dimanche 28 février 2010

Chủ nhật 2 Mùa Chay

“CHÚNG CON Ở ĐÂY” VÌ YÊU
“Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia... ông không biết mình đang nói gì.” (Lc 9,33)
Suy niệm: Bước vào trận chung kết bóng đá nam tại Sea Games 25, đội tuyển Việt Nam vẫn còn ngất ngây với chiến thắng đậm đà trong trận bán kết với Singapore. Niềm hy vọng vàng đã đến rất gần khi đội tuyển chỉ còn đá trận cuối với đội Malaysia vốn được coi là “dưới cơ.” Thế nhưng hương vị chiến thắng sớm cộng với áp lực phải thắng đã làm cho đôi chân các tuyển thủ trở nên “nặng” và giấc mơ vô địch lại một lần nữa vụt tan biến. Có lẽ tâm trạng các môn đệ Chúa Giêsu cũng tương tự như thế khi chứng kiến Thầy mình hiển dung trên núi. Họ bỗng bị “cà lăm”: nói mà “không biết mình đang nói gì.” Họ bị choáng ngợp, muốn “bám trụ” trên núi để tận hưởng vinh quang của thần tính mà Ngài vừa hé lộ. Chúa thức tỉnh họ và “lôi” họ xuống núi với lời căn dặn “không được kể lại” những điều ấy cho đến khi “Con Người từ cõi chết sống lại” (Mc 9,9) vì Ngài sẽ phải “chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang” (Lc 24,26).
Mời Bạn: Ai đã từng ngất ngây cảm xúc khi ngọn lửa Năm Thánh được thắp lên tại Sở Kiện, lại không xót xa đau đớn khi cây thánh giá biểu tượng niềm tin Kitô bị triệt hạ ở Đồng Chiêm? Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đừng bỏ dở dang con đường thập giá mà Ngài kêu gọi chúng ta bước theo. Đã muốn ở lại với Ngài trên núi thánh thì cũng phải vác thập giá đi theo Ngài
Sống Lời Chúa: Lặp lại lời tâm niệm: “Con ở đây để yêu mến thánh giá Chúa”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con say mê thánh giá Chúa để cũng được chung hưởng vinh quang với Ngài.

Thứ Bảy tuần 1 MC

AI LÀ “KẺ THÙ”?
“Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,45)
Suy niệm: “Kẻ thù” là bất cứ ai chống lại ta, và dùng bất cứ phương tiện gì, nhằm làm hại, tiêu diệt, vô hiệu hoá ta. Nói rộng ra kẻ thù là những người khác ý với ta, những người mà ta cảm thấy khó ưa, không muốn nhìn thấy mặt họ, không giết được thì xoá sổ họ khỏi tâm trí mình. Thế mà Chúa Giêsu nói với ta: Hãy yêu họ! Một mệnh lệnh không hề đơn giản! Nhưng đó lại là đặc điểm để nhận biết “con cái của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời” bởi vì chính Ngài là Con Chí Ái của Chúa Cha đã “yêu chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân,” nghĩa là khi chúng ta còn là kẻ thù của Thiên Chúa; và cũng bởi vì khi chịu treo trên thập giá để đền tội chúng ta, Ngài đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài. Yêu kẻ thù: Một hành động thật điên rồ! Nhưng chính sự điên rồ ấy làm chúng ta nên giống Thầy chí thánh của chúng ta.
Mời Bạn: Sở dĩ chúng ta khó, thậm chí không thể yêu “kẻ thù” vì ta đứng vào thế đối lập “không đội trời chung” với họ: chúng ta nghĩ rằng phải tiêu diệt họ, dù chỉ “giết người trong mộng” thì mình mới tồn tại được. Đối lại, để yêu, hãy đặt họ vào vị trí của những người bạn, những người mà ta phải “chết đi để họ được sống và sống dồi dào” – như Thầy Giêsu đã làm.
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm xem đối tượng nào đang là “kẻ thù” của bạn. Làm một việc thể hiện sự quan tâm của bạn muốn đem lại điều tốt đẹp cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trên thập giá Chúa đã tiêu diệt sự thù ghét. Xin cho con biết vác thập giá với Chúa để cùng Chúa tiêu diệt kẻ thù bằng cách yêu mến họ như bạn hữu. Amen.

jeudi 25 février 2010

Tĩnh Tâm Mùa Chay trên Internet

Đây là năm thứ tám liên tiếp, anh em tu sĩ Dòng Đaminh có tu viện tại Lille, Miền Bắc nước Pháp, giới thiệu một « cuộc tĩnh tâm trong Thành Phố » được diễn ra bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro, ngày 17 tháng hai đến hết ngày 4 tháng tư với chủ đề: « Chân lý sẽ giải thoát anh em ».

Đó là một cuộc tĩnh tâm Mùa Chay được giảng trên internet. Năm ngoái hơn 27.000 người đã tham gia. Ghi danh miễn phí và được thực hiện tại địa chỉ: www.retraitedanslaville.org.

Ba đường hướng được giới thiệu: những bài nguyện gẫm hàng ngày được nhận qua email hay tra cứu trực tiếp trên trang mạng; cầu nguyện bằng lời ca tiếng hát của các anh em tu sĩ Dòng Đaminh tại Lille, cũng được tra cứu trên trang mạng; ngoài ra tại địa chỉ trang điện tử « tĩnh tâm trong Thành Phố » còn có thể đặt những câu hỏi thiêng liêng với một nữ tu hay một nam tu sĩ, hoặc để lại những ý chỉ cầu nguyện.

Mục đích của sáng kiến này, theo các nhà tổ chức, là để tiếp cận với những người thuộc mọi hoàn cảnh, lại vừa tạo điều kiện cho họ sống Mùa Chay ngay tại văn phòng, tư gia, hay cả khi di chuyển trong các phương tiện giao thông công cộng…lại vừa khai thác triệt để khả năng đem lại của internet, để làm nên một không gian đích thực cho việc Phúc Âm hóa qua đó vị trí Lời Chúa hiện diện ở mọi nơi chốn ».

Trong số những điều mới mẻ của năm nay 2010, anh em tu sĩ Đaminh cho biết còn có sự tham dự của các nữ tu dòng kín Đaminh thuộc đan viện Beaufort, vùng Bretagne. Các nữ tu này sẽ đảm nhiệm một tuần tĩnh tâm với những bài suy niệm và những buổi cầu nguyện.

Hơn nữa, những người tham gia tĩnh tâm sẽ khám phá trực tuyến mỗi Chúa Nhật mục truyện tranh Kinh Thánh được thực hiện bởi các tác giả Công Giáo. Cách thức đặc thù này nhằm trợ giúp cho việc đọc và suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật.

Sau cùng, mục « Hãy dạy chúng con cầu nguyện » đề xuất mỗi tuần khám phá cầu nguyện tại một nơi chốn bất chợt nào đó ngay trong các sinh hoạt hàng ngày.

Để quảng bá cho cuộc « Tĩnh tâm trong Thành Phố » 2010, anh em tu sĩ Dòng Đaminh đề nghị xem một đoạn phim ngắn tại địa chỉ:

http://www.dailymotion.com/video/xc3rgy_retraite-dans-la-ville-2010_creation

Thứ Sáu tuần 1 MC

LÀM HOÀ TRƯỚC ĐÃ
“Hãy để của lễ lại đó, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,24)
Suy niệm: Cuộc chiến ở Trung Đông, những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hay nạn khủng bố nổ bom tự sát đó đây làm nhiều người lo lắng, các nhà lãnh đạo bóp trán tìm giải pháp, bởi vì chúng đe doạ đến cuộc sống của nhiều người; bởi vì ai lại chẳng mong muốn một cuộc sống yên hàn, an cư lạc nghiệp! Người ta dễ chú ý đến những “chuyện lớn” như thế, còn những mâu thuẫn bất hoà, xích mích giữa các cá nhân lại cho là “chuyện nhỏ” không đáng nói tới. Đối với Chúa Giêsu, chuyện hàn gắn mối dây thân ái với anh em việc ưu tiên hàng đầu và phải làm ngay. Còn gì cao quí cho bằng đi lên đền thờ dâng của lễ cho Thiên Chúa, vậy mà Chúa bảo nếu khi dâng lễ mà thấy người anh em có mối bất hoà với mình, phải đi làm hoà trước. Điều đó có nghĩa là sống hoà thuận với anh em là điều kiện tối cần thiết mà nếu không có nó, việc thờ phượng và hiệp thông với Chúa sẽ không còn ý nghĩa.
Mời Bạn: Mâu thuẫn là chuyện thường tình và lành mạnh nếu đó là cơ hội làm sáng tỏ vấn đề hầu đi đến những giải pháp tốt đẹp hơn. Nhưng mâu thuẫn đưa đến đối nghịch, kình chống nhau lại là một tai hoạ nghiêm trọng vì làm mất hiệp thông và giảm suy sức mạnh truyền giáo. Cần có lòng đạo đức chân thật, tôn trọng lẫn nhau để có thể hoá giải những bất đồng và xây dựng cộng đoàn hiệp nhất yêu thương.
Chia sẻ: Chúng ta có dám nhìn thẳng vào những bất đồng để cùng nhau giải quyết hay chúng ta biến việc đó thành nguyên nhân gây đối nghịch và chia rẽ?
Sống Lời Chúa: Đưa ra sáng kiến hoà giải những bất đồng trong cộng đoàn.
Cầu nguyện: Hát kinh Hoà Bình.

mercredi 24 février 2010

Thứ Tư tuần 1 MC

NHẬN BIẾT SỨ ĐIỆP CỨU RỖI
“Quả thật, ông Giona đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)
Suy niệm: Tại Mêriba, bên mạch nước trổ ra từ tảng đá, dân Do Thái đã từng “thách thức Chúa dù đã thấy những dấu lạ Ngài làm” (x. Xh 17,7; Tv 94,8-9). Người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng mang não trạng thách thức đó. Dù Giona trở nên dấu lạ cho dân Ninivê nhưng nơi người Do Thái thì sứ điệp thống hối của ông lại không được nhận biết. Với Chúa Giêsu, không ít lần họ đòi Ngài làm một “dấu lạ từ trời” (Mt 16,1). Nhưng ngay từ đầu Chúa Giêsu đã khước từ cơn cám dỗ “làm phép lạ” này: “Có lời chép rằng: ‘Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi’.” (Lc 4,12). Mặc dù Ngài có làm những phép lạ như dấu hiệu chứng thực Ngài là “Đấng phải đến” (Mt 11,2-6), Ngài chỉ xác nhận dấu lạ Giona mới là lời tiên báo về Ngài là dấu lạ tối hậu, đó là cuộc tử nạn và phục sinh của chính Ngài để mang lại ơn cứu độ: “Quả thật, ông Giona đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy” (Mt 12,40).
Mời Bạn: Dấu lạ chỉ “lạ” khi người ta đón nhận sứ điệp cứu độ mà nó chuyển tải và hoán cải tâm hồn. Dấu lạ Giêsu Kitô có trở thành dấu lạ cho bạn chưa hay nói cách khác bạn có nhận ra sứ điệp yêu thương của Ngài qua những gì xảy đến trong cuộc đời bạn không?
Chia sẻ: Biến cố nào trở thành “dấu lạ” cho bạn? Mời bạn chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi suy niệm, bạn nhớ xin ơn hoán cải theo Lời Chúa dạy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vẫn làm những dấu lạ mỗi ngày. Xin mở cho con cặp mắt đức tin để nhận biết chúng.

Thứ Ba tuần 1 MC

Th. Pôlicácpô, giám mục, tử đạo
MỘT CHA CHUNG TRÊN TRỜI
“Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời…’ ” (Mt 6,9)
Suy niệm: Đan viện Nữ Cát Minh tại Giêrusalem trên núi Ô-liu có một ngôi nhà nguyện được xây dựng tại vị trí mà tương truyền Chúa Giêsu đã ngồi để dạy kinh Lạy Cha cho các môn đệ. Các bức tường của tu viện được dát bằng 140 tấm gốm sứ, trên mỗi tấm có khắc bản kinh Lạy Cha bằng một ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ra, tu viện còn sưu tầm được bản kinh này bằng 1642 thứ tiếng. Kinh Lạy Cha là lời tuyên ngôn rằng muôn dân trên khắp thế giới có chung một cha trên trời, là anh em một nhà với nhau, có thể nắm tay nhau chung một lời nguyện cầu cho những điều chung nhất mà mọi người không trừ ai đều mong mỏi, đều cần đến.
Mời Bạn: Kinh Năm Thánh 2010 là lời vọng lại của kinh Lạy Cha với những điểm nhấn: - chúng ta quyết tâm “xây dựng Giáo Hội Việt Nam thành một gia đình là con một Cha, là anh em một nhà”; - khi ước nguyện “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến” chúng ta xin cho “mọi người trên đất nước chúng con và cả thế giới đón nhận Tình Yêu cứu độ của Cha” để được “qui tụ trong Nước Cha, Nước Sự Thật và Sự Sống, Yêu Thương và An Bình;” - chúng ta xin Cha “thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót đối với Cha và mọi người… và giúp chúng con biết tránh xa tội lỗi…”
Chia sẻ: Năm Thánh 2010 là dịp nhắc nhở bạn thực hiện những điều bạn nguyện xin trong kinh Lạy Cha. Bạn đã bắt đầu thực hiện điều gì chưa?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, nhớ xin cho mình trở nên chứng nhân nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho anh chị em đồng bào.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

Thứ Hai tuần 1 MC

Lập Tông Tòa Thánh Phêrô
THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ
Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.” (Mt 16,15-16)
Suy niệm: Các nhà chú giải đã phải “vật lộn” với những mảnh bản văn cổ và các nguồn tài liệu khác nhưng cũng chỉ đưa ra được một chân dung mờ nhạt của “Đức Giêsu lịch sử” rất xa với một “Đức Giêsu của đức tin” mà các sách Tin Mừng loan báo. Trong lời nói đầu cho tác phẩm “Đức Giêsu thành Nagiarét” của mình, đức thánh cha Bênêđíctô XVI đã viết một cách xác tín rằng: “Sự hiệp thông của Đức Giêsu với Cha Ngài, đó chính là trung tâm của nhân cách của Ngài; không có sự hiệp thông đó chúng ta không thể nào hiểu nổi Đức Giêsu, và cũng chính từ trung tâm hiệp thông đó mà Ngài vẫn còn hiện diện với chúng ta cho đến ngày nay.” Các tông đồ chỉ có thể có được một khái niệm mờ nhạt về Thầy của mình nếu chỉ dựa vào những nhận định mơ hồ của dư luận. Để có thể thay anh em tuyên xưng một cách rõ ràng dứt khoát “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” Phêrô ắt phải nhận ra sự hiệp thông sâu xa của Thầy với Chúa Cha. Và để nhận ra điều này, Phêrô đã không dựa vào “xác thịt” nhưng đã được Chúa Cha mạc khải cho.
Mời Bạn: Thánh Phêrô sau khi thay mặt các tông đồ tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đã được Đức Giêsu đặt làm đá tảng trên đó Chúa thiết lập Hội Thánh của Ngài. Chúng ta cầu nguyện Đức Giáo Hoàng, vị kế nhiệm thánh Phêrô ở trần gian, cũng là cầu nguyện cho chúng ta tiếp tục sứ mạng chứng nhân cho Đức Giêsu Con Thiên Chúa hằng sống trong Hội thánh Chúa.
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha mỗi khi có dịp hành hương trong Năm Thánh này.
Cầu nguyện: Đọc kinh Năm Thánh.

vendredi 19 février 2010

CHÚA NHẬT TUẦN 1 MC – C

CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC ĐẠO
Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy truyền cho hòn đá này hóa bánh đi !” Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh.” (Lc 4,3-4)
Suy niệm: Cám dỗ đầu tiên ma quỷ tấn công Chúa Giê-su là một điều hết sức bình thường của cuộc sống: có một tấm bánh để ăn trong lúc đói lòng. So với hai cám dỗ tiếp theo về quyền lực và danh vọng thì có vẻ nó là chuyện “lẻ tẻ,” thế nhưng nó lại là cơn cám dỗ ghê gớm nhất. Những ai đã từng chịu đói, đã từng phải chạy đôn chạy đáo kiếm bữa cháo qua ngày sẽ thấy sự kinh khủng của cơn cám dỗ này. Vì miếng ăn, người ta có thể bán rẻ lương tâm, lường gạt bạn bè, cướp giật và thậm chí giết nhau. Chúa Giê-su đã chịu đựng cơn cám dỗ này sau một chuỗi dài 40 ngày nhịn đói và Ngài đã anh hùng chiến thắng nó với lời khẳng định: “Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh”. Lương thực của Ngài là “thi hành ý muốn Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).
Mời Bạn: Người ta vẫn thường nói: “Có thực mới vực được đạo”. Nhưng nhiều khi chúng mình chỉ lo cho phần ‘có thực’, nghĩa là chỉ lo cho việc ăn uống nuôi thân xác, mà quên mất việc ‘được đạo’, nghĩa là nuôi sống phần hồn bằng Lời Chúa, bằng đời sống đạo sốt sắng và sống theo tinh thần Tin Mừng của Chúa.
Sống Lời Chúa: Lấy Lời Chúa “Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh” làm châm ngôn sống đạo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, những cơn cám dỗ thỏa mãn thân xác vẫn đến và muốn đánh ngã con mỗi ngày. Xin giúp con sức mạnh để vượt thắng chúng bằng việc bớt chăm sóc thân xác nhưng quan tâm lo lắng đến phần hồn nhiều hơn. Amen.

THỨ BẢY SAU LỄ TRO

BIẾT MÌNH CẦN ĐẾN LƯƠNG Y
“Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” (Lc 5,31)
Suy niệm: Giới thu thuế bị đại chúng Do-thái chê ghét, khinh bỉ vì họ là quan chức tay sai của Đế quốc Rôma xâm lăng và –cũng dễ hiểu thôi– bị coi là có “lem nhem” trong vấn đề tiền nong. Họ bị liệt chung với hàng tội lỗi, và do đó họ trở thành những người bị loại trừ bởi vì ai tiếp xúc với họ thì cũng bị kể là dơ bẩn. Chúa Giêsu giống như vị lương y, chữa bệnh chứ không giết người bệnh; Ngài đến để tiêu diệt tội lỗi chứ không loại trừ con người tội lỗi; trái lại, Ngài dành cho họ một tấm lòng thương xót, khoan dung và tha thứ. Cách cư xử đầy tình yêu thương của Chúa làm cho Lê-vi, trùm thu thuế, đã quyết định cải thiện đời sống. Đây là một cuộc thay đổi tận căn: ông đứng dậy bỏ lại tất cả sau lưng và bước đi theo Chúa. Không phải lời lên án nghiêm khắc mà là nhờ tấm lòng thương xót khoan dung của Chúa mà Lêvi và các bạn biết mình là bệnh nhân cần đến lương y, biết mình là người tội lỗi cần được tha thứ.
Mời Bạn: Chúa hôm nay vẫn tiếp tục hiện diện và cứu chữa, bạn có nhận ra ơn đó không? Bạn có nhận ra tình trạng bệnh tình của mình mà đến với Vị-Lương-Y nhân từ để được chữa lành không?
Chia sẻ: Chia sẻ những lần bạn được Chúa chữa lành những thương tích trong đời của bạn với người bạn thân.
Sống Lời Chúa: Xét mình về thái độ cư xử của tôi với mọi người, tôi có loại trừ ai ra khỏi đời tôi không? Tôi có giúp những người ‘bệnh’ có dịp để Chúa chữa lành không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, tình yêu Chúa bao bọc tất cả mọi người, xin cho con biết quảng đại đối với tất cả những người con gặp trong đời. Amen.

jeudi 18 février 2010

THỨ SÁU SAU LỄ TRO

CHỈ ĐỂ CHÚA NHÌN MÀ THÔI!
“Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mt 9,14)
Suy niệm: Phật giáo dạy ăn chay ít là những ngày rằm, mồng một âm lịch, bằng cách là kiêng những thức ăn có nguồn gốc động vật. Tín đồ Hồi giáo giữ chay suốt tháng Ramadan (bắt đầu từ ngày 13/9 dương lịch). Trong cả tháng này, không được ăn, uống, hút thuốc… nhưng chỉ ban ngày. Thậm chí người không theo tôn giáo nào cũng có thể ăn chay (kiêng ăn, hoặc kiêng ăn thịt…) vì lý do sức khoẻ, thẩm mỹ, v.v… Thế nên, việc ăn chay cũng mang nhiều ý nghĩa mà không phải bao giờ cũng mang giá trị tôn giáo, đạo đức. Chúa Giêsu lên án việc ăn chay theo kiểu người Pharisêu “làm bộ rầu rĩ,… thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6,16). Ngài nhấn mạnh tới ý nghĩa tôn giáo chiều sâu của việc ăn chay là tấm lòng khao khát Thiên Chúa: chỉ vì làm vui lòng “chàng rể” là Đức Kitô, chỉ để cho Thiên Chúa là “Cha, Đấng thấu suốt nơi kín ẩn”, nhìn thấy và khen thưởng mà thôi.
Mời Bạn: Bạn có cảnh giác không để tinh thần thế tục len lỏi vào các việc đạo đức bạn làm khiến chúng mất đi tính cách đạo đức, khiến lòng khao khát Chúa nơi bạn bị khô cằn đi không?
Chia sẻ: Cách ăn chay mà Chúa muốn khác với các cách ăn chay theo kiểu người đời ở điểm nào?
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, bạn gia tăng hy sinh (không hút thuốc, hay không ăn quà vặt,…) để dành tiền góp vào quĩ người nghèo của giáo xứ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu! Con khao khát Chúa. Xin giúp con biến lòng khao khát đó thành những việc hy sinh hãm mình để góp phần xoa dịu những nỗi đau khổ của những anh chị em lâm cơn khó khăn hoạn nạn. Amen.

mercredi 17 février 2010

THỨ NĂM SAU LỄ TRO

THẬP GIÁ HÔM NAY
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)
Suy niệm: Điều kiện trở nên môn đệ của Chúa là phải vác lấy thập giá, không phải một lần mà là hằng ngày, chẳng phải bất cứ thập giá nào mà là thánh giá của Chúa, bởi Chúa sẵn sàng chia sẻ gánh nặng thập giá của Ngài cho Simon và những ai muốn nên một với Ngài. Đối với Simon, thập giá Chúa muốn ông vác quá cụ thể, sờ sờ trước mắt ông, với bao nhục nhằn giữa tiếng cười cợt đắc thắng của đám đông. Với ông, chấp nhận thập giá là chấp nhận liên lụy với Giêsu. Với Phêrô, khi không thấy thập giá cụ thể của Chúa phải chịu, Phêrô đã từng mạnh tiếng sẵn sàng chết vì Thầy, không vấp ngã vì Thầy; nhưng khi chứng kiến, ông đã chối từ!
Mời Bạn: Chúa Giêsu hôm nay đang mang thánh giá trên thân thể của Ngài là Giáo hội. Thánh giá đó là những đau khổ của những con người đang cơn khốn cùng, cụ thể tại Đồng Chiêm và các nơi đang bị đối xử bất công. Thánh giá đó còn là nỗi cô đơn trong tâm hồn của những người tín hữu đang bị thách thức vì sự hững hờ của các chi thể khác. Chúa Giêsu mời bạn vác lấy thánh giá của Ngài.
Chia sẻ: Đâu là những thánh giá Chúa đang mang hôm nay trên thân thể Người là Hội Thánh?
Sống Lời Chúa: Dành một buổi đọc kinh chung cầu nguyện cho những anh chị em đang bị khốn khổ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang sống và đang mang lấy thánh giá trên thân mình của Chúa là Hội Thánh. Xin cho con nhận ra gánh nặng thánh giá Chúa đang chịu và anh chị em con đang chịu. Xin cho con dám ghé vai chia sẻ gánh nặng của Chúa hôm nay.

mardi 16 février 2010

THƯ TƯ LỄ TRO

SỐNG THẬT TRƯỚC MẶT CHÚA
“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,4b)
Suy niệm: Cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ là ba việc đạo đức, mà Giáo Hội là Mẹ luôn nhắc bảo con cái mình tích cực thi hành, đặc biệt trong Mùa Chay. Với chút tro được rắc trên đầu, người tín hữu được mời gọi ý thức về thân phận mình chỉ như tro bụi mà thôi: mong manh lắm, yếu đuối lắm. Thế nên, những sai sót, lỗi lầm là điều mà dường như con người không thể tránh khỏi. Ngay cả những việc vẫn được coi là đạo đức, cũng có thể bị mất hết giá trị siêu nhiên vì những ý hướng, động cơ lệch lạc. Thay vì làm những việc đó vì lòng yêu mến Chúa, vì lòng bác ái với tha nhân, thì con người đã dùng nó làm cách thế để đề cao mình. Con người quên rằng, Thiên Chúa là Đấng thấu suốt những gì kín đáo nơi con người.
Mời Bạn: Sống trên đời, chắc chắn, không ai thích điều gian dối. Trái lại, ai cũng thích điều thật, lẽ ngay. Vậy nếu như con người còn muốn điều chân thật, thì Thiên Chúa, Đấng là Chân Lý, chẳng lẽ Người lại không muốn điều đó sao? Khôn ngoan của con người là sống thật trước mặt Chúa và người khác.
Chia sẻ: Bạn đã từng thực hành những việc đạo đức trong đời sống mình. Vậy bạn đã làm với tâm tình và ý hướng thế nào?
Sống Lời Chúa: Mỗi lần bạn làm một việc đạo đức, bạn nhớ thưa thầm với Chúa: Lạy Chúa, con làm việc này vì yêu mến Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, là con người yếu đuối, chúng con rất dễ sa vào thói đời là thích khoe khoang, “làm nổi” trước mặt người khác, ngay cả khi làm những việc đạo đức. Xin Chúa giúp chúng con biết sống thật với Chúa và mọi người. Amen.

lundi 15 février 2010

Thứ Ba tuần 6 TN

Mồng Ba Tết – Thánh hoá công ăn việc làm
CÀY CẤY VÀ CANH GIỮ ĐẤT ĐAI
“Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,21)
Suy niệm: Con người sống thì phải “làm ăn”: Có làm thì mới có ăn! Đó không chỉ là mối lo toan của con người mà chính Thiên Chúa cũng quan tâm đến chuyện làm ăn của thụ tạo của Ngài. Chúa tạo dựng và giao cho con người nhiệm vụ “cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Trong bối cảnh xã hội thời Chúa Giêsu, nhiệm vụ ấy mang màu sắc “kinh doanh”: tài nguyên của vũ trụ này như những nén bạc của chủ giao cho gia nhân để sinh lời. Lao động, theo thánh ý Chúa, không chỉ để no cơm ấm áo, mà còn để làm rạng danh Chúa và mở rộng Nước Trời ngay tại trần thế và để cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Tuỳ theo ân huệ Chúa ban, mỗi người đều có trách nhiệm làm lợi cho Chúa. Ngược lại, nếu lao động chỉ để sản xuất thật nhiều để hưởng thụ ích kỷ thì không phải là xây dựng nước Chúa. Và tệ hơn nữa, nếu lao động dẫn đến khai thác, bóc lột thiên nhiên một cách vô trách nhiệm, làm cạn kiệt và huỷ hoại môi trường thì đó càng không phải là canh giữ đất đai, không phải là cộng tác vào công trình sáng tạo của Chúa.
Chia sẻ: Cách làm ăn nào hiện nay đang đi ngược với ý muốn của Chúa khi Ngài sáng tạo vũ trụ này?
Sống Lời Chúa: Luôn xem xét việc tôi làm ăn có gây bất công cho tha nhân và làm tổn hại môi trường hay không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa thánh hoá công việc con sẽ làm trong suốt năm nay, để mọi việc con làm trong năm mới này góp phần phục vụ tha nhân và làm rạng danh Chúa.

dimanche 14 février 2010

Thứ Hai tuần 6 TN

Mồng Hai Tết – Kính nhớ ông bà tổ tiên
HÃY THỜ CHA KÍNH MẸ
“Hãy thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. ” (Mt 15,4)
Suy niệm: Bé Yaoyao mới 8 tuổi ở Bắc Kinh, mới đây đã gây xôn xao dư luận. Khi cô giáo ra bài tập yêu cầu cho biết em ước mơ gì trong ngày đầu năm mới, bé Yaoyao đã vẽ một bàn tay to của người cha nắm lấy bàn tay bé nhỏ của một cô bé với chú thích: “Em muốn bố em bị ốm suốt đời.” Tưởng rằng em bị bố lạm dụng hay bạo hành, cô giáo lập tức mở cuộc điều tra. Bé cho biết bố quá bận rộn đến nỗi không bao giờ ở bên em chỉ trừ khi bị ốm; đó là thời gian mà bé hạnh phúc nhất (Theo tintuconline, 12/01/10). Niềm hạnh phúc gia đình hoà thuận đoàn tụ là dòng sữa nuôi con người lớn lên thành một nhân cách trưởng thành hoàn hảo. Trong văn hoá Á Đông, mối giây liên kết đó còn mở rộng đến các bậc ông bà tổ tiên tuy đã khuất núi nhưng vong linh như vẫn còn hiện diện với con cháu. Sự hiện diện linh thiêng ấy được cảm nghiệm rõ ràng hơn cả trong những ngày đầu năm mới. Giáo hội dành ngày mồng hai tết, hướng về lòng tôn kính ông bà tổ tiên, nhắc nhở người kitô hữu sống trọn vẹn đạo hiếu, không chỉ để bảo tồn tinh hoa văn hoá dân tộc mà còn thăng hoa nó như một giới răn Chúa truyền dạy.
Mời bạn: Những giá trị truyền thống của gia đình đã từng làm nền tảng đạo lý cho xã hội Việt Nam từ bao đời nay, giờ đây đang bị lung lay bởi nếp sống gọi là “văn minh hiện đại”. Gia đình bạn có đang là “nạn nhân” của “thảm trạng” đó không? Đạo hiếu nơi bạn có quá “thiêng liêng” khiến cho không ai có thể thấy và được đánh động để noi theo không?
Sống Lời Chúa: Cả gia đình tề tựu đọc kinh tạ ơn Chúa và thắp hương cầu nguyện cho ông bà trong ngày đầu năm.
Cầu nguyện: Đọc kinh Gia Đình.

Chủ nhật 6 TN C

Mùng Một Tết – Cầu bình an Năm Mới
ĐÂU LÀ PHÚC THẬT?
Đức Giêsu nói: “Phúc cho ai nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Lc 6,20)
Suy niệm: Ngày Mùng Một Tết Canh Dần năm nay lại đặc biệt trùng với ngày lễ hội tình yêu Valentine. Quả là “đông tây hội ngộ,” những lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho nhau ắt là tăng gấp đôi trong dịp trùng phùng này. Và phải chăng trong năm mới này hay ít là trong ngày hôm nay mọi người sẽ tràn trề hạnh phúc? Trong bối cảnh đó, những mối phúc mà Chúa Giêsu hứa cho chúng ta thật “sốc” và thật khác người. Người ta sợ nghèo, sợ đói, thì Chúa lại coi đó là Phúc. Người ta đổ xô đi làm giàu thì Chúa gọi là họa! Lời này quá chói tai trong bầu khí rộn ràng như hôm nay! Thế nhưng những lời khó nghe đó lại là Lời thật “nặng ký,” hướng chúng ta đến một cái nhìn tầm xa xuyên suốt thực tại cuộc sống đời này để thấu cảm được nguồn hạnh phúc vĩnh cửu ở đàng sau cuộc đời này nữa.
Bạn ơi, chúng mình đang bị chao đảo giữa những xu hướng của thế giới hiện đại, đó là lối sống thực dụng, tiện nghi, chủ nghĩa duy cá nhân, hưởng thụ. Phải chăng vì thế mà chúng mình thích chọn những giải pháp dễ dãi mà “chán” nói đến chuyện hy sinh? Để chữa trị căn bệnh thời đại đó, Chúa cho chúng ta phương thuốc Tám Mối Phúc Thật, đó là chọn Chúa và giáo huấn của Ngài làm chuẩn mực cho cuộc sống. Chọn Ngài ta sẽ sống tinh thần siêu nhiên thay cho óc thực dụng; chọn Ngài, ta sẽ dám từ bỏ hưởng thụ ích kỷ để hy sinh, phục vụ cách vô vị lợi; chọn Ngài, ta sẽ chê ghét tội lỗi và thêm lòng yêu mến Chúa.
Sống Lời Chúa: Cắt giảm chi tiêu lãng phí để chia sẻ cho người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin chọn Chúa làm mục đích và là tất cả hướng sống của con trong năm mới này.

vendredi 12 février 2010

Thứ Bảy tuần 5 TN

GIỮ TRỌN LỜI THỀ KHI BẺ BÁNH
Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. (Mc 8,6)
Suy niệm: Nhà văn Quyên Di khi suy niệm về việc Chúa Giêsu “bẻ bánh” đã kể lại sự tích “Đồng Tiền Vạn Lịch” trong ca dao. Ngày xưa, các đôi nam nữ lấy đồng tiền kẽm bẻ làm đôi, mỗi người giữ một nửa, thề rằng khi nào hai người nên duyên vợ chồng chung sống với nhau, như hai mảnh đồng tiền ráp lại thành một đồng tiền trọn vẹn lúc đó họ mới trọn vẹn hạnh phúc. Từ chuyện “bẻ tiền” đến chuyện “bẻ bánh”: Chúa Giêsu không chỉ bẻ đôi tấm bánh, làm phép lạ cho dân chúng ăn no nê; Ngài còn bẻ tấm bánh trong bữa Tiệc Ly để biến nó thành Mình Ngài, để con người ăn và được sống và sống dồi dào. Trong tấm bánh được bẻ ra đó, Ngài trao thân gửi phận cho chúng ta để giữ trọn lời thề “ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.”
Mời Bạn: Cử chỉ bẻ bánh của Chúa Giêsu đã trở thành cử chỉ hết sức thân thương: Các môn đệ nhận ra Ngài và nhận ra nhau mỗi khi cử hành “lễ bẻ bánh.” Bắt chước Chúa Giêsu, bạn hãy “bẻ đôi tấm bánh đời” để muôn người được “no nê” và sống vui với tình hiệp nhất trong tình thương Thiên Chúa.
Chia sẻ: Không chỉ bố thí của dư thừa mà còn biết giảm bớt lợi nhuận để góp phần bảo vệ môi trường, đó chính là cách “bẻ một góc đồng tiền” thời nay để chia sẻ với những người nghèo thời nay. Bạn có suy nghĩ gì về ý tưởng đó?
Sống Lời Chúa: Luôn trích một chút từ khoản chi tiêu hằng ngày dành riêng để sẵn sàng chia sẻ cho người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trên Thập giá Chúa đã bẻ tấm bánh và hiến trao cho chúng con. Xin cho cuộc đời của chúng con trở nên tấm bánh tình yêu, bẻ ra và hiến trao muôn người.

jeudi 11 février 2010

Thứ Sáu tuần 5 TN

QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC GIÊSU
Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả.” (Mc 7,37)
Suy niệm: Một số học giả nhận xét dân ta có tinh thần tôn giáo cao độ nhưng đồng thời cũng pha lẫn óc thực dụng. Điều đó được thể hiện qua nét tâm lý thường tình: mỗi khi có những “sự cố, vấn đề” đụng chạm đến cuộc sống như bị bệnh hoạn tật nguyền chẳng hạn, thì “hữu sự vái tứ phương”, thầy thuốc nào cũng chạy chữa, thần phật nào cũng cúng vái, đền chùa nào cũng khấn xin. Dân Do Thái cũng mang tâm trạng đó: có ai đau ốm tật nguyền đều đem đến Chúa Giêsu mong được chữa lành. Phúc Âm Máccô ghi lại tâm trạng “kinh ngạc” kèm theo lời tán tụng: “Ngài làm việc mọi việc đều tốt đẹp” như một lời vang vọng từ sách Sáng Thế: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài tạo dựng đều tốt đẹp.” Hiểu được điều này chúng ta mới nhận thấy Chúa Giêsu chứng tỏ thần tính của mình khi Ngài thực thi sứ vụ cứu thế như một cuộc sáng tạo mới: Ngài không chỉ chữa lành thân xác, cứu giúp những nhu cầu thể chất mà còn phục hồi con người toàn diện và biến đổi họ thành con người mới trong Nước Thánh Tẩy.
Mời Bạn: Hãy nhìn lên thập giá để tìm gặp “Đấng chữa lành”, nơi đó, chúng ta gặp được Đức Kitô, Đấng có khả năng chữa lành những thương tích, đặc biệt là những thương tích do tội lỗi gây ra là tiêu huỷ nơi chúng ta cuộc sống đời đời với Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Tiếp tục “những việc tốt đẹp của Thiên Chúa” bằng việc phục vụ nhằm nâng cao phẩm giá con người nhất là nơi người nghèo, bị bỏ rơi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con góp phần bày tỏ vinh quang của Chúa qua những công việc bác ái yêu thương của chúng con với anh em đồng loại.

mercredi 10 février 2010

Thứ Năm tuần 5 TN

Đức Mẹ Lộ Đức
LÒNG TIN CỦA MẸ
“Người bảo gì, các anh cứ làm theo.” (Ga 2,5)
Suy niệm: Trong thông điệp cuối cùng của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II về Thánh Thể “Ecclesia de Eucharistia,” ngài xưng tụng Đức Mẹ là “Người Nữ Thánh Thể.” Giữa Mẹ và bí tích này có mối giây liên kết sâu xa, khiến Mẹ trở nên mẫu gương về lòng tin cho Giáo Hội, cho mọi tín hữu. Câu chuyện Tin Mừng về phép lạ tại Cana cho thấy niềm tin tuyệt đối của Mẹ khi bảo các người giúp việc: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo.” Mẹ như muốn bảo ta: Đừng do dự, hãy tin vào những lời của Con Mẹ. Người có thể biến nước thành rượu ngon, thì cũng có thể biến bánh và rượu trở nên Thịt và Máu Người. Lời của Mẹ có âm hưởng trong lời của Chúa Giêsu sau này, khi lập bí tích Thánh Thể: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Ta cũng nhận thấy âm hưởng lời Fiat-Xin Vâng của Mẹ trong hồi truyền tin với lời đáp Amen của ta khi rước Thánh Thể. Cả hai lời trên đây của Mẹ đều khích lệ niềm tin của ta, và mời gọi ta mở lòng đón Chúa ngự vào.
Mời Bạn: “Đây là mầu nhiệm đức tin”: Thánh Thể là bí tích của niềm tin. Chỉ khi bạn và tôi biết tham dự cử hành này với niềm tin, thì bí tích Thánh Thể mới thật sự hữu ích cho đời sống.
Chia sẻ: Hôm nay là ngày quốc tế cầu nguyện cho các bệnh nhân. Hơn ai hết, họ là những người cần được nâng đỡ đức tin trong cơn thử thách của bệnh tật. Bạn, cộng đoàn bạn có hoạt động gì để đồng cảm, đồng hành với những anh chị em đang đau khổ đó?
Sống Lời Chúa: Dành thời giờ thăm một bệnh nhân, cầu nguyện cho họ, nâng đỡ niềm tin của họ. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng con. Amen.

mardi 9 février 2010

Thứ Tư tuần 5 TN

Th. Scolastica, trinh nữ
TỐT GỖ HƠN TỐT NƯỚC SƠN
“Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,20)
Suy niệm: Một trong những điều dân miền quê, miền núi lo ngại nhất đối với nơi ‘an cư’ của họ, đó chính là: mối. Không từ một súc gỗ nào, không ngại một ngóc ngách nào, hễ loại cây gì có thể ăn được thì chúng xơi tái. Ngặt một nỗi người trong nhà không ai hay biết gì, vì nhìn bên ngoài cây gỗ còn ngon lành và mới mẻ lắm. Thế nhưng chỉ cần một thời gian ngắn thôi cây gỗ tự dưng rớt xuống, bấy giờ gia chủ mới hay: mối đã đục rỗng bên trong hết rồi. Nơi con người cũng vậy, nhìn bên ngoài ai biết tâm địa bên trong thế nào: “Sông sâu còn có kẻ dò; nào ai bẻ thước mà đo lòng người”. Lối sống hình thức hào nhoáng và tính tự ái sĩ diện làm người ta trau chuốt những cái bên ngoài mà quên rằng chính những đam mê dục vọng, những âm mưu và toan tính tội lỗi làm cho con người ra xấu xa, chúng như loài mối đục khoét từ bên trong, để rồi một ngày kia bừng con mắt dậy thấy mình đã lún sâu trong tội lỗi tự bao giờ. Thật là nguy hiểm!
Mời Bạn: Bạn có phát hiện thấy mình đang bị ‘mối tội lỗi’ làm hư hoại không, hay Bạn cũng như gia chủ trên kia: mình vẫn còn đạo đức và tốt lành? Cũng như loài mối, những tội lỗi bị che đậy phát triển rất nhanh chóng. Để khử trừ chúng, bạn có cách: - kiểm điểm đời sống cách nghiêm túc; - siêng năng đến với bí tích hoà giải.
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và siêng năng lãnh nhận bí tích hoà giải không đợi đến ngày lễ lớn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một lương tâm trong sáng, để con có thể nhìn mọi sự trong vẻ đẹp thanh cao của chúng. (Epphata)

lundi 8 février 2010

Thứ Ba tuần 5 TN

THỜ PHƯỢNG CHÚA THEO CÁCH CHÚA MUỐN
“Dân này tôn kính ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” (Mc 7,6-7)
Suy niệm: Trong một vở kịch của G. Marcel, chị vợ dự định tặng cho chồng món quà sinh nhật là một đôi giày thật đẹp. Chẳng may anh chồng bị tai nạn phải cưa mất đôi chân. Chị vợ vẫn nhất quyết giữ ý định cũ của mình bất chấp giờ đây chồng mình không còn chân để đi giày nữa. Đôi giày thay vì là một món quà đem lại niềm vui hạnh phúc thì lại trở thành một sự xúc phạm nặng nề. Cách giữ luật theo kiểu người Pharisêu cũng thế. Thay vì thờ phượng Chúa bằng cuộc sống “công bình, nhân ái và thành tín” như Ngài mong muốn (Mt 23,23) thì họ chỉ dành cho Ngài những lời lẽ ngoài môi miệng và tuân giữ “những giới luật phàm nhân.” Như thế không phải là xúc phạm nặng nề đến Chúa hay sao?
Mời Bạn: Chúng ta có thực sự thờ phượng Chúa đúng như lòng Chúa mong muốn không? Chúng ta không thiếu những nghi lễ long trọng nhưng chúng ta đã sống công bình và nhân ái chưa? Liệu chúng ta đã đồng cảm với những người khổ đau, nghèo đói? Liệu chúng ta đã bênh vực, chia sẻ với những người đang chịu bất công, bị loại bỏ bên lề xã hội? Nếu chưa sống như thế, chúng ta mới chỉ thờ Chúa ngoài môi miệng, chưa đúng như lòng Chúa mong muốn.
Sống Lời Chúa: Xem-xét-và làm một việc theo tinh thần Tin Mừng để chia sẻ với người đau khổ sống bên cạnh bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng, không viện lý do này khác để tránh né việc thực thi công bằng và nhân ái.

Thứ Hai tuần 5 TN

Th. Josephina Bakhita, trinh nữ
VỚI TẤM LÒNG CỦA CHÚA

Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi. (Mc 6,56)
Suy niệm: Chúa Giêsu không phải là thầy thuốc, nhưng người đau ốm bệnh tật ở khắp nơi đều tuốn đến với Ngài. Không tự mình đi được thì nhờ người khác cáng tới. Vì “bất cứ ai chạm đến Người – dù chỉ là tua áo choàng của Người – thì đều được khỏi” (Mc 6,56). Đừng vội chê trách họ có đầu óc lợi dụng! Có những người đã hằng chục năm tìm thầy chạy thuốc mà vẫn tiền mất tật mang! Có những người đã từng nằm vô vọng chờ một phép lạ xảy đến cho mình nhưng nào có thấy! Chúa Giêsu không chê trách nhưng đón nhận họ với lòng thương xót. Lòng thương xót ấy biểu lộ qua cách Ngài thi thố quyền năng. Những ai đến với Người, Người luôn mở rộng vòng tay chờ đón. Người luôn trao ban hết con người, hết thời giờ, hết quyền năng Người cho họ. Điều quan trọng là Ngài không dừng lại ở chỗ chữa lành bệnh thể xác mà còn ban cho họ niềm tin để được cứu độ.
Mời Bạn: Mọi Kitô hữu đều là những tông đồ của Chúa giữa thế giới. Rao giảng lời Chúa thì cũng phải có tấm lòng như Chúa, một tấm lòng biết thương xót. Trong mọi hoàn cảnh, người tông đồ đích thực của Chúa không thể thiếu tính cách phục vụ yêu thương và quên mình như Thầy Giêsu.
Chia sẻ: Trong cuộc sống hằng ngày, bạn làm gì để sống và thể hiện lòng thương xót Chúa cho anh em?
Sống Lời Chúa: Thăm viếng bệnh nhân hoặc phụ giúp người già, khuyết tật neo đơn trong khu xóm của bạn.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.

samedi 6 février 2010

Chủ nhật 5 TN C

TIN VÀO SỨC MẠNH LỜI CHÚA
“Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” (Lc 5,11)
Suy niệm: Phêrô Ngư Phủ đánh bắt cá giỏi hơn Giêsu Thợ Mộc, đó là điều chắc chắn. Thế nhưng, với Phêrô còn có một điều chắn chắn hơn: sức mạnh kỳ diệu của Lời Đức Giêsu, Lời đã chữa cho mẹ vợ ông khỏi cơn sốt (Lc 4,39). Vì tin vào sức mạnh của Lời ấy, ông gạt bỏ đi kinh nghiệm nghề nghiệp lâu năm của mình, cũng như vượt thắng sự mệt nhọc sau một đêm trắng tay. Mẻ cá dư dật minh chứng cho niềm tin đúng đắn của ông, đồng thời khai mở cho ông một cái nhìn mới. Từ nay Đức Giêsu không chỉ là một vị thầy (5,5), nhưng còn là Chúa của ông (5,8). Ông không còn là người chuyên đánh bắt cá nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng là người thu phục người khác về cho Chúa. Niềm tin vào Lời Chúa đã đổi hẳn đời ông.
Mời Bạn: Bạn có thể dựa vào kinh nghiệm sống để cho rằng Lời Chúa viển vông, không khả thi trong thực tế. Cũng có thể do ngã lòng quá sớm, mệt mỏi trong cuộc sống, bạn không muốn thực hiện theo Lời Chúa dạy. Cuộc đổi đời của Phêrô hôm nay có thể giúp bạn có một cái nhìn mới về Lời Chúa.
Chia sẻ: Người Kitô hữu Việt Nam cần làm gì để Lời Chúa có một vị trí tương xứng hơn trong cuộc đời của họ?
Sống Lời Chúa: Chọn một câu Lời Chúa như kim chỉ nam cho sinh hoạt của mình, và nỗ lực sống theo Lời ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa không ép ông Phêrô chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá, nhưng chỉ gợi ý mời gọi ông. Ngày hôm nay, con tin chắc Chúa cũng đang đưa ra những lời gợi ý mời gọi tương tự như vậy. Xin cho chúng con, tựa như ông Phêrô, tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của Lời Chúa và hết lòng thực hiện Lời ấy. Amen.

vendredi 5 février 2010

Thứ Bảy tuần 4 TN

Th. Phaolô Miki và các bạn tử đạo
THEO NHỊP ĐIỆU ĐỜI SỐNG
“Anh em hãy lánh riêng ra đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi.” (Mc 6,31)
Suy niệm: Một người đốn củi thuê mải mê làm việc, tưởng sẽ kiếm được nhiều tiền. Thế nhưng, sau ba ngày làm việc anh bị chủ sa thải. Chỉ vì mải làm, anh quên mất mài dụng cụ, khiến năng suất những ngày sau suy giảm. Cũng vậy, đời sống gồm có hai nhịp: hoạt động và nghỉ ngơi, gặp Chúa, thờ phượng Ngài và gặp gỡ, phục vụ con người. Ta không thể làm việc với năng suất cao nếu không có thời gian nghỉ ngơi thích hợp. Tương tự, ta không thể sống đạo tốt nếu không có thời gian tiếp xúc với Chúa, sống mối tương giao thân tình với Ngài trong thinh lặng. Sau khi các môn đệ kết thúc hành trình truyền giáo, Đức Giêsu nhắc các ông thời gian “mài dụng cụ,” để công việc tông đồ các ông sẽ khởi sắc hơn.
Mời Bạn: Bạn chỉ có thể phục vụ người khác trong vui tươi và với lòng yêu mến khi bạn tiếp sức với Đấng là nguồn sự sống, để nhận sức mạnh nâng đỡ của Ngài. Bạn sẽ là môn đệ trung tín của Chúa nếu bạn dành cho Ngài một chút thinh lặng với Ngài mỗi ngày.
Chia sẻ: Làm sao để tạo sự quân bình giữa hai nhịp điệu của đời sống?
Sống Lời Chúa: Duyệt xét lại đời sống, xem tại sao mình hay nóng giận, dễ gắt gỏng; dành 5 phút mỗi ngày cầu nguyện riêng tư, tâm sự với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi bị rã rời vì trăm công nghìn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa. Khi bị xao động bởi những bận tâm và lo âu, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Ngài. Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được nhờ mang đôi cánh thần kỳ cầu nguyện. (Rabbouni)

jeudi 4 février 2010

Thứ Sáu tuần 4 TN

Th. Agata, trinh nữ, tử đạo
ĐỪNG “CHÉM” LƯƠNG TÂM!
“Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy!’’ (Mc 6,16)
Suy niệm: Bộ Tam Quốc Chí thuật lại chuyện Tào Tháo bị ảo giác trước khi chết: ông thấy oan hồn những người đã bị ông ám hại, nay hiện về đòi mạng. Dưới góc độ tâm lý học, nỗi ám ảnh như thế là hậu quả của tiếng lương tâm suốt đời bị bóp nghẹt nay vùng dậy như một tiếng kêu gào, đòi chủ thể của nó phải trả món nợ trách nhiệm về những sai trái ông đã gây ra. Gioan Tẩy Giả chính là đại diện cho tiếng nói lương tâm. Lời của ông là lời của công lý, nhà vua “rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.” Thế nhưng dục vọng đã khiến tiếng nói ấy bị bóp nghẹt, nhà vua “nhắm mắt đưa chân” làm điều xằng bậy và cuối cùng “tay cũng nhúng chàm” sát hại con người dám can gián ông và nói cho ông điều hay lẽ phải. Chém đầu Gioan là Hêrôđê “chém” chính lương tâm của mình. Không lạ gì một người độc ác như ông lại bị ám ảnh sâu xa bởi cái chết của Gioan Tẩy Giả đến thế.
Mời Bạn: Chẳng có ai nội trong một sớm một chiều “chém đầu” lương tâm. Ngay từ đầu người ta cũng “thích nghe” tiếng lương tâm đấy chứ! Thế nhưng chỉ vì người ta đã “phân vân”, do dự, thoả hiệp với sự ác thay vì mau mắn quyết liệt và triệt để nghe theo lẽ phải mà người ta đi dần đến chỗ “bịt miệng”, “bỏ tù” lương tâm. Từ đó đến chỗ “xử trảm” lương tâm nào có còn bao xa! Phần bạn, có khi nào bạn đã “chém đầu” tiếng lương tâm của mình chưa? Bạn ơi, ngày hôm nay nếu bạn nghe tiếng Chúa, bạn đừng cứng lòng, bạn nhé! (x. Tv 94).
Sống Lời Chúa: Thường xuyên kiểm điểm đời sống để bồi dưỡng lương tâm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết đào luyện và nghe theo tiếng lương tâm trong con.

mercredi 3 février 2010

Thứ Năm tuần 4 TN

ĐẦU TƯ BẢO HIỂM Ở ĐÂU?
Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng. (Mc 6,8)
Suy niệm: An toàn vốn là một nhu cầu cơ bản và chính đáng của con người. Trong một xã hội tiêu thụ, nó được khai thác tối đa để kéo dài mãi cuộc sống hưởng thụ, để thoả mãn đủ loại nhu cầu, từ hạ đẳng cho đến thượng đẳng. Vì thế, người ta nghĩ đến chuyện “bảo hiểm”, nghĩa là “bảo đảm khỏi mọi hiểm nguy”! Trong một xã hội càng văn minh, càng giàu có, con người càng tìm mọi cách có thể để bảo đảm cuộc sống cho mình: từ tiện nghi vật chất đến sức khỏe, sắc đẹp, tài năng… Bi đát thay, có gì bảo đảm trong cuộc đời này! Bài học suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua cho thấy mọi thứ bảo hiểm vẫn là hết sức mong manh. Và tệ hơn cả, sự ỷ lại thái quá vào những thứ “bảo hiểm” đó làm người ta mất đi óc “mạo hiểm,” một đức tính cần thiết cho mọi tấm lòng muốn yêu thương. Vậy mà “sống trong đời sống,” ai lại không “cần có một tấm lòng”?
Mời Bạn: Các tông đồ được sai đi rao giảng là dấn thân vào một cuộc mạo hiểm phải từ bỏ mọi thứ bảo hiểm cho sự an toàn của chính mình. Nhưng ngoài những cái các ông “không mang” thì các ông lại được ban quyền năng của Đức Kitô để rao giảng, trừ quỷ và chữa bệnh. Các môn đệ Chúa phải dám mạo hiểm nhưng là cuộc mạo hiểm kỳ thú vì có Chúa vẫn đồng hành với họ.
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng chấp nhận những hệ luỵ khi dấn thân làm một việc bác ái hay bênh vực cho lẽ phải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa chính là bảo hiểm an toàn tuyệt đối cho những ai muốn làm môn đệ Chúa. Xin cho chúng con biết “đầu tư” nơi Chúa, và chỉ một mình Chúa mà thôi. Amen.

mardi 2 février 2010

Thứ Tư tuần 4 TN

Th. Blasiô, giám mục, tử đạo
QUÁ NHIỀU DẤU HỎI
“..Bởi đâu ông ta được như thế?… Chị em của ông không phải là bà con lối xóm của chúng ta sao?…” (Mc 6,2-3)
Suy niệm: Bài Tin Mừng có sáu câu mà số câu hỏi đã chiếm hết năm câu rồi! Các câu này xoay quanh gốc gác, thân thế, sự nghiệp không lấy gì làm vẻ vang của Chúa Giêsu và bà con của Ngài. Người đồng hương đặt ra lắm câu hỏi như thế chẳng phải để Chúa trả lời mà chính họ đã tự trả lời; và câu trả lời nào cũng là cớ cho họ bị “vấp ngã” vì họ thiếu lòng tin. Sự tầm thường, mộc mạc mà Chúa Giêsu mặc lấy trong thân phận nhập thể có khi là bức tường ngăn trở ta khám phá bản tính Thiên Chúa được ẩn giấu ở sau lưng bức tường đó! Thế nên muốn tiếp cận và hiểu được con người Giêsu, đức tin là cần thiết, là chìa khóa mở ra cho ta những thực tại tiềm ẩn nơi Con Người ấy.
Mời Bạn: Đức Tin là ơn Chúa ban không phải để dập tắt những vấn nạn của con người truy tìm những chân lý mầu nhiệm của Thiên Chúa nhưng là để giúp ta lĩnh hội được những mầu nhiệm vượt quá tầm mức của trí năng. Đức Tin giống như hạt giống được Chúa gieo vào tâm hồn tín hữu cần được chăm sóc để lớn lên nhờ việc học, hiểu và thực hành giáo lý, Lời Chúa.
Chia sẻ: Cộng đoàn của bạn có chương trình bồi dưỡng giáo lý và bạn có tham gia những chương trình này không?
Sống Lời Chúa: Cố gắng duy trì 5-10 phút mỗi ngày cho Lời Chúa hoặc theo học một giáo lý tại cộng đoàn của bạn để bồi dưỡng đời sống đức tin của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấu hiểu phép lạ mà Chúa chờ đợi ở nơi con là chính việc con tín thác hoàn toàn vào Chúa, dù cuộc đời này có ngả nghiêng, chao đảo đến bao nhiêu!

lundi 1 février 2010

Thứ Ba tuần 4 TN

Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh
ĐỂ DÂNG HIẾN CON CHO CHÚA
Khi đã đến ngày thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa. (Lc 2,22)
Suy niệm: Luật Môsê qui định người mẹ sinh con trai sau bốn mươi ngày phải được thanh tẩy và dâng hy lễ tạ tội là một con chiên hoặc “một đôi chim gáy hay cặp bồ câu non” (Lv 12,1-8). Còn trong trường hợp sinh con trai đầu lòng thì phải dâng hiến cho Thiên Chúa và rồi chuộc lại bằng 5 đồng sê-ken (Xh 13,13; Ds 18,15-16). Tưởng chừng như thánh Giuse và mẹ Maria chỉ cố làm trọn những gì lề luật buộc, nhưng Tin Mừng lại soi rọi cho thấy công việc đó mang những ý nghĩa cao cả: - không chỉ riêng người mẹ được thanh tẩy mà đây chính là “việc thanh tẩy của các ngài”; - việc đó được liên kết với việc dâng hiến con đầu lòng; - hai ngài bồng cả Giêsu con mình theo dù luật không buộc; và Phúc Âm không nói đến việc nộp 5 đồng sê-ken để chuộc con. Nếu như người con là hồng ân Chúa ban tặng được dâng lại cho Chúa như của lễ tạ ơn thì chính cha mẹ cũng cần được thanh tẩy để hiến lễ tạ ơn đó được thực sự xứng đáng.
Mời Bạn: Có ý kiến cho rằng thời nay các gia đình thường không đông con nên không khuyến khích con cái đi tu và đó là một trong những lý do làm cho ơn gọi tu trì sút giảm. Khi đặt ngày lễ dâng Chúa trong đền thánh làm Ngày Đời Sống Thánh Hiến hẳn Giáo Hội muốn nhắc nhở rằng để có những người con sẵn sàng tận hiến cuộc đời cho Chúa thì trước hết cần có những người cha mẹ thánh thiện và quảng đại.
Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa một hy sinh, từ bỏ một món ăn ưa thích, và xin ơn quảng đại đáp lại tiếng Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.