mardi 30 novembre 2010

THẬP GIÁ, BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU

Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều lần bạn và tôi đã bắt gặp hình ảnh thập giá xuất hiện đây đó trên tháp cao nhà thờ, trên bàn thờ, ngoài nghĩa trang, trên ngực áo, trên các đồ nữ trang như bông tai, dây chuyền, và nhất là khi thấy người kitô hữu làm dấu thánh giá... Có khi nào bạn đặt câu hỏi : thập giá kia có ý nghĩa gì mà sao nhiều người lại dành cho nó một vị trí đặc biệt đến thế ?
Có người đã nhìn vào thập giá như một đơn vị kinh tế để xác định giàu nghèo. Người không có tiền thì cố gắng bằng mọi cách để có được thập giá vàng để khoe mình đã đạt được mức độ giàu có nào đó.
Có những người khác dùng thập giá để xuống đường, không phải để chịu đóng đinh như Chúa Giêsu, nhưng để biểu tình và đòi đóng đinh kẻ khác.
Như thế, nhiều người đã trần tục hóa thập giá Chúa Giêsu khi vô tình hay hữu ý dùng thập giá như một phương tiện để khoe khoang, trang điểm, để đong đo sự giàu nghèo hay để tranh đấu...
Vậy đâu là ý nghĩa thật của thập giá theo Kitô giáo ?

1. Thập giá là một biểu tượng của Tình yêu cứu độ
Khi nói đến biểu tượng, người ta luôn muốn nhắc đến ý nghĩa tiềm ẩn hay một thực tại thiêng liêng ẩn chứa bên trong một sự vật.
Với người Rôma thời xưa, thập giá là biểu tượng của hình phạt nặng nề nhất, ô nhục nhất dành cho các tử tội. Có lẽ cũng chính vì thế mà phần đông nhân loại hôm nay vẫn xem thập giá là biểu tượng của hình phạt, đau khổ, sợ hãi và chết chóc. Thế nhưng đối với người tin vào Chúa Kitô mà ta gọi là kitô hữu, thì kể từ sau biến cố Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô, thập giá mang một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ và trở thành biểu tượng của Tình yêu, Tình yêu cứu độ : "Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người dám hiến mạng sống mình vì người mình yêu"(Ga 15,13).
Trong sứ điệp dành cho ngày quốc tế Giới trẻ năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ quả quyết chân lý này với các bạn trẻ: “Các bạn trẻ thân mến, cách đây 15 năm, cha đã trao cho các con cây Thánh Giá lớn bằng gỗ và mời gọi các con đem đi khắp thế giới như DẤU CHỈ TÌNH YÊU của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và để loan báo cho mọi người rằng chỉ nơi Đức Giêsu tử nạn và phục sinh mới có ơn cứu độ và cứu chuộc” (Số 1).
Vâng, cái chết trên Thập giá của Chúa Giêsu đã diễn tả tột cùng tình yêu bao la của Ngài dành cho nhân loại. Từ nay, cây thập giá ấy sẽ trở thành cây cứu rỗi và trở nên Thánh. Chất Thánh ấy là tình yêu, là đau khổ, là sự chết, là vinh quang. Không có tình yêu thì thập giá không phải là Thánh giá, và đó cũng là lý do vì sao người kitô hữu đã gọi thập giá bằng một tên gọi khác là THÁNH GIÁ.

2. Thập giá là lý tưởng sống của người kitô hữu hôm nay
"Ai không từ bỏ mình vác thập giá mình theo Thầy thì không xứng làm môn đệ Thầy" (Mt 16, 21; Lc 14, 26-27).
Khởi đi từ lời Chúa, người kitô hữu trẻ tìm thấy lý tưởng sống hay linh đạo sống của mình nơi thập giá : nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trên con đường khổ giá. Để có thể sống chia sẻ, cảm thông như Đức Kitô đã làm đối với nhân loại qua Mầu nhiệm Thánh giá, chúng ta cần phải đi lại con đường Chúa đã đi: con đường từ bỏ bản thân đến mức tự hủy vì tình yêu và cho tình yêu. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta phải tập từ bỏ chính mình, sống tinh thần tự hủy để có thể sống yêu thương, yêu thương cho đến cùng, yêu thương hết mọi người.
Xã hội hôm nay đề cao lối sống hưởng thụ và thực dụng. Điều này tạo nên nơi người trẻ xu hướng thích một đời sống “dễ dãi” “thoải mái”, ngại hay sợ phải dấn thân, phải hy sinh. Đó cũng là một thứ “tinh thần hảo ngọt” mà kết quả là ta tìm kiếm chính mình nơi Thiên Chúa, chứ không phải tìm kiếm Thiên Chúa nơi chính mình. Chính trong bối cảnh đó, linh đạo thập giá trở thành một khí giới hữu hiệu giúp người trẻ chống trả trước những cám dỗ, biết quảng đại hy sinh và không ngại dấn thân theo gương Chúa Giêsu.
Như thế, một cách nào đó, chúng ta cũng có thể nói được rằng: Thập giá chỉ là một cách diễn tả khác mạnh hơn, cụ thể hơn, "con đường hẹp", "Tám mối phúc thật", hay "tình yêu cho đến tận cùng" mà Đức Ki-tô luôn nhấn mạnh trong lời rao giảng của Ngài.
Mặt khác, nếu hiểu thập giá là nỗi chông chênh, là nước mắt, là bệnh tật, là đớn đau trong đời, là tình yêu vắng bóng và cô đơn…, thì dẫu cho người có đức tin hay không có đức tin, đều phải chấp nhận vác lấy trong từng ngày sống của mình. Nhưng nếu tôi tin, tôi sẽ yêu mến cây thập giá của đời mình hơn. Đức tin sẽ cho tôi cảm nhận thập giá dễ chịu hơn, vừa sức hơn. Nếu tôi tin, tôi sẽ hiểu rất rõ rằng, cùng với Chúa Kitô, Đấng đã dùng Thánh Giá để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, sẽ làm cho thập giá đời tôi thành Thánh Giá. Thập giá cuộc đời chỉ là giới hạn, sẽ được tình yêu Thánh Giá của Chúa Kitô thánh hóa, để những gì chỉ là giới hạn trong cuộc đời mang lấy giá trị vĩnh cửu. Khi tin vững như thế, khi yêu mến Thánh Giá Chúa Kitô, và chấp nhận bước theo Người như thế, thái độ chấp nhận ấy, chính là câu trả lời cho lời mời gọi: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình…”.

3. Thập giá là một mầu nhiệm sống
Thập giá là một biểu tượng, nhưng đồng thời cũng là một mầu nhiệm sống : Sống để hiểu và hiểu để sống. Chỉ có ai say mê Đức Kitô mới hiểu được thập giá trong đời mình, và chỉ có ai dám từ bỏ mình mới có thể say mê Đức Kitô.  Điều này làm nên một sự thu hút mãnh liệt trong tương quan tình yêu.  Người ta không chỉ hiến thân vì tình yêu nhưng chính vì tình yêu kêu gọi sự hiến thân.  Như thế, không ai yêu mến Đức Kitô mà lại không yêu thập giá cuộc đời mình.
Để hiểu hơn về linh đạo Thập giá và cũng để kết thúc bài viết này, xin mời bạn cùng tôi suy niệm một lời cầu nguyện của Karl Rahner, một thần học gia nổi tiếng người Đức:
"Xin Đón Nhận Thánh Giá Đời Con
Lạy Cha, xin ban con điều khó hơn cả,
Đó là nhận ra thánh giá của con Cha,
Trong mọi nỗi khổ đau đời con,
Và ơn bước theo Con Cha trên đường thánh giá
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con
Nói lên lòng tin của con vào những lời hứa của Cha,
Đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khố.
Ước gì thánh giá trở nên mẫu gương cho con,
Là ánh sáng cho đêm tăm tối,
Nhờ  đó con không còn khổ đau,
Như một tai họa hay một điều vô lý,
Nhưng như  một dấu chỉ cho thấy
Con đang thuộc về Cha mãi mãi."
Paris ngày 30.11.2010
Lm. Viết Nam

Aucun commentaire: