17/05/12 thứ
năm tuần 6 ps
Ga 16,16-20
niềm vui sự sống
“Thật Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than
van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ
trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)
Suy niệm: Niềm vui của những
người theo Đức Giê-su không phải là một niềm vui tinh quái: vui trên những đau
khổ của người khác; càng không phải là thứ niềm vui bệnh hoạn: tự hành khổ của
mình. Như người mẹ phải ưu phiền đau đớn để sinh con, và niềm vui vì đã sinh
cho đời một con người vượt quá cơn đau đớn. Cơn đau của các thánh tử đạo trở
thành niềm vui vì hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên quốc mà các ngài được hưởng.
Các ki-tô hữu tìm thấy niềm vui ngay giữa những đau khổ lớn lao, vì những đau
khổ ấy dẫn tới niềm vui đích thực không thể mất đi và cũng không bao giờ tàn
lụi: đó chính là niềm vui vì được sống, được sống đời đời.
Mời Bạn: Cái nhìn ki-tô giáo
về thế giới bể khổ này vừa thực tế –đó là chấp nhận sự thật khổ não của nó– lại
vừa lạc quan –vì có thể trở thành phương thế đem lại điều tốt đẹp cho người
khác. Bạn có dám chấp nhận một cái nhìn lạc quan như thế không? Điều gì đang làm
bạn đau khổ? Mời bạn thử nhìn lại nó với cái nhìn lạc quan của Tin Mừng.
Chia sẻ: Tôi và bạn làm gì để
cùng với Chúa Giê-su biến thập giá, điều khổ nhục nhất, trở thành niềm vui lớn
lao nhất là sự sống lại và sự sống đời đời?
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh
tự nguyện với ý hướng đem niềm vui cho những người lân cận mình.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, khi cầu nguyện con thấy Chúa là niềm vui; trong đời thường, Chúa dạy
con phải phục vụ. Xin cho con biết bắt chước Chúa biết tìm thấy niềm vui và
hạnh phúc khi dấn thân phục vụ anh em.
18/05/12 THỨ SÁU TUẦN 6 PS
Thánh Gio-an I, Giáo hoàng, tử đạo
Ga 16,20-23a
NIỀM VUI KHÔNG BỊ LẤY MẤT
“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở
thành niềm vui.” (Ga 16,20)
Suy niệm: Dùng hình ảnh người phụ nữ trươc và sau khi sinh con, Đức
Giêsu cho các môn đệ thấy trước viễn tượng của cuộc Khổ Nạn và Phục sinh của
Ngài. Sẽ có một sự thay đổi lớn giữa “nỗi
buồn” và “niềm vui.” Người phụ nữ
đau đớn khi “mang nặng đẻ đau,” nhưng sau đó ngập tràn hạnh phúc vì một người
con đã chào đời. Cũng vậy, các môn đệ sẽ thất vọng, buồn chán trước cái chết
đau thương của Thầy mình, nhưng rốt cuộc lòng các ông sẽ “chan chứa niềm vui” khi được Đấng Phục Sinh hiện ra và trao chúc
bình an. Dưới ánh sang của mầu nhiệm Phục Sinh và ân sủng của Thánh Thần, các
Tông Đồ đã mạnh dạn làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh bằng cả mạng sống mình.
Mời Bạn: “Ngày nay cũng vậy, Chúa Phục Sinh bước vào nhà và trái tim chúng ta...
Ngài đến đem niềm vui và an bình, sự sống và hy vọng, là những quà tặng chúng
ta cần cho sự tái sinh nhân bản và thiêng liêng… Chỉ có Ngài mới có thể đem lại
ý nghĩa cho đời sống của những ai đang mệt mỏi, buồn rầu và tuyệt vọng… Hai địa
điểm “ưu tiên” chúng ta có thể gặp gỡ Đấng Phục Sinh để biến đổi đời sống mình:
Lời Chúa và Thánh Thể”(Đức Bênêđitô XVI).
Sống Lời Chúa: Nuôi dưỡng niềm vui và sự bình an bằng cách hằng ngày tái
khám phá sự hiện diện của Đấng Phục Sinh trong Lời Chúa và Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
hằng ngày có biết bao điều con phải vất vả, lo toan, luẩn quẩn trong những bận
rộn của phận người. Xin cho con biết dành vài phút giây quý báu để thân thưa
cùng Chúa, là Đấng vẫn hằng đồng hành, hướng dẫn đời sống con. Amen.
19/05/12 thứ bảy tuần 6 ps
Vọng lễ Chúa Thăng Thiên
Ga 16,23-28
để trọn vẹn một niềm vui
“Thật, Thầy bảo thật anh em, anh em mà xin Chúa Cha điều
gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy…. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để
niềm vui của anh em nên trọn vẹn.” (Ga 16,23-24)
Suy niệm: Chúa không chỉ biến ưu phiền của chúng ta thành niềm
vui, Ngài còn muốn làm cho niềm vui đó nên trọn vẹn. Điều đó có thể thấy được
nơi Maria Magđala, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần hôm ấy, hay nơi những
người đã thấy Đức Ki-tô sống lại. Còn chúng ta, khi vẫn còn bước đi trong đức
tin chứ không phải được hưởng kiến, và mới chỉ lĩnh hội được một chút gì của
mầu nhiệm Thiên Chúa chứ không phải là “toàn vẹn sự thật” của Ngài, thì niềm
vui có thể gọi là trọn vẹn được không? Có đấy! Hãy nghiệm lại những lời Chúa
nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho
đến tận thế” và “Cứ xin đi, anh em sẽ
được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.” Để sống trong niềm vui trọn vẹn
với Thiên Chúa chúng ta hãy sống như những người con cái của Ngài, mối quan hệ
mới được thiết lập nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Chính nhờ Ngài, mà niềm vui của chúng
ta nên trọn vẹn và không ai có thể cướp mất được. Nhân danh Ngài, chúng ta cầu
xin và nhờ Ngài lời cầu xin chắc chắn được đón nhận.
Mời Bạn: Kiểm điểm những điều mình còn thiếu sót trong “đạo làm
con” đối với Thiên Chúa.
Chia sẻ: Chúa nói: “Cứ xin
đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.” Thế khi xin mà
không được thì sao?
Sống Lời Chúa: Trong lời cầu nguyện mỗi ngày, bạn hãy cầu xin Chúa điều
mà bạn thấy là đẹp lòng Chúa nhất.
Cầu nguyện: Lạy Cha,
xin cho ý Cha thể hiện, dưới đất cũng như trên trời.
20/05/12 chúa nhật tuần 7 ps – b
Chúa Thăng Thiên
Mc 16,15-20
bảo chứng niềm hy vọng
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng
cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu đo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Lễ Thăng Thiên là bảo chứng cho niềm hy vọng của người
Kitô hữu. Quả thế, Chúa Giêsu về trời không phải sự chia ly vĩnh biệt, nhưng “Ngài đã đi trước mở đường dẫn chúng ta vào
Nước Trời, khiến chúng ta là những chi thể của Ngài nắm chắc phần hy vọng sẽ
cùng Ngài hưởng phúc vinh quang” (Lời
nguyện Lễ Thăng Thiên). Chúa lên trời, tuy vắng mặt hữu hình, nhưng Người
tiếp tục hiện diện và hoạt động với các Tông đồ xưa và cả chúng ta nay qua
Thánh Thần của Người hầu nhân loại được cứu độ và sống đời đời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ.”
Mời Bạn: Cùng đích của đời người không phải là cõi đời này. Cuộc
sống kiếp nhân sinh này với tất cả “hỉ nộ ái ố cụ ai dục” không phải là hạnh
phúc bền vững đích thực. Mỗi ngày bạn tập không hám danh, cũng chẳng quá mê mải
chạy theo lợi lộc, tiện nghi hưởng thụ để rồi đánh mất Chúa là nguồn hạnh phúc
vĩnh cửu. Bạn cũng luôn ý thức được sự hiện diện của Chúa trong đời thường qua
việc sống hết mình cho Chúa và tha nhân qua con đường yêu thương và phục vụ.
Nhờ vậy, chính bạn và tha nhân đạt đến quê hương đích thật của chúng ta ở trên
trời.
Sống Lời Chúa: Tôi nỗ lực sống theo Lời Chúa dạy: “Hãy tìm kiếm những
gì thuộc thượng giới, đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin canh tân đời sống đạo của chúng con, để chúng con
có thể trở thành những chứng nhân Tin Mừng của Chúa. Amen.