samedi 30 juin 2012
Chuá nhật XIII TN
LẠY
CHÚA, CON CẦN ĐẾN CHÚA!
Đức
Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh
Người. (Mc 5,21)
Suy niệm: Đứng trước cơn khủng
hoảng kinh tế hiện nay ở Tây Ban Nha, một tổ chức có tên “Sứ Giả Hoà Bình” vừa khai trương trang mạng “Ngân Hàng Liên Đới” (Bancosolidario) để những người nghèo tại đó
có thể truy cập và yêu cầu trợ giúp bất cứ điều gì họ đang cần đến, từ lương
thực, quần áo, sách vở cho tới cả xe lăn. Chỉ trong ít ngày, hàng trăm người
nghèo khổ đã vào trang mạng này và họ đã nhận được những gì cần thiết cho cuộc
sống của họ. Phúc Âm nhiều lần kể lại đông đảo dân chúng tuốn đến với Chúa
Giêsu (x. Mc 4,1; 6,34; 8,1). Ngài như người chủ ngân hàng vô tận của tình
thương, chấp nhận bị người ta quấy rầy, thậm chí lợi dụng, vì Ngài luôn chạnh
lòng thương trước những thảm cảnh, những nỗi thống khổ của dân chúng. Và khi
giải thoát họ khỏi những khốn cùng ở cuộc sống này, Chúa còn lôi kéo họ tới
cuộc sống vĩnh cửu mai ngày nữa.
Mời Bạn: Nhiều người ngày nay
tỏ ra lãnh đạm đối với vấn đề tôn giáo. Phải chăng đó là dấu hiệu cảnh báo
người ta đã quá thoả mãn với cuộc sống hưởng thụ vật chất đến độ không còn cảm
thấy mình cần đến Chúa để được Ngài cứu độ? Hay nói cách khác, phải chăng đời
sống thiêng liêng cũng đã bị vật chất hoá đến độ không còn sức đánh động cảm
thức về sự linh thánh nơi tâm hồn con người nữa? Thế nên một điều cấp bách mà
bạn cần cầu xin ngay lúc này cho mình và cho mọi người chính là ơn nhận ra mình
đang cần đến Chúa.
Sống Lời Chúa: Đọc kinh Lạy Cha mỗi
ngày để ý thức những điều mình cần cầu xin với Chúa.
Cầu nguyện: Đọc
kinh Lạy Cha.
Thứ Bẩy tuần XII TN
Các thánh tử
đạo tiên khởi giáo đoàn Rôma
CHỈ CẦN MỘT LỜI THÔI!
Nghe
vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật
các ông, tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế.” (Mt 8,10)
Suy niệm: Điều làm ta ngạc nhiên là “sự ngạc nhiên” của Chúa.
Ngài không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như viên đại đội trưởng, một
người ngoại giáo. Viên sĩ quan này chỉ cần một lời thôi để bày tỏ lòng tin của
mình, và Chúa cũng chỉ phán một lời thôi để gia nhân ông được khỏi bệnh và nhà
ông được cứu độ.
Mời Bạn: Điều làm Chúa ngạc nhiên có làm cho những kẻ theo
Người phải “ngạc nhiên” không? Và chúng ta ngày nay có “ngạc nhiên” để nhìn lại
chính mình không? Động cơ nào đang thúc đẩy chúng ta đi theo Chúa hôm nay? Là
một Kitô hữu và được kêu mời trở nên môn đệ của Chúa mỗi ngày, Bạn đang tìm
kiếm gì nơi Đức Kitô và Hội thánh của Ngài? Viên sĩ quan chỉ thưa với Chúa một
lời thôi và Chúa đã đáp lời ông. Còn bạn bạn sẽ thưa với Chúa lời gì? Đó có
phải là lời đặt tất cả niềm tin tưởng, phó thác của bạn nơi Ngài không? Tin Mừng
của Ngài có là kim chỉ nam cho đời bạn không?
Chia sẻ: Giữa cuộc sống xô bồ với bao tiếng nói ồn ào bên
ngoài cũng như bên trong tâm hồn bạn có cảm thấy nhu cầu thinh lặng nội tâm để
lắng nghe tiếng Chúa và đối thoại với Ngài không?
Sống Lời Chúa: Dành ít phút thinh lặng, chọn một câu Lời Chúa và lặp
đi lặp lại nhiều lần để sẵn sàng cho cuộc đối thoại với Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết khám
phá rằng: cuộc sống không phải để hưởng thụ, nhưng là để phục vụ, và “phục vụ
là niềm vui”…. Phần thưởng duy nhất là con đã làm theo thánh ý Chúa”. Amen.
jeudi 28 juin 2012
Thứ Sáu Tuần xII TN
Th. Phêrô và
Phaolô, tông đồ
SỐNG LỜI TUYÊN XƯNG
“Thầy
là Đức Ki-tô, con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)
Suy niệm: “Phần các con, các
con bảo Thầy là ai?” Chúa
muốn các môn đệ phải đưa ra lời đáp của riêng mình, chứ không chỉ dựa vào dư
luận của đám đông. Phê-rô đã trả lời chính xác, rất đẹp lòng Chúa: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng
sống.” Nhưng đó chỉ là khởi điểm tối thiểu, Chúa mời gọi vị Tông Đồ trưởng
đi xa hơn. Trước hết, Chúa Giêsu cho ông biết rằng lời tuyên xưng chính xác của
ông là ơn ban của Chúa Cha. Sau nữa, ông sẽ khám phá ra điều cần hơn, đó là
phải làm chứng điều mình tuyên xưng: bằng công cuộc truyền giáo, bằng trách
nhiệm của một người mục tử cho một Giáo Hội non trẻ, và khi cần phải chấp nhận
chết để tuyên xưng đức tin của mình.
Mời Bạn: Ơn ban
trên đây không chỉ cho riêng Phê-rô và các Tông Đồ, nhưng cho cả Giáo Hội và
thế giới. Việc bạn được sinh ra trên nền tảng đức tin của các tông đồ, việc bạn
được đón nhận đức tin vào Thiên Chúa là do ơn Chúa ban, chứ không phải là do
công nghiệp của mình. Đến lượt chúng ta, chúng ta được mời gọi để làm cho đức
tin này lớn lên, sinh hoa kết trái và loan truyền đức tin đó cho những anh chị
em chưa biết Chúa nữa.
Chia sẻ: Chúa muốn
mỗi người phải có một lời tuyên xưng cá nhân của riêng mình, nhưng tại sao Chúa
lại thiết lập Giáo Hội? Làm thế nào để sống chiều kích cộng đoàn của đức tin?
Sống Lời Chúa: Tuyên
xưng niềm tin của bạn bằng một hành động cụ thể.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin giữ gìn Giáo Hội luôn kiên vững trong
đức tin tông truyền và ban ơn cho chúng con sống đời chứng nhân ơn đức tin đã
lãnh nhận.
mercredi 27 juin 2012
Thứ Năm Tuần XII TN
Th. Irênê, giám mục, tử đạo
NGHE
VÀ THI HÀNH Ý CHÚA
“Không
phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả
đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được
vào mà thôi.” (Mt 7,21)
Suy niệm: Cát là một trong những vật liệu không thể thiếu trong
việc xây dựng. Để tự nhiên, một đống cát lớn cũng chỉ là những hạt cát rời rạc;
chúng phải được kết dính bởi chất xi măng thì mới trở thành loại bê tông chắc
chắn chẳng khác gì đá tảng. Chính vì thế, người ta chỉ xây nhà trên nền móng bê
tông vững chắc chứ chưa nghe ai nói nhà xây trên cát mà mong đứng vững được
trước sự vùi dập của mưa sa bão tố! Cũng vậy, Chúa Giêsu ví người khôn ngoan
xây dựng ngôi nhà của mình trong Nước Trời là người biết “xây nhà trên đá” mà chất xi măng để gắn kết các hạt cát thành đá
tảng vững chắc chính là những việc làm để “thi
hành ý muốn của Chúa Cha;” chỉ những người đó mới mong có được một “suất”
trên Nước Trời.
Mời Bạn: Khoảng cách giữa lời nói và hành động lắm khi thật xa
vời vợi vì để lấp đầy khoảng cách đó là cả một tiến trình đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Tốc độ ánh sáng nhanh hơn âm thanh rất nhiều. Cũng
vậy, một việc tốt lan nhanh hơn lời nói hay cũng thật nhiều. Chân phước giáo
hoàng Gioan Phaolô II nói ngày nay người ta cần những nhân chứng hơn là thầy
dạy. Vì thế để loan báo Tin Mừng trong thời đại ngày nay bạn phải biết biến Lời
Chúa mà bạn nghe thành hành động cụ thể trong cuộc sống.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi
suy niệm Lời Chúa, chọn một quyết tâm để thực hiện.
Cầu nguyện:
Xin
Thánh Thần Chúa xuống trên con, dạy con biết lắng nghe lời Chúa, nhận ra Thánh
ý Ngài và cố gắng thi hành trong đời con. (Hosanna)
mardi 26 juin 2012
Thứ Tư Tuần XII TN
Th. Syrilô Alêxanri, giám mục, tiến sĩ
Hội Thánh
XEM
QUẢ BIẾT CÂY
“Cây
tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu… Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì
biết họ là ai.” (Mt 7,17.20)
Suy niệm: Ngay trong những ngày
sơ khai của Giáo Hội, các tín hữu đã phải đối đầu với nạn ngôn sứ giả; thậm chí
có kẻ còn mạo xưng là Kitô. Thánh Phêrô nói: “Trong dân cũng đã từng xuất hiện những ngôn sứ giả; giữa anh em cũng
vậy, sẽ có những thầy dạy giả hiệu lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt
vong” (2Pr 2,1). Để phân biệt, nhận biết đâu là ngôn sứ giả, Chúa Giêsu đưa
ra một kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống: cây
tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Thật
vậy, hoa trái tức là những công việc của một người là dấu hiệu rõ ràng nhất để
nhận biết người đó là ngôn sứ đích thực của Chúa hay chỉ là ngôn sứ giả.
Mời Bạn: Con đường để trổ sinh
hoa trái tốt đẹp là con đường mà Chúa Giêsu vạch ra: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh
nhiều hoa trái” (Ga 15,4). Thế nhưng chúng ta thường dễ bị ảnh hưởng bởi
những thói tục xấu hơn là tập theo những nhân đức tốt. Là môn đệ Chúa Kitô
chúng ta dám lội ngược dòng, dám nói “không” với điều xấu, dù điều xấu đó có
đông người theo; vì “cửa hẹp và đường chật
thì đưa đến sự sống nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,14).
Chia sẻ: “Cây nào không sinh quả tốt sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa”. Bạn có bao giờ nghĩ đến những hậu quả của công việc bạn
đã làm không?
Sống Lời Chúa: Dành thời giờ mỗi tối để nhìn lại công việc mình đã làm
và nhận định đó là những quả tốt hay xấu.
Cầu nguyện:
Xin Chúa soi sáng và hướng dẫn để mọi việc con làm đều sinh ích cho mọi người.
lundi 25 juin 2012
Thứ Ba Tuần XII TN
ĐƯỜNG
ĐƯA ĐẾN SỰ SỐNG
“Cửa
rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong… Còn cửa hẹp và đường chật thì
đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mc 7,13-14)
Suy niệm: Cánh cửa hẹp và con
đường chật mà Chúa Giêsu nói đến là con đường “từ bỏ”, “vác thập giá mình mà đi theo Chúa,” con đường Ngài đã đi
và sẽ dẫn ta đến Chúa Cha, đến sự sống; thế mà ít người muốn đi con đường này.
Trái lại đi trên đường thênh thang con đường ăn chơi phóng túng thì thoải mái
thật, nhưng lại dẫn đến diệt vong; đường này lại có quá nhiều người muốn đi.
Lời cảnh báo “khó nghe” này của Chúa vẫn có giá trị cho mọi thời đại.
Mời Bạn: Trước trào lưu hưởng
thụ và tục hoá của thế giới hôm nay, việc từ bỏ “cánh cửa rộng” và “con đường
thênh thang” để bước qua “cánh cửa hẹp và đi trên “con đường chật” quả là một
thách thức không nhỏ đối với mỗi Kitô hữu, nhất là các bạn trẻ. Nhưng hãy biết
rằng con đường “sống” thì chỉ có một mà thôi, đó là “con đường Giêsu”, con
đường Chúa đã đi qua! Hãy xác định con đường ta sắp đi để có thể bước tới hay
chọn con đường khác. Xem lại con đường ta đang đi sẽ dẫn ta về đâu. Đối với
Chúa không khi nào là quá trễ cho ta trở lại với Ngài.
Chia sẻ: Chia sẻ cho nhau một
kinh nghiệm “trật đường” nào đó mà bạn trải qua, chỉ ra những “cám dỗ chết
người” bạn gặp phải trên con đường đó.
Sống Lời Chúa: Tâm niệm Lời Chúa: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự
sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con bước đi trong chính lộ ngàn đời, con lộ mà Chúa
cùng các thánh đã đi qua; và khi con có vấp ngã, thì xin Chúa thương nâng con
dậy.
Thứ Hai tuần XII TN
ĐỪNG
XÉT ĐOÁN, HÃY BAO DUNG
“Anh
em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.” (Mt 7,1)
Suy
niệm: “Có một sự sáng suốt đáng buồn, khi chỉ nhìn thấy những điều xấu nơi
người khác. Cũng có một xét đoán đầy yêu thương, khi đã nhìn thấy những điểm
sáng tốt đẹp, ngay từ bóng tối những điều không tốt đẹp nơi anh em mình” (Đức
hồng y PX. Thuận). Rất tiếc ta thường có “sự sáng suốt đáng buồn” (xét đoán
người khác) hơn là sự “xét đoán đầy yêu thương” (nhìn thấy những điểm tích cực
nơi người lầm lỗi). Ta có khuynh hướng rất xấu là nhìn thấy thói hư tật xấu của
tha nhân hơn là nhận ra những điều tích cực nơi họ. Đức Giêsu dạy ta không ai
có quyền xét đoán người khác, vì chẳng có ai tốt lành, thánh thiện đủ để làm
việc này. Nhìn kỹ vào mình, ta sẽ nhận ra mình còn có những lầm lỗi tệ hại hơn.
Mời Bạn: Có thể đây là mệnh
lệnh của Đức Giêsu hay bị bạn coi thường, xem nhẹ và vi phạm nhiều hơn cả! Chỉ
trong một ngày, bao lần bạn xét đoán người khác mà không ý thức rằng mình không
thể nào biết đầy đủ về một con người, hay thấu hiểu tường tận những sự việc
liên quan đến người ấy.
Chia sẻ: Tại sao bạn dễ thấy
cái rác trong con mắt của người khác mà khó thấy cái xà trong mắt mình?
Sống Lời Chúa: Tôi tập thói quen
nhìn thấy những điểm tích cực nơi người chung quanh và cắt nghĩa lành cho các
công việc họ làm.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con đừng xét đoán người khác để khỏi bị Chúa xét
đoán. Thế nhưng, không biết chúng con lỗi phạm điều này bao nhiêu lần trong một
ngày. Chúng con xin lỗi Chúa vì sự coi thường và vi phạm này. Xin giúp chúng
con tập nhìn thấy điều tốt của nhau. Amen.
vendredi 22 juin 2012
Chúa nhật XII TN B
Sinh nhật th. Gioan Tẩy Giả
LỚN
LÊN VỮNG MẠNH
Ai
nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi : “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em…
Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh… (Lc 1,66.80)
Suy niệm: Một đứa bé ra đời,
nhân loại tăng số: thêm một phần ăn, thêm một chỗ ở… và một cuộc đời. Niềm vui
pha lẫn nỗi lo: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Có là vinh dự cho gia đình
gia tộc, là con người hữu ích cho xã hội, là tín đồ ngoan đạo hay ngược lại?
Bao nhiêu trăn trở và hy vọng chờ đợi từ mọi phía. Tuy nhiên, vấn đề trước tiên
là: gia đình, xã hội, giáo hội đón nhận đứa bé với thái độ nào? Gia tăng và
chia sẻ của ăn thức uống trên bàn tiệc cuộc đời cho tất cả mọi người, hay là
loại trừ và giảm thiểu thực khách trên bàn tiệc đó? (x. Thông Điệp Humanae
Vitae). Hơn nữa, cuộc sống đâu chỉ là cơm ăn áo mặc! Trách nhiệm ‘dạy con từ
thuở còn thơ’ với ý thức rằng ‘cây xiêu đàng nào, sẽ đổ đàng đó’, luôn là thách
đố lớn lao cho các bậc cha mẹ trong thời đại ‘cơm áo gạo tiền’ này. Để đứa bé “càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh…”,
cần “có bàn tay Chúa phù hộ em” bởi
vì, không có Chúa, chúng ta không thể làm được gì.
Mời Bạn: Vì ‘trẻ em là tương
lai của thế giới’, bạn hãy tự vấn: tôi đã, đang và sẽ làm gì cho chính con cái
tôi, và cho các trẻ em khác ? Tôi có là ‘gương mù’ để rồi bị ‘cột cối đá vào
cổ’ không ?
Sống Lời Chúa: Hãy thực hiện một việc gì đó tốt đẹp, cụ thể và nho
nhỏ cho trẻ em trong tuần này.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu mến và đã để các trẻ nhỏ đến với Chúa. Xin cho
chúng con biết mở rộng tâm hồn, quảng đại đón nhận con cái và các trẻ em trong
suốt cuộc đời chúng con.
Thứ Bẩy Tuần XI TN
LO GÌ!
“Trước
hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những
thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)
Suy niệm: Cuộc sống con người gắn liền với những sinh hoạt
trần thế. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền vẫn luôn là mối lo hàng ngày của nhiều
người. Suốt ngày con người phải vất vả làm việc để kiếm cái ăn, để có cái nuôi
sống bản thân và gia đình. Đôi khi vất vả suốt ngày như vậy mà nhiều người vẫn
đói ăn, vẫn chật vật với cuộc sống hằng ngày. Đức Giêsu không dạy ta sống vô
tư, không lo lắng gì hết, nhưng Ngài dạy ta sống tâm tình phó thác, tin tưởng
vào Thiên Chúa là Cha yêu thương ta, đồng thời tập trung cho điều quan trọng
nhất trong cuộc đời là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người,
nghĩa là lo vuông tròn làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Mời Bạn: “Đói cho sạch,
rách cho thơm” vẫn là bài học cho mọi người, cho mọi thời: Đức tính thanh
liêm, lương thiện là giá trị lớn nhất của con người, ông bà ta đã dạy con cháu
như vậy. Với lời mời gọi tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài,
là giá trị lớn nhất của người kitô hữu, chúng ta càng phải sống sạch và thơm
hơn nữa giữa những cám dỗ và cạm bẫy của cuộc đời này.
Chia sẻ: Chim trời, hoa huệ ngoài
đồng dạy cho bạn bài học gì? Bạn thể
hiện sự tín thác vào Chúa cách nào?
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín và cố gắng
sống phó thác như Lời Chúa dạy: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ
để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).
Cầu nguyện: Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực
hằng ngày.
Thứ Sáu Tuần XI TN
T. Gioan Phisơ, giám mục và Tôma Mo, tử
đạo
ĐÔI
MẮT TÂM HỒN
“Đèn
của thân thể là con mắt.” (Mt 6,22)
Suy niệm: Ai cũng biết cặp mắt vô cùng quan trọng, nó giúp ta
mở ra với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, có cặp mắt khác, cặp mắt nội tâm, mở
vào thế giới bên trong, cho thấy lòng dạ thật của con người. Thật diệu kỳ, vì
con mắt là “cửa sổ của tâm hồn”, nó phản ánh nội tâm của một người. Người hiền
lành đạo đức, hay hung dữ độc ác, thường hiển hiện qua ánh mắt họ.
Mời Bạn: Con người thường để ý tô điểm cặp mắt trần mà ít chú
trọng đến cặp mắt thiêng, cũng giống như thích quan tâm đến thân xác bên ngoài
mà coi nhẹ tâm hồn bên trong của mình. Lời Chúa mời gọi bạn để ý đến cặp mắt
tâm hồn bên trong hơn là cặp mắt thể lý bên ngoài. Đôi mắt của một tâm hồn đẹp
hệ tại ánh nhìn yêu thương, nhân hậu, cảm thông, tha thứ, trong sáng, không
gian ác, tà ý, dâm bôn, thù hận, đố kỵ... Chính những điều tự nội tâm thâm sâu,
không ai thấy, sẽ ảnh hưởng và thể hiện ra bên ngoài, trong cách ăn nói, cách
xử thế của một người.
Sống Lời Chúa: Kitô hữu sống lời Chúa dạy bằng cách lo điểm trang
nội tâm mình, giữ gìn tâm hồn mình luôn trong sạch, thánh thiện, không vương tì
ố, xứng đáng là đền thờ thiêng liêng của Chúa Ba Ngôi. “Ta khuyên ngươi đến với Ta mà mua thuốc để xức mắt cho ngươi nhìn cho
rõ” (Kh 3,18).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đôi mắt của Chúa, để con không
nhìn anh em con bằng vẻ hời hợt bên ngoài, mà nhìn vào sâu thẳm tâm hồn họ, như
Chúa đã nhìn Phêrô và Phaolô để hoán cải hai ông, nhìn Giakêu để làm cho ông
nên công chính, nhìn Lêvi để ông từ bỏ bạc tiền mà đi theo Chúa. Ước gì ánh mắt
của Chúa nên ánh mắt của con, mọi nơi, mọi lúc và đến mọi người.
Thứ Năm Tuần XI TN
Th. Luy Gondaga, tu sĩ
LỜI
CẦU CHÂN THÀNH ĐƠN SƠ
“Đừng
nghĩ cứ nói nhiều là được nhận lời… Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước
khi anh em cầu xin.” (Mt 6,7-8)
Suy niệm: Một điều đáng khích
lệ cho việc cầu nguyện trong Kitô giáo, đó là Chúa
của ta “đã
biết rõ” ta cần gì trước khi ta xin. Nhưng khổ nỗi lắm lúc điều ta xin lại
không phù hợp với điều Chúa muốn chúng ta xin. Vì vậy có sự trì trệ, ngã lòng
trông cậy của một số người. Nhu cầu của cuộc sống thì quá nhiều, do đó lời cầu
của ta cũng đa dạng, hết ơn này đến ơn khác. Còn Chúa thì lại muốn ta đơn sơ,
chân thành, xin cái gì là chính đáng nhất, rồi các nhu cầu khác cứ thế sẽ được
đáp ứng. Xin đưa ra đây một ví dụ: để gia đình thuận hoà êm ấm ta thường xin
giàu có. Đáng lý ra ta nên xin cho gia đình biết gìn giữ ơn Chúa nhờ mọi thành
phần biết đọc kinh, cầu nguyện sáng tối, vì có ơn Chúa là có tất cả. Nhiều khi
ta “đau đầu” vì những lời xin của mình thì làm sao ta có thể khiến Chúa làm như
ta muốn được!
Mời Bạn: Đâu là nhu cầu cấp
thiết nhất của cá nhân, của gia đình, của cộng đoàn bạn lúc này mà bạn cần xin
Chúa? Những nhu cầu ấy có làm cho “danh Chúa cả sáng” không hay chỉ làm thoả
mãn tính hiếu kỳ của ta?
Chia sẻ: Chia sẻ cho nhau một
ơn nào mà ta thấy mình “không xin” hay “chưa nghĩ tới” mà vẫn có được; và kiểm
tra xem nhờ lời cầu xin nào mà ta có được những ơn huệ nhưng không ấy.
Sống Lời Chúa: Tôi tin rằng tha lỗi
cho người khác cũng là điều kiện để được Chúa nhậm lời: “Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không
tha lỗi cho anh em” (Mt 6,15).
Cầu nguyện:
Sốt
sắng đọc hay hát kinh “Lạy Cha” trong giờ kinh gia đình.
mardi 19 juin 2012
Thứ Tư Tuần XI TN
CẦU NGUYỆN LÀ CUỘC SỐNG
“Còn
anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của,
Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ
trả lại cho anh.” (Mt 6,6)
Suy niệm: Báo La Vie số 144 đã thực hiện một cuộc thăm
dò về việc cầu nguyện với kết quả như sau:
trong 100 Kitô hữu có 11 người cầu nguyện mỗi ngày, 17 người thỉnh
thoảng cầu nguyện, 29 người ít cầu nguyện và 42 người không bao giờ cầu nguyện.
Phải chăng cầu nguyện không còn cần thiết nữa cho đời sống người Kitô hữu?
Không! Cầu nguyện là hành vi thờ phượng cơ bản nhất cần phải có nơi người tín
hữu. Nếu tin Chúa mà không thường xuyên gặp gỡ Ngài qua cầu nguyện, thì làm sao
chúng ta quen biết, trở nên thân thiết và yêu mến Ngài. Cầu nguyện là phương
thế giúp ta kết hiệp với Thiên Chúa, đồng thời nhận được sức mạnh và nguồn trợ
lực cho cuộc sống sinh động và phong phú hơn.
Mời Bạn: Cầu nguyện là trò
chuyện sống động và tha thiết với Chúa. Càng cầu nguyện bạn càng gần gũi Thiên
Chúa, biết thánh ý Ngài và nỗ lực thi hành ý ấy trong cuộc đời để trở nên giống
Ngài hơn. Vậy, mời bạn siêng năng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa để Thiên Chúa,
Đấng tốt lành, thanh luyện con tim bạn và đồng hành với bạn từng giây phút, ngõ
hầu có thể sẵn sàng sống cho Thiên Chúa và cho mọi người.
Sống Lời Chúa: Tập cầu nguyện, nhớ
đến Chúa khi thức dậy hay đi ngủ, khi ăn hay uống, khi làm việc hay nghỉ ngơi,
khi vui chơi hay học hành...
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
chúng con tin Chúa luôn ở bên chúng con trong cuộc sống. Xin cho chúng con ý
thức hồng ân cao cả ấy khi an vui cũng như khi sầu đầy. Amen.
lundi 18 juin 2012
Thứ Ba Tuần XI TN
Th. Rômoanđô, viện phụ
CHỈ
VÌ YÊU CHA
“Anh
em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48)
Suy niệm: Thông thường trong cuộc đời ai trợ giúp đang lúc ta túng
thiếu, nâng đỡ lúc ta ngặt nghèo, an ủi khi đau buồn… ta sẽ nhớ ơn và yêu mến
họ. Yêu mến như vậy là tình cảm tự nhiên, thuộc loại bẩm sinh của con người,
cần gì Đức Giêsu phải dạy! Yêu thương theo Đức Giêsu thuộc về một bình diện
khác là yêu thương kẻ thù nghịch với mình: “Hãy
yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em.” Chính lời dạy đó chất
vấn, thôi thúc chúng ta nỗ lực sống yêu thương kẻ thù. Không phải vì chúng ta
phải thi hành một khoan luật, nhưng vì chúng ta khát khao nên giống Cha trên
trời, muốn trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.
Mời Bạn: Mỗi khi nghe Lời Chúa “hãy yêu kẻ thù,” ta muốn để nó ra ngoài tai, vì tận đáy lòng ta
chưa muốn tha thứ! Nhưng mặt khác, nếu chúng ta chỉ yêu kẻ yêu thương mình thì
cần gì phải đến nhà thờ hằng ngày, hằng tuần để lắng nghe lời dạy yêu thương
của Chúa. Thế giằng co đó chỉ được giải quyết ổn thỏa khi chúng ta vì yêu mến
Cha mà thi hành tất cả những lời Cha dạy bảo!
Chia sẻ: Việc chuyên cần cầu nguyện có giúp bạn dễ tha thứ cho
nhau hơn không?
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi cố gắng thực hiện Lời Chúa dạy: “Cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”
Cầu nguyện: Lạy Cha!
Tha thứ không phải là điều dễ thực hiện, bởi vì không phải chúng con thực hiện
lời dạy này theo tình cảm, nhưng bằng ý chí. Xin thêm tình mến cho chúng con, để vì yêu Cha mà chúng
con sẵn sàng yêu mọi người, ngõ hầu trở nên giống Cha nhiều hơn. Amen.
Thứ Hai Tuần XI TN
HÃY
PHẢN XẠ SIÊU NHIÊN
Đức
Giê-su nói: “Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má
bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5,39)
Suy niệm: Phản xạ tự nhiên của
con rắn khi bị đạp là cắn chân người đạp mình. Phản xạ tự nhiên của ong khi tổ
bị xâm phạm là chích kẻ xâm phạm. Phản ứng tự nhiên của con người chúng ta khi
bị xúc phạm là trả đũa, trừng trị đích đáng kẻ xúc phạm. Đức Giê-su dạy chúng
ta không được ứng xử như vậy. Ngài muốn chúng ta phải vượt qua phản xạ tự nhiên
để tiến sang phản xạ siêu nhiên với lòng từ tâm, với tình nhân ái. Ngài mong
chúng ta vượt qua phản xạ thường tình để thắng sự ác bằng tình thương, dập tắt
bạo động bằng lòng khoan dung. Khoan dung không phải là cung cách của kẻ yếu,
mà là của người mạnh, mạnh tự chủ, mạnh nhân cách, mạnh niềm tin. Đức Phật cũng
chung một giáo huấn đó: Lấy oán báo oán,
oán còn mãi; lấy ân báo oán, oán tiêu tan.
Mời Bạn: Đừng hiểu lời Đức
Giê-su theo nghĩa đen, nhưng hãy hiểu đúng ý chính của Ngài. Vấn đề không phải
là giơ thêm má trái, đưa thêm áo ngoài, đi thêm hai dặm, nhưng là lòng nhân từ,
thái độ quảng đại, tâm hồn tha thứ.
Chia sẻ: Tôi có tin rằng có
thể làm theo Lời Chúa dạy hôm nay không?
Sống Lời Chúa: Để sống theo Lời
Chúa, tôi sẽ tập phản ứng lại bằng cách nhân ái, từ tâm mỗi khi bị xúc phạm.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi chúng con vượt lên những phản ứng thông thường để
có những tâm tình người môn đệ Chúa. Xin Chúa giúp chúng con có được trái tim
nhân hậu như Chúa, để chúng con không lấy oán báo oán, nhưng luôn lấy lòng nhân
ái, và tình yêu mến Chúa để cư xử với đồng loại của mình. Amen.
Chúa nhật XI TN B
ĐẶC
TÍNH NƯỚC THIÊN CHÚA
“Nước
Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các
hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau
cỏ… đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” (Mc 4,31-32)
Suy niệm: Cây cỏ có sức tăng
trưởng mạnh mẽ khiến ta lắm lúc phải kinh ngạc. Chẳng hạn một rễ cây có thể âm
thầm làm nứt cả mảng sân bê tông hay một ngọn cỏ lại ngạo nghễ nhô lên khỏi kẻ
nứt của nhựa đường. Dùng hình ảnh hạt giống hay hạt cải, Đức Giêsu cũng muốn
cho thấy Nước Thiên Chúa khởi sự trong nhỏ bé, khiêm tốn, nhưng âm thầm tăng
trưởng và rốt cuộc sẽ đạt kết quả lớn lao, tốt đẹp. Dù việc tăng trưởng của
Nước Thiên Chúa diễn ra cách “tiệm tiến và lâu dài” nhưng chắc
chắn, vì dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Mặc dầu loài người chống đối, bách
hại... nhưng kế hoạch của Thiên Chúa vẫn tiếp diễn cho đến tận cùng lịch sử và
không có gì ngăn chặn nổi.
Mời Bạn: Giáo
Hội khởi sự từ nhóm mười hai tông đồ nhỏ bé, để rồi đến hôm nay con số tín hữu
đã trên một tỷ người. Bạn có tin chương trình kế hoạch của Thiên Chúa luôn luôn
âm thầm tiến triển không?
Sống Lời Chúa: Tôi
xác tín rằng tất cả mọi việc, lớn hay nhỏ, công khai hay âm thầm, nếu làm vì
tình yêu Chúa thì đều có giá trị để xây dựng Nước Thiên Chúa ngay từ bây giờ.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, không một yếu đuối nào của chúng con mà không nhắc tới quyền năng Chúa.
Và trong cái yếu hèn của chúng con in sẵn dấu ấn Chúa Quyền Năng. Đứng trước sự
chia rẽ của loài người, Tình Yêu vô song của Chúa là lời đáp của sự Viên Mãn
cho cái bất toàn của chúng con. Amen.
(François Chagneau)
vendredi 15 juin 2012
Thứ Bẩy Tuần X TN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
TRÁI
TIM NGƯỜI MẸ
Khi
thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại
xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây phải cực lòng tìm con
!” (Lc 2,46-51)
Suy niệm: Dù rằng Đức Maria nhờ
lời thiên sứ truyền tin đã biết rằng người Con mình sinh ra đây là chính Con
Đấng Tối Cao (Lc 1,32), Mẹ cũng không
khỏi “sửng sốt” khi thấy Con ngồi giữa vòng vây của các thầy thông thái trong
đền thờ, đồng thời Mẹ cũng không ngăn được những tâm tình bức xúc, “cực lòng”
trước việc Người Con yêu dấu của mình ở lại trong đền thờ mà không cho cha mẹ
hay biết. Đức Maria đã bày tỏ những tâm tình rất “người” của một người mẹ đối
với con mình. Mặt khác, Người Con đó vẫn luôn đặt ra cho Mẹ một dấu hỏi huyền
nhiệm: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ
không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Dù không hiểu lời Con
vừa nói, nhưng Mẹ vẫn âm thầm đáp lại như ngày nao Mẹ đã thưa lời “xin vâng”: “Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy
niệm trong lòng” (Lc 2,19.51).
Mời Bạn: Nếu Đức Giê-su vừa là
người vừa là Thiên Chúa thì Đức Maria cũng vừa
là Mẹ vừa là môn đệ của Ngài: một người mẹ theo con từng bước để yêu thương
ấp ủ, đồng thời một người môn đệ cũng theo sát gót Thầy để lắng nghe và thực
hiện lời Thầy. Mời bạn cùng đi với Đức Maria để cũng dành cho Chúa những tâm
tình giống như Mẹ.
Chia sẻ: Bạn quyết tâm bắt
chước Mẹ Maria để nên giống Mẹ và giống Chúa hơn ở điểm nào?
Sống Lời Chúa: Siêng năng lần hạt
Mân côi, nhất là lần hạt chung trong gia đình vì đó là phương thế cầu nguyện mà
Mẹ ưa thích nhất.
Cầu nguyện:
Đọc kinh Kính Mừng.
Thứ Sáu Tuần X TN
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
CÓ
TÂM NHƯ THÁNH TÂM
Khi
đến gần Đức Giêsu và thấy Nguời đã chết, họ không đánh dập ống chân Người.
Nhưng có một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng
nước chảy ra. (Ga 19,33-34)
Suy niệm: Ngắm nhìn kỹ một tấm
ảnh hay một pho tượng Thánh Tâm, bạn sẽ nhận ra một điều khác thường: Trái Tim
Chúa Giêsu không nằm trong lồng ngực, nhưng bày ra bên ngoài. Trước khi gia
nhập Kitô giáo, năm 1597 quan đại thần Tsukamoto đã phát hiện ra điều lý thú này.
Ông đã ghi vào bức ảnh Thánh Tâm: “Đối
ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả” và nói với ông bạn Osaki: “…Phải
chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng
quát của Kitô giáo. Để ông bạn coi: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu
tâm”, còn đối với bản thân mình thì “Vô tâm”. Cho nên họ mới
vẽ trái tim để ra ngoài… Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã
hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo
riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp đời giúp
người (…). Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản
thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính
của Thiên hạ vậy”.
Mời Bạn suy gẫm lời nhận định trên đây
của một người lương dân trước khi gia nhập Kitô giáo. Bạn có nhận thấy như
Tsukamoto không?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thay đổi quan
điểm sống trong cuộc đời: có tấm lòng, có cái tâm như Thánh Tâm Chúa Giê-su khi
sống với đồng loại.
Cầu nguyện:
“Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa. Xin biến đổi con để con yêu tha
nhân bằng trái tim của Chúa. Amen.”
mercredi 13 juin 2012
Thứ Năm Tuần X TN
LỄ
VẬT XỨNG ĐÁNG
“Vậy
nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có
chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với
người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,23-24)
Suy niệm: Lời Chúa hôm nay nhắc
nhở chúng ta một điều kiện tiên quyết,
để xứng đang dâng của lễ lên Thiên Chúa, đó là: sự hòa giải, và tâm hồn an
bình. Chúa dạy chúng ta phải nắm thế chủ động trong việc làm hoà: - phải làm
hoà không chỉ khi mình bất bình với anh em mà ngay khi anh em bất bình với
mình; - không đợi anh em đến xin lỗi mình mà mình phải “đi bước trước” đến làm
hoà với anh em. Tâm hồn hoà bình hoá ra còn quan trọng hơn của lễ vì nếu trong
lòng ta còn “bất bình” thì việc dâng của lễ trở nên vô nghĩa thậm chí còn là
“trò hề” phản chứng nữa.
Mời Bạn: Có bao giờ bạn đi dâng
của lễ mà lòng còn nhiều “gay cấn” với anh chị em mình không? Và mỗi lần như
thế bạn có cảm thấy sự bình an thật sự trong tâm hồn?
Chia sẻ: Trong gia đình, cộng
đoàn, hay nơi bạn làm việc, có ai đang không đồng quan điểm hoặc bất hoà với
bạn không? Bạn đã làm thế nào để nối lại mối quan hệ thân thiết với họ?
Sống Lời Chúa: Làm một cử chỉ thân
ái với người đang có mối bất hòa với bạn, và nhất là cầu nguyện cho họ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa dạy chúng con biết dâng tiến lên Chúa của lễ của sự
quả cảm, dám chấp nhận đi bước trước đến hòa giải với những anh chị em của con
khi chúng con đang có mối bất hòa với nhau. Xin cho con sống tình yêu Chúa cách
thật lòng, thật dạ với anh chị em của con. Vì chúng con là anh chị em trong đại
gia đình của Chúa.
mardi 12 juin 2012
Thứ Tư Tuần X TN
Th. Antôn Pađôva, linh mục, tiến sĩ Hội
Thánh
MỖI
NGƯỜI MỘT VIỆC
“Cả
anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” (Mt
20,4)
Suy niệm: Theo qui luật, hễ nền
kinh tế suy thoái, thì nạn thất nghiệp gia tăng vì các ông chủ thường tìm cớ sa
thải công nhân. Ông chủ vườn nho trong dụ ngôn lại không hành động theo qui
luật kinh tế thị trường. Thợ được kêu vào làm vườn nho cho ông bất kể thời gian
làm việc nhiều hay ít vẫn hưởng trọn số lương của một ngày lao động. “Lẽ công
bằng” của ông là không ai phải thất nghiệp, trái lại “mỗi người một việc” ai
cũng có một vai trò trong vườn nho của ông và vì thế đáng hưởng lương một đồng
theo đúng lẽ công bằng.
Bạn thân mến, mỗi
người chúng ta đầu là con cái Chúa và được Ngài yêu thương; mỗi người đều có
một phẩm giá độc đáo trước mặt Ngài, đi kèm với những nghĩa vụ phải hoàn thành
theo phận sự riêng, ơn gọi riêng của mình trong Đức Kitô. Mỗi người đều phải
nhận biết ơn gọi của mình và dành tất cả tài năng, sức lực phục vụ Nước Chúa
với tâm tình người con cái Chúa.
Chia sẻ: Cộng đoàn, giáo xứ
không phải thiếu nhân lực, vật lực, nhưng công việc chung nhiều khi vẫn bị dở
dang, trì trệ. Vì sao? Làm thế nào để mọi người đều tham gia trong công cuộc
xây đắp Giáo Hội trong tinh thần hiệp thông?
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng từ bỏ ý
riêng của mình để tham gia công việc vì lợi ích chung của cộng đoàn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã mời con vào làm vườn nho của Chúa với tư cách là người con,
chứ không phải kẻ làm thuê. Xin cho con biết nỗ lực làm việc cho Nước Chúa
không phải vì tìm kiếm phần thưởng hay lợi lộc nhưng vì tình yêu của người con
thảo hiếu đối với Chúa là Cha của con.
lundi 11 juin 2012
Thứ Ba Tuần X TN
MUỐI
CHO ĐỜI, ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN
“Chính
anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?…
Cũng chẳng ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi
sáng cho mọi người trong nhà.” (Mt 5,13.15)
Suy niệm: Bản chất của người
kitô hữu là vừa đơn sơ như hạt muối trắng, vừa bé nhỏ như ngọn đèn dầu, nhưng
lại cao cả trong sứ mệnh.
Mặn là bản
chất của muối. Muối thấm vào thức ăn, giữ cho nó khỏi hư và thêm đậm đà. Cũng
thế, người kitô hữu hoà nhập vào trần thế, để làm cho môi trường thế gian trở
nên tốt đẹp hơn nhờ bản chất “Kitô” của chính mình.
Và hãnh diện thay “anh
em là ánh sáng cho trần gian”. Người Kitô hữu là con cái sự sáng, bắt nguồn từ
nguồn sáng Đức Kitô. Ánh sáng Tin Mừng của Chúa phải được minh chứng qua lối
sống của người kitô hữu. Đáng tiếc thay, nhiều kitô hữu khi hoà mình vào trần
thế, đã để cho thế trần làm biến chất “kitô hữu”; họ sợ hãi: sợ dấn thân, sợ
nguy hiểm, sợ mất địa vị, chẳng khác nào đặt ngọn đèn mình dưới thùng.
Mời Bạn: Khi hoà mình vào
giòng đời hôm nay với nền đạo đức xuống cấp, phẩm giá con người bị chà đạp, bạn
có nghĩ rằng thực trạng đó một phần cũng do muối của bạn kém mặn, đèn của bạn
kém sáng chăng?
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy đến
với Chúa Giê-su Thánh Thể để bạn được ướp mặn lại bằng muối của Ngài và đèn bạn
được thắp sáng bằng ánh sáng của Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con là muối, là ánh sáng cho đời, xin cho chúng
con biết sống bác ái, phục vụ để làm trọn sứ vụ này. Amen.
dimanche 10 juin 2012
Thứ Hai Tuần X TN
Th. Banaba, tông đồ
ĐƯỢC
CHO KHÔNG, THÌ CŨNG CHO KHÔNG
“Anh
em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,8)
Suy niệm: Chuyện kể rằng một em
bé đòi mẹ trả tiền tất cả những gì mình làm giúp mẹ như: quét nhà, gấp quần áo,
rửa ly… Người mẹ nhẹ nhàng đưa lại cho em một tờ giấy trên đó ghi: cưu mang con
trong dạ chín tháng mười ngày, sinh con, nuôi con lớn, cho con đến trường, đi
bác sĩ khi con đau ốm,… tất cả đều không đồng nào! Câu chuyện trên minh họa
phần nào sự thật của cuộc đời mỗi người chúng ta, chúng ta đã nhận không tất cả
từ nơi Thiên Chúa: sự sống, hơi thở, tài năng, trí tuệ, sức khỏe… Thiên Chua
còn làm một việc quá sức tưởng tượng của chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến
nỗi ban Con Một” (Ga 3,16). Và Chúa Giêsu cũng đã trao tặng chúng ta Thịt Máu
Ngài (Ga 6,51). Tất cả đều không đồng! Chúa còn dạy các Tông đồ cũng hãy biết
cho đi như vậy: “Anh em đã được cho không
thì hãy cho không như vậy.”
Mời Bạn: Sống trong nền kinh
tế thị trường, tình người ngày càng bị thương mại hóa: “Hòn đất ném đi, hòn chì
ném lại.” Thường thì chúng ta thích nhận, nhưng cho thì dễ so đo, tính toán hơn
thiệt... Tính cách cho không của Tin Mừng đã biến mất. Chúa mời gọi chúng ta
sống quảng đại với người khác như Chúa vẫn quảng đại với chúng ta. Mỗi lần bạn
cho đi cách quảng đại, bạn càng trở nên giống Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Bạn quan tâm, giúp
đỡ, phục vụ cho những người sống gần bạn mà không cần trả ơn hay biết đến.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết sống quảng đại, biết cho đi mà không so đo
tính toán. Xin cũng dạy con biết đón nhận tất cả từ nơi Chúa và tha nhân với
lòng biết ơn yêu mến. Amen.
samedi 9 juin 2012
Chúa nhật X TN B
Mình Máu Thánh Chúa Kitô
TIỆC
MÌNH MÁU CHÚA KITÔ
“Anh
em hãy cầm lấy, này là mình Thầy ... Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì
muôn người.” (Mc 14,22.24)
Suy niệm: Để tỏ lòng hiếu
khách, người ta thường đãi khách những món ăn ngon lạ và bổ dưỡng; những món ăn
chọn lọc, do mình tự nuôi trồng và chế biến lấy thì lại càng quý. Dù bằng cách
nào, các món ăn đó cũng chỉ là những thứ ngoài họ. Chúa Giêsu mời chúng ta đến
dự một bữa tiệc có một không hai trên đời. Bất cứ bữa tiệc nào bằng mọi thứ sơn
hào hải vị quí giá cũng không bằng bữa tiệc Người thết đãi chúng ta bằng chính
Thân Mình Người: “Anh em hãy cầm lấy mà
ăn, này là Mình Thầy. Anh em hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Thầy.” Không
ai có thể đãi bạn bữa tiệc quý như thế, và Chúa Giêsu cũng không thể đãi ai bữa
tiệc quý hơn bữa tiệc Mình và Máu Người. Đúng là Chúa đã yêu thì yêu đến kỳ
cùng!
Mời Bạn: Được ăn Mình và uống
Máu Chúa, chúng ta trở nên một với Chúa. Diễm phúc nên một này mời gọi chúng ta
hãy nên một cả trong hành động. Chúa đã hiến mình làm của nuôi chúng ta. Đến
lượt chúng ta cũng cần hiến mình để trở nên của ăn cho người khác. Bằng cách
hiến cho tha nhân thời gian, sức lực, của cải, tình yêu, sự quan tâm... Để qua
chúng ta, việc hiến Mình và Máu của Chúa Giêsu được sống động. Cũng nhờ đó bí
tích Thánh Thể được nhân thừa và đi vào cuộc sống.
Sống Lời Chúa: Để trở thành “tấm
bánh bẻ ra và cho đi”, luôn sẵn sàng phục vụ quảng đại, với tất cả tấm lòng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu con, Chúa không quản ngại cho đi chính thân
mình Chúa làm sức sống cho linh hồn con. Xin cho con cũng biết chia sẻ cho tha
nhân tình yêu con nhận được từ Chúa.
Inscription à :
Articles (Atom)