dimanche 13 septembre 2009

Lễ Các Thánh TĐVN

Sống chứng nhân theo gương các thánh tử đạo Việt Nam

Kính thưa quý ông bà anh chị em.
Mọi người chúng ta ai cũng biết rằng, biến cố phong thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam tại Roma ngày 19.6.1988 có một ý nghĩa thật đặc biệt và quan trọng như thế nào đối với Giáo hội Việt Nam nói chung, và đối với người kitô hữu Việt Nam nói riêng. Thật vậy, biến cố vui mừng này không chỉ đánh dấu sự trưởng thành của GHVN, nhưng còn nói lên niềm tự hào của những người con dân VN đang sống khắp nơi trên thế giới.
Và hôm nay họp nhau nơi đây, một lần nữa, chúng ta có quyền để nhắc lại cho nhau nghe, nhắc lại cho con cháu của chúng ta nghe về niềm tự hào đó (chứng từ…).
Thật vậy, chúng ta hân hoan và hãnh diện vì các thánh là người Việt Nam: không gì vui mừng và hãnh diện, tự hào hơn, khi đất nước ta có những vị thánh góp mặt với Giáo Hội toàn cầu. Chúng ta hân hoan và hãnh diện vì số lượng đông đảo các Thánh Việt Nam, với 117 vị, họ là những đại diện tiêu biểu cho hàng trăm ngàn vị tử đạo khác hữu danh hoặc vô danh. Chúng ta hân hoan và hãnh diện vì các Ngài là những chứng nhân anh hùng đầy quả cảm.

1. CÁC THÀNH TỬ ĐẠO LÀ AI?
Sách Khải Huyền đã cho chúng ta câu trả lời : “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua những cơn thử thách lớn lao, đã giặt và tẩy trắng áo mình trong máu của Chiên Con”(Kh7,14 ). Họ là những người đã không tiếc gì với Chúa, đã không khước từ tình yêu dù để cứu lấy mạng sống mình. Họ là những người đã luôn tin vào Chúa, tin vào ơn cứu độ chỉ có nơi Thập Giá của Đức Kitô.
Đọc lại lịch sử các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta không khỏi bùi ngùi xúc động, bởi vì các ngài xuất thân từ mọi thành phần trong xã hội. Họ là những người thấp bé trong xã hội. Họ là những giáo dân vì theo Chúa, nên họ đã bị bắt, bị kết án và bởi vì không chịu chối đạo, không chịu bước qua Thánh Giá, họ đã bị xử tử hình bằng nhiều cách hung bạo dã man (xử trảm, xử giảo, bá đao, lăng trì, thiêu sống..). Họ là những phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng quyết không nhường bước, không thỏa hiệp để được sống thảnh thơi mà chối Chúa. Họ đã trung kiên, tín thác nơi Chúa và như thánh Phaolô họ đã : “Tôi làm được mọi sự trong Đấng củng cố tôi” ( Pl 4, 13 ). Họ là cụ già 80 tuổi như thánh Lê Bảo Tịnh; là một bà già 62 tuổi như nữ thánh Anê Đê; như một cậu trai 14 tuổi, thánh Phaolô Bột; là một thiếu nữ 12 tuổi như cô Lucia Liễu; như Phaolô Đạm 10 tuổi; như em bé Phaolô Túc 9 tuổi. Họ là các Giám mục, các Linh mục. Họ là chủng sinh (như Tôma Thiện), là Ban Hành Giáo, là quan trong triều đình, như Hồ Đình Hy, Phạm Trọng Khảm, là quân lính, là công chức, là y sĩ, là thương gia. Họ thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, trong Giáo Hội. Tất cả các Thánh Tử Đạo Việt Nam dù vô danh tiểu tốt hay có chức có quyền trong Hội Thánh, có địa vị trong xã hội. Tất cả họ đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho bộ mặt đầy yêu thương của Chúa Giêsu.


2. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO ĐÃ LÀM GÌ?
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam có thể là tổ tiên, cha ông, những người thân thương trong gia đình chúng ta, có thể là những Kitô hữu sống trong địa phận, trong giáo xứ, trong cộng đoàn của chúng ta. Họ đã sống trên quê hương, đất nước của chúng ta, đã chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với mọi người chúng ta. Tuy nhiên, họ đã giữ vững đức tin, thà chết chứ quyết một lòng không chối Chúa, không bỏ đạo.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã dám liều sống đức tin, làm chứng cho đức tin và chết cho đức tin, lấy máu mình làm chứng cho Thiên Chúa. Tử đạo là chọn Chúa, là chết cho Chúa. Tử đạo là sống đạo một cách sống động và làm môn đệ của Chúa. Các thánh tử đạo Việt Nam là men, là muối, là ánh sáng soi dọi đức tin cho những người khác. Nhờ các thánh tử đạo Việt Nam mà Giáo Hội Việt Nam càng ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói : “Giáo Hội Việt Nam đã phát sinh các nhân chứng, đặc biệt là các Vị Tử Đạo. Lời tiền nhân nói rất đúng : Máu đào là hạt giống phát sinh Kitô hữu. Vì do máu các Đấng Tử Đạo của dân tộc và Giáo Hội Việt Nam mà đức tin trong thế hệ trước đã mọc lên, và đức tin của thế hệ hiện tại được bảo toàn, và hy vọng đức tin của thế hệ mai sau được gìn giữ”.


3. NOI GƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO
Là người Công Giáo Việt Nam. Chắc chắn mỗi khi đọc lại tiểu sử các Ngài, ta cảm thấy một dòng máu hào hùng trào dâng trong huyết quản. Bị cuốn hút bởi cuộc sống và cái chết cao đẹp, anh dũng của các Ngài, có lẽ chúng ta cũng có đôi lần ao ước được như các Ngài: Sống cao đẹp, chết anh dũng.
Làm sao chúng ta có thể có được cái chết cao đẹp như các Ngài. Ngày nay đâu còn cảnh cấm đạo, bắt đạo, giết người có đạo như thời vua quan ngày xưa. Ngày nay ta không còn hy vọng chết vì đạo. Ta chỉ còn một cách bắt chước, noi gương các vị tiền nhân anh hùng, đó là sống vì đạo.
Ngày nay, chúng ta ít gặp những khốn khó như bị bắt bớ giam cầm, giết chết vì đạo. Nhưng để sống đạo trong xã hội hôm nay, chúng ta gặp không ít khó khăn. Xin kể ra hai khó khăn tiêu biểu:
Khó khăn thứ nhất đó là chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển. Ai cũng muốn thăng tiến bản thân và gia đình của mình. Ai cũng lo làm ăn, học hành, xây dựng cho bản than mình. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những nhu cầu của bản thân ngày càng nhiều. Rõ ràng là ngày nay người ta kiếm được nhiều tiền hơn trước, có nhiều tiện nghi hơn trước, xe cộ tốt hơn, nhà cửa đẹp hơn. Nhưng chưa bao giờ người ta thấy thỏa mãn, đầy đủ. Vì thế càng ngày người ta càng đóng kín vào bản thân, không có thời giờ nghĩ đến người khác. Trong khi đó những người nghèo thì càng nghèo hơn, những người yếu càng mệt hơn, những người bệnh càng khổ hơn. Họ không đủ sức chạy theo cuộc tranh đua quyết liệt của chủ nghĩa cá nhân. Họ bị đẩy lùi ra phía sau. Họ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Để lựa chọn sống theo Phúc Âm, để trung thành với Lời Chúa dạy, chúng ta phải bỏ quên một phần thân mình, gia đình mình để nghĩ đến, giúp đỡ, vực dậy những anh em kém may mắn. Đó là điều không dễ.
Khó khăn thứ hai là kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Đồng tiền đang trở thành một thước đo gía trị con người. Đồng tiền đang trở thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người. Ai cũng muốn có nhiều tiền, và để có nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối một phương cách nào: lường gạt, lừa đảo, làm hàng giả, buôn thuốc phiện, tham nhũng, hối lộ. Tiền bạc qủa là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo thế giới, tàn phá những gía trị, biến chất con người.
Đứng trước nhu cầu và ham mê tiền bạc, người Công Giáo muốn trung thành với Phúc Âm, muốn sống trọn vẹn đức tin, bắt buộc phải có sự lựa chọn. Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền phi nhân bất nghĩa. Thà cam chịu thiếu thốn còn hơn đánh mất đức tin. Thà lao động cực khổ để kiếm miếng cơm manh áo chân chính hơn là chạy theo những đồng tiền dễ dãi để chối từ Phúc Âm và luật Chúa.
Quả thực xã hội mới, đang tạo ra những cơn bắt bớ mới. Để trung thành với Chúa, với Phúc Âm ta cũng phải lực chọn quyết liệt. Những chọn lựa đó làm cho chúng ta đau đớn không kém gì những khổ hình. Những hy sinh vì Phúc Âm đó cũng khiến lòng chúng ta rỉ máu không kém gì chịu tử hình. Các Thánh tử đạo chỉ chọn lựa một lần. Còn chúng ta chết mòn mỏi mỗi ngày trong những chiến đấu, những từ bỏ đớn đau. Sống Phúc Âm trong thời đại mới đúng là một cuộc tử đạo liên tục .
Sống vì đạo như thế cũng cao đẹp và anh hùng không kém gì chết vì đạo. Sống vì đạo như thế, ta cũng góp phần làm chứng nhân cho Chúa, cho Phúc Âm không kém gì chết vì đạo.
Vâng, kính thưa quý ông bà anh chị em, mừng lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay khơi lên nơi chúng ta niềm tự hào và khát vọng sống chứng nhân theo gương các bậc tiền bối tử đạo của chúng ta, cũng như khích lệ chúng ta sống và sống hiến thân từng giây từng phút của đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân: sống tử đạo là mỗi ngày biết chết đi những yếu đuối tầm thường, để can đảm làm chứng tá cho Sự Thật, cho Chân lý. Sống được như thế hứa hẹn với chúng ta một ngày sau rạng rỡ, ngày đoàn tụ với cha anh chúng ta trên cõi bất diệt.
Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa các Ngài đã anh dũng hy sinh cuộc đời, dâng hiến máu đào làm chứng cho Phúc Âm. Xin giúp chúng con hôm nay cũng biết can đảm, hy sinh sống theo Phúc Âm để làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.

Aucun commentaire: