mardi 30 novembre 2010

THẬP GIÁ, BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU

Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều lần bạn và tôi đã bắt gặp hình ảnh thập giá xuất hiện đây đó trên tháp cao nhà thờ, trên bàn thờ, ngoài nghĩa trang, trên ngực áo, trên các đồ nữ trang như bông tai, dây chuyền, và nhất là khi thấy người kitô hữu làm dấu thánh giá... Có khi nào bạn đặt câu hỏi : thập giá kia có ý nghĩa gì mà sao nhiều người lại dành cho nó một vị trí đặc biệt đến thế ?
Có người đã nhìn vào thập giá như một đơn vị kinh tế để xác định giàu nghèo. Người không có tiền thì cố gắng bằng mọi cách để có được thập giá vàng để khoe mình đã đạt được mức độ giàu có nào đó.
Có những người khác dùng thập giá để xuống đường, không phải để chịu đóng đinh như Chúa Giêsu, nhưng để biểu tình và đòi đóng đinh kẻ khác.
Như thế, nhiều người đã trần tục hóa thập giá Chúa Giêsu khi vô tình hay hữu ý dùng thập giá như một phương tiện để khoe khoang, trang điểm, để đong đo sự giàu nghèo hay để tranh đấu...
Vậy đâu là ý nghĩa thật của thập giá theo Kitô giáo ?

1. Thập giá là một biểu tượng của Tình yêu cứu độ
Khi nói đến biểu tượng, người ta luôn muốn nhắc đến ý nghĩa tiềm ẩn hay một thực tại thiêng liêng ẩn chứa bên trong một sự vật.
Với người Rôma thời xưa, thập giá là biểu tượng của hình phạt nặng nề nhất, ô nhục nhất dành cho các tử tội. Có lẽ cũng chính vì thế mà phần đông nhân loại hôm nay vẫn xem thập giá là biểu tượng của hình phạt, đau khổ, sợ hãi và chết chóc. Thế nhưng đối với người tin vào Chúa Kitô mà ta gọi là kitô hữu, thì kể từ sau biến cố Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô, thập giá mang một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ và trở thành biểu tượng của Tình yêu, Tình yêu cứu độ : "Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người dám hiến mạng sống mình vì người mình yêu"(Ga 15,13).
Trong sứ điệp dành cho ngày quốc tế Giới trẻ năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ quả quyết chân lý này với các bạn trẻ: “Các bạn trẻ thân mến, cách đây 15 năm, cha đã trao cho các con cây Thánh Giá lớn bằng gỗ và mời gọi các con đem đi khắp thế giới như DẤU CHỈ TÌNH YÊU của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và để loan báo cho mọi người rằng chỉ nơi Đức Giêsu tử nạn và phục sinh mới có ơn cứu độ và cứu chuộc” (Số 1).
Vâng, cái chết trên Thập giá của Chúa Giêsu đã diễn tả tột cùng tình yêu bao la của Ngài dành cho nhân loại. Từ nay, cây thập giá ấy sẽ trở thành cây cứu rỗi và trở nên Thánh. Chất Thánh ấy là tình yêu, là đau khổ, là sự chết, là vinh quang. Không có tình yêu thì thập giá không phải là Thánh giá, và đó cũng là lý do vì sao người kitô hữu đã gọi thập giá bằng một tên gọi khác là THÁNH GIÁ.

2. Thập giá là lý tưởng sống của người kitô hữu hôm nay
"Ai không từ bỏ mình vác thập giá mình theo Thầy thì không xứng làm môn đệ Thầy" (Mt 16, 21; Lc 14, 26-27).
Khởi đi từ lời Chúa, người kitô hữu trẻ tìm thấy lý tưởng sống hay linh đạo sống của mình nơi thập giá : nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trên con đường khổ giá. Để có thể sống chia sẻ, cảm thông như Đức Kitô đã làm đối với nhân loại qua Mầu nhiệm Thánh giá, chúng ta cần phải đi lại con đường Chúa đã đi: con đường từ bỏ bản thân đến mức tự hủy vì tình yêu và cho tình yêu. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta phải tập từ bỏ chính mình, sống tinh thần tự hủy để có thể sống yêu thương, yêu thương cho đến cùng, yêu thương hết mọi người.
Xã hội hôm nay đề cao lối sống hưởng thụ và thực dụng. Điều này tạo nên nơi người trẻ xu hướng thích một đời sống “dễ dãi” “thoải mái”, ngại hay sợ phải dấn thân, phải hy sinh. Đó cũng là một thứ “tinh thần hảo ngọt” mà kết quả là ta tìm kiếm chính mình nơi Thiên Chúa, chứ không phải tìm kiếm Thiên Chúa nơi chính mình. Chính trong bối cảnh đó, linh đạo thập giá trở thành một khí giới hữu hiệu giúp người trẻ chống trả trước những cám dỗ, biết quảng đại hy sinh và không ngại dấn thân theo gương Chúa Giêsu.
Như thế, một cách nào đó, chúng ta cũng có thể nói được rằng: Thập giá chỉ là một cách diễn tả khác mạnh hơn, cụ thể hơn, "con đường hẹp", "Tám mối phúc thật", hay "tình yêu cho đến tận cùng" mà Đức Ki-tô luôn nhấn mạnh trong lời rao giảng của Ngài.
Mặt khác, nếu hiểu thập giá là nỗi chông chênh, là nước mắt, là bệnh tật, là đớn đau trong đời, là tình yêu vắng bóng và cô đơn…, thì dẫu cho người có đức tin hay không có đức tin, đều phải chấp nhận vác lấy trong từng ngày sống của mình. Nhưng nếu tôi tin, tôi sẽ yêu mến cây thập giá của đời mình hơn. Đức tin sẽ cho tôi cảm nhận thập giá dễ chịu hơn, vừa sức hơn. Nếu tôi tin, tôi sẽ hiểu rất rõ rằng, cùng với Chúa Kitô, Đấng đã dùng Thánh Giá để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, sẽ làm cho thập giá đời tôi thành Thánh Giá. Thập giá cuộc đời chỉ là giới hạn, sẽ được tình yêu Thánh Giá của Chúa Kitô thánh hóa, để những gì chỉ là giới hạn trong cuộc đời mang lấy giá trị vĩnh cửu. Khi tin vững như thế, khi yêu mến Thánh Giá Chúa Kitô, và chấp nhận bước theo Người như thế, thái độ chấp nhận ấy, chính là câu trả lời cho lời mời gọi: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình…”.

3. Thập giá là một mầu nhiệm sống
Thập giá là một biểu tượng, nhưng đồng thời cũng là một mầu nhiệm sống : Sống để hiểu và hiểu để sống. Chỉ có ai say mê Đức Kitô mới hiểu được thập giá trong đời mình, và chỉ có ai dám từ bỏ mình mới có thể say mê Đức Kitô.  Điều này làm nên một sự thu hút mãnh liệt trong tương quan tình yêu.  Người ta không chỉ hiến thân vì tình yêu nhưng chính vì tình yêu kêu gọi sự hiến thân.  Như thế, không ai yêu mến Đức Kitô mà lại không yêu thập giá cuộc đời mình.
Để hiểu hơn về linh đạo Thập giá và cũng để kết thúc bài viết này, xin mời bạn cùng tôi suy niệm một lời cầu nguyện của Karl Rahner, một thần học gia nổi tiếng người Đức:
"Xin Đón Nhận Thánh Giá Đời Con
Lạy Cha, xin ban con điều khó hơn cả,
Đó là nhận ra thánh giá của con Cha,
Trong mọi nỗi khổ đau đời con,
Và ơn bước theo Con Cha trên đường thánh giá
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con
Nói lên lòng tin của con vào những lời hứa của Cha,
Đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khố.
Ước gì thánh giá trở nên mẫu gương cho con,
Là ánh sáng cho đêm tăm tối,
Nhờ  đó con không còn khổ đau,
Như một tai họa hay một điều vô lý,
Nhưng như  một dấu chỉ cho thấy
Con đang thuộc về Cha mãi mãi."
Paris ngày 30.11.2010
Lm. Viết Nam

Thứ Tư Tuần I MV


cỘng tác viên tình thương
“Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” (Mt 15,32)
Suy niệm: Ba ngày trời đi theo Thầy Giêsu để nghe lời Ngài giảng, tận mắt và cũng no mắt chứng kiến quyền năng chữa lành của Ngài trên các bệnh nhân, “những đám người đông đảo” kinh ngạc, tôn vinh Thiên Chúa, đến độ dường như quên đi cơn đói. Thầy Giêsu “chạnh lòng thương” và không muốn “giải tán đám đông, để họ nhịn đói mà về.” Thầy kêu mời các môn đệ cùng “hợp tác” giảm cơn đói cho dân chúng. Các môn đệ hoang mang trước đề nghị của Thầy mình, vì giữa nơi hoang vắng này làm sao đủ bánh ăn cho đoàn người đông đảo. Ngài mời gọi các môn đệ “góp phần” dù chỉ bằng “bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.” Và rốt cuộc, phép lạ đã diễn ra: “mọi người ăn no nê, và dư bảy thúng đầy những mẩu bánh còn thừa.”
Mời Bạn: Cũng như các môn đệ ngày xưa, các tín hữu hôm nay được mời gọi cộng tác với Đức Giêsu, đồng hành với con người trong những khó khăn, không chỉ về cơm bánh, mà còn cả những giá trị nhân bản, bảo vệ sự sống... Bạn sẽ thấy mọi sự chẳng dễ dàng chút nào! Còn có Chúa đó, bạn ạ! Hãy xin Ngài cùng hoạt động với mình, bạn sẽ thấy mọi sự “không như mình nghĩ” đâu.
Chia sẻ: Bạn có nghĩ rằng mình có quá ít để rồi từ chối chia sẻ không?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ chú tâm thực hiện những việc rất nhỏ trong cuộc sống mỗi ngày: một cử chỉ thân ái, nụ cười dễ mến, cái xiết tay nồng ấm… để làm cho mùa Vọng này đổi mới và có ý nghĩa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đôi khi con nghĩ rằng mình quá nhỏ bé để có thể cộng tác với Chúa trong cuộc sống này. Xin cho con trở nên dụng cụ trong sự quan phòng yêu thương của  Chúa.

lundi 29 novembre 2010

Thứ Ba Tuần I MV

Th. Anrê, tông đồ
mỘt lòng theo chúa
Chúa Giêsu bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4,19)
Suy niệm: Lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho Phêrô và Anrê, quả là một lời hứa hẹn đầy uy tín. Các ông là những ngư phủ chuyên nghiệp, đêm ngày lam lũ trên biển khơi, vật lộn với sóng gió để nuôi sống gia đình, và Anrê còn đang là môn đệ của Gioan. Thế mà, thật khó tin, chỉ bằng một lời hứa của Ngài, các ông không hề tính toán thiệt hơn cho riêng mình, nhưng đã từ bỏ tất cả: gia đình, nghề nghiệp… để theo Ngài; và một khi theo Ngài, Anrê đã hoàn thành xuất sắc vai trò “kẻ lưới người” trong việc dẫn đưa người khác đến với Chúa Giêsu: vừa gặp được Đấng Mêsia, Anrê đã lập tức dẫn Phêrô em mình đến với Thầy (Ga 1,41-42); cũng chính Anrê đã giới thiệu em bé có năm chiếc bánh và hai con cá đến với Đức Giêsu để từ đó phép lạ hoá bánh ra nhiều đã được thực hiện (Ga 6,8-9).
Mời Bạn: Con người thời nay có xu hướng coi việc làm giàu, tạo lập công danh sự nghiệp và thụ hưởng nhiều tiện ích hiện đại như mục tiêu của cuộc sống. Phải chăng vì thế mà “chí tông đồ” của bạn như bị nhụt đi? Và đặc biệt, phải chăng vì thế mà những người trẻ bỏ mọi sự để theo Đức Kitô trên con đường tận hiến như Anrê ngày càng thưa thớt? Phần bạn, bạn có cảm thấy được thôi thúc bởi tiếng gọi của Chúa Kitô và dám từ bỏ mọi sự để theo Người?
Sống Lời Chúa: Dành ít phút để cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa trong tâm hồn.
Cầu nguyện: Xin cho con biết mở rộng tâm hồn để nghe tiếng Chúa gọi mời, biết mở rộng con tim để quảng đại đáp lại tiếng Chúa mỗi ngày.

Thứ Hai Tuần I MV


vỚi chúa và cho tha nhân
“Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài nói một lời là đầy tớ tôi khỏi bệnh.” (Mt 8,8)
Suy niệm: Niềm tin của viên đại đội trưởng Rôma thể hiện rõ trong lời ông khẩn nài. Ông không đòi hỏi Chúa, ông chỉ trình bày tình trạng đau khổ của thuộc hạ ông với tất cả lòng thương cảm: “Người đầy tớ ở nhà tôi đau đớn lắm”. Một mặt, ông phải là một người chủ rất nhân hậu mới có được tâm tình như thế. Mặt khác, ông lại rất khiêm tốn qua cách cư xử lịch sự, kính trọng mà vẫn không làm giảm sút lòng tin của ông đối với Đức Kitô: “Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi khỏi bệnh.” Cấp bậc quan trọng của viên đại đội trưởng càng tăng thêm giá trị cho lời nói đầy khiêm tốn. Và thái độ khiêm tốn càng chứng tỏ lòng tin mạnh mẽ phi thường nơi ông.
Mời Bạn: Lời nói của một người lương dân lại trở thành mẫu mực cho mọi Kitô hữu để chuẩn bị tâm hồn trước khi rước Thánh Thể: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Mỗi khi đọc lời đó chúng mình hãy nhớ lại những đức tính đáng khâm phục của ông đại đội trưởng Rôma ấy: nhân ái, khiêm tốn, lịch sự… Và chúng mình nhớ rằng tâm hồn có những đức tính ấy là mảnh đất màu mỡ cho hạt giống đức tin nảy nở.
Chia sẻ: Niềm tin vào Đức Kitô giúp gì cho bạn trong việc sống tốt mối tương quan với tha nhân?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi cám ơn rước lễ, bạn dâng lên Chúa quyết tâm làm một việc tốt cho người sống bên cạnh bạn.
Cầu nguyện: Thuờng xuyên nguyện tắt: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.

samedi 27 novembre 2010

Sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa

Thánh Vịnh Chúa nhật I Mùa Vọng

Chủ nhật I Mùa Vọng Năm A


không phẢi là bài tính cỘng
“Thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy.” (Mt 24,37)
Suy niệm: “Thời ông Nô-ê, cuộc đời được mô tả như một bài tính cộng: ăn ăn + uống uống + dựng vợ + gả chồng; ngày này cộng ngày khác, cộng mãi thành cả một cuộc đời. Thế nhưng trong bài toán của cuộc đời, người ta thường quên tính đến một số hạng sẽ đưa tất cả chuỗi tính cộng đó trở về số không, đó là “nạn hồng thuỷ ập tới và cuốn đi hết thảy.” May thay, có những người như ông Nô-ê nhưng không sống như thời ông Nô-ê, không coi đời là một bài tính cộng giản đơn như vậy, mà vượt lên trên những ngọn sóng của cơn hồng thuỷ để không bị cuốn trôi, và nhờ đó được cứu độ. Chúa cảnh báo: “Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy.” “Như vậy” là như ông Nô-ê hay là như những người thời ông Nô-ê? Câu trả lời là tuỳ ở nơi bạn.
Mời Bạn: Từng ngày sống kết dệt thành tuổi thọ của bạn. Bạn có sợ không, khi có những ngày sống không định hướng, chán ngán buồn tẻ, nhưng nó vẫn được cộng vào ngày đời của bạn? Cuộc đời bạn rồi ra sẽ có ý nghĩa gì hay chỉ là một chuỗi tính cộng lê thê với kết quả cuối cùng bằng “0”? Để thoát khỏi cái kết cuộc thê lương ấy, hãy thêm cho nó chút hương vị của mùa Vọng: hoàn thành ngày sống của bạn bằng chuỗi những hy sinh phục vụ để xây dựng cuộc sống đầy ắp tình người như món quà dâng Đức Kitô trong ngày Ngài ngự đến.
Sống Lời Chúa: Mỗi sáng thức dậy, bạn thưa lên với Chúa: “Chúa là Đấng con mong đợi, xin hãy đến với con.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mùa Vọng phải là mùa vui mừng của con, vì cả  đời con theo Chúa cũng chỉ để ước mong gặp được Chúa. Xin cho con thái độ sống khôn ngoan vì Nước Trời. Amen”

vendredi 26 novembre 2010

Thứ Bảy Tuần 34 TN


tỈnh thỨc là khôn ngoan
“Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21,36)
Suy niệm: “Điều sắp xảy đến” mà Tin Mừng đề cập là ngày tận thế. Thế giới này không phải là một vòng đu quay bất tận. Nó đã có một khởi điểm và nó đang hướng tới chỗ hoàn tất, có điều  lúc nào ngày tận thế xảy đến thì “không ai biết, ngay cả Con Người” (Mt 24,36). Trái lại nó sẽ đến như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu mỗi người. Thái độ đúng đắn để đón chờ “ngày ấy” là “tỉnh thức” “cầu nguyện:” tỉnh thức để có thể “thoát khỏi những điều sẽ xảy đến”; và cầu nguyện giống như chiếc neo chắc chắc giúp ta “đứng vững” trong ngày đầy thử thách đó.
Mời Bạn: Lời Chúa dạy như vậy, nhưng đáp lại, lắm khi, chúng ta lại rơi vào một trong hai thái cực. Có những người cho rằng “ngày ấy” thật mơ hồ bất định, thậm chí không bao giờ có, và vì thế buông mình trong những đam mê hưởng thụ. Có những người, giống như nhiều kitô hữu tiên khởi, hăm hở chờ đón “ngày ấy” vì tin rằng nó sắp đến, và vì thế, họ thờ ơ với các thực tại trần thế. Lời mời gọi “tỉnh thức và cầu nguyện” dung hoà hai thái cực trên: Ngày cứu độ đã bắt đầu nơi trần thế nhưng vẫn cần chúng ta tham gia xây dựng cho thành toàn nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng cho “ngày ấy” bất chợt xảy đến.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình để phản tỉnh và kịp thời điều chỉnh những sai lệch trong việc đón chờ ngày Chúa đến trong cuộc đời mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, 100 năm trước con chưa có, 100 năm sau hẳn con đã không còn có mặt trên đời này. Xin cho con ý thức sự chóng qua của đời này để con chỉ biết tìm kiếm Chúa là gia nghiệp của đời con. Amen.