24/12/11 thứ bảy tuần 4 mv
ca ngợi chúa là một hồng ân
“Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Dacaria, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri.” (Lc 1,67)
Suy niệm: Được đầy ơn Chúa Thánh Thần, ông Dacaria đã hát bài ca chúc tụng Thiên Chúa, loan báo rằng Con Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người và mang ơn cứu độ cho họ. Tự khả năng riêng của con người, Dacaria và cả chúng ta, không ai có thể cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa được. Thư Rôma đã xác định với chúng ta điều đó: “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả” (Rm 8,26). Bởi đó, được ca ngợi Thiên Chúa là một hồng ân.
Mời Bạn: Sự kiện “Vầng Đông viếng thăm dân Ngài” mà ông Dacaria tán tụng đã xảy ra cách đây 2000 năm và cứ mỗi độ Giáng Sinh về, chúng ta lại tưởng niệm mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người. Bầu khí của ngày chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh, cùng với những bài thánh ca, tạo nên một sắc thái đặc biệt khiến lòng người rộn lên niềm vui mong chờ ngày lễ Chúa Giáng Sinh. Thế nhưng, niềm vui phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn, làm cho tâm hồn mình như hoà quyện với bầu khí rộn rã khát mong Vầng Đông đến viếng thăm là thứ niềm vui từ trên ban cho. Niềm vui sâu xa tràn ngập tâm hồn và được bày tỏ qua hành động ấy chỉ được ban cho bạn qua tác động và phát xuất từ Chúa Thánh Thần.
Sống Lời Chúa: Cầu xin Chúa Thánh Thần mở trí mở lòng để chúng ta có thể ca ngợi Thiên Chúa qua mầu nhiệm Giáng Sinh.
Cầu nguyện: Hát kinh Chúa Thánh Thần.
25/12/11 chúa nhật
Chúa Giáng Sinh
đức giêsu, ngôi lời làm người
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14)
Suy niệm: Lời của Thiên Chúa đã tạo thành vạn vật hữu hình và vô hình. Lời ấy cũng theo sát lịch sử dân Chúa, thánh hóa, hướng dẫn và nâng đỡ dân Chúa. Tuy vậy, Thiên Chúa còn muốn bày tỏ sự liên đới và yêu thương với loài người hơn nữa, nên Lời của Ngài trở thành xác phàm để hiện diện giữa loài người. Lời của Thiên Chúa làm người chính là Chúa Giê-su. Nơi Chúa Giê-su, mọi điều Thiên Chúa muốn nói với con người được diễn đạt rõ ràng, xác thực, trọn vẹn và đem lại sự sống. Chúa Giê-su là Lời yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người đầy đủ nhất. Chính vì thế, Giáo Hội thờ kính Lời Chúa cách long trọng như thờ kính Thánh Thể Chúa, vì Lời Chúa là chính Ngài.
Mời Bạn: Lời của Chúa được cất lên sống động trong phụng vụ và trong những lúc tín hữu đọc Lời Chúa. Vì thế, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã kêu gọi mọi tín hữu chuyên cần đọc, lắng nghe, suy gẫm và sống Lời Chúa. Gia đình bạn và cá nhân bạn đã hưởng ứng lời mời gọi này thế nào? Bạn dành mỗi ngày bao nhiêu thời gian để lắng nghe Chúa nói với bạn? Nếu chưa, hôm nay bạn hãy bắt đầu, để Chúa Giê-su nói được lời của Ngài vào đôi tai bạn, dùng lời Ngài làm cho bạn thêm tình mến và ban Thần Khí Ngài để đôi tay bạn thực hành Lời Chúa.
Chia sẻ: Nói với nhau về kinh nghiệm lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa.
Sống Lời Chúa: Quỳ trước hang đá, nhìn ngắm Hài Nhi và đọc đoạn Tin Mừng hôm nay với niềm xác tín: Lời Chúa đã làm người nơi Đức Giêsu.
Cầu nguyện: Hát Hang Bê Lem: “Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời…”
26/12/11 thứ hai tuần bát nhật
Th. Têphanô, phó tế, tử đạo
tái hiện sự tha thứ
Họ ném đá Têphanô đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.” Rồi ông quỳ xuống kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ. (Cv 7,59-60)
Suy niệm: Thánh Têphanô là một thầy phó tế và là vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội. Ngài là người làm tái hiện sự tha thứ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên thánh giá. “Lấy ân trả oán” là phương châm hành động của thánh Têphanô. Không có cách trả thù nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Lấy bạo động để đáp lại bạo động, con người chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa hận thù và kích thích thêm bạo động mà thôi. Chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù. Têphanô đã làm như Chúa Giê-su đã làm: “Trên thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).
Mời Bạn: Chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất có thể cứu vãn được nhân loại: đó là cuộc cách mạng bằng yêu thương và tha thứ mà Chúa Giêsu đã đề ra. Chỉ có cuộc cách mạng tình thương ấy mới có thể tiêu diệt được hận thù. Đó là cuộc cách mạng mà người Kitô chúng ta cần phải đeo đuổi mỗi ngày. Thay vì tiêu diệt kẻ thù, chúng ta hãy tiêu diệt chính sự thù hận trong tâm hồn chúng ta.
Chia sẻ: Điều gì khiến bạn không thể tha thứ được?
Sống Lời Chúa: Hãy nói: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” mỗi khi bạn bị ném những viên đá vu vạ hay thêu dệt bịa đặt.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban ơn sức mạnh để con biết tha thứ cho người xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của con. Xin cho con biết nói lời tha thứ như thánh Têphanô mỗi khi con không muốn thứ tha. Amen.
27/12/11 thứ ba tuần bát nhật gs
Th. Gioan, tông đồ, tác giả sách Tin Mừng
tin mến chúa
“Người môn đệ Chúa yêu..., ông đã thấy và đã tin.” (Ga 20,2.8)
Suy niệm: Trong Phúc Âm thánh Gioan không có trình thuật nào về biến cố Chúa sinh ra. Vậy mà Giáo Hội lại mừng kính lễ thánh Gioan tông đồ ngay tuần bát nhật Giáng Sinh, và lại đọc cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng về sự Phục Sinh của Chúa. Nhờ đâu hai mầu nhiệm Nhập Thể-Cứu Chuộc nối kết với nhau? Thưa nhờ đức Tin và đức Mến. Chính Gioan đã viết trong thư của ngài: “Thần khí nào tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa” (1Ga 4,2). Mến tin mầu nhiệm Nhập Thể dẫn đến mến tin mầu nhiệm Phục Sinh. Hai nhân đức đối thần này bao phủ cuộc sống của Gioan. Quả thật, chính thấy lòng mến thúc đẩy Gioan chạy như bay đến mộ, và khi thấy ngôi mộ trống thì Gioan liền tin Chúa đã phục sinh. Nơi Gioan, tin dẫn đến mến, và mến củng cố tin thêm vững mạnh.
Mời Bạn: Gương tin mến của thánh Gioan mời gọi bạn kiểm tra lại lòng tin mến Chúa của bạn: đó không phải là một niềm tin chung chung và trên lý thuyết, nhưng là một lòng tin trở nên sống động nhờ lòng mến, được thể hiện qua toàn bộ cuộc sống của chính bạn.
Chia sẻ: Bạn có thể làm gì để thể hiện niềm tin yêu của bạn đối với Chúa, qua những người nghèo khổ, nhỏ bé, bất hạnh là hiện thân của Chúa Hài Đồng đói khát lạnh rét của ngày hôm nay?
Sống Lời Chúa: Tham dự thánh lễ và rước lễ hàng ngày mỗi khi có thể vì bí tích Thánh Thể vừa là mầu nhiệm đức tin, vừa là bí tích tình yêu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con noi gương tin mến của thánh Gioan để lòng tin mến đó thúc đẩy và định hướng cuộc đời kitô hữu chúng con.
28/12/11 thứ tư tuần bát nhật gs
Các Thánh Anh Hài
hài nhi xưa và nay
Bấy giờ, Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống. (Mt 2,16)
Suy niệm: Vua Hêrôđê, kẻ có quyền và đã lạm quyền. Giận các nhà chiêm tinh để rồi trút giận lên các sinh linh vô tội. Hằng trăm hài nhi phải chết để thoả mãn cơn giận của chỉ một con người. Chuyện thật vô lý, không thể chấp nhận. Đó là chuyện ngày xưa, thế nhưng bi đát thay, ngày nay vẫn còn đang tiếp diễn. Ngày xưa, chỉ xảy ra một lần. Ngày nay, nó lại đang xảy ra liên tục trên khắp cùng thế giới. Hằng ngày không thể đếm được bao nhiêu sinh linh đã bị con người tước đi quyền sống. Ngày xưa các hài nhi bị giết bởi tay bạo chúa xa lạ, còn ngày nay các thai nhi bị giết bởi tay người mẹ nhẫn tâm. Ngày xưa, các hài nhi vẫn còn một chút tiếng khóc để chống trả, còn ngày nay các thai nhi đành chết một cách thầm lặng, vô phương tự vệ.
Mời Bạn: Một con người dù có thế nào đi nữa, dù là tội lỗi, bệnh tật, hay chỉ là một phôi thai nhỏ bé, vẫn là hình ảnh của Chúa. Vì thế nó có phẩm giá cao trọng buộc người khác phải tôn trọng. Người ta sẽ đánh mất sự tôn trọng đó khi họ sống ích kỷ, chỉ biết riêng mình; vì lúc đó họ sẽ coi người khác như đồ vật phục vụ cho lợi ích của mình: khi nó trở thành bất lợi, họ sẽ vất bỏ, huỷ diệt nó, không thương tiếc. Phần bạn thì sao?
Sống Lời Chúa: Tích cực dấn thân trong các hoạt động bảo vệ sự sống và thai nhi trong giáo xứ của bạn.
Cầu nguyện: Nguyện xin Hài Nhi Giêsu soi sáng hướng dẫn mọi người ý thức được sự cao trọng của thiên chức làm cha làm mẹ, để họ biết chăm lo hoàn thành trọng trách nuôi dưỡng và giáo dục con cái nên người hữu dụng.
29/12/11 thứ năm tuần bát nhật gs
Th. Tôma Béckét, giám mục, tử đạo
ước mong thấy chúa
“Xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ.” (Lc 2,29-30)
Suy niệm: Một bà lão gặp vị linh mục và nói: Thưa Cha, con đã cầu nguyện rất nhiều, con chỉ mong thấy Chúa một lần là đủ cho con, nhưng Chúa chưa nhận lời. Ước mong đơn sơ của bà thật sự gói trọn niềm hy vọng của người kitô hữu; bởi cùng đích của cuộc đời chúng ta là gặp gỡ và kết hợp trọn vẹn với Chúa. Mặt khác, lời cầu xin đó cũng khiến chúng ta giật mình, bởi nhiều khi chúng ta tin Chúa Giêsu là Đấng cứu độ, nhưng cuộc sống của chúng ta lại không nói lên niềm trông đợi Chúa đến. Gương sống của cụ Simêon thật đáng để chúng ta noi theo: cụ chờ đợi Chúa không chỉ một vài “mùa Vọng” nhưng là suốt cuộc đời; cuộc đời công chính và sùng đạo, cụ để cho Chúa Thánh Thần hằng ngự và dẫn dắt; điều đặc biệt nữa đó là, cụ tin vào lời Thánh Thần linh báo. Và đến cuối đời, cụ đã được phần thưởng xứng đáng là ẵm Chúa Hài Đồng. Cụ đã thấy ơn cứu độ và chỉ xin được an bình ra đi.
Mời Bạn: Cụ già Simêon được diễm phúc thấy và ẵm Hài Nhi trên tay. Còn chúng ta, chúng ta có thể rước Chúa Thánh Thể vào lòng. Vấn đề là, chúng ta có sùng đạo và những ước mong thấy Chúa như cụ Simêon không?
Sống Lời Chúa: Mỗi tối trước khi ngủ, tôi hướng về Chúa và lặp lại lời của cụ Simêon: “Lạy Chúa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi, vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa! Đôi khi trong đời của con cũng được khơi lên khát vọng gặp Chúa, nhưng điều đó đến với con không liên lỉ, bởi vì con chưa sùng đạo và ước mong gặp Chúa như cụ Simêon. Xin giúp con hằng trông đợi Chúa trong suốt cuộc đời. Amen.
30/12/11 Thứ sáu tuần bát nhật gs
Lễ Thánh Gia
vì tình thương và sự sống
Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” (Mt 2,19-20)
Suy niệm: Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, ngay từ lúc mới là một mầm sống thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria đã phải đối mặt với biết bao nhiêu nguy cơ chết yểu. Thánh cả Giuse và Đức Maria đã làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ sự sống quí giá ấy dù phải trả giá rất đắt: đem Hài Nhi trốn sang Ai Cập chỉ vì Hài Nhi bị tìm giết, đem Hài Nhi trở về cũng vì “kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” Gia đình thánh gia chính là tổ ấm yêu thương nuôi dưỡng và bảo vệ cho mầm sống Giêsu lớn lên, hiến thân mình để trở nên nguồn sống vĩnh cửu cho muôn người.
Mời Bạn: Từ hình ảnh một thai nhi bị phá với hai bàn tay chắp lại, nhà thơ Xuân Vũ Trần Đình Ngọc viết lên những vần thơ chan hoà nước mắt:
“Con nằm đây, hai tay chắp, khẩn cầu
… lạy Mẹ Cha trăm ngàn lạy nữa
Hãy để con… cho con được sinh ra!
Gia đình ngày nay lắm khi không còn là nơi vun đắp tình thương và bảo vệ sự sống; những sinh mạng con người vô tội bị truy lùng ngay từ khi còn trong trứng nước, và bị lôi ra khỏi lòng mẹ để bị tiêu diệt với sự đồng ý của chính những người là cha mẹ mình. Xin bạn đừng vô cảm, nhưng hãy dũng cảm gọi đó là một trong những tội ác lớn nhất mà con người đã từng phạm. Và mời bạn làm những gì tốt đẹp nhất để các gia đình, bắt đầu từ gia đình bạn, trở thành nơi của tình thương và sự sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con ước ao dâng hiến chính mình con để đền tạ biết bao tội ác con người đã làm xúc phạm đến sự sống.