nhóm, một cộng đoàn, một tổ chức - khi đề ra những phương thức thăng tiến cộng đoàn, đâu là động cơ thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy? Hãy trả lời với chính lương tâm mình rồi hãy phát động.
Chia sẻ: Công lý, lòng nhân có đất để phát triển, hay chỉ là bình phong cho những toan tính vụ lợi của ta?
Sống Lời Chúa: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa làm người để khai mở Nước Thiên Chúa, đem lại ơn cứu độ cho con người. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa: thực thi công lý, thể hiện lòng nhân từ để tôn vinh Chúa và đem lại ích lợi đích thực cho anh chị em, chứ không phải để cho mình được tôn vinh! Amen.

24/08/11                                            thỨ tư tuẦn 21 tn
Th. Batôlômêô, tông đồ
tiẾn trình cỦa đỨc tin
“Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel!” (Ga 1,49)
Suy niệm: Phản ứng nghi ngờ của Batôlômêô, cũng gọi là Nathanaen, là thái độ của một người muốn biết rõ, biết chắc và biết dựa trên cơ sở về một người hay về một sự việc. Batôlômêô đi từ nghi ngờ: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” đến hành động lên đường tìm gặp Đấng mình được giới thiệu. Trước thiện chí đó, Đức Giêsu đã sẵn lòng cho ông thấy Ngài chính là Đấng đáp ứng niềm mong đợi, mơ ước và tìm kiếm của những tấm lòng thiện chí. Được cảm hoá, ông đã biểu lộ một niềm tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chính Thầy là con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel!
Mời Bạn: Đức tin là ân huệ Chúa ban, tuy nhiên Chúa mời gọi chúng ta cộng tác để cho đức tin của mình được lớn mạnh. Nếu bỏ ngoài tai lời giới thiệu của Philípphê, làm sao Batôlômêô có thể gặp Đức Giêsu, tuyên xưng niềm tin và trở thành môn đệ Ngài được? Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cũng được nghe bao lời giới thiệu về Đức Giêsu từ cha xứ, từ một anh chị em nào đó, hay từ sách báo, từ internet… Những lời mời gọi đó, nếu được chúng ta đón nhận bằng những thiện chí, chắc chắn Chúa sẽ hỗ trợ và ban ơn dư đầy để chúng ta tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu.
Sống Lời Chúa: Nhiệt tâm nuôi dưỡng và phát triển đức tin bằng cách thực hiện lời mời: “Hãy đến mà xem.” Chẳng hạn: Đến gặp và ở lại với Chúa Giêsu trong giờ cám ơn sau khi rước lễ, trong Lời hằng sống của Ngài…
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đánh động tâm hồn và tăng thêm thiện chí cho chúng con, để chúng con nhận ra Chúa đang hiện diện trong cuộc đời và tin vào Chúa mạnh mẽ hơn. Amen.

WYD 2011: Video Thứ Năm 18/08/2011

Thứ Sáu Tuần XX TN


Th. Gioan Ơđơ, linh mục 
 cái gì là mỚi? Là đỘc đáo?
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn thứ nhất, là: ngươi phải yêu người như chính mình.” (Mt 22,37-39)
Suy niệm: “Ngươi phải yêu mến,” tất cả Lề luật đã tóm kết trong bốn chữ này! Vì nó quá ngắn, chúng ta hay coi thường bỏ qua! Lời kinh Shema và sách Ngũ Thư nhắc nhở dân Israen phải yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn (Đnl 6,5; 11,13) và yêu người lân cận như chính mình (Lv 19,18). Như vậy, Đức Giêsu đã chỉ tóm tắt và nhắc lại lời kinh và Lề luật Do Thái. Thế thì cái mới, cái độc đáo trong tư tưởng của Đức Giêsu hệ tại ở đâu? – Thưa, Người đã nối kết hai điều lại với nhau, chúng lệ thuộc nhau, giống nhau và tóm gồm tất cả mọi lề luật. Giữa bao vấn đề thời sự nóng bỏng của cuộc sống, Đức Giêsu đã chỉ đưa ra điều căn bản nhấtnó tương đối hoá mọi điều luật khác.
Mời Bạn: Cầu nguyện dựa trên những lời này, và hãy nhìn cuộc sống của mình dưới ánh sáng của lời đó! Bạn đã yêu Chúa và anh em bằng cả con người bạn chưa, hay chỉ mới yêu một phần cuộc sống, một phần thời giờ?
Chia sẻ: Có thể yêu Chúa mà không yêu thương người lân cận được không?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bắt đầu ngày mới với cái nhìn tích cực về một người lân cận hoặc với một cử  chỉ yêu thương với một người thân quen.
Cầu nguyện: Chúa ơi, giữa bao vấn đề chính trị, xã hội, tôn giáo của thời cuộc, xin giúp con chọn ra điều căn bản nhất của tinh thần mới của Luật Chúa, để mọi sự sẽ trở nên tương đối, phụ tùy đối với con. Amen.

16/08/2011 : Nhật ký ngày thứ nhất ĐHGTTG 2011

Hôm nay, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (ĐHGTTG) lần 26 đã chính thức khai mạc tại Madrid, Tây Ban Nha. Vậy mà tôi phải đợi ba ngày nữa mới có thể đến tham dự cùng với các bạn trẻ. Thế nhưng khi xem qua những tin tức trên các trang mạng, và đặc biệt xem những phóng sự truyền hình trực tiếp trên đài KTO, tôi có cảm giác mình đang ở rất gần các bạn trẻ, đang cùng chung một nhịp đập với các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới.
Tối nay lúc 20h00, cũng qua đài KTO truyền hình trực tiếp, tôi đã được tham dự một thánh lễ khai mạc đã được cử hành cách long trọng tại Công trường Cibeles, nằm ở trung tâm Madrid, dưới sự chủ tọa của Đức Hồng Y Antonio Maria Rouco Varela, tổng giám mục Madrid và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha. Cùng đồng tế với ngài là 800 giám mục và hơn 8,000 linh mục.
Trước và xung quang lễ đài là đám đông dầy đặc các khách hành hương tụ tập tại công trường. Một buổi hòa nhạc đã diễn ra trước Thánh Lễ làm dịu đi cái nắng đang lên đến cực điểm tại thủ đô Tây Ban Nha. Theo ban tổ chức, đã có khoảng 500,000 người hiện diện tại công trường và các con phố kế cận. Tuy đã 8 giờ tối, nhưng mặt trời còn sáng và chiếu thẳng vào lễ đài, nên một số nhân viên đã phải che dù tránh nắng cho ĐHY chủ tế và một số vị khác.
Đúng 20h05, thánh lễ bắt đầu. Ca đoàn gồm hàng trăm ca viên trong trang phục mầu xanh dương hát bài ca nhập lễ. Đức Hồng Y Rouco Varela chủ lễ trên bàn thờ. Ngài được bao quanh bởi các vị giám mục đồng tế. Đầu Thánh lễ, ĐHY Stanislaw Rylko, người Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân, là cơ quan đặc trách Ngày Quốc tế Giới trẻ, chào mừng tất cả mọi người.
Văn bản phụng vụ được chọn cho Thánh lễ là lễ kính Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cũng là 1 trong 10 vị thánh Bổn mạng của Ngày Quốc tế Giới trẻ năm nay. Đức cố Giáo hoàng đã 3 lần chủ sự đại lễ tại gần quảng trường này vào những năm 1982, 1993 và 2003. Lễ đài dài 31 mét, rộng 16 mét và mái che cao 6 mét có hình như làn sóng. Đàng sau bàn thờ có bản sao khổng lồ tượng Đức Mẹ Almuda, Bổn mạng thành Madrid.
Một bạn trẻ đọc bài đọc thứ nhất bằng tiếng Pháp...
Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám Mục Madrid nồng nhiệt chào mừng các khách hành hương: "Chào mừng các con tới Madrid ! Các con hãy cảm nhận như ở nhà các con. Giáo Hội và nhân dân Madrid muốn trở thành men chào đón đối với các con... Từ 2000 năm nay, Madrid vốn là trung tâm cuộc sống Kitô Giáo của Tây Ban Nha..."
Trong bài giảng của ngài, điều khiến tôi xúc động nhất là khi nghe ngài nói về Đức Gioan Phaolô II, người mà Thánh Lễ này đặc biệt dành tôn kính ngài : "Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng của giới trẻ". Ngài quả quyết như thế giữa tiếng hô vang dậy của khách hành hương. "Sự thánh thiện bản thân của Đức Gioan Phaolô II đã tỏa sáng thành sức lôi cuốn đặc biệt cho công cuộc tin mừng hóa giới trẻ hiện nay". Vị giáo hoàng người Ba Lan này "không hề sợ hãi điều đang xẩy ra ở bên ngoài Giáo Hội. Ngài chính là một chiến binh của Chúa Kitô... Ngài hiểu rõ ngài phải sống cái tình yêu bác ái đó, hoàn toàn bất vụ lợi và sâu sắc... Chỗ đứng của các con ở trong đời khá đặc biệt vào lúc này. Toàn cầu hóa, các kỹ thuật mới của truyền thông, khủng hỏang kinh tế. Tất cả những điều này đã thay đổi nhiều. Và đôi khi tệ hơn". Đức TGM Madrid nói thêm. Ngài kêu gọi giới trẻ dấn thân vào "cuộc hành hương đầy khiêm hạ và đơn thành để gặp gỡ khuôn mặt Chúa Kitô". Ngài khuyến khích họ trở thành "môn đệ chứng tá" : "Các con đừng sợ trở nên những vị thánh. Hãy để Chúa Kitô ngụ cư trong trái tim các con". Đức Hồng Y kết thúc bài giảng lễ bằng việc phó thác Ngày Giới Trẻ Thế Giới cho Thánh Nữ Maria. Và ngài thêm : "Lạy Chân Phúc Gioan Phaolô II, xin cầu cho chúng con !" Cả cử tọa hoan hô vang dội.
Lời nguyện chung được đọc bằng 5 thứ tiếng. Lời đầu bằng tiếng Pháp... Lúc hôn bình an là lúc thật cảm động. Tất cả các khách hành hương đều xiết chặt tay nhau. Các nhóm Nam Dương và Úc trao cho nhau những cái bắt tay thật huynh đệ và chào đón...
Đến giờ rước lễ, một hàng thật dài các linh mục tiến vào đám đông để trao Mình Thánh cho tín hữu trên công trường. Hàng dài linh mục kéo tận tới các con phố lân cận...
Khi lời nguyện kết thúc thánh lễ vừa chấm dứt, các khách hành hương đã tự động và say sưa hô to "Benedetto" rồi "Giovani-Paolo" vừa hô vừa vỗ tay. Màn đêm cũng vừa buông xuống trên công trường Cibeles. Đồng hồ trên bàn làm việc của tôi đã chỉ 21h37. Ban nhạc đã tấu một vũ khúc dài theo điệu "farandole" (miền Provence). Dọc theo các rào chắn, từng nhóm khách hành hương bắt đầu rút khỏi địa điểm hành lễ. Các khách hành hương rời địa điểm, tay nắm tay, cách hay nhất để khỏi bị lạc.
Tưởng thánh lễ đã kết thúc, thế nhưng tôi đã thật bất ngờ khi thấy Đức Hồng Y Verala tới bên cạnh bục đọc sách, quỳ xuống hôn lọ nhỏ đựng máu của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, được mang từ Cracovie tới.
21 giờ 43, Đức Hồng Y Stanislas Rylko, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân phát biểu : "Cha xin ngỏ lời đón mừng thân ái và lời chào âu yếm của Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, cơ quan của Tòa Thánh được Đức Giáo Hoàng ủy nhiệm việc tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới này... Những ngày này thật khó quên đối với các con và sẽ là cơ hội tạo ra các quyết định dứt khoát đối với cuộc đời của các con... Đức tin là gốc rễ nuôi sống chúng ta bằng nhựa sống đầy tràn sinh lực của Lời Thiên Chúa và các bí tích... Ngay tại một Âu Châu xem ra đã mất hướng một cách sâu xa này, đức tin vẫn là điều có thể có! Đây là một mạo hiểm kỳ thú cho phép ta khám phá ra trọn vẹn sự vĩ đại và nét đẹp của đời ta". Đức Hồng Y quả quyết thêm rằng : "Với đức tin, chuyện gì cũng làm được".
Sau cùng, một phái đoàn gồm 5 bạn trẻ, tượng trưng cho 5 châu lục tụ tập tại Madrid, tiến lên khán đài nhận bức ảnh Đức Mẹ Almudena, quan thầy của Madrid từ tay Đức HY Rouca Varela trong khi ca đoàn ca bài kính Đức Mẹ.
Thánh lễ khai mạc dài 1 giờ 40 phút.
Sau Thánh lễ, vào lúc 11 giờ đêm, có buổi chầu Mình Thánh Chúa suốt đêm cho tới sáng tại Nhà nguyện Đại Chủng viện Madrid, do Đức cha Saíz Meneses, Chủ tịch Uỷ ban GM Tây Ban Nha về Chủng viện, khởi sự.
Như thế, những ngày ĐHGTTG đã chính thức bắt đầu. Mong sao thời tiết đẹp và Chúa Thánh Thần tuổn đổ muôn ơn xuống trên toàn thể Dân Chúa, đặc biệt là các bạn trẻ đang có mặt tại Madrid trong những ngày này.
Xin hiệp thông trong niềm tin và hy vọng với toàn thể Giáo hội Công Giáo tại Tây Ban Nha. Xin hiệp thông cầu nguyện cùng và cho các bạn trẻ. Cầu xin cho ĐHGTTG đem lại hoa trái đức tin phong phú như chủ đề của ĐHGTTG: “Bén rễ và đặt nền tảng nơi Đức Giêsu Kitô, vững mạnh trong đức Tin” (x. Cl 2,7).
Ước mong những ngày ĐHGTTG 2011 này sẽ là một ngày Lễ Hiện Xuống mới cho toàn thể GHCG tại Tây Ban Nha và cho hàng triệu bạn trẻ đến tham dự.