samedi 27 octobre 2012
Chúa nhật XXIX TN B
NHÌN
BẰNG CẶP MẮT ĐỨC TIN
“Lạy
ông Giê-su, Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo
anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng
thương tôi! ” (Mc 10,47-48)
Suy niệm: Không phải vô cớ mà có người nói: Cần phân biệt thị
giác và thị lực! Quả thật, lắm khi các bộ phận của thị giác có đầy đủ nhưng
người ta ‘nhìn’ mà vẫn không ‘thấy’, hoặc thị lực lại có vấn đề nên chỉ thấy
những hình ảnh mập mờ, méo mó. Ngược lại có người mắt mù nhưng lại ‘thấy’ tinh
tường hơn cả người sáng mắt, bởi vì họ nhìn với cả trí óc và con tim. Anh mù
Batimê là một trong số những người đó: Anh ‘nhìn’ bằng đôi tai thay cho cặp mắt
để nghe biết người đang đi qua đời anh “đó
là Đức Giêsu Nadarét.” Và nhờ ‘cặp mắt đức tin’ anh ‘thấy’ Đức Giêsu Nadarét chính là “Con Vua Đavít” có quyền năng chữa lành
anh. Được Chúa gọi tới, anh đã nói lên nỗi khao khát của anh: “Xin cho tôi được thấy.” Và Chúa đã đáp
lời: “Đức tin của anh đã cứu chữa anh!”
Mời Bạn: Nhìn bằng cặp mắt đức tin là cái nhìn ‘thấy’ được
Thiên Chúa trong mọi sự và ‘thấy’ được mọi sự trong Chúa. Đó là cái nhìn của
Đức Kitô, cái nhìn đầy lòng thương xót, biết nhạy bén cảm thông những nỗi niềm
của anh em; đó là cái nhìn bao dung, nhẫn nại để loan báo sứ điệp của Chúa “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Sống Lời Chúa: Kiểm tra thị lực thiêng liêng của mình bằng cách xét
mình: Trong việc này, việc khác, tôi có nhìn bằng cái nhìn của Đức Kitô không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho đôi mắt tâm hồn con được sáng, để
con thấy Chúa là tất cả, thấy anh em mình thật dễ thương, dễ mến và thấy con
càng nhỏ bé đi trong vòng tay yêu thương của Chúa. Amen.
Thứ Bẩy Tuần XXIX TN B
CƠ
HỘI ĐỂ SÁM HỐI
“Tôi
nói cho các ông biết, nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết
y như vậy.” (Lc 13,5)
Suy niệm: Gần đây báo chí tường
thuật nhiều trường hợp cái chết “từ trên trời rơi xuống:” những chiếc “xe điên”
bỗng dưng mất lái đâm thẳng vào nhà dân, gây thương tích, tử vong cho nhiều
người. Dân gian dễ lấy quan niệm “ác giả ác báo” để qui kết những người bị nạn
hoặc thậm chí cha ông họ đã ăn ở thất đức nên mới bị “quả báo nhãn tiền” như
vậy. Lời Chúa hôm nay cũng thuật lại thái độ tương tự của người Do Thái đối
với những người “chết oan” trong hai biến cố thời sự: Họ cho rằng hẳn là
những người gặp nạn đó bị Chúa trừng phạt vì họ tội lỗi hơn những người khác.
Chúa Giêsu bác bỏ lối lý giải kiểu “quét rác sang nhà hàng xóm” đó và mời gọi
mỗi người phải coi những biến cố như vậy như một lời cảnh báo, một cơ hội để
sám hối, vì “nếu không chịu sám hối thì
cũng sẽ chết như vậy.”
Mời Bạn: Một nhà thơ đã nói: “Mỗi cái chết của một người khác là một tiếng
chuông báo trước cho bạn biết về tương lai của chính mình”. Mọi biến cố xảy
ra đều là những lời nhắc nhở chúng ta luôn sẵn sàng cho những tình huống xấu
nhất đó bằng cách sống một đời sống tốt: Đó là luôn sống hết mình cho công việc
mà bạn đang đảm trách trong giây phút hiện tại này.
Sống Lời Chúa: Dành ít phút cuối
ngày để kiểm điểm và sám hối vì những lỗi lầm và để quyết tâm sửa đổi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, sám hối không phải là điều dễ dàng bởi lẽ chúng con không đủ khiêm
tốn để nhận mình lầm lỗi. Xin Chúa giúp chúng con biết hoán cải thực sự để dám
chấp nhận những cắt tỉa đớn đau và những hành động sửa lỗi cụ thể.
lundi 22 octobre 2012
Thứ Sáu Tuần XIX TN
NHẬN
BIẾT DẤU CHỈ THỜI ĐẠI
“Cảnh
sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại
không biết nhận xét?” (Lc 12,56)
Suy niệm: Chúng ta lắm khi bỏ
quên hiện tại chỉ vì mải tiếc nuối, mơ mộng về một quá khứ vàng son. Điều vẫn
thường xảy ra nhiều hơn đó là chúng ta vẫn nhìn vào hiện tại nhưng lại không
đọc ra dấu chỉ của nó để thấy được những bài học, chỉ dẫn cho tương lai. Lời
Chúa hôm nay cũng nói lên tình trạng đó nhưng trong lĩnh vực tinh thần và siêu
nhiên. Người ta biết quan sát trời trăng, nắng gió để đoán định thời tiết, biết
khảo sát thị trường để hoạch định việc sản xuất làm ăn. Thế nhưng trước những
“dấu chỉ của thời đại” thì người ta lại không đọc ra ý nghĩa của chúng; và nhất
là không nhận ra được thánh ý Chúa nơi những dấu chỉ đó.
Mời Bạn: Dấu chỉ của thời đại
ngày nay có nhiều. Có thể kể ra một số: a/ dấu chỉ tích cực: khao khát sự thật,
hoạt động cho công bằng xã hội của lớp người trẻ…; b/ dấu chỉ tiêu cực: chiến
tranh sắc tộc, thiên tai, giá trị đạo đức suy đồi, khuynh hướng tục hoá, hưởng
thụ… Những dấu chỉ đó có thể khích lệ ta mà cũng là lời cảnh báo ta. Chúng ta
không lạc quan “tếu” trước những dấu chỉ tích cực và cũng không quá bi quan vì
những tín hiệu tiêu cực. Quan trọng là “biết nhận xét” đúng-sai, lợi-hại. Cần
soi rọi chúng dưới ánh sáng Tin Mừng; việc đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày sẽ
giúp chúng ta đạt được điều đó.
Sống Lời Chúa: Trong giờ suy niệm
Lời Chúa, bạn nhìn lại một biến cố vừa xảy đến cho bạn và suy xét Chúa muốn nói
gì với bạn qua biến cố này.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin dạy con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn
ngoan.
Thứ Năm Tuần XIX TN
BÙNG
CHÁY NGỌN LỬA “GIÊSU”
“Thầy
đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng
lên.” (Lc 12,49)
Suy niệm: “Vũ khí mạnh nhất của thế giới là ngọn lửa bùng cháy trong tâm hồn con
người” (Thống chế Foch). Lửa mà Đức Giêsu ném vào mặt đất và muốn bùng lên
trong tâm hồn con người là lửa nào? Thưa là lửa từ Trái Tim của Ngài: lửa yêu
mến Chúa Cha, lửa yêu thương không giới hạn với con người. Vì lửa tình yêu ấy,
Ngài đã tự hủy, từ trời xuống thế làm người. Là lửa nhiệt thành của Chúa Thánh
Thần Tình Yêu bùng cháy lên trong tâm hồn các tông đồ ngày lễ Hiện Xuống, ngọn
lửa sưởi ấm trái tim nguội lạnh hai môn đệ trên đường Emmau sau khi gặp Đức
Kitô Phục Sinh. Đó cũng là ngọn lửa thanh luyện ta khỏi những cặn dơ của tính
hưởng thụ ích kỷ, thói tôn sùng cái tôi.
Mời Bạn: Để ngọn lửa tình yêu,
nhiệt thành ấy có thể bùng cháy lên trong trái tim, bạn cần -như Đức Giêsu-
phải dìm sâu trong trong một kinh nghiệm kinh khủng: từ bỏ mình, từ giã ý
riêng, từ biệt một số sở thích cá nhân. Vượt qua kinh nghiệm kinh khủng này,
với trái tim bùng cháy lửa “Giêsu,” bạn có thể làm được cả những điều tưởng như
ngoài tầm tay của mình.
Chia sẻ: Lửa “Giêsu” còn bùng
cháy trong nhóm, hội đoàn, hội dòng... của bạn không, hay đã lụi tàn?
Sống Lời Chúa: Từ hôm nay tôi sẽ làm
bùng cháy lên lửa “Giêsu” nơi trái tim mình bằng cách từ bỏ một sở thích không
hợp với tinh thần Tin Mừng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa mong ước ngọn lửa yêu thương, nhiệt thành bùng cháy lên
trong cộng đoàn chúng con. Xin cho trái tim chúng con bùng cháy lửa yêu thương,
nhiệt tình ấy qua cung cách sống mỗi ngày. Amen.
Thứ Tư Tuần XIX TN
Th. Antôn Maria Clarét, giám mục
ĐEM
ĐỜI VÀO ĐẠO, ĐEM ĐẠO VÀO ĐỜI
“Nhưng
nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng : ‘Còn lâu ông chủ mới về,’ thế rồi hắn bắt đầu
đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa. Chủ hắn sẽ đến vào ngày hắn không
ngờ, vào giờ hắn không biết, ông sẽ tống cổ hắn đi, bắt chung số phận với những
tên phản bội.” (Lc 12,45-46)
Suy niệm: Hiện diện như không
hiện diện, có vẻ đang vắng mặt nhưng thực ra vẫn ở bên cạnh ta, đó là cách thế
tế nhị Chúa dùng để giúp ta trưởng thành. Vì thế, lúc nào Chúa cũng có mặt
trong cuộc đời ta, nhưng một cách kín đáo. Tiếc thay ta lại hay quên điều quan trọng
này! Ta thường chia cuộc đời thành nhiều ô hộc, đời và đạo không hề dính líu,
quan hệ gì với nhau: ô hộc này có Chúa hiện diện như ô hộc nhà thờ, ô hộc đọc
kinh, v.v… còn ô hộc kia thì Chúa không có mặt hay chỉ có mặt một cách mơ hồ,
như ô hộc lao động, ô hộc sinh hoạt hằng ngày, ô hộc nghỉ ngơi… Trong những ô
hộc này, ta không hề nghĩ đến Chúa, thậm chí còn mời Chúa đi chơi chỗ khác cho
mình dễ làm ăn!
Mời Bạn: Chúa không bao giờ đi
vắng, nhưng luôn hiện diện trong cuộc đời bạn để khích lệ, nâng đỡ, an ủi, ban
ơn… Bạn luôn sống dưới cái nhìn yêu thương và bàn tay che chở của Chúa.
Sống
Lời Chúa: Để luôn nhớ của Chúa hiện diện,
bạn hãy: 1) đem đạo vào đời: sống Lời Chúa trong mọi sinh hoạt trần thế như
gia đình, lao động, học hành… 2) và đem đời vào đạo: dâng lên Chúa những
vui buồn của đời thường trong thánh lễ, kinh nguyện …
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn luôn hiện diện bên cạnh chúng con, nhưng bằng cách vô
hình, kín đáo, để giúp chúng con trưởng thành. Xin cho chúng con luôn sống
trưởng thành dưới cái nhìn yêu thương của Chúa.
Inscription à :
Articles (Atom)